Sáng ngày 7/1, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021 ngành Công Thương. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự và chỉ đạo Hội nghị.
Cùng dự hội nghị còn có lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ; đại diện các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội; doanh nghiệp và các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có sự tham dự của Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng, Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. |
Năm 2020, cả nước phải đối diện với nhiều khó khăn khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu với tốc độ lây lan rất nhanh, diễn biến khó lường và mức độ nguy hiểm chưa từng có trong lịch sử đã tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế nói chung và ngành Công Thương nói riêng.
Phát biểu tổng kết hoạt động ngành Công Thương năm 2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, có 3 khó khăn, thách thức lớn ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội gồm: Dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp ngay từ những ngày đầu năm đã tác động rất sâu sắc tới nền kinh tế Việt Nam – là nền kinh tế có độ mở cao, hội nhập sâu rộng cùng nền kinh tế thế giới; Nhiều diễn biến thiên tai cực đoan, xảy ra trên nhiều vùng miền của cả nước; Tình hình kinh tế – chính trị trong khu vực và thế giới tiếp tục có những diễn biến hết sức phức tạp, nhanh và khó lường hơn trước.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: “Mặc dù đứng trước hoàn cảnh đặc biệt như vậy, song dưới sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng và sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, linh hoạt, chính xác, kịp thời của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, ngành Công Thương đã cùng cả nước nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách và đạt được kết quả toàn diện trong Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2020”.
Theo đó, ngành Công Thương đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, mục tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao trong Kế hoạch năm 2020, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước ở mức 2,91%, các nền tảng vĩ mô được bảo đảm, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, tái cơ cấu kinh tế đi vào chiều sâu. Trong đó, ngành Công Thương đã tiếp tục nỗ lực, kiên trì đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hướng về doanh nghiệp và người dân để hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh và ổn định đời sống của người dân.
Kết thúc năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu được 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019 và là một trong những nền kinh tế có tốc độ xuất khẩu cao nhất trên thế giới trong bối cảnh đại dịch Covid-19; xuất siêu ở mức cao kỷ lục 19,1 tỷ USD, qua đó ghi nhận 5 năm liên tiếp thặng dư cán cân thương mại. Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định trong hoạt động xuất nhập khẩu với việc tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm thứ hai liên tiếp đạt mức trên 500 tỷ USD.
Cùng với kết quả tích cực của xuất nhập khẩu, các ngành công nghiệp tiếp tục vươn lên, vượt qua khó khăn trong bối cảnh đứt gãy các chuỗi cung ứng. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2020 tăng 3,36%, tăng cao hơn so tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức cao 5,82%, tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng của nền kinh tế.
Đáng chú ý, hoạt động hội nhập quốc tế không những được duy trì trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu mà còn được thúc đẩy với nhiều phương thức mới và sáng kiến mới của Việt Nam được quốc tế và khu vực đồng thuận, đánh giá cao. Công tác đàm phán, ký kết và triển khai thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) đạt được kết quả quan trọng, đặc biệt là các Hiệp định như CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA…
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tổng kết hoạt động năm 2020. |
Năm 2020, Bộ Công Thương đã tham gia đóng góp tích cực trong việc đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc năm nhiệm kỳ 2020-2021 trong bối cảnh dịch Covid-19.
Như vậy, trong cả giai đoạn 2016-2020, Việt Nam tiếp tục là một thành viên tích cực, có nhiều đóng góp quan trọng cho ASEAN trong việc thúc đẩy các hoạt động hợp tác kinh tế, xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, đưa ASEAN trở thành khu vực năng động, phát triển và điểm đến đầu tư hấp dẫn. Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành liên quan triển khai đầy đủ các biện pháp, sáng kiến, ưu tiên phát triển cộng đồng kinh tế ASEAN, giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong các lĩnh vực như thương mại hàng hóa (cắt giảm thuế nhập khẩu và các rào cản phi thuế quan, thuận lợi hóa thương mại), thương mại dịch vụ và đầu tư, giao thông vận tải, hợp tác tài chính, chính sách cạnh tranh, nông nghiệp, năng lượng, kết nối ASEAN…
Hoạt động xúc tiến thương mại được đổi mới mạnh mẽ, thích ứng kịp thời với những tác động của dịch Covid-19, đã hỗ trợ tích cực cho các địa phương và doanh nghiệp trong cả nước tiếp tục khai thác tốt thị trường, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa cho doanh nghiệp và người nông dân.
Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, nhưng công tác bảo đảm ổn định cung cầu, giá cả hàng hóa; kiểm soát, xử lý vi phạm, nâng cao trật tự thị trường đã được triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đặc biệt trong các giai đoạn diễn biến phức tạp của dịch bệnh và thiên tai xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước.
Cùng với đó, quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế và triển khai Chính phủ điện tử được Bộ Công Thương kiên trì thực hiện, thúc đẩy triển khai và đi vào chiều sâu. Tới nay, với 2 đợt cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, đã có 880 điều kiện trong tổng số 1.216 điều kiện đầu tư kinh doanh được cắt giảm (chiếm 70% tổng số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực Công Thương); toàn bộ 295 thủ tục hành chính cấp Trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đã được triển khai trực tuyến ở mức độ 2 trở lên, trong đó có 220 dịch vụ công trực tuyến được thực hiện ở mức độ 3, 4 trực tiếp tại Cổng dịch vụ công của Bộ…
Bước sang năm 2021, tình hình thế giới và khu vực được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, nhanh và khó lường hơn trước; xu hướng bảo hộ mậu dịch, cạnh tranh chiến lược giữa các nền kinh tế lớn tiếp tục diễn ra gay gắt. Đặc biệt là dịch Covid-19 sẽ tiếp tục diễn biến rất phức tạp…
Bởi vậy, nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2021 của ngành Công Thương sẽ gắn chặt với một số nguyên tắc và yêu cầu căn bản: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tiếp tục thúc đẩy sản xuất kinh doanh; Tăng cường tốc độ xử lý việc công; Xây dựng cơ chế chính sách có tính thực chất, có hiệu quả đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; Lấy phát triển của doanh nghiệp làm mục tiêu và là trọng tâm cho hoạt động của ngành Công Thương, lấy hiệu quả và sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân làm thước đo của quá trình đổi mới và tái cơ cấu; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc, tăng cường phối hợp xử lý công việc gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử.
Cuối cùng, lãnh đạo các đơn vị trong toàn ngành Công Thương đang tập trung rà soát các mặt công tác để lo cho người dân đón Tết an toàn, đầy đủ. Đặc biệt là công tác quản lý thị trường, cung cầu, giá cả hàng hóa phục vụ Tết cho người dân. Đồng thời tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ngành Công Thương coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng trước tiên phải bảo đảm, vì sự an toàn và ổn định, phát triển của đất nước.
Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng phát biểu tham luận tại Hội nghị |
Tại hội nghị, đại diện các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp đã đóng góp một số tham luận, kiến nghị. Trong đó, đại diện cho khối doanh nghiệp Nhà nước, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Lê Mạnh Hùng đã báo cáo tại hội nghị về hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2020 của Tập đoàn và đưa ra các đề xuất, kiến nghị quan trọng để giải quyết các vướng mắc, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn trong năm 2021 và những năm sắp tới.
Theo đó, năm 2020 cú sốc mang tên Covid-19 đã làm đảo lộn cuộc sống và khiến nền kinh tế toàn cầu chao đảo. Đối với Petrovietnam, có thể khẳng định năm 2020 là năm khó khăn nhất trong lịch sử 45 năm thành lập. Tập đoàn vừa phải tập trung ứng phó với dịch bệnh, vừa phải ứng phó với suy giảm giá dầu thô chưa từng có trong lịch sử giao dịch dầu khí. Tuy nhiên, với ý thức đầy đủ về trách nhiệm của Tập đoàn đối với đất nước, mọi kết quả hoạt động của Tập đoàn đều ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng GDP và nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Ngay từ đầu năm 2020 với định hướng và phương châm chỉ đạo xuyên suốt: “Quản trị biến động, Tối ưu giá trị, Đẩy mạnh tiêu thụ, Nỗ lực vượt khó, Nắm bắt cơ hội, An toàn về đích”, cùng với bản lĩnh vững vàng, kịp thời ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả Gói giải pháp ứng phó tác động kép, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng vui mừng thông báo tại Hội nghị “Tập đoàn đã chính thức vượt qua “khủng hoảng kép””, đặc biệt là đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức một số chỉ tiêu quan trọng của năm 2020, tạo tiền đề vững chắc cho Tập đoàn những năm tới.
