Phải do người dầu khí xây dựng
Bất cứ doanh nghiệp nào đều phải có văn hóa doanh nghiệp (VHDN). Có VHDN thì doanh nghiệp mới trường tồn, phát triển. Vì vậy trong gần 60 năm qua VHDN của PVN liên tục được bồi đắp, xây dựng các quan niệm, tạo thành một truyền thống riêng của ngành Dầu khí.
Thông thường cán bộ, công nhân viên PVN đang hòa mình trong văn hóa dầu khí nên khó có thể xác định các truyền thống đó một cách khách quan của văn hóa dầu khí. Bởi vậy, chúng ta cần chắt lọc những nét ưu việt, loại bỏ các yếu tố không cần thiết hoặc quá phù phiếm, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của Tập đoàn.
CBCNV Công ty CP Đường ống Bể chứa Dầu khí cùng các đơn vị đang bảo dưỡng Nhà máy Đạm Cà Mau
Đề cập đến xây dựng cẩm nang văn hóa, ông Bùi Quốc Sơn đã thẳng thắn: “Cách đây 10 năm, Hội đồng Quản trị Tập đoàn cũng đã ban hành bộ Cẩm nang Văn hóa Dầu khí. Nhưng đây là một sai lầm khi xây dựng VHDN. Nguyên nhân vì trước đây chúng ta thuê một đơn vị tư vấn xây dựng VHDN và gần như phó mặc cho đơn vị tư vấn xây dựng văn hóa. Chính vì vậy sản phẩm đưa ra gần như không ăn nhập với văn hóa dầu khí”.
Ông Bùi Quốc Sơn dẫn dắt thêm, khi chúng tôi hỏi họ rằng, xây dựng văn hóa dầu khí mà không khảo sát, đọc lịch sử dầu khí… thì xây dựng văn hóa dầu khí theo giá trị cốt lõi gì? Họ mới trả lời rằng, họ xây dựng văn hóa dầu khí kiểu bác sĩ, họ tiến hành “thử máu”, phân tích các chất trong đó là biết cơ thể doanh nghiệp như thế nào, có khỏe mạnh hay không, lượng đường, lượng hồng cầu như thế nào, cần điều trị cái gì… Tóm lại thì cẩm nang văn hóa đó là một sản phẩm kiểu thương mại, na ná như các VHDN khác. Đặc biệt là gắn cho PVN những giá trị xa lạ, nhiều khi lại cao quá so với thực tế.
Về bản chất, VHDN là do người chủ doanh nghiệp đó xây dựng, về dầu khí thì văn hóa dầu khí phải do người dầu khí xây dựng. Do đó sẽ tạo nên một giá trị VHDN phù hợp với người dầu khí, có thể truyền đạt đến các thế hệ kế cận, tiếp tục bồi đắp và xây dựng ngày càng hoàn thiện hơn.
Giá trị cốt lõi văn hóa dầu khí
Cẩm nang Văn hóa dầu khí có 3 phần lớn: Thứ nhất là tổng quan về tầm nhìn, sứ mệnh và phương châm hành động. Đây có thể coi là cái nôi của văn hóa dầu khí thể hiện sự mong muốn, mục tiêu và phương thức hành động của người dầu khí. Thứ hai là nội dung quan trọng nhất trong cẩm nang căn cứ vào khảo sát trên toàn bộ quá trình hình thành và phát triển của ngành Dầu khí, đó là xác định giá trị cốt lõi của ngành Dầu khí; Cuối cùng là phong cách ứng xử của người dầu khí.
Về khẩu hiệu thì cần thấy rằng, khẩu hiệu của chúng ta trước đây có đầy đủ trách nhiệm đối với đất nước, hoài bão dân tộc rất lớn lao. Các khẩu hiệu về tầm nhìn, sứ mệnh này trong bối cảnh trước đây nộp ngân sách của Tập đoàn gần bằng thành phố Hồ Chí Minh, lợi nhuận của PVN hơn gấp đôi lợi nhuận của các tập đoàn hàng đầu. Trong khí thế đó chúng ta chưa lường trước được các rủi ro sẽ gặp phải như sản lượng dầu đi xuống, giá dầu sụt giảm mạnh. Do đó, chúng ta chưa có chuẩn bị thấu đáo về các mục tiêu sản xuất kinh doanh phù hợp.
Trong bối cảnh hiện nay, với quá nhiều biến động về mọi mặt, cần phải điều chỉnh lại các khẩu hiệu, tầm nhìn và sứ mệnh của Tập đoàn là việc cần thiết và chúng tôi cũng trên cơ sở xin ý kiến của lãnh đạo Tập đoàn, các thế hệ đi trước đã đưa ra một đề xuất trình HĐTV Tập đoàn. Tóm lại ngành Dầu khí muốn trở thành một tập đoàn như thế nào, có sứ mệnh ra sao thì sẽ phải phụ thuộc vào những gì ta đang có và chúng ta sẽ có cái gì.
Với những phân tích trên, nhóm nghiên cứu của Ban Quản trị Nguồn nhân lực PVN đã thống nhất chọn khẩu hiệu “Petrovietnam – năng lượng cho phát triển”.
