04/04/2017 10:14:05

Kỹ sư Nguyễn Xuân Sơn: Bùng cháy ngọn lửa sáng tạo

Là một trong những gương mặt trẻ tiêu biểu của Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro, đồng thời cũng là 1 trong 4 gương tuổi trẻ dầu khí được vinh danh “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ VII năm 2016 – kỹ sư Nguyễn Xuân Sơn hiện công tác tại Xí nghiệp Cơ điện, Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro chưa bao giờ ngừng đam mê sáng tạo. 

Là kỹ sư tích hợp hệ thống của Ban Điện – Tự động hóa – Xí nghiệp Cơ điện, Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro, công tác ở bờ nhưng kỹ sư Nguyễn Xuân Sơn cũng thường xuyên ra giàn với nhiệm vụ trực tiếp liên quan đến việc đảm bảo an toàn và vận hành liên tục 24/24 giờ/ngày phục vụ khai thác, sản xuất cho tất cả các hệ thống điều khiển trung tâm của gần 40 công trình biển và các công trình trên bờ của Vietsovpetro. Anh còn đảm nhận công việc trực, hỗ trợ xử lý sự cố các hệ thống điều khiển trung tâm.

Với sự cố nhỏ thì anh tiếp nhận thông tin, xác định phân loại sự cố, định hướng giải quyết, trực tiếp hướng dẫn qua điện thoại các phương án xử lý. Với các sự cố nghiêm trọng cần trực tiếp xử lý, thì trong khoảng thời gian ngắn có khi chưa đến nửa ngày kỹ sư Sơn phải chuẩn bị dụng cụ, thiết bị chuyên dụng cần thiết để ra các giàn hỗ trợ kỹ thuật ngay. Và trong quá trình công tác, kỹ sư Sơn đã cùng đồng nghiệp ở xí nghiệp có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật rất có giá trị, giúp tiết kiệm thời gian – chi phí trong quá trình sản xuất.

bung chay ngon lua sang tao

Kỹ sư Nguyễn Xuân Sơn làm việc trên giàn khoan

Sáng kiến “Chế tạo tủ điều khiển giếng (Wellhead Control Panel) cho giàn 10 và giàn đầu giếng RC-2” là một cụm thiết bị đảm bảo an toàn cho quá trình khai thác dầu thô trên tất cả các giàn khai thác dầu khí đều phải có. Tủ điều khiển giếng làm nhiệm vụ tự động đóng/mở các cơ cấu van chuyên dụng nằm sâu đến hơn 300m tính từ đáy biển, giúp phòng, chống phun trào dầu nếu xảy ra trường hợp áp suất của vỉa ở các giếng dầu tăng đột ngột vượt qua các ngưỡng an toàn cho phép. Trước đây tất cả các dự án về tủ điều khiển giếng đều phải đặt hàng trọn gói từ nước ngoài với chi phí cao.

Hiện nay, các cán bộ, kỹ sư của Ban Tự động hóa, Xí nghiệp Khai thác Dầu khí, Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro đã hoàn toàn chủ động được những công nghệ kỹ thuật cao để tự thực hiện tất cả các khâu từ việc thiết kế, lập trình, đặt hàng mua thiết bị, lắp đặt, thi công và đưa vào vận hành cho các công trình về tủ điều khiển giếng, không còn phải phụ thuộc vào các công ty và chuyên gia nước ngoài. Đây là một bước đột phá, tiến bộ vượt bậc của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, đặc biệt là những người trẻ tuổi, được lãnh đạo các cấp động viên, đánh giá cao về sự cố gắng với tinh thần dám nghĩ dám làm, không ngại gian khó.

Đặc biệt hơn, “Dự án Hoán cải hệ thống điều khiển trung tâm giàn Công nghệ Trung tâm – 2 (CNTT-2)” mà kỹ sư Nguyễn Xuân Sơn đồng tác giả là 1 trong 10 công trình thanh niên tiêu biểu toàn quốc 2016 của Trung ương Đoàn và được vinh danh trong Festival Sáng tạo trẻ toàn quốc 2016. Công trình này được đánh giá là đặc biệt phức tạp về mặt kỹ thuật và về mặt công nghệ. Bởi vì trong thời gian tiến hành nâng cấp hệ thống điều khiển nhưng vẫn đáp ứng nhiệm vụ sản xuất quan trọng, đảm bảo giàn CNTT-2 vẫn hoạt động liên tục.

