11/03/2014 9:17:11

Kỹ sư Nguyễn Hoài Vũ: Sáng kiến nào cũng đáng quý

Được đào tạo bài bản, giàu kinh nghiệm thực tiễn cộng với niềm đam mê sáng tạo đã giúp Nguyễn Hoài Vũ (chuyên viên chính Phòng Kỹ thuật sản xuất, Liên doanh Dầu khí Việt – Nga Vietsovpetro) từ khi về công tác tại Liên doanh đã có hàng chục sáng kiến – cải tiến kỹ thuật có giá trị. Nói về các sáng kiến thì anh kể say sưa nhưng hỏi về bản thân thì anh ngại ngùng, khiêm tốn không diễn tả được nhiều lời. Mọi người hay bảo rằng, dân kỹ thuật vẫn giỏi làm hơn giỏi nói, có lẽ đúng vậy.

Công tác tại Xí nghiệp Khai thác dầu khí từ năm 1996 sau khi tốt nghiệp Đại học Bách Khoa TP HCM, anh Hoài Vũ đã từng trải qua tất cả những vị trí của một người làm kỹ thuật thuần túy trong ngành Dầu khí. Khi mới ra trường, anh cũng như bao nhiêu kỹ sư khác làm thợ khai thác, sau đó anh được đề bạt lên chức đốc công khai thác, lãnh đạo giàn – giàn phó công nghệ rồi chuyển về bờ làm chuyên viên của Phòng Kỹ thuật. Anh Vũ cho biết, sáng chế thì to tát hơn còn sáng kiến thì đôi khi chỉ là những giải pháp kỹ thuật đơn giản nhằm mang lại sự an toàn trong công việc, tiết kiệm sức lao động hay sự thoải mái trong sinh hoạt cho anh em trên giàn là mừng rồi. Vì thế, nhiều sáng kiến hiệu quả không thể tính được bằng tiền nhưng đã mang lại hiệu quả về mặt xã hội thật lớn.

Kỹ sư Nguyễn Hoài Vũ (bên trái) và một đồng nghiệp người Nga

Những sáng kiến của anh rất đa dạng, phong phú, không bó hẹp trong giới hạn chuyên môn. Có thể kể đến những sáng kiến xuất phát từ việc tìm lời giải cho các “bài toán công nghệ” sau khi đưa các công trình mới vào làm việc như: Tối ưu hóa hệ thống vận chuyển dầu trên giàn 8; Nâng cao khả năng phân dòng cho hệ thống vận chuyển dầu trên giàn 4 (đối với UBN “Vietsovpetro-02”); Sử dụng đuốc giàn RP-1 để hỗ trợ ứng cứu sự cố cho hệ thống thu gom khí mỏ Rồng với giàn nén khí mỏ Rồng; Cải tạo hệ thống công nghệ trên RC-3 để thu gom khí của RC-7; Hoàn thiện hệ thống vận chuyển dầu không qua máy bơm từ giàn MSP-11 sang MSP-9; Cải tiến hệ thống thu gom condensate từ giàn nén khí mỏ Rồng đến giàn RP-3…

Bên cạnh đó, anh và đồng nghiệp đã tập trung nghiên cứu các giải pháp hợp lý hóa công nghệ như Hợp lý hóa điểm đo áp suất để điều khiển van PCV-431 trên đường cung cấp khí cho giàn nén khí MKS, hay các giải pháp nhằm hạn chế nguy cơ gây sự cố công nghệ như sáng kiến Biện pháp ngăn ngừa tình trạng mất nguồn của hệ thống PLC đặt tại bolok 8 giàn RP3. Vật tư, trang thiết bị không còn sử dụng trên các công trình biển được anh và đồng nghiệp tận dụng hiệu quả bằng các sáng kiến: Cải tạo các bồn đo vật liệu rời ở block 18 để sử dụng làm bình chứa nước ngọt tại giàn MSP-3; Tận dụng ống chống 720mm sau khi hủy giếng để chế tạo các bồn chứa nhớt trên giàn MSP-10. Nhiều sáng kiến của anh còn giúp nâng cao khả năng làm việc của các nhà thiết kế hiện hữu như: Cải tiến hệ thống thủy lực đóng mở van cầu Dy-200; Py-80 trong hệ thống công nghệ tại BM-1 giàn MSP-3; Cải tạo, hoàn thiện hệ thống nước sinh hoạt trên MSP-1 & BK-7 để tăng hiệu quả làm việc của giếng và máy lọc nước sinh hoạt; Cải tiến kỹ thuật để tăng lưu lượng nước khai thác từ giếng 1B giàn RP-1…

Khi được hỏi, anh thấy sáng kiến nào tâm đắc nhất, anh cho rằng mỗi sáng kiến giúp giải quyết một vấn đề khó khăn trong sản xuất, sinh hoạt trên giàn nên tất cả đều rất đáng quý. Cũng giống như trong 14 năm sống và làm việc trên giàn khoan thì với anh ở giai đoạn nào, vị trí nào anh cũng yêu thích. Vì mỗi vị trí đều có cái thử thách, khó khăn và cái hay của nó. Khi mới ra trường về xí nghiệp với chức danh thợ khai thác, anh tâm sự: “Nếu như không chuẩn bị tâm lý sẵn thì mình cũng dễ chán vì đang là kỹ sư có bằng giỏi mà đi ký thợ bậc 4/6. Lúc đó cũng có chút buồn nhưng sau một thời gian làm thợ mới nghiệm ra một điều rằng quãng thời gian này rất quan trọng đối với nghề nghiệp sau này”.

