Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước cũng như ngành Dầu khí, việc nâng cao trình độ, bồi dưỡng năng lực người lao động phù hợp với yêu cầu phát triển mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Công đoàn Dầu khí Việt Nam giai đoạn 1993 – 1998.
Trong những năm đầu thập niên 90 thế kỷ XX, công cuộc đổi mới đất nước đã đạt những thành tựu bước đầu quan trọng. Kết quả lớn nhất là đã khắc phục được một bước rất quan trọng cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội. Các yếu tố tiềm năng được tạo dựng trong kế hoạch tạo đà trước đó bắt đầu chuyển hóa thành nguồn lực cho quá trình phát triển. Các chính sách bao vây cấm vận từng bước được dỡ bỏ, đây là thời kỳ đất nước dần hội nhập vào đời sống kinh tế quốc tế, trong đó có lĩnh vực dầu khí.
So với yêu cầu phát triển mới, trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, lao động Ngành Dầu khí còn không ít bất cập, cơ chế thị trường đang ở giai đoạn sơ khai tác động không nhỏ đến tâm lý của cán bộ, công nhân viên chức.
Công đoàn Dầu khí Việt Nam (CĐ DKVN), sau khi thành lập đã phát huy truyền thống của ngành, khắc phục những khó khăn, thúc đẩy phong trào công nhân viên chức, lao động đáp ứng đòi hỏi phát triển của Ngành, góp phần vào sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Sau thời gian hơn một năm ổn định, củng cố tổ chức, Đại hội đại biểu CĐ DKVN lần thứ I được tổ chức trong hai ngày 10/5 và 11/5/1993 với sự tham dự của 120 đại biểu chính thức, đại diện 19 Công đoàn cơ sở và gần 8.000 cán bộ, đoàn viên. Đây là lần đầu tiên những đại biểu của đội ngũ cán bộ, công nhân lao động Ngành Dầu khí được tụ họp để cùng nhìn nhận, đánh giá những công việc đã làm được và chưa làm được, đề ra mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ cho thời gian tới.
Đoàn Chủ tịch Đại hội Công đoàn Dầu khí Việt Nam lần thứ I
Trải qua 30 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, phong trào công nhân lao động ngành Dầu khí đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với nhận thức sâu sắc về vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trước yêu cầu phát triển toàn diện của ngành, Đại hội định rõ mục tiêu hoạt động trong những năm tiếp theo là: “Vì lợi ích và sự lớn mạnh của đội ngũ giai cấp công nhân lao động Dầu khí, Vì sự ổn định phát triển của ngành, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động Công đoàn Dầu khí Việt Nam”.
Đại hội nhấn mạnh lợi ích của mỗi người gắn liền với lợi ích của đơn vị, của ngành, của đất nước, xây dựng ngành lớn mạnh, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh là nghĩa vụ, trách nhiệm, vừa là hành động bảo vệ lợi ích thiết thân của mỗi cán bộ, công nhân viên trong ngành, các tổ chức CĐ DKVN tập trung vào thực hiện các phương hướng, nhiệm vụ. Trong đó, tham gia quản lý, chăm lo bảo vệ lợi ích người lao động là nhiệm vụ trung tâm. Ngoài ra, CĐ DKVN cần tập trung xây dựng đội nghị cán bộ, người lao động Dầu khí có văn hóa, có trình độ khoa học – kỹ thuật, văn minh lịch sự, gắn với cộng đồng xã hội, tin tưởng vào sự lãnh đạo và đường lối đổi mới của Đảng, hiểu rõ nghĩa vụ và quyền lợi của mình; xây dựng sự đoàn kết, hợp tác, hỗ trợ nhau Vì sự nghiệp chung
Xác định công tác tổ chức, cán bộ của Công đoàn là nhiệm vụ hàng đầu đối với việc nâng cao vai trò, vị trí của tổ chức Công đoàn. Công đoàn các cấp phải tập hợp được mọi người lao động đang làm việc trong Ngành Dầu khí, thuộc các thành phần kinh tế, kể cả những người đang làm trong các công ty dầu khí nước ngoài tại Việt Nam, tự nguyện tham gia hoạt động công đoàn, phấn đấu vì sự nghiệp dầu khí và sự nghiệp dân giàu – mạnh, xã hội văn minh.
