Chúng tôi thực sự cảm phục khi biết chị Trần Thị Khánh Linh là “cán bộ 2-6”- thứ hai đi làm, thứ 6 mới về nhà trong suốt 15 năm qua, đặc biệt chị còn đóng góp cho Nhà máy Lọc hóa dầu Dung Quất tới 15 sáng kiến, sáng chế, làm lợi hàng tỷ đồng. Ấy vậy nhưng khi được hỏi chị có “kế hoạch” gì cho tương lai thì người phụ nữ bé nhỏ đó rất thản nhiên trả lời “Tôi sẽ gắn bó tiếp với nhà máy”.
Phóng viên Petrotimes đã có cuộc trao đổi với Chị Trần Thị Khánh Linh – Kỹ sư giám sát thiết bị, Ban Quản lý chất lượng, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.
Chị Trần Thị Khánh Linh tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. |
PV: Được biết, chị là một trong tám người lao động của ngành Dầu khí Việt Nam vinh dự tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc, chị có thể chia sẻ niềm vui, vinh dự này?
Chị Khánh Linh: Được đại diện cho hơn 1500 CBCNV BSR tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X năm 2020, tôi cảm thấy rất tự hào và hạnh phúc. Những đóng góp dù là rất nhỏ bé nhưng thiết thực của tôi cũng như bao người lao động trực tiếp khác tại NMLD Dung Quất đã được Công ty cũng như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ghi nhận. Được tham dự sự kiện trọng đại của đất nước, thể hiện vai trò và vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội, là nguồn cổ vũ mạnh mẽ để tiếp tục khơi dậy nội lực, tiềm năng của tất cả người lao động đang ngày đêm hăng xây cống hiến xây dựng quê hương.
PV: NMLD Dung Quất đã khắc phục những khó khăn do tác động kép của dịch Covid-19 và giá dầu giảm; thời tiết mưa lũ miền trung để ổn định sản xuất kinh doanh, thực hiện thành công BDTT lần 4. Cá nhân chị và CBCNV đã phải vượt qua khó khăn như thế nào để trở lại sản xuất thưa chị?
Chị Khánh Linh: Năm 2020 là năm vô cùng khó khăn của ngành dầu khí thế giới và Việt Nam. Tác động của đại dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, BSR gặp rất nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có trong lịch sử. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo, ủng hộ của Tập đoàn, các bộ ngành trung ương, tỉnh Quảng Ngãi cũng như sự đồng tâm, đoàn kết, chung sức của tập thể người lao động, Công ty cũng đã vượt qua khó khăn, từng bước ổn định và khôi phục sản xuất kinh doanh trong tình hình mới, tiếp tục đảm bảo cung ứng kịp thời nhu cầu xăng dầu cho đất nước.
Công ty đã thực hiện thành công BDTT lần 4 đạt các mục tiêu đã đề ra trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại tại các tỉnh miền Trung và thời tiết mưa bão ở Quảng Ngãi. Vào lúc cao điểm nhất của bảo dưỡng tổng thể, trên công trường Nhà máy có hơn 4.700 người đến từ nhiều quốc gia, từ nhiều địa phương khác nhau trong nước, nhưng BSR đã kiểm soát tốt công tác phòng chống dịch bệnh, không có một ai bị nhiễm SARS-CoV-2. Đây là điều rất đáng mừng cho Công ty thực hiện thành công BDTT lần 4 góp phần quan trọng giúp BSR hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Còn về thời tiết mưa bão của miền Trung. Để chủ động triển khai phương án ứng phó với bão số 9, cực kỳ nguy hiểm và có sức tàn phá khủng khiếp, Công ty thực hiện phương châm “Bốn tại chỗ”. Các ban chức năng của Bình Sơn đã chủ động rà soát, đánh giá mức độ an toàn vận hành các phân xưởng công nghệ. Bố trí thêm nhân sự trực nóng; theo dõi chặt chẽ điều kiện vận hành, các vấn đề phát sinh để chủ động xử lý theo quy trình. Nhờ công tác chuẩn bị tốt nên Nhà máy không có thiệt hại gì lớn, công suất nhà máy nhanh chóng được khôi phục, đi vào vận hành ổn định an toàn trở lại ngay sau bão.
Công ty và Công đoàn Dầu khí Việt Nam cũng thăm hỏi, hỗ trợ kịp thời cho những người lao động bị ảnh hưởng, thiệt hại cùng gia đình vượt qua khó khăn, ổn định đời sống, yên tâm công tác và tiếp tục cống hiến cho Công ty.
Kỹ sư Khánh Linh cùng đồng nghiệp trao đổi công tác chuyên môn tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. |
PV: 15 năm, 15 sáng kiến cải tiến làm lợi cho nhà máy hàng tỷ đồng, để mà năm nào cũng được ghi nhận đánh giá cao với các sáng kiến cải tiến, hẳn là phải có một năng lực sáng tạo rất đặc biệt?
