18/10/2017 9:43:24

Kỹ sư Nguyễn Văn Quyết: Giữ lửa đam mê sáng tạo

Với sáng kiến “Thiết kế cơ cấu nạp và xả khí của chai khí CO2 sử dụng trên các áo phao hàng không cho các khóa đào tạo an toàn”, kỹ sư Nguyễn Văn Quyết – giáo viên Trường Cao đẳng Nghề Dầu khí được tuyên dương tại lễ tổng kết “Phong trào thi đua lao động sáng tạo” của ngành Dầu khí giai đoạn 2012-2017.

Kỹ sư Nguyễn Văn Quyết về công tác tại Khoa An toàn – Môi trường, Trường Cao đẳng Nghề Dầu khí (PVMTC) từ năm 2011. Trong quá trình giảng dạy, kỹ sư Quyết thấy một số hạn chế của cơ cấu nạp và xả khí của chai khí CO2 sử dụng trên các áo phao hàng không cho các khóa đào tạo an toàn. Hạn chế của cơ cấu này là làm tốn nhiều thời gian và chi phí trong quá trình sử dụng. Do đó, kỹ sư Quyết đã nghiên cứu tìm giải pháp và thử nghiệm trong khoảng thời gian 3 tháng đã khắc phục thành công hạn chế trên.

giu lua dam me sang tao

Kỹ sư Nguyễn Văn Quyết (đứng giữa) nhận Bằng khen Lao động sáng tạo giai đoạn 2012-2017 (ảnh: Bùi Công)

Trong quá trình hướng dẫn học viên sử dụng áo phao hàng không, đặc biệt là kỹ năng kích hoạt áo phao trong module HUET là một yêu cầu bắt buộc trong tiêu chuẩn. Trên mỗi áo phao có gắn một chai khí CO2 chứa khoảng 33g khí CO2 hóa lỏng, khi kích hoạt áo phao lượng khí này làm phồng áo phao giúp cho người mặc áo phao có thể nổi được trên mặt nước.

Trước khi có sáng kiến của kỹ sư Quyết làm mẫu kích hoạt chai khí để bơm phồng áo phao và khi thực hành học viên làm phồng áo phao phải qua hình thức tự thổi chứ không kích hoạt chai khí CO2. Có 3 hạn chế của thiết bị khi học viên làm theo hình thức cũ. Thứ nhất, do chai khí CO2 dùng cho việc kích hoạt áo phao là loại chỉ dùng một lần với giá thành cao; thứ hai, dao kích hoạt chai khí gắn sẵn trên áo phao bị hư hỏng nhanh, dễ gãy lưỡi dao và tuổi thọ của áo phao giảm khi bị bơm căng tối đa.

Nếu như cổ chai khí trên thị trường có một lớp màng bọc ngoài, sau khi lớp màng này bị rách, khí sẽ xì ra làm phồng áo phao. Do đó, chai khí sau khi sử dụng sẽ không dùng được nữa. Để có thể nạp lại khí, tái sử dụng nhiều lần, cơ cấu ở cổ chai được thay đổi. Lớp màng bọc được thay thế bằng van bi một chiều gắn bên trong cổ chai. Sau khi sáng kiến của kỹ sư Nguyễn Văn Quyết được áp dụng thì van một chiều này cho phép khí nạp đi vào và khí bên trong chai đi ra khi có cơ cấu đẩy van bi đi xuống. Ở trạng thái bình thường không hoạt động van bi được đóng nhờ lò xo bên trong. Điều này giúp cho khí bên trong không rò rỉ gây tụt áp suất chai khí. Cơ cấu van một chiều được thiết kế chế tạo nằm gọn trong cổ chai, bên ngoài chai khí không thay đổi kết cấu hình dạng, điều này đảm bảo chai khí vẫn kết nối được với cụm van trên áo phao.

Sáng kiến áp dụng đã giải quyết các nhược điểm trên, đó là chai khí có thể nạp lại và được dùng nhiều lần, giảm được giá thành mua chai khí chứ không dùng một lần rồi bỏ như trước đây. Đồng thời sáng kiến đã khắc phục được các nhược điểm hỏng dao trên áo phao, kéo dài tuổi thọ sử dụng áo phao…

Kỹ sư Nguyễn Văn Quyết: Những giải thưởng của ngành Dầu khí đã giúp những người làm chuyên môn như anh được tiếp thêm lửa sáng tạo.

Là người đam mê sáng tạo, sau sáng kiến “Thiết kế cơ cấu nạp và xả khí của chai khí CO2 sử dụng trên các áo phao hàng không cho các khóa đào tạo an toàn” kỹ sư Quyết đang ấp ủ và tâm đắc với sáng kiến tiếp theo: “Chế tạo mô hình bè hàng không phục vụ cho công tác đào tạo an toàn tại Khoa An toàn – Môi trường”. Tuy nhiên, sáng kiến này còn trong giai đoạn chờ xét nên kỹ sư Quyết cũng chưa bật mí nhiều. Nhưng anh tin rằng, sáng kiến “Chế tạo mô hình bè hàng không phục vụ cho công tác đào tạo an toàn tại Khoa An toàn – Môi trường” nếu áp dụng sẽ giúp cho khoa chủ động hơn về trang thiết bị trong công tác đào tạo và giúp giảm chi phí mua sắm trang thiết bị mà vẫn đáp ứng được yêu cầu đào tạo.

giu lua dam me sang tao

Học viên Khoa An toàn – Môi trường PVMTC trong giờ thực hành

Sau khi được vinh danh trong lễ tuyên dương những cá nhân xuất sắc trong phong trào Lao động sáng tạo giai đoạn 2012-2017, kỹ sư Quyết cảm thấy đầy tự hào khi những thành quả lao động nhỏ bé được ghi nhận. Kỹ sư Quyết cho rằng, thật may mắn khi được làm việc, học tập, rèn luyện dưới mái nhà PVMTC và bản thân thấy cần cố gắng hơn nữa để xứng đáng với danh hiệu này.

Phong trào Lao động sáng tạo do Tập đoàn và Công đoàn Dầu khí Việt Nam tổng kết 5 năm một lần đã tạo động lực giúp cho người lao động trong toàn Tập đoàn phát huy các sáng kiến – cải tiến kỹ thuật, động viên kịp thời đến người lao động, giúp mỗi người lao động vững tin hơn vào công việc của mình, tiếp tục nuôi dưỡng các sáng kiến. Đồng thời, đây còn là một sân chơi trí tuệ rất bổ ích, để những người lao động có đam mê cải tiến kỹ thuật giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, mà nói như kỹ sư Nguyễn Văn Quyết, sau mỗi lần được vinh danh, khen thưởng, những người làm chuyên môn như các anh có thêm động lực sáng tạo.

Về hiệu quả kinh tế thì với số lượng học viên các khóa đào tạo tại Khoa An toàn – Môi trường PVMTC dự kiến khoảng 1.000 người/năm, số tiền tiết kiệm được khi áp dụng sáng kiến khoảng nửa tỉ đồng/năm.

Thanh Thanh