Là người trực tiếp thực hiện dự án này, anh Sơn vẫn nhớ những khó khăn trong quá trình nghiên cứu, đó là cùng với những yêu cầu khắt khe của dự án, cộng thêm những khó khăn về thời gian dừng giàn rất hạn chế, nhiều hạng mục công việc phải thực hiện trong lúc hệ thống vẫn đang tiến hành quá trình khai thác dầu khí. Do đó các mối nguy, rủi ro về khả năng làm gián đoạn (Shutdown) hệ thống công nghệ của giàn CNTT-2 là khá cao. Tuy nhiên, bằng bản lĩnh, kinh nghiệm, trí tuệ tuổi trẻ dầu khí, các anh đã đồng tâm hiệp lực để từng bước vượt qua thử thách.

Sơn cho rằng, giàn CNTT-2 như là “trái tim” của quá trình điều khiển khai thác dầu khí, lọc tách dầu, nước, khí và vận chuyển dầu đến lưu trữ tại các kho nổi (F.S.O); thu gom toàn bộ khí đồng hành từ các giàn lân cận để xử lý công nghệ và chuyển về bờ…

Mặt khác, “Dự án Hoán cải hệ thống điều khiển trung tâm giàn CNTT-2” do Sơn và đồng nghiệp thực hiện được đánh giá là hoàn toàn khả thi và đảm bảo tất cả những tiêu chuẩn rất cao về chất lượng cùng với các yêu cầu khắt khe về kỹ thuật và công nghệ. Nói về dự án này, Sơn cho hay: “Chính nhờ vào quá trình nghiên cứu liên tục và tự thực hiện các dự án tích hợp, lập trình cho các hệ thống điều khiển trung tâm ở các giàn mới của Vietsovpetro trước đây mà các anh đã tích lũy được đầy đủ khả năng, đáp ứng được về mặt con người và đủ tự tin, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ, tiến hành Dự án Nâng cấp hệ thống điều khiển trung tâm giàn CNTT-2 chuyển từ chủng loại đang sử dụng PLC S5 (Siemens) lên thành hệ thống PCS7 (Siemens) hiện đại hơn, an toàn, ổn định hơn và cũng nhanh, chính xác hơn. Công trình đã tiết kiệm được 146 nghìn đô.

Anh cho rằng, thành tích bước đầu hôm nay có phần rất lớn từ sự quan tâm, giúp đỡ của những người đồng nghiệp, những người anh cùng cơ quan, những người đã trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ và ủng hộ rất lớn cả về tinh thần và chuyên môn trong mọi công việc. Từ đấy giúp cho bản thân anh có thêm nhiều động lực để tiếp tục rèn luyện, phấn đấu nhiều hơn nữa với khao khát đóng góp được những viên gạch hồng vào sự nghiệp chung xây dựng và phát triển ngành Dầu khí của nước nhà.

“Tôi nghĩ rằng, mỗi ngành, mỗi nghề đều có áp lực của riêng nó. Với công nhân ngành Dầu khí, thời gian làm việc trên các công trình biển cũng có những áp lực rất lớn, luôn đảm bảo an toàn cho công trình, cho sản xuất; đảm bảo về mặt thời gian, tiến độ. Trong quá trình làm việc với yêu cầu khắt khe của công việc cũng như đòi hỏi của bản thân, tôi luôn luôn mong muốn vượt kế hoạch về thời gian thực hiện công việc nhưng vẫn đảm bảo tối ưu tất cả các yêu cầu kỹ thuật, nhằm mục đích tiết kiệm chi phí, không để “mất dầu, mất khí”. Vì yêu cầu công việc như vậy nên rất nhiều lần xử lý sự cố và phải thức thâu đêm để tìm ra giải pháp tối ưu nhất cho công việc”, kỹ sư Sơn tâm sự.

Dù khó khăn vất vả là vậy, nhưng sau những giờ lao động miệt mài ở giàn khoan, các anh cũng có những phút giây thư giãn, thanh thản, được đợi bình minh, ngắm hoàng hôn trên biển. Những người có dịp làm việc ở nơi đây mới thấy được sắc xanh của nước biển cũng có hàng chục cấp độ tùy theo độ chiếu sáng của mây trời… Chưa kể vào ban đêm, các ngọn đuốc “pha-ken” (tiếng Nga nghĩa là bộ phận đuốc làm nhiệm vụ đốt khí kỹ thuật trên giàn khoan) của các cụm giàn ở mỏ Bạch Hổ sáng rực cả một khoảng không gian rộng lớn, nhìn từ xa giống như cả một thành phố rộn ràng giữa ngàn trùng khơi.

Ngọn lửa nhiệt huyết, sáng tạo, cống hiến của kỹ sư Nguyễn Xuân Sơn tiếp tục bừng sáng, dù cho ngành Dầu khí đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức thì niềm đam mê công việc và không ngừng sáng tạo sẽ không phai. Đó cũng là chất dầu khí và truyền thống của tuổi trẻ Dầu khí được hun đúc trong mấy chục năm qua.

Thiên Thanh