GS.TS Vũ Văn Hiền, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương: Những giải pháp cơ bản
Dầu khí có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế toàn cầu cũng như đối với từng quốc gia. Bên cạnh những giá trị về kinh tế, ngành Dầu khí còn có vai trò quan trọng đối với chính trị toàn cầu.
Trong bối cảnh hiện nay khi giá dầu trên thế giới sụt giảm mạnh, nhiều nguồn năng lượng mới được phát triển thì ngành Dầu khí nói chung và ở Việt Nam đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Trước những thách thức, khó khăn đó đòi hỏi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) phải tiếp tục đổi mới, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau để nâng cao năng lực cạnh tranh, bắt kịp xu hướng phát triển của ngành năng lượng trên thế giới. Thực hiện tốt những định hướng, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước với ngành Dầu khí, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035. Xây dựng ngành Dầu khí bền vững, đồng bộ, mạnh về nhân lực, tài chính và khoa học – công nghệ, có khả năng cạnh tranh cao, chủ động hội nhập quốc tế và bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước; phát triển ngành Dầu khí theo hướng bền vững đi đôi với bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái, bảo đảm an ninh, quốc phòng, tăng cường sức mạnh bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
Cần coi trọng việc xây dựng nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ, xây dựng năng lực khoa học – công nghệ và năng lực tổ chức điều hành của bộ máy quản lý của ngành. Nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp; nâng cao chất lượng hệ thống quản trị, kiểm soát của doanh nghiệp trong ngành; thực hành tiết kiệm, tối ưu hóa nguồn lực, cải tiến quản lý sản xuất. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thu hút nguồn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, tăng cường liên doanh khai thác dầu khí ở vùng biển nước ta cũng như ở các quốc gia khác theo hướng thiết thực, hiệu quả, phục vụ cho phát triển nền kinh tế và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
PGS.TS Vũ Văn Hà – Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản: Tuân thủ các tiêu chuẩn kinh tế – kỹ thuật quốc tế
Là ngành đi tiên phong trong hội nhập kinh tế quốc tế từ thập niên 70-80 của thế kỷ trước, Dầu khí Việt Nam sớm có điều kiện cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh theo hướng đạt chuẩn quốc tế; giúp nâng cao năng lực sản xuất và dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp hơn. Và, hiện nay ngành công nghiệp dầu khí là ngành kinh tế trọng điểm của đất nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển của một số ngành công nghiệp mũi nhọn khác.
Ngành Dầu khí đóng góp hơn 20% trong tổng thu ngân sách quốc gia, đóng góp 16-18% GDP trong các năm qua. Việc đầu tư phát triển ngành Dầu khí có vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng nước nhà, nhất là trong khi ngành than khả năng gia tăng khai thác gặp nhiều khó khăn. Phải thúc đẩy phát triển ngành Dầu khí theo với mục tiêu tập trung nguồn lực, tạo cơ chế chính sách hợp với xu hướng phát triển của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế. Ngành Dầu khí Việt Nam không thể tách rời thị trường dầu khí toàn cầu, muốn phát triển phải xây dựng được ngành Dầu khí hiện đại, hoạt động hiệu quả, phải tuân thủ các tiêu chuẩn kinh tế – kỹ thuật quốc tế.
Cần khắc phục khó khăn khách quan từ sự cạnh tranh trên thị trường dầu khí do giá dầu giảm, đẩy mạnh tiết kiệm và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng nói chung, trong đó có dầu khí; đẩy mạnh việc cơ cấu lại các lĩnh vực hoạt động của Petrovietnam, phát triển đồng bộ các khâu của ngành công nghiệp dầu khí. Cần nâng cao năng lực cạnh tranh và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp dầu khí, mặt khác cần cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển: Trong thách thức luôn tiềm ẩn cơ hội
Muốn đánh giá mức độ hội nhập của ngành Dầu khí phải xem xét hai nội dung: Xác định khung khái niệm: Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế là gì và mức độ cam kết về ngành Dầu khí của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia.