Người lao động Dầu khí (Ảnh tư liệu)
Đứng trước hàng loạt các thách thức và yêu cầu bức bách đặt ra đối ngành công nghiệp mũi nhọn, để có được các giải pháp đúng đắn liên quan đến tổ chức, công việc và chính sách xã hội, CĐ DKVN và các công đoàn cơ sở đã đi sâu tìm hiểu tình hình tư tưởng, tâm trạng, nguyện vọng của công nhân lao động để có những giải pháp trong công tác tuyên truyền, giáo dục vận động Công nhân và tổ chức các phong trào có hiệu quả. Các mục tiêu, phương hướng hoạt động được cụ thể hóa kịp thời, vì những nội dung, biện pháp thiết thực cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm.
Công đoàn tổ chức cho công nhân lao động học tập Bộ Luật lao động, Luật Công đoàn, Luật Doanh nghiệp… Do các cấp công đoàn làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nên người lao động nhận thức và nắm chính sách, pháp luật; trình độ nhận thức chính trị, ý thức trách nhiệm của đội ngũ công đoàn viên được nâng cao một bước; ngày càng hiểu sâu sắc hơn về chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của công nhân lao động.
Công đoàn Dầu khí Việt Nam tập huấn nghiệp vụ công tác đoàn tại Vũng Tàu
Cán bộ, công nhân viên và lao động trong các xí nghiệp liên doanh, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài tích cực học tập, học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu những kiến thức mới trong quản lý kinh tế và khoa học – công nghệ, đã có nhiều cố gắng trong lao động sản xuất, xây dựng tập thể lao động quốc tế lành mạnh.
Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, công nhân lao động ngành Dầu khí, dù làm trong nhiều loại hình doanh nghiệp, các đơn vị khác nhau để nhận thức rõ yêu cầu phải học tập, lao động với năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, đóng góp vào sự nghiệp đổi mới của Đảng, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, xây dựng Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam phát triển gắn liền với đó là lợi ích người lao động được đảm bảo.
Dưới sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Công đoàn Dầu khí, phong trào công nhân viên chức, lao động trong 5 năm (1993-1998) có bước phát triển vượt bậc, góp phần vào những thành tựu rất cơ bản trên nhiều mặt của ngành Dầu khí, về hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, tàng trữ, dịch vụ, chế biến và phân phối sản phẩm dầu khí.
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của ngành Dầu khí Việt Nam, đội ngũ cán bộ kỹ thuật, quản lý, công nhân của ngành tăng nhanh về số lượng và nâng cao về trình độ, năng lực. Năm 1993, toàn ngành có 7.994 cán bộ, công nhân viên thì đến giữ năm 1998 đã tăng lên 12.850 người, phân bố trong các lĩnh vực khai thác dầu và khí, dịch vụ dầu khí, sản xuất chế biến dầu công nghiệp và hóa chất, vận tải, chế biến và kinh doanh sản phẩm khí và các cơ quan quản lý, đơn vị sự nghiệp.
Bên cạnh đó, ngành còn có 14 nhà thầu hoạt động với tư cách là người điều hành các hợp đồng chia sản phẩm và hợp đồng hợp tác kinh doanh, trong đó có 554 lao động là người Việt Nam; có 11 liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có 332 lao động là người Việt Nam; và 2 liên doanh trong nước.
Công nhân hàn bậc cao được cấp chứng chỉ quốc tế của Anh đang hàn chân đế giàn khoan (Ảnh tư liệu)
Đội ngũ công nhân lao động dầu khí đa số là trẻ, tuổi đời chủ yếu từ 21 đến 40 (chiếm 76,9 % tổng số lao động). Số có trình độ trên đại học là 1,14%; đại học và cao đẳng là 33,8%; trung học và Công nhân kỹ thuật chuyên ngành 41%. Đây là nguồn lực quan trọng đóng góp vào sự tăng trưởng của Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam.
Là tổ chức tập hợp lực lượng cán bộ, công nhân, viên chức của một ngành kinh tế mũi nhọn, hoạt động của Công đoàn Dầu khí đã tập trung vào việc xây dựng đội ngũ công nhân lao động và tổ chức công đoàn vững mạnh có đủ phẩm chất, tri thức, đáp ứng nhu cầu của một ngành công nghiệp hiện đại; đẩy mạnh phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, khai thác nhiều dầu khí cho Tổ quốc, đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Sự phát triển mạnh mẽ và đồng bộ của Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam trên các lĩnh vực giai đoạn này, đặc biệt là nguồn nhân lực được tăng cường, tạo những tiền đề quan trọng cho sự phát triển ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam trong những chặng đường tiếp theo.
Hết kỳ 3.