Trong lịch sử 35 năm hình thành và phát triển của Viện Dầu khí Việt Nam, có những người đã dành trọn cả phần đời gắn mình với những công trình nghiên cứu để làm nên một Viện Dầu khí Anh hùng như hôm nay. Trong giới khoa học của Viện không ai không biết kỹ sư Lê Trọng Cán – một người được coi là “con ong” chăm chỉ, cần mẫn nhất của phòng “Minh giải tài liệu địa chất địa vật lý, đánh giá cấu trúc, tiềm năng dầu khí và phương hướng tiếp theo”. Ở tuổi 81, mắt đã kém, sức khỏe có phần giảm sút nhưng ông kể lại chuyện đi tìm dầu với nhiều chi tiết của cuộc đời cứ hiện về cuồn cuộn mà mới như xảy ra hôm qua.
Tháng ngày gian khó
Quê gốc ở Quảng Trị, người con vùng đất nghèo khó luôn tâm niệm một điều: gia đình mình đông con, phải đi học kiếm cái chữ, cái nghề, bởi lẽ ruộng vườn ông bà thân sinh không có nhiều. Thời học sinh, Lê Trọng Cán đã tự nuôi mình bằng cách làm gia sư cho trẻ em quanh vùng. Mỗi buổi dạy, Lê Trọng Cán được thù lao bằng 2 bữa cơm gia chủ nuôi. Không có tiền mang về cho bố mẹ nhưng nhà đỡ một miệng ăn, cậu trò Lê Trọng Cán bằng lòng với những gì mình có. Rồi khi đê sông Bùi Xá (Hà Tĩnh) vỡ vào năm 1955, Lê Trọng Cán chạy lũ ra Thanh Hóa làm đủ mọi nghề như khuân vác lúa gạo, luồng, nứa ở cầu Cốc để có tiền sinh sống và học hành.
Duyên nghiệp của Lê Trọng Cán với ngành Dầu khí rất tình cờ. Một lần ông xem phim “Bọn quỷ từ giã núi cao” ở bãi Yên Phụ – Hà Nội. Thế là trong tiềm thức của chàng trai trẻ cũng muốn được hóa mình thành nhân vật được đi máy bay trực thăng, đóng giả côn trùng để bảo vệ nhà địa chất như trong phim Lê Trọng Cán đã nộp đơn thi vào Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Ông thi đỗ và vào học lớp địa chất khóa 2 của trường năm 1957-1961. Nhờ thành tích học tập xuất sắc, ông được giữ lại làm giảng viên nhưng được phân dạy bộ môn “Bào tử phấn hoa” nhưng ông không thích. Ông xin về Tổng cục Địa chất, sau đó ông được điều về Vụ Tổ chức của Tổng cục Dầu khí. Sau đó, vào cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, ông làm thăm dò địa chấn ở Đoàn 36F khu vực Đồng bằng Sông Hồng. Kể từ đây, công cuộc đi tìm dầu cho đất nước của kỹ sư Lê Trọng Cán đã trải qua bao thăng trầm, biến cố, có vui, có buồn nhưng trên hết, ông cảm nhận một điều, có dầu khí là đất nước có tương lai xán lạn.