Với các cam kết của Việt Nam thuộc các hoạt động của Petrovietnam trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (TPP, EVFTA) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là những định chế có mức độ hội nhập sâu rộng nhất thì mức độ hội nhập của ngành Dầu khí Việt Nam còn hạn chế. Điều này do tính nhạy cảm của ngành Dầu khí, trong đó có vùng biển đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của ta. Ngoài ra, cam kết như vậy, một mặt tạo điều kiện cho ngành Dầu khí Việt Nam có thời gian để chuyển đổi, tích lũy tiềm lực để phát triển nhưng mặt khác, cũng làm giảm động lực phấn đấu vươn lên trong một môi trường cạnh tranh. Cần nhớ rằng, trong thách thức luôn tiềm ẩn những cơ hội và có đối đầu với thách thức mới biết ta là ai và có thể làm được những gì!
TS Phan Ngọc Trung, Thành viên Hội đồng Thành viên Petrovietnam: Dẫn dắt ngành khác phát triển
Phải nói rằng tiềm năng dầu khí của Việt Nam không như chúng ta mong chờ, phần lớn nằm trên thềm lục địa. Trữ lượng thu hồi dầu của ta được xác định vào khoảng 750 triệu tấn. Hiện tại, chúng ta đã khai thác, đưa vào sử dụng hơn 430 triệu tấn, có nghĩa là chỉ còn gần một nửa. Về khí, chúng ta có khoảng hơn 730 tỉ m3 khí. Hiện tại chúng ta đã khai thác khoảng 170 tỉ m3. Vì vậy, trữ lượng dầu khí còn lại của chúng ta không còn nhiều.
Trong ngành công nghiệp dầu khí, Việt Nam tự hào là nước khai thác dầu duy nhất từ đá móng – đối tượng phi truyền thống, chưa bao giờ có dầu. Nhưng chúng ta phải đầu tư nhiều và rủi ro cũng cao hơn rất nhiều so với đối tượng bình thường. Hiện tại chúng ta khai thác được 200 triệu tấn từ đá móng, một con số làm thay đổi tư duy của toàn bộ các nhà địa chất dầu khí thế giới. Và khi họ đầu tư vào Việt Nam, họ cũng chủ yếu tập trung vào đối tượng này.
Mặc dù là người làm dầu khí nhưng tôi cũng không mong chờ ngành Dầu khí thường xuyên chiếm tỷ trọng quá cao trong GDP. Không phải chúng tôi không có trí tiến thủ mà chúng ta cần đặt trong cán cân chung của nền kinh tế, tôi muốn ngành Dầu khí phát triển nhưng tôi cũng muốn các ngành kinh tế khác phát triển hơn. Vì vậy, nên chăng chúng ta nên lấy dầu khí làm phương tiện dẫn dắt, làm động lực cho các ngành kinh tế, ngành công nghiệp khác phát triển thay vì chỉ nghĩ đến việc khai thác dầu và sử dụng nó; chẳng hạn như dịch vụ dầu khí hay cơ khí dầu khí – những điểm sáng của ngành Dầu khí.
Cần biết rằng, nhiều nước có tiềm năng dầu khí lớn nhưng cũng không phải giàu có, ngược lại ở những nước như Nhật Bản, tiềm năng dầu khí nhỏ nhưng công nghiệp dầu khí rất phát triển.
Đường lối chiến lược, chính sách về phát triển ngành Dầu khí của chúng ta hiện nay đã được thể hiện rõ trong Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tuy nhiên, để chiến lược đó có thể sớm đi vào thực tiễn, hội nhập quốc tế tốt hơn, tôi mong rằng sự phối hợp giữa các bộ, ngành được tăng cường hơn nữa; có sự nhìn nhận đầy đủ hơn, đánh giá đúng đắn về hoạt động, về tính đặc thù của ngành Dầu khí ở mọi cấp.
