11/06/2018 11:51:32

Kỹ sư trẻ năng động, sáng tạo

Năng động, sáng tạo, giỏi chuyên môn là đôi nét phác họa về Nguyễn Văn Dũng (kỹ sư Công nghệ lọc hóa dầu, Trưởng ca Xưởng Ammonia) và Hồ Tấn Thuận (kỹ sư Đo lường tự động hóa, Xưởng Đo lường tự động hóa) Nhà máy Đạm Phú Mỹ thuộc Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo). 

Năm 2010, sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, chuyên ngành Công nghệ hữu cơ hóa dầu, Nguyễn Văn Dũng thi tuyển và được nhận vào làm việc tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ. Khi bước vào làm việc tại nhà máy, lúc đầu còn nhiều bỡ ngỡ với công việc mới, nhờ sự hỗ trợ của lãnh đạo nhà máy và các đồng nghiệp, Dũng đã áp dụng những kiến thức được học và không ngừng nỗ lực bổ sung các kiến thức mới để đáp ứng yêu cầu công việc, nhờ đó Dũng đã nắm bắt nhanh công việc và phát huy được khả năng của bản thân.

 

Văn Dũng chia sẻ, ban đầu việc học tập thật không dễ dàng do tất cả các tài liệu kỹ thuật đều là tiếng Anh chuyên ngành kỹ thuật dầu khí mà trước đây Dũng chưa được tiếp xúc nhiều khi học ở trường. Vì thế, hằng ngày, ngoài thời gian làm việc, Dũng tiếp tục đọc tài liệu kỹ thuật vào buổi tối. Việc duy trì thói quen đọc tài liệu kỹ thuật giúp Dũng nâng cao kiến thức chuyên môn, cũng như nâng cao vốn tiếng Anh chuyên ngành. Nhờ đó, Dũng có thể tự tin khi làm việc với các chuyên gia, các đối tác nước ngoài.

Với vai trò là Trưởng ca Xưởng Ammonia, Dũng cùng với các đồng nghiệp trong tổ vận hành chịu trách nhiệm quản lý tính toàn vẹn của hệ thống vận hành, bảo đảm an toàn, ổn định của cả nhà máy. Theo Dũng, cái khó khăn lớn nhất của đội ngũ vận hành là phải làm sao cho hệ thống máy móc của nhà máy vận hành đồng bộ, an toàn, bảo đảm chất lượng sản phẩm, đem lại lợi ích kinh tế cao cho nhà máy.

Kỹ sư Nguyễn Văn Dũng đang chỉ đạo vận hành DCS kiểm tra, điều chỉnh thông số công nghệ

Được biết, Nguyễn Văn Dũng đã có rất nhiều sáng kiến với giá trị làm lợi không nhỏ, điển hình như: “Phương án tăng hiệu suất thu hồi H2 của cụm HRU” làm lợi 3,6 tỉ đồng trong 7 tháng đầu năm 2015; “Phương án tăng nhiệt độ dòng Process Air từ 550oC lên 575oC” làm lợi 1 tỉ đồng trong 7 tháng đầu năm 2015; “Phương án giảm nhiệt độ đuôi khói lò từ 156,95oC xuống 147oC” làm lợi 1,49 tỉ đồng/năm; “Lợi ích kinh tế khi giảm CO2 slip nhỏ hơn 10 ppm cụm tách CO2 trong khi bảo đảm kiểm soát tốt H2 sang X.Ure” làm lợi 2,35 tỉ đồng/năm…

Nguyễn Văn Dũng đến từ đất Hà thành, còn Hồ Tấn Thuận đến từ dải đất miền Trung đầy nắng gió nổi tiếng với câu ca dao “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm. Rượu Hồng Đào chưa uống đã say”. Xứ Quảng đã tạo nên một lớp trẻ tài năng và đầy nhiệt huyết như Hồ Tấn Thuận.

Năm 2010, sau khi tốt nghiệp lớp kỹ sư tài năng ngành Tự động hóa – Khoa Điện – Điện tử Trường Đại học Bách khoa TP HCM, Hồ Tấn Thuận thi đậu vào Nhà máy Đạm Phú Mỹ với vị trí kỹ sư Xưởng Đo lường – Tự động hóa. Trong quá trình làm việc Tấn Thuận lại tranh thủ trau dồi kiến thức, học lên cao hơn, có bằng thạc sĩ ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, anh có trên 20 sáng kiến đã được công nhận, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế cho nhà máy.

