Sinh ra và lớn lên tại “căn cứ địa” của dầu khí – Vũng Tàu, chàng trai Trần Quang Vũ đã yêu thích ngành khoa học kỹ thuật cao qua chính những con người xung quanh, từ những câu chuyện kể của các kỹ sư già làm việc trên các giàn khoan.
Sau khi tốt nghiệp Khoa Điện – Điện tử, chuyên ngành Tự động hóa Đại học Bách Khoa TP HCM, chàng trai trẻ Trần Quang Vũ vẫn nuôi ước mơ được làm việc trong một công ty dầu khí không chỉ là Việt Nam mà còn là quốc tế. Sau đó, anh đã bắt đầu tìm hiểu về các công ty dầu khí nước ngoài tại Việt Nam và đã vượt qua các vòng thử thách, trúng tuyển vào vị trí Field Service Engineer của Schlumberger (làm việc tại Trung Đông). Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên anh đã bỏ lỡ cơ hội này.
Kỹ sư trẻ Trần Quang Vũ
Trong một lần hiếm hoi Công ty Đường ống Khí Nam Côn Sơn tuyển dụng cho vị trí kỹ thuật viên hỗ trợ sản xuất, Vũ đã “đánh liều” ứng tuyển và cơ duyên với ngành Dầu khí bắt đầu từ chính cuộc thử sức này.
Với vị trí ban đầu là hỗ trợ phòng sản xuất và một phần nhỏ hệ thống điều khiển Nhà máy Xử lý khí Nam Côn Sơn, với nhiệt huyết của tuổi trẻ cùng những kiến thức có được trên ghế nhà trường, Vũ đã nỗ lực không ngừng, cố gắng tìm tòi, nghiên cứu và học hỏi về mọi thứ, về quy trình công nghệ xử lý khí, về hệ thống điều khiển, về công nghệ thông tin trong công nghiệp. Có những buổi làm việc ca đêm, anh dành cả đêm để đọc tài liệu hoặc cầm bản vẽ P&ID đi dạo khắp khu công nghệ nhà máy để tìm hiểu từng ngóc ngách nhà máy.
Sau 2 năm, với lượng kiến thức tích lũy trong công tác, cùng sự nỗ lực tự thân, nghiên cứu sáng tạo, anh đã ứng tuyển và được chọn vào vị trí kỹ sư hệ thống điều khiển và làm việc tại vị trí này đến ngày hôm nay. Đây cũng chính là môi trường thuận lợi để Vũ tìm tòi nhiều sáng kiến, cải tiến và tiết kiệm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, cho công ty.
Chia sẻ về đề tài “Nâng cấp hệ thống giao diện vận hành và máy chủ lưu trữ dữ liệu ABB ICS lên phiên bản 800xA” được tuyên dương trong Festival Sáng tạo trẻ toàn quốc 2017, kỹ sư trẻ Trần Quang Vũ cho biết, lý do anh nghiên cứu cải tiến công nghệ là bởi hệ thống giao diện vận hành và máy chủ lưu trữ dữ liệu ICS của ABB hiện lỗi thời. Mỗi lần hệ thống gặp hư hỏng, sự cố, phải rất vất vả và mất nhiều thời gian (về kỹ thuật, thiết bị dự phòng) để có thể khắc phục, nhiều khi không thể phục hồi được hoàn toàn. Hệ thống điều khiển ICS luôn đặt trong tình trạng không ở mức sẵn sàng cao nhất. Vì vậy, sau một thời gian tìm hiểu và nghiên cứu về hệ thống mới của ABB, có thể thay thế như 1 dạng nâng cấp cho hệ thống cũ, anh và nhóm kỹ thuật đã mạnh dạn đề xuất sự nâng cấp, thay đổi.
Thay đổi hệ thống giao diện vận hành, thay đổi máy chủ lưu trữ dự liệu còn dẫn đến phải thay đổi tất cả các giao thức truyền nhận, giao tiếp với các hệ thống bên thứ 3. Thêm vào đó, 1 thay đổi lớn trên 1 hệ thống cực kỳ quan trọng và phức tạp lại chỉ được phép thực hiện trong vòng 4,5 ngày – thời gian nhà máy dừng khí để bảo dưỡng sửa chữa lớn – Turn Around (TAR).
