02/10/2014 10:06:41

Một số thông tin về tư vấn Pháp luật và quy chế hoạt động Văn phòng tư vấn pháp luật Công đoàn ngành Dầu khí

* Trong hai ngày 30 và 31.10.2012 tại TPHCM, Tổng LĐLĐVN đã tổ chức sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết 04/NQ-TLĐ ngày 27/12/2010 của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN về “Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tư vấn pháp luật của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới”. Việc tổng kết này nhằm xác định rõ ràng hơn về công tác này nhằm củng cố nó, bởi quá trình hội nhập WTO cho thấy tới đây công việc của tổ chức Công đoàn sẽ đi sâu vào 3 lĩnh vực chính, đó là: Đoàn viên, đoàn phí và pháp luật.

Theo thống kê của Tổng Liên đoàn LĐVN tại hội nghị sơ kết, công tác tư vấn pháp luật (TVPL) của Công đoàn Việt Nam đã “ra đời” gần 20 năm, đến nay tổ chức Công đoàn có tới 14 Trung tâm TVPL, 35 văn phòng TVPL, gồm 272 cán bộ TVPL trực thuộc các Trung tâm và Văn phòng TVPL, 482 Tổ TVPL với 2.628 tư vấn viên… Chỉ tính trong năm 2011 và 10 tháng đầu năm 2012, hoạt động TVPL Công đoàn đã thực hiện 70.866 vụ việc (tăng trung bình 11.000 vụ việc/năm), trong đó TVPL và hỗ trợ pháp lý 54.908 vụ việc về pháp luật LĐ và CĐ; trực tiếp tranh tụng 2.551 vụ để bảo vệ NLĐ… Kết quả công tác TVPL đã có 1.381 NLĐ được nhận trở lại làm việc; tổng số tiền đoàn viên và NLĐ được bồi thường đạt trên 21,00 tỉ đồng. Tuy nhiên, kết quả trên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nhất là trong bối cảnh nền KT-XH đất nước và khu vực có nhiều biến động phức tạp ảnh hưởng đến quan hệ LĐ, đòi hỏi công tác TVPL phải được đổi mới và nâng cao hơn nữa.

Qua thống kê cho thấy: Không ít LĐLĐ tỉnh – thành và CĐ ngành TƯ vẫn chưa quan tâm đến Mục tiêu Nghị quyết 04, là: Đến 2013 phủ kín TVPL ở tất cả các cấp CĐ. Vì vậy, đến tháng 10.2012, vẫn còn 15/83 LĐLĐ địa phương và CĐ ngành chưa có bộ máy TVPL; 33/83 LĐLĐ địa phương và CĐ ngành chưa có trung tâm hoặc văn phòng TVPL. Thậm chí một số nơi còn không chịu duy trì bộ máy TVPL (như LĐLĐ Đồng Tháp, CĐ Than – Khoáng sản).

Bên cạnh đó, một số LĐLĐ không bố trí đủ cán bộ chuyên trách, gây ảnh hướng lớn đến công tác TVPL (như các trung tâm TVPL của BR-VT, Bình Phước, Cần Thơ, Long An, Nghệ An…). Về chất lượng cán bộ: Hiện chỉ có 75/272 cán bộ có trình độ cử nhân luật, khiến chất lượng công tác TVPL ảnh hưởng không nhỏ. Đã thế, không ít nơi còn bị động trong công tác TVPL; có nơi không đổi mới nội dung và phương pháp TVPL, làm cho công tác TVPL thiếu hấp dẫn; thậm chí có nơi còn “ngại” đại diện NLĐ tranh tụng trước tòa án…

Tại hội nghị, các ý kiến đều xác định tới đây cả hệ thống Công đoàn phải… “chuyển mình”, đẩy mạnh hoạt động TVPL, hỗ trợ pháp lý, và đại diện NLĐ trong tố tụng. Thế nhưng, nên chuyển hết các văn phòng thành trung tâm TVPL để có tư cách pháp nhân, có quyền tự nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật, phù hợp với quy định tại Nghị định 77/CP của Chính phủ. Đặc biệt, các đại biểu còn kiến nghị Đoàn Chủ tịch TLĐ cần sớm sửa đổi, bổ sung các QĐ số 785, 786 (2004), về tổ chức hoạt động TVPL; và QĐ số 883 về tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ chuyên trách tại các trung tâm TVPL, để có đủ nhân sự phục vụ đoàn viên và NLĐ.