Hồ Tấn Thuận chia sẻ: Có những sáng kiến bắt nguồn từ nhu cầu tự động hóa các công việc thực hiện bằng tay, ví dụ như sáng kiến phần mềm tự động tạo báo cáo tình trạng hệ thống DCS, ESD, APC hay IMS hằng tháng; phần mềm cho phép tự động truy xuất và tạo các báo cáo theo mẫu theo thời gian biểu được lập trước; phần mềm tính toán chính xác thời gian hoạt động của các động cơ (trước khi có phần mềm thì việc tính toán phải thực hiện hoàn toàn bằng tay, mất nhiều ngày nếu số lượng động cơ lớn).

Kỹ sư Hồ Tấn Thuận mới kiểm tra xong các server hệ thống giám sát máy động MMS

Có những sáng kiến bắt nguồn từ nhu cầu cải tiến hay nâng cấp thay thế những hệ thống cũ, ví dụ như sáng kiến “Hệ thống quản lý công nghệ sản xuất PMIS”. Hệ thống PMIS do các kỹ sư phát triển bằng nguồn lực nội tại của công ty và có thể thay thế hệ thống IMS đã lỗi thời. Hệ thống PMIS sẽ cho phép người dùng vẽ các trang đồ họa để theo dõi online các thông số công nghệ đang hoạt động ở nhà máy; thu thập và lưu trữ các dữ liệu; trích xuất dữ liệu nhanh chóng; tính toán được các công thức từ đơn giản đến phức tạp phục vụ tạo các báo cáo. Sáng kiến này mang lại lợi ích về kinh tế khá lớn, việc phát triển phần mềm từ nhân lực của nhà máy đã tiết kiệm được hơn 7 tỉ đồng.

Hồ Tấn Thuận Tâm sự: “Nhà máy Đạm Phú Mỹ có 2 người được nhận danh hiệu “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc, đó là điều hạnh phúc không chỉ của cá nhân mỗi chúng tôi, mà đó còn là niềm tự hào của nhà máy, của tổng công ty. Chúng tôi cảm ơn lãnh đạo tổng công ty, nhà máy đã tạo điều kiện để chúng tôi có cơ hội học hỏi lẫn nhau, không chỉ cống hiến mà còn phát triển bản thân, theo đuổi đam mê của mình, hiện thực hóa những ước mơ của tuổi trẻ…”.

Chia sẻ về định hướng cũng như những sáng kiến trong tương lai, cả 2 kỹ sư cho biết: Để có thể bắt kịp xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong tương lai, 2 bạn cùng các đồng nghiệp trong nhà máy sẽ tiếp tục nghiên cứu các thuật toán về Bigdata để xử lý dữ liệu thu thập từ các hệ thống DCS, ESD hay PLC trong 14 năm hoạt động của nhà máy. Từ các dữ liệu đó, các kỹ sư sẽ nghiên cứu thêm về trí thông minh nhân tạo, nhằm tối ưu hóa hoạt động của nhà máy…

Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn cơ sở Nhà máy Đạm Phú Mỹ Ngô Trí Thành cho biết: Phương châm “mỗi ý tưởng, sáng kiến đều được trân trọng” đã tạo ra hiệu ứng tích cực lan tỏa đến tất cả mọi cán bộ, công nhân viên, đặc biệt là các đoàn viên thanh niên nhà máy, tạo động lực mạnh mẽ để các đoàn viên thanh niên luôn tư duy, suy nghĩ sáng tạo, phát huy tối đa năng lực bản thân. Các sáng kiến của Văn Dũng và Tấn Thuận đã mang lại hiệu quả kinh tế to lớn, nâng cao năng lực quản lý, vận hành, bảo dưỡng nhà máy, góp phần vào sự phát triển chung của PVFCCo. Với các bạn trẻ, sự sáng tạo không có giới hạn.

Nhờ sự đam mê, nỗ lực không ngừng học hỏi, có nhiều sáng kiến, sáng tạo, vừa qua, Nguyễn Văn Dũng và Hồ Tấn Thuận đã được vinh danh trong Lễ tuyên dương “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ IX năm 2018, do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tại Hà Nội.

Hồng Thắm