Chị Khánh Linh: Thực ra, thì mình cũng không có gì đặc biệt lắm đâu ạ. Được làm việc trong môi trường sáng tạo, cộng với sự đam mê công việc nên trong quá trình làm việc khi nảy sinh các vấn đề cần giải quyết thì tự nhiên mình muốn mày mò tìm hiểu để tìm cách giải quyết công việc của mình, đồng thời tìm cách để công việc hiệu quả hơn, mang lại lợi ích cho Công ty nhiều hơn.
Những sáng kiến, cải tiến của mình, của toàn thể CBCNV dù nhỏ hay lớn, nhưng đều được Công ty đánh giá, ghi nhận và khen thưởng kịp thời.
Lãnh đạo Công ty luôn khuyến khích, ủng hộ và khen thưởng xứng đáng cho người lao động có những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất làm lợi cho Công ty. Cho đến thời điểm hiện tại, chúng tôi có hơn 1.145 cải tiến, 16 sáng kiến cấp cơ sở, trong đó có 14 giải pháp cấp tập đoàn, 6 giải pháp đạt giải thưởng Sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh Quảng ngãi, 9 giải pháp đạt giải thưởng cấp nhà nước (VIFOTEC – Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam), 4 giải pháp đạt giải thưởng quốc tế về KHCN (SIIF) do Hiệp hội thúc đẩy sáng chế Hàn Quốc trao tặng.
PV: Động lực nào đã khiến Khánh Linh chọn những cách làm “khó” hơn người khác?
Chị Khánh Linh: Động lực thứ nhất đó là môi trường làm việc. Cho đến thời điểm này mình rất hài lòng khi được làm việc trong môi trường với trang thiết bị, công nghệ hiện đại như Lọc hóa Bình Sơn; được tiếp xúc với các chuyên gia giỏi, nhiệt huyết và đam mê. Trong môi trường làm việc đó, thì cách làm của mình cũng giống như cách làm của CBCNV Công ty mà thôi. Trong công việc hàng ngày, những đề xuất, cải tiến dù rất nhỏ của mình vẫn được sự ủng hộ và khuyến khích thực hiện của Lãnh đạo trực tiếp.
Lãnh đạo Ban trực tiếp của mình như anh Phạm Công Nguyên, chị Trương Thị Thu Hà cũng là những người đi đầu trong trong công tác sáng kiến, cải tiến tại Công ty, là người khơi nguồn, khuyến khích CBCNV tìm kiếm cách làm hiệu quả nhất, và có lợi nhất cho Công ty.
Động lực thứ hai đó là được sự ủng hộ hết lòng của gia đình, dù mình dành gần như trọn vẹn thời gian cho công việc, nhưng chồng con vẫn luôn ủng hộ và sát cánh bên cạnh mình. Là cầu nối vững chắc giúp mình thành công trong suốt 15 năm làm việc và cống hiến.
PV: Là phụ nữ đã có gia đình, 15 năm qua, cứ cuối tuần lại vượt hơn 120km về nhà, còn dành trọn từ thứ 2 đến thứ 6 ở nhà máy. Một lựa chọn quá khắc nghiệt và thiệt thòi cho cả chị cũng như gia đình. Chị có thể lý giải vì sao? (Trước đó Linh đang làm tại Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng, hoàn toàn có thể làm một viên chức mẫn cán, sống êm ấm ở một thành phố đáng sống bậc nhất)
Chị Khánh Linh: Khi tốt nghiệp ra trường, mình tốt nghiệp loại khá, các sở ban ngành tại TP Đà Nẵng cũng ưu tiên tuyển dụng, nên quyết định đầu quân cho Sở Khoa học và Công nghệ. Tuy nhiên, mình vẫn quyết tâm với mong muốn thực hiện ước mơ được làm việc phù hợp với chuyên ngành đã học, nên vẫn luôn theo dõi thông tin về NMLD Dung Quất để nộp hồ sơ dự tuyển.
Sau khi trúng tuyển, niềm vui như vỡ òa. Càng làm việc, càng đam mê vì được làm đúng chuyên ngành đã học và tự hào về NMLD Dung Quất, nhà máy lọc dầu đầu tiên tại Việt Nam, một công trình trọng điểm quốc gia. Hơn nữa, sau khi lập gia đình, người bạn đời, ba mẹ và các con luôn thấu hiểu, thông cảm và ủng hộ lựa chọn trước đây của mình nên cảm thấy sự lựa chọn này là không thiệt thòi hay khắc nghiệt gì cả.
PV: Chị có ấp ủ, dự định gì cho thời gian tới?
Chị Khánh Linh: Mình đã và sẽ gắn bó lâu dài với Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, với ngành dầu khí. Mong muốn được tiếp tục cống hiến, được đóng góp những cải tiến, sáng kiến dù nhỏ hay lớn vào việc đảm bảo vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được an toàn, ổn định, hiệu quả.
PV: Cảm ơn Khánh Linh về cuộc trao đổi này.
T.D