Ông Lê Trọng Cán kể chuyện một thời đi tìm dầu
Trong giai đoạn 1968-1971, ông vừa đi học, vừa làm việc tại Đoàn 36F. Hồi ấy, được làm việc với những “cây đa, cây đề” của ngành Dầu khí như ông Trương Minh, Nguyễn Trí Liễu, Hồ Đắc Hoài đã tôi rèn cho ông những phẩm chất của một kỹ sư địa chất. Ông làm việc bất kể ngày đêm bởi niềm tin dưới lòng đất mẹ Việt Nam có dầu luôn thôi thúc ông phải cố gắng, cố gắng hơn nữa. Ông bảo: “Người làm địa chất nói chung, địa chất dầu khí nói riêng cần có hai đức tính là trung thực và niềm tin. Trung thực với chính bản thân mình, với chính công việc đang làm. Tài liệu có đến đâu thì nói đến đó. Và tiếp nữa là phải có niềm tin. Tin vào những mũi khoan đang ngày đêm xuyên xuống lòng đất. Dù không có nhiều dầu nhưng mồ hôi đổ của ngày hôm nay, ắt sẽ có dầu vào một ngày không xa”. Nghe ông nói mà người viết cảm nhận được rằng, đôi khi thành quả lao động của nhà địa chất chỉ là một cấu tạo dầu nhỏ, một túi khí quy mô công nghiệp địa phương nhưng trên hết, người địa chất luôn cháy hết mình, sống trách nhiệm với công việc đang làm.
Đến nay, chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm nhưng những tháng ngày vừa khoan vừa hứng mưa bom bão đạn của giặc Mỹ không làm những người kỹ sư như ông nao núng. Năm 1968, khi đang làm nhiệm vụ ở hiện trường, ông nghe tin vợ sinh con, ông xin nghỉ phép về thăm vợ, nhìn mặt con. Nhưng bom đạn giặc Mỹ đánh phá tàn ác quá, ông phải nán lại nhiều nơi trú bom rồi mới về được. Hôm ấy, mùa Đông năm 1968, về đến nhà chưa kịp rũ bùn đất trên quần áo do bom đạn vấy vào thì ông nghe hung tin, đứa con mới chào đời chưa kịp hưởng cuộc sống đã không còn. Người bố trẻ lặng đi, quay mặt và khóc nức nở. Thời chiến tranh loạn lạc, chuyện sinh con không thành, có lẽ nhiều gia đình cũng đồng cảnh ngộ nhưng với ông Cán, lồng ngực ông cứ nghẹn lại. Thương vợ, xót con nhưng chẳng thể làm được gì bởi cái nghèo đã đẩy vợ chồng ông vào hoàn cảnh này. Chuyện con mất không chỉ dừng lại là nỗi đau mà đó còn là niềm thôi thúc. Ông bảo: “Đói quá, nghèo quá ấy mà, đất nước có gì ngoài mảnh ruộng. Phải tìm dầu nhanh thôi. Ít nhất là gia đình mình, đồng nghiệp mình cũng đỡ đi cảnh nghèo khó”. Gạt nước mắt, ông lại lên đường, vững tin một ngày không xa, những dòng dầu, khí trong lòng đất sẽ phun trào.
Năm 1971, ông Cán nhận công tác nghiên cứu ở Đoàn 36B – tiền thân của Viện Dầu khí Việt Nam ngày nay. Những ngày đầu chuẩn bị thành lập Viện, mọi thứ đều thiếu thốn nhưng do yêu cầu cần phải có một viện nghiên cứu để minh giải tài liệu dầu khí ở Đồng bằng Sông Hồng và mở rộng khoan thăm dò thềm lục địa nam Việt Nam, Viện Dầu khí Việt Nam đã ra đời ngày 22/5/1978. Là một trong những cán bộ đầu tiên của viện, ông Lê Trọng Cán bồi hồi, xúc động nhớ lại những năm tháng nghiên cứu của mình. Những năm tháng ấy thật oai hùng và giàu cảm xúc.
Người của những công trình
Gần 30 năm làm tại viện, đồng nghiệp nhớ đến kỹ sư Lê Trọng Cán là nhớ về 4 công trình nghiên cứu mà cho đến nay, nó vẫn còn nóng hôi hổi tính thời sự và tầm quan trọng. Công trình “Phân vùng kiến tạo các bể trầm tích thềm lục địa Việt Nam và vùng lân cận” là công trình cấp quốc gia. Một công trình cấp quốc gia nữa là “Các đứt gãy chủ yếu và quy luật hình thành bình đồ cấu tạo và quy luật phân bố Cacbuahydro ở miền võng Hà Nội”. Trong đó, công trình “Cấu trúc địa chất tiềm năng dầu khí của miền võng Hà Nội, phương hướng tìm kiếm thăm dò tiếp theo” và công trình “Cấu tạo địa chất triển vọng dầu khí và phương hướng tìm kiếm theo nhánh trũng Tây Nam bể Cửu Long” là hai công trình để lại nhiều dư âm bởi những câu chuyện xung quanh nó.