Đó là Petrovietnam có 2 phát hiện dầu khí mới là Kèn Bầu (Lô 114) và Sói Vàng (Lô 16-1/15); hoàn thành vượt mức 20% trước 6 tháng cho gia tăng trữ lượng là 15 triệu tấn cho năm 2020; sản lượng khai thác dầu khí đạt 11,47 triệu, vượt 8% so với kế hoạch. Đặc biệt là khai thác dầu cả trong và ngoài nước đều vượt kế hoạch; sản xuất xăng dầu của Petrovietnam đạt gần 12 triệu tấn, vượt kế hoạch đề ra; sản xuất đạm đạt 1,8 triệu tấn, vượt so với kế hoạch hoạch 15%; sản lượng khai thác khí đạt 9,16 tỷ m3 và sản xuất điện đạt 19,17 tỷ kWh.
Với kết quả như vậy và thực hiện gói giải pháp tối ưu được 11,9 ngàn tỷ đồng cho nên, dù giá dầu thô trung bình năm 2020 đạt 43,8 USD/thùng, bằng 73% so với mức giá kế hoạch năm Quốc hội thông qua (60 USD/thùng), các chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn đạt kết quả khá tích cực hơn so với mức độ suy giảm giá dầu, và đặc biệt ấn tượng hơn khi trong bối cảnh nhiều Tập đoàn/Công ty Dầu khí trên thế giới thua lỗ lớn, thậm chí phá sản. Nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn đạt 83 nghìn tỷ đồng.
Nhấn mạnh trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã giúp Petrovietnam giải quyết, tháo gỡ rất nhiều vưỡng mắc, khó khăn, trước những dự báo vô cùng khó khăn trong năm 2021, để hoàn thành những chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, thay mặt lãnh đạo Tập đoàn, Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng bày tỏ Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ cho Tập đoàn 7 nhóm công việc:
Một là sớm hoàn thiện nội dung điều chỉnh, sửa đổi Luật Dầu khí như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ hai là sửa đổi Nghị định 83 liên quan đến kinh doanh xăng dầu.
Thứ ba là tiếp tục đồng hành với Petrovietnam và Vinachem để thúc đẩy việc sửa Luật 71 liên quan đến thuế VAT đối với mặt hàng phân bón.
Thứ tư là vấn đề huy động khí từ các mỏ đang khai thác và trong các hợp đồng cam kết bao tiêu đối với EVN, Petrovietnam đề nghị Bộ Công Thương có chỉ đạo để cân đối huy động khí theo cam kết, vừa là hỗ trợ ngành Dầu khí nhưng cũng vừa đảm bảo lợi ích quốc gia, tránh việc phải đốt bỏ khí cũng như là không thu được ngân sách.
Thứ năm là xem xét hỗ trợ, xử lý, giải quyết các khó khăn của dầu khí liên quan tới khâu thượng nguồn tại các lô 05-3, mỏ Hải Thạch – Mộc Tinh, Thăng Long – Đông Đô, Ruby…
Thứ sáu Bộ hỗ trợ sớm hoàn tất công tác đàm phán bảo lãnh Chính phủ (GGU) cho dự án Lô B và đôn đốc các bộ/ngành, địa phương hỗ trợ Tập đoàn trong quá trình triển khai dự án Cá Voi Xanh…
Cuối cùng, với vai trò là đầu mối Tổ công tác, kính đề nghị Bộ Công Thương tham gia, hỗ trợ Petrovietnam trong quá trình đàm phán với nhà thầu Power Machines (PM) về phương án tiếp tục triển khai Dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1.
Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 triẻn khai nhiệm vụ năm 2021 ngành Công Thương. |
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ năm 2020 là năm với nhiều khó khăn, thách thức lớn, tác động và ảnh hưởng rất nặng nề không chỉ đối với nước ta mà còn đối với toàn thế giới.
Trong bối cảnh đó, nhờ có sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng, quyết tâm cao và sự nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn, bền bỉ của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân, chúng ta vẫn hoàn thành khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra với nhiều điểm mới vượt trội và dấu ấn nổi bật. Thành công đó có sự đóng góp quan trọng của ngành công thương, nhất là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, hội nhập, thương mại và xuất khẩu.
Hoan nghênh Bộ Công Thương thẳng thắn nhìn nhận các tồn tại, hạn chế trong năm 2020 cũng như giai đoạn 2016-2020 để có các biện pháp khắc phục trong thời gian tới, Thủ tướng lưu ý ngành công thương tiếp tục tập trung xử lý, khắc phục một số vấn đề. Đó là, đối với sản xuất công nghiệp, ngành công nghiệp mũi nhọn quốc gia còn thiếu và yếu, đặc biệt là ngành công nghiệp do chính doanh nghiệp Việt Nam làm chủ. Tăng trưởng một số ngành công nghiệp chưa ổn định, thiếu bền vững.
Ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng vẫn còn ở mắt xích có giá trị thấp. Các liên kết ngành vẫn còn mới manh nha, manh mún, khiến cho sức cạnh tranh chưa cao, đóng góp còn hạn chế. Một số ngành công nghiệp trọng điểm và truyền thống của một số địa phương đang bị suy yếu sức tăng trưởng trong khi nhiều địa phương vẫn chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn thực sự.
Xuất khẩu tăng mạnh nhưng nhập khẩu vẫn còn lớn, nhiều ngành công nghiệp vẫn chưa chủ động nguồn cung cấp trong nước. Thành phần kinh tế trong nước vẫn còn nhập siêu lớn. Tính đa dạng hóa về thị trường và sản phẩm chưa cao. Lợi thế cạnh tranh của hàng Việt Nam chủ yếu vẫn dựa trên giá cả chứ chưa phải dựa trên giá trị. Một số ngành công nghiệp tiềm ẩn ô nhiễm môi trường, nguy cơ xử lý môi trường sẽ rất tốn kém trong tương lai.
Đặc biệt nhiều dự án lớn chưa được khởi công. Chưa có nhiều thương hiệu quốc gia tầm cỡ. Nhiều quốc sản của Việt Nam vẫn chưa hiện diện trên bản đồ thế giới. Hiện chưa có một chiến lược quốc gia đưa hàng từ nông thôn lên thành thị. Công nghiệp ít có sự lan tỏa đến thu nhập, sức cầu của nền kinh tế. Hàng Việt Nam trong các siêu thị vẫn còn lép vế so với hàng có nguồn gốc nhập khẩu.
Trước bối cảnh đó, Thủ tướng đề nghị ngành công thương cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách với tầm nhìn dài hạn, nhất quán, tạo ra môi trường thuận lợi, đồng bộ hướng vào tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành. Tạo lập hệ thống đòn bẩy kinh tế hợp lý, ổn định và dài hạn để thúc đẩy phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội chủ yếu theo nguyên tắc cơ chế thị trường.
Nâng cao năng suất nội ngành của các ngành công nghiệp; phát triển ngành công nghiệp phải giảm phụ thuộc vào lợi thế không bền vững của nguồn tài nguyên như dầu thô, dầu mỏ, thay vào đó phải chuyển ngành công nghiệp dựa trên khai thác tự nhiên sang nền công nghiệp dựa trên nền tảng sáng tạo lấy khoa học công nghệ làm động lực và nền tảng cạnh tranh.
Phải coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo, là trọng tâm của sự phát triển ngành công thương để tiếp tục tạo ra thay đổi, nâng cao sức cạnh tranh bằng việc tạo ra môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tốt hơn nữa trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cơ cấu lại mạnh mẽ ngành công nghiệp, phải bám vào tăng năng suất, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt là ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đồng thời, chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sản xuất linh kiện, cụm linh kiện nhằm tham gia sâu và có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ngành cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, theo dõi sát diễn biến tình hình để có đối sách phù hợp. Chú trọng phát triển thị trường trong nước theo chiều sâu, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa; phát huy vai trò của các hiệp hội ngành hàng, người tiêu dùng. Làm tốt hơn nữa công tác thị trường, bao gồm cả dự báo, cân đối cung cầu, cả phát triển thị trường mới và đặc biệt là xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam…
Năm 2021, Quốc hội giao chỉ tiêu tăng trưởng GDP là 6%. Chính phủ phấn đấu đạt tăng trưởng 6,5% với các động lực tăng trưởng chính là xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư. Để “cỗ xe tam mã” này tiếp tục phát huy trong năm 2021 với quy mô lớn hơn, Thủ tướng đề nghị ngành công thương tiếp tục phấn đấu đạt kết quả mọi mặt tốt hơn năm 2020, tổ chức thực hiện tốt phương châm “đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển” để phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào phát triển đất nước.
“Toàn ngành công thương phải lo phục vụ tết cho nhân dân, không để thiếu hàng hóa, nhất là vùng xa, các trung tâm lớn”, Thủ tướng nói. Cùng với đó, toàn ngành phải lo phòng chống COVID-19 thật tốt.
Thành Công