Tuy nhiên, bỏ qua những thách thức ấy, việc nâng cấp hệ thống điều khiển cũ lên phiên bản mới nhất 800xA giúp cải thiện vận hành nhà máy an toàn và tin cậy hơn. Đồng thời, việc lên kế hoạch hợp lý, nhanh chóng xử lý các công việc và khó khăn về kỹ thuật trong đợt bảo dưỡng sửa chữa 2016 đã giúp tối ưu hóa thời gian nhà thầu thực hiện công việc tại nhà máy, tiết kiệm chi phí đi lại, ăn ở cho chuyên gia của nhà thầu nước ngoài 20.000USD và giảm thời gian dừng hoạt động còn 3 ngày thay vì 4,5 ngày như kế hoạch.
Để có được những sáng kiến, giải pháp thiết thực, mang lại hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, làm lợi cho đơn vị, kỹ sư trẻ Trần Quang Vũ đã nghiên cứu, học hỏi đồng nghiệp không mệt mỏi. Anh tìm hiểu tài liệu lòng đam mê cháy bỏng với nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật. Với đề tài “Nâng cấp hệ thống giao diện vận hành và máy chủ lưu trữ dữ liệu ABB ICS lên phiên bản 800xA”, anh Vũ được ban lãnh đạo công ty chấp thuận cho đi đào tạo một khóa ngắn ngày về loại hệ thống tương tự và chính hãng ABB cũng có rất nhiều tài liệu cụ thể để mình đọc và tự nghiên cứu.
Tuy nhiên, anh cũng chia sẻ: “Khó khăn là giữa hệ thống cũ và hệ thống mới là một khoảng cách rất lớn về công nghệ. Bắt buộc mình phải rà soát rất kỹ từng setting, tinh chỉnh của hệ thống cũ để tìm ra sự tương thích trên hệ thống mới hoặc bất tương thích để sớm có những giải pháp thay thế. Xây dựng và bảo trì hệ thống mới trong quá trình vận hành, xem như là bắt đầu học lại từ đầu, những lý thuyết, công nghệ mới và phức tạp hơn rất nhiều so với hệ thống cũ. Không những thế, khi thay máy chủ lưu trữ dữ liệu (IMS), mình phải tìm hiểu máy chủ IMS mới và các hệ thống bên thứ 3 có giao tiếp tài liệu là chính để đề xuất các phương án mới thay thế mà kết quả phải bảo toàn hoặc tốt hơn hệ thống cũ”.
Thêm vào đó, việc bắt buộc phải hoàn thành đưa hệ thống mới vào thay thế hệ thống cũ hoàn toàn trong thời gian 4 ngày (đợt bảo dưỡng sửa chữa lớn của nhà máy) là một áp lực rất lớn vì nếu trượt ra khỏi khoảng thời gian đó sẽ không có cơ hội để hoàn thành dự án và phải chờ đến 1 năm sau cho đợt thấp điểm dừng khí tiếp theo (Low Nomination), do đó, các tính toán là phải cực kỳ chính xác.
Chia sẻ về vinh dự được tuyên dương trong Festival Sáng tạo trẻ toàn quốc năm 2017 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, anh Vũ tâm sự: “Bản thân mình, niềm đam mê của mình chính là khoa học kỹ thuật, là khám phá và vượt qua những thách thức của khoa học kỹ thuật. Mình nghĩ, tuổi trẻ phải có đam mê, nhiệt huyết và lý tưởng, phải sống, phải cháy hết mình cho niềm đam mê ấy”.
Để có được những sáng kiến, giải pháp thiết thực, mang lại hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, làm lợi cho đơn vị, kỹ sư trẻ Trần Quang Vũ đã nghiên cứu, học hỏi đồng nghiệp không mệt mỏi, cùng lòng đam mê cháy bỏng với nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật |
An Khánh