TS Ngô Thường San – Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam: Cần hoàn thiện mô hình tập đoàn kinh tế
Giá dầu thô giảm sâu từ sau năm 2014 và hiện dao động ở mốc 55USD/thùng (khoảng 420USD/tấn), trong khi giá dịch vụ, thiết bị không giảm với nhịp độ tương ứng làm các mỏ dầu truyền thống bị đóng cửa, nhiều công ty dầu quốc tế phá sản, bị bán, sáp nhập… đã tác động xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Petrovietnam ở mọi chỉ tiêu và còn hạn chế việc đầu tư ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 trong công nghiệp khai thác, chế biến dầu khí, chuyển đổi công nghệ truyền thống sang dây chuyền công nghệ hiện đại và hệ thống quản lý tự động hóa, số hóa.
Đặc thù công nghiệp dầu khí có tính rủi ro cao, đặc biệt ở khâu thăm dò khai thác. Xác suất thành công ở Việt Nam thường là 25-30% (tỷ lệ này còn cao hơn bình quân thế giới). Chi phí tìm kiếm thăm dò không thành công cần phải được xem là chi phí rủi ro. Do không được trích lập quỹ rủi ro thăm dò, nên các chi phí này biến thành nợ xấu, chịu lãi hằng năm. Nghịch lý là để bảo đảm mức sản lượng dầu khí cần phải gia tăng trữ lượng thăm dò nhưng càng mở rộng thăm dò thì nguy cơ tỷ lệ nợ xấu càng tăng, đó là một rủi ro lớn của ngành Dầu khí Việt Nam.
Nhiều mỏ dầu truyền thống chủ lực đã qua giai đoạn khai thác đỉnh, sản lượng khai thác hiện nay suy giảm mạnh, đòi hỏi phải đầu tư thêm các giải pháp công nghệ để tận khai (tận thu hồi dầu). Do thiếu vốn thăm dò nên xảy ra sự mất cân đối trầm trọng giữa gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác, xảy ra hiện tượng “tiêu lạm vào dự trữ”.
Mô hình Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam hiện nay về mặt khách quan chưa tạo được sự gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa các đơn vị thành viên trong Tập đoàn, nguồn lực bị xé lẻ, phân tán, tạo sự cạnh tranh nội bộ, (đặc biệt giữa các đơn vị dịch vụ, các đơn vị thiết kế xây lắp) thiếu sự kết nối công việc giữa các đơn vị đã làm suy yếu sức mạnh nội lực tổng hợp của Tập đoàn. Hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn mang nặng cơ chế xin – cho, thiếu tính tự chủ đã hạn chế rất nhiều đến hiệu quả của một tập đoàn kinh tế lớn.
Cần nhanh chóng nghiên cứu hoàn thiện mô hình hoạt động tập đoàn kinh tế Nhà nước (về quan hệ sản xuất) sao cho phù hợp với trình độ và chất lượng nguồn lực (lực lượng sản xuất). Cần phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách và pháp luật về tập đoàn kinh tế. Những tập đoàn kinh tế mũi nhọn có tính đặc thù cần phải thiết kế riêng khung pháp lý cho hoạt động đặc thù bao trùm toàn bộ chuỗi công nghệ cốt lõi để các tập đoàn này có thể tích tụ vốn thực sự, phát triển đa ngành và đa dạng hóa các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn và có tính tự chủ cao.
Trong tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế để tăng tích tụ, quy mô tài sản và lượng vốn hóa, tạo sức cạnh tranh lớn khi hội nhập quốc tế, chất lượng quản lý và quản trị doanh nghiệp cần xem xét khả năng cổ phần hóa ở quy mô toàn Tập đoàn, đồng thời tăng vốn sở hữu và quyền chi phối của công ty mẹ ở các công ty con, thay vì cổ phần hóa tối đa các công ty con và Nhà nước nắm quyền sở hữu công ty mẹ.