Kỹ sư ký chức danh thợ là chuyện bình thường ở Liên doanh mà hầu như kỹ sư nào mới ra trường, dù có giỏi đến mấy cũng phải trải qua. Và đây cũng là nét đặc trưng của Liên doanh Việt – Nga do không có chương trình đào tạo cho những người mới bắt đầu đi làm như các nước tư bản mà chủ yếu là đào tạo tại chỗ. Người trước có nhiệm vụ hướng dẫn người đi sau thực hành trực tiếp ở công trình của mình, cấp cao hướng dẫn cấp thấp, già hướng dẫn cho trẻ… Chính thời gian làm thợ giúp nhiều kỹ sư dễ tiếp cận công việc và nhanh trưởng thành hơn.

Các thế hệ đi trước đã không ngần ngại truyền những kinh nghiệm quý báu cho các anh em mới ra trường. Đó là những kiến thức thực tiễn mà ở nhà trường chưa ai dạy. Và chính trải nghiệm này cũng giúp cho các kỹ sư hiểu đặc thù công việc, hiểu được tâm tư nguyện vọng của anh em trên giàn để khi lên những vị trí cao hơn như đốc công hay lãnh đạo giàn thì dễ dàng phối hợp, tổ chức công việc. Và chính các anh sẽ nắm được quy trình làm thế nào để đào tạo một kỹ sư mới ra nghề trong thời gian ngắn mà có hiệu quả, và thông hiểu anh em hơn khi giao việc cho họ.

Tháng 6/2010, anh Hoài Vũ chuyển về Phòng Kỹ thuật sản xuất, Xí nghiệp Khai thác Dầu khí. Đây là bước ngoặt thay đổi vị trí làm việc và mở đầu cho những sáng kiến mới. Anh tâm sự, khi ở trên giàn, có nhiều cải tiến, tìm tòi trong công việc đã được anh em áp dụng, nhưng khi chuyển lên bờ, các anh với kinh nghiệm đã kinh qua cộng với năng lực chuyên môn và độ bao quát tốt hơn, đồng thời nhận được sự trao đổi, giúp đỡ của các đồng nghiệp nên giúp cho các sáng kiến ấy hoàn thiện hơn.

Công việc tại Phòng Kỹ thuật sản xuất giúp anh có điều kiện đi nhiều giàn và có sự kiểm tra, so sánh, để biết các giàn thật sự cần gì, thiếu gì. Đam mê, trăn trở và suy nghĩ không ngừng về công việc, chỉ sau hơn một năm chuyển về bờ, anh và các đồng nghiệp đã hoàn thành 16 sáng kiến – giải pháp kỹ thuật trình lên Hội đồng Sáng kiến – Sáng chế của Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro. Trong đó, có tới 15 giải pháp kỹ thuật đã được công nhận. Đặc biệt, có 5 sáng kiến khi đưa vào áp dụng đã mang lại hiệu quả tiết kiệm chi phí lên tới hơn 156.000USD.

Nhìn khối lượng công việc, danh sách những sáng kiến của anh quả là đáng để khâm phục cho tinh thần đam mê công việc và nghiên cứu của anh. Năm 2011 có 15 sáng kiến, năm 2012 có 10 sáng kiến, năm 2013 có 8 sáng kiến. Tôi nghĩ rằng, danh sách sáng kiến của anh Hoài Vũ sẽ còn tiếp tục trong những năm tiếp theo.

Anh kể: “Khi còn là Giàn phó công nghệ giàn 3 – mỏ Bạch Hổ, có lần nhiều anh em trên giàn bị mẩn ngứa do tắm bằng nước giếng khoan từ dưới biển sau đó được sử dụng trực tiếp vì không có bồn chứa để lắng tạp chất. Là người phụ trách giàn, chúng tôi cảm thấy cần phải tìm cách giải quyết ngay khó khăn trong sinh hoạt này. Ngay sau đó, sáng kiến tái sử dụng bồn chứa vật liệu rời của tổ hợp khoan cắt đã cũ thành bồn lắng chứa nước sinh hoạt đã ra đời và đưa vào sử dụng”.

Kể từ khi có bồn lắng chứa nước sinh hoạt ra đời, anh em trên giàn không ai bị mẩn ngứa nữa. Đúng là những sáng kiến nhỏ này không thể tính giá trị bằng tiền, mà quan trọng là giúp anh em trên giàn có sức khỏe tốt, an tâm công tác. Đó là hạnh phúc lớn của người tạo ra các sáng kiến.

Năng lượng Mới số 303