Về hệ giá trị cốt lõi trong văn hóa dầu khí. Đây là phần khó xác định nhất. Khi đến tập đoàn khác có thể thấy rõ nét, cảm nhận được văn hóa của họ. Ví dụ như khi đến Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) thì dễ thấy họ có phong cách rất nhiệt tình, sôi nổi, vui vẻ. Còn FPT là tập đoàn “trẻ” nên họ không quan tâm lắm đến trang phục, vẻ ngoài như tóc tai, quần áo, thậm chí FPT còn quy định cả không cần phải chào hỏi nhau, họ còn tổ chức những lễ hội khá “kỳ quái” để phát huy tính sáng tạo… Bởi vậy có thể đưa ra nhìn nhận rằng, mỗi doanh nghiệp tùy đặc tính ngành nghề mà xây dựng VHDN phù hợp.
Quay lại với văn hóa dầu khí, từ những buổi đầu, lãnh đạo ngành Dầu khí đều là tướng lĩnh quân đội chuyển sang, là những tướng lĩnh tài ba, có đóng góp rất lớn vào chiến thắng vẻ vang cho dân tộc. Được cử về phụ trách ngành Dầu khí, chất lính và chất quân đội vẫn thấm đẫm trong công cuộc xây dựng ngành Dầu khí, đó là “tính tổ chức, kỷ luật, đoàn kết và tinh thần vượt khó”. Những phẩm chất đáng quý của Anh bộ đội Cụ Hồ đã được truyền cho các thế hệ dầu khí với tính kỷ luật, quyết liệt trong công việc sản xuất kinh doanh. Trong đời sống sản xuất kinh doanh hiện nay là tính chuyên nghiệp trong công việc. Chuyên nghiệp của ngành Dầu khí không phải là sự dập khuôn, sáo rỗng mà phải là sự sáng tạo không ngừng trong công việc, sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh tính chuyên nghiệp, giá trị về tri thức và trí tuệ của ngành Dầu khí. Trên thế giới đã tổng kết có 2 nghề khó nhất là thăm dò vũ trụ và nghề thứ hai là thăm dò dầu khí. Một nghề là làm việc trên 9 tầng mây, còn một nghề thì dưới sâu hàng nghìn mét trong lòng đất, đại dương. Tập đoàn chúng ta phát triển được như hiện nay là từ sự học hỏi, sáng tạo không ngừng của người lao động dầu khí. Trong thực tế, rất nhiều đối tác, doanh nghiệp làm việc cùng PVN đều đánh giá rằng, cán bộ của Tập đoàn được đào tạo cơ bản, có sự vượt trội về trình độ chung so với mặt bằng các tập đoàn ở nước ta.
Ở đây cần nói thêm rằng, để xác định giá trị cốt lõi của văn hóa dầu khí, nhóm nghiên cứu của ông Bùi Quốc Sơn đã đi sâu, khảo sát và nghiên cứu qua hết chiều dài lịch sử của ngành Dầu khí, qua 3 tập sách lịch sử của ngành Dầu khí, qua 3 giai đoạn khác nhau của Tập đoàn. Tiếp cận các nhân vật lịch sử tiêu biểu trong ngành, các câu chuyện văn hóa lịch sử tiêu biểu của dầu khí được lưu truyền; đúc rút những kinh nghiệm, trải nghiệm của các thành viên qua những năm tháng đặc biệt của Tập đoàn. Từ đó có thể khái quát, hệ thống hóa những giá trị chung nhất, có thể giúp ngành Dầu khí vượt qua khó khăn thử thách và phát triển đến ngày hôm nay.
Phần ba là nội dung về quy tắc ứng xử của người dầu khí. Nội dung quy tắc đạo đức ứng xử này về cơ bản xây dựng trên các mục tiêu, ý nghĩa ở phần một và phát triển những tinh túy trong giá trị cốt lõi của người dầu khí ở phần hai. Nguyên tắc chung của doanh nghiệp là trách nhiệm, công bằng và minh bạch, các quy tắc chung về ứng xử của văn hóa dầu khí là lịch sự, thân thiện, chuyên nghiệp và hiện đại.
Như vậy, có thể thấy rằng, dù có nhiều thăng trầm nhưng văn hóa dầu khí đã được định hình, luôn được bồi đắp và có sức sống mãnh liệt. Bản lĩnh – Trí tuệ là các giá trị không phai nhòa theo thời gian, có thể coi là trái tim, linh hồn của các giá trị văn hóa trong ngành Dầu khí. Từ đó, tất cả những thế hệ người dầu khí đều có quyền tự hào và vững tin để tiếp tục hun đúc nét văn hóa đó sáng mãi theo thời gian.
Những nét cơ bản của cẩm nang văn hóa PVN: khẩu hiệu: “Petrovietnam – năng lượng cho phát triển”; Giá trị cốt lõi: Bản lĩnh – Trí tuệ – Sáng tạo; Nguyên tắc chung của PVN là trách nhiệm, công bằng và minh bạch; Các quy tắc chung về ứng xử của văn hóa dầu khí: Lịch sự – thân thiện – chuyên nghiệp và hiện đại. |