Trước tốc độ hội nhập sâu rộng, khi Petrovietnam chưa đủ thế và lực, để tạo sức cạnh tranh, năng suất lao động, cần phải phát huy sự liên kết nội lực, phát triển công nghệ ứng dụng, xây dựng công nghiệp phụ trợ tạo giá trị gia tăng cho các sản phẩm từ dầu khí và đặc biệt cần xây dựng hàng rào “chất lượng kỹ thuật” trong dầu khí vừa tạo rào chắn, tránh “trở thành bãi rác công nghệ lạc hậu” vừa bảo hộ cho các hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, xây lắp, cung ứng lao động… mà Việt Nam làm được.
Ngành Dầu khí là ngành kinh tế đặc thù cần có sự tiếp cận và ứng xử đặc thù. Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị và Nghị định 1749 của Thủ tướng Chính phủ đã định hướng về chiến lược, mục tiêu, cơ chế, khung pháp lý tạo đà cho giai đoạn phát triển mới của ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam đến năm 2035… cần được nghiêm túc triển khai.
GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng, nguyên Chủ tịch Tổng Công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam: Bản lĩnh người Dầu khí
Thử thách đối với Petrovietnam hiện nay là rất lớn và khá phức tạp. Nhưng khó khăn cũng đồng thời là cơ hội để vươn lên tự khẳng định mình. Không khó khăn nào giống khó khăn nào, không thử thách nào giống thử thách nào, nhưng để đối phó với khó khăn và thử thách thì chỉ có cách là phấn đấu đấu kiên cường, phát huy sáng tạo, trên dưới một lòng, nội bộ đoàn kết và hợp tác tốt.
Lịch sử 42 năm của Petrovietnam và truyền thống 56 năm (bắt đầu đi tìm dầu) của ngành Dầu khí Việt Nam là một chặng đường đầy gian nan thử thách nhưng cũng rất vinh quang. Các thế hệ dầu khí có thể tự hào với những đóng góp to lớn của mình cho đất nước. Petrovietnam luôn luôn giữ vững vị trí là doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam kể cả về doanh thu và nộp ngân sách.
Đối với xã hội thì làm tốt người ta khen, làm chưa tốt hoặc sai sót người ta chê là chuyện thường. Cũng có khi do người ta không hiểu hết hoặc hiểu sai nên họ phê phán, chê bai. Nhà máy Lọc dầu Dung Quất thời gian qua cũng đã bị hiểu oan khá nặng nề, không dưới một lần bị tai tiếng. Nào là “sống được là nhờ ưu đãi”, rồi “điệp khúc xin ưu đãi” và “ưu đãi đến đâu là đủ”… Trước “sóng gió” của dư luận, người lao động của NMLD Dung Quất vẫn âm thầm bám máy, không ngừng sáng tạo trong lao động. Thực tình là do cơ chế quản lý có những bất cập. Thế rồi, từ ngày 1-1-2017, Chính phủ đã bãi bỏ thu điều tiết đối với sản phẩm dầu, khí hóa lỏng, sản phẩm hóa dầu tiêu dùng trong nước, theo đó, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn được tự tính giá thành sản phẩm theo cơ chế thị trường, cho nên không cần “ưu đãi” gì cả nhà máy vẫn vận hành có hiệu quả trên công suất thiết kế, doanh thu lớn, lợi nhuận cao.
Cho nên, nếu người lao động dầu khí đoàn kết, trên dưới một lòng, quyết tâm khắc phục khó khăn trở ngại để vượt qua thách thức thì thời kỳ gian khó này Petrovietnam rồi cũng sẽ qua đi. Điều có tính nguyên lý là, chỉ có thành tựu đạt được mới chứng tỏ bản chất và bản lĩnh của một doanh nghiệp.
Ngân Hà