Năm 1977, ông bảo vệ công trình “Cấu trúc địa chất tiềm năng dầu khí của miền võng Hà Nội, phương hướng tìm kiếm thăm dò tiếp theo”. Hồi đó, miền võng Hà Nội đã phát hiện ra mỏ khí Tiền Hải nhưng chưa thấy dầu. Hội đồng phản biện đã phải làm việc hơn một ngày trời vẫn chưa quyết định gì về công trình của kỹ sư Lê Trọng Cán. Sau đó, ông Nguyễn Văn Biên, Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí đã phải làm “trọng tài” khi nói rằng, nên tạm dừng việc phản biện tại đây để vài ngày nữa sẽ tiếp tục. Ngày hôm sau, ông Biên mời Lê Trọng Cán lên phòng làm việc tại 48 Nguyễn Thái Học, ông Biên nói: “Khi tôi qua Mehico thì tôi có trao đổi với Tổng thống Mehico và được khuyên là khi nghe ý kiến của các nhà địa chất phải lựa chọn, suy nghĩ chứ không nghe tuyệt đối vì ở vịnh Mehico chỉ có tầng Đệ Tam mới có dầu khí, trước Đệ Tam ít có triển vọng. Vì thế, công tác dầu khí ở vịnh Mehico chậm mất 20 năm”.
Kỹ sư Lê Trọng Cán (giữa) làm việc với chuyên gia nước ngoài tại Viện Dầu khí Việt Nam năm 1979
Sau khi kể lại chuyện này, Tổng cục trưởng lại dặn thêm kỹ sư Cán nên về đọc lại tài liệu để vài ngày tới bảo vệ tiếp. Ông Cán lầm lũi ra về trong lo lắng. Nhưng không may cho ông là ông đổ bệnh đúng lúc nước sôi lửa bỏng này. Bệnh của ông không nặng nhưng do lao lực quá sức trong nhiều tháng hoàn thiện công trình nên thuốc men cấp tập cũng chẳng thuyên giảm được gì. Ngày bảo vệ cũng đã tới, ông vẫn kiên quyết cho rằng, ở miền võng Hà Nội chỉ có khí, không có dầu mang tính thương mại. Ông đưa ra nhiều lý lẽ sắc xảo, có tính thuyết phục, hội đồng phản biện đã “chịu thua” ông và công nhận công trình của ông. Trước đó, Liên Xô có gửi công văn yêu cầu xác minh lại tiềm năng dầu khí ở Việt Nam, Liên Xô sẽ viện trợ 20 triệu rúp. Sau khi có thêm thông tin về triển vọng dầu khí ở Việt Nam bằng những công trình nghiên cứu cụ thể, phía bạn đã tăng thêm 5 triệu rúp để Việt Nam tiếp tục công tác nghiên cứu tìm kiếm dầu khí.
Có thể thấy, công trình của kỹ sư Lê Trọng Cán đã đúng với thực tế là miền võng Hà Nội chỉ có khí, không có dầu mang tính thương mại và cho đến ngày nay, nhận định này vẫn còn nguyên giá trị. Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, công cuộc tiếp cận cơ sở vật chất, tài liệu dầu khí của ngụy để lại đã được triển khai nhanh chóng. Năm 1976, kỹ sư Lê Trọng Cán bắt đầu nghiên cứu công trình “Cấu tạo địa chất triển vọng dầu khí và phương hướng tìm kiếm theo nhánh trũng Tây Nam bể