* Thực hiện Nghị quyết 04/NQ-TLĐ ngày 27/12/2010 của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN về “Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tư vấn pháp luật của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới” và để đáp ứng các yêu cầu của đoàn viên và NLĐ Ngành Dầu khí. Công đoàn Dầu khí Việt Nam đã ban hành Quyết định số 30/QĐ-CĐDK ngày 11/01/2013 thành lập Văn phòng tư vấn pháp luật Công đoàn và Quyết định số 38/QĐ-CĐDK ngày 11/01/2013 ban hành Quy chế hoạt động của Văn phòng tư vấn pháp luật công đoàn.

Nội dung Quyết định số 38/QĐ-CĐDK như sau:

CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Tện gọi và địa chỉ.

Tên gọi: Văn phòng tư vấn pháp luật Công đoàn thuộc Công đoàn Dầu khí Việt Nam (gọi tắt là Văn phòng TVPL CĐ).

Địa chỉ: Tại cơ quan Công đoàn Dầu khí Việt Nam, Tầng 8, Toà nhà 18 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội, điện thoại 043.7725894/043.7725895.

Điều 2. Địa vị pháp lý.

1 – Văn phòng TVPL CĐ do Ban Thường vụ Công đoàn Dầu khí Việt Nam quyết định thành lập; chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp về tổ chức, chuyên môn, nghiệp vụ của Ban thường vụ Công đoàn Dầu khí Việt Nam, Ban Chính sách Pháp luật Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.

2 – Văn phòng TVPL CĐ được sử dụng con dấu của Công đoàn Dầu khí Việt Nam.

3 – Quản lý hoạt động của Văn phòng TVPL CĐ được thực hiện theo quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Công đoàn Dầu khí Việt Nam.

CHƯƠNG II
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA VĂN PHÒNG TƯ VẤN PHÁP LUẬT CÔNG ĐOÀN DẦU KHÍ VIỆT NAM

Điều 3: Chức năng của Văn phòng TVPL CĐ.

Văn phòng TVPL CĐ Có chức năng khai thác, cập nhật và cung cấp thông tin pháp lý phục vụ công tác pháp luật của Công đoàn; trực tiếp làm công tác tư vấn pháp luật tại Công đoàn; hướng dẫn, hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động cho đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn pháp luật của Công đoàn.

Điều 4: Nhiệm vụ của Văn phòng TVPL CĐ.

1 – Thường xuyên khai thác, cập nhật, tổ chức quản lý thông tin về chính sách, pháp luật của Nhà nước; các văn bản pháp luật mới ban hành, liên quan trực tiếp tới quyền và nghĩa vụ của công nhân viên chức lao động (CNVC-LĐ) và tổ chức công đoàn.

2 – Cung cấp thông tin pháp lý, các văn bản pháp luật có liên quan trực tiếp đến CNVC-LĐ và công đoàn phục vụ công tác điều hành, chỉ đạo của Ban Thường vụ công đoàn. Hỗ trợ về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng tư vấn pháp luật thông tin pháp lý và các văn bản pháp luật cho cán bộ công đoàn và các cấp công đoàn trong Công đoàn Dầu khí Việt Nam.

3 – Biên soạn (nếu có điều kiện) tài liệu phục vụ công tác tư vấn, hướng dẫn thực hiện pháp luật về lao động và công đoàn.

4 – Thực hiện các hoạt động tư vấn pháp luật tại Cơ quan Công đoàn Dầu khí Việt Nam theo điều 2 của Quyết định số 785/QĐ-TLĐ ngày 27/5/2004 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam quy định.

5 – Xây dựng trang Web và cung cấp các thông tin, nội dung cập nhật về hoạt động của Văn phòng tư vấn pháp luật công đoàn.

6 – Hướng dẫn các đơn vị thành lập Tổ tư vấn pháp luật công đoàn tại các công đoàn trực thuộc theo quy định của Quyết định số 785/QĐ-TLĐ ngày 27/5/2004 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.

CHƯƠNG III
TỔ CHỨC CỦA VĂN PHÒNG TƯ VẤN PHÁP LUẬT CÔNG ĐOÀN

Điều 5: Tổ chức của Văn phòng TVPL CĐ.

Văn phòng TVPL CĐ có Trưởng văn phòng và các tư vấn viên (thành viên) ở một số ban trực thuộc Công đoàn Dầu khí Việt Nam (đều thực hiện nhiệm vụ bán chuyên trách).

Điều 6: Quan hệ làm việc của Văn phòng TVPL.

Văn phòng TVPL CĐ có mối quan hệ phối hợp, hợp tác với các ban của Công đoàn Dầu khí Việt Nam. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, các ban có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện cho hoạt động của Văn phòng TVPL CĐ.

Văn phòng TVPL CĐ chịu trách nhiệm trước pháp luật và Ban Thường vụ Công đoàn Dầu khí Việt Nam khi tiến hành các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được quy định tại quy chế này.

Văn phòng TVPL CĐ có trách nhiệm định kỳ báo cáo kết quả hoạt động với Ban Thường vụ Công đoàn Dầu khí Việt Nam.

CHƯƠNG IV
QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA VĂN PHÒNG TVPL CÔNG ĐOÀN


Điều 7: Quyền và trách nhiệm của Văn phòng TVPL CĐ.

1 – Khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ Văn phòng TVPL CĐ có các quyền sau:

a/ Được đề nghị các cơ quan, tổ chức hữu quan cung cấp thông tin về những vấn đề có liên quan cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.

b/ Được kiến nghị với các cơ quan, đơn vị, tổ chức hữu quan về những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của thành viên Văn phòng TVPL CĐ khi thực hiện nhiệm vụ.

2 – Văn phòng TVPL CĐ có trách nhiệm:

a/ Tuân theo quy định của pháp luật và quy định của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam về hoạt động tư vấn.

b/ Chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các thông tin pháp lý, chất lượng nội dung tư vấn và đội ngũ tư vấn viên của Văn phòng.

Điều 8: Quyền và trách nhiệm của Trưởng Văn phòng TVPL CĐ.

1 – Trưởng Văn phòng TVPL CĐ có các quyền sau:

a/ Thực hiện quản lý hoạt động của Văn phòng TVPL CĐ theo quy định của pháp luật và quy định của Tổng Liên đoàn.

b/ Ký các văn bản theo thẩm quyền nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng TVPL CĐ.

c/ Tổ chức triển khai thực hiện các công việc theo sự phân công, ủy quyền của Ban Thường vụ Công đoàn Dầu khí Việt Nam.

2 – Trách nhiệm của Trưởng Văn phòng TVPL CĐ:

a/ Thực hiện các quy định của pháp luật và của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam;

b/ Chịu trách nhiệm trước pháp luật, Ban Thường vụ Công đoàn Dầu khí Việt Nam về toàn bộ hoạt động của Văn phòng TVPL CĐ.

Điều 9: Quyền và trách nhiệm của tư vấn viên, cán bộ Văn phòng TVPL CĐ.

1 – Tư vấn viên của Văn phòng TVPL CĐ có các quyền sau:

– Được tạo điều kiện tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng hoạt động;

– Được thực hiện tư vấn pháp luật trong phạm vi của Văn phòng tư vấn pháp luật công đoàn.

2 – Tư vấn viên (thành viên) của Văn phòng TVPL CĐ có trách nhiệm sau:

a/ Chấp hành sự điều hành của Trưởng Văn phòng TVPL CĐ.

b/ Thực hiện và hoàn thành các công việc được phân công.

c/ Chịu trách nhiệm trước Trưởng Văn phòng TVPL CĐ về kết quả thực hiện các công việc được giao.

CHƯƠNG V
QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC THÔNG TIN, TƯ VẤN PHÁP LUẬT

Điều 10: Đối tượng được phục vụ của Văn phòng TVPL CĐ bao gồm:

1 – Đoàn viên công đoàn

2 – Người lao động

3 – Các cấp công đoàn trực thuộc Công đoàn Dầu khí Việt Nam.

Điều 11: Quyền của đối tượng được phục vụ của Văn phòng TVPL CĐ

1 – Được cung cấp thông tin pháp lý và tư vấn pháp luật theo quy định của quy chế này.

2 – Tự mình hoặc ủy quyền cho người khác đề nghị cung cấp thông tin pháp lý và tư vấn pháp luật.

3 – Được giữ bí mật về nội dung đề nghị tư vấn pháp luật khi có yêu cầu.

4 – Được khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật đối với các hành vi gây phiền hà, cản trở hoặc hành vi vi phạm khác của Văn phòng TVPL CĐ.

5 – Các quyền khác theo quy định của Quyết định số 785/QĐ-TLĐ và Quyết định số 786/QĐ-TLĐ ngày 27/5/2004 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Điều 12: Trách nhiệm của đối tượng được phục vụ của Văn phòng TVPL CĐ.

1 – Xuất trình thẻ đoàn viên công đoàn hoặc giấy tờ xác nhận khác thuộc đối tượng tư vấn miễn phí của tổ chức công đoàn.

2 – Cung cấp đầy đủ, trung thực những thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung yêu cầu tư vấn pháp luật và chịu trách nhiệm về tính xác thực về những thông tin, tài liệu đó;

3 – Chấp hành nội quy, quy chế hoạt động của Văn phòng TVPL CĐ;

4 – Các nghĩa vụ khác theo quy định của Quyết định số 785/QĐ-TLĐ và Quyết định số 786/QĐ-TLĐ ngày 27/5/2004 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

CHƯƠNG VI
TÀI CHÍNH VÀ NHỮNG ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM HOẠT ĐỘNG CỦA VĂN PHÒNG TƯ VẤN PHÁP LUẬT CÔNG ĐOÀN

Điều 13: Chế độ tài chính của Văn phòng TVPL CĐ.

1 – Văn phòng TVPL CĐ được Công đoàn Dầu khí Việt Nam bảo đảm kinh phí hoạt động, bao gồm chi phí hành chính, chi phí bồi dưỡng cho tư vấn viên và các chi phí hợp lý khác.

2 – Văn phòng TVPL CĐ được tiếp nhận tài trợ của cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật và quy định của  Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.

Điều 14: Các điều kiện khác bảo đảm cho hoạt động của Văn phòng TVPL CĐ.

1 – Văn phòng TVPL CĐ được bố trí nơi làm việc phù hợp, bảo đảm thuận lợi cho hoạt động của Văn phòng TVPL CĐ.

2 – Văn phòng TVPL CĐ được trang bị các điều kiện, phương tiện nhằm bảo đảm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, trên cơ sở đề nghị của Văn phòng Cơ quan Công đoàn Dầu khí Việt Nam.

CHƯƠNG VII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15: Điều khoản thi hành

Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế do Ban Thường vụ Công đoàn Dầu khí Việt Nam quyết định trên cơ sở đề nghị của Văn phòng TVPL CĐ của Công đoàn Dầu khí Việt Nam.

Như vậy nhằm phủ kín tư vấn pháp luật ở các cấp công đoàn, các đơn vị cần thực hiện tốt Nghị quyết 04/NQ-TLĐ ngày 27/12/2010 của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN về “Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tư vấn pháp luật của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới”, phối hợp với Văn phòng tư vấn pháp luật Công đoàn Dầu khí Việt Nam để hướng dẫn, tổ chức hoạt động tư vấn pháp luật cho cán bộ tư vấn và đoàn viên, NLĐ tại đơn vị mình.

Nguyễn Văn Sỹ 
Ban Chính sách Pháp luật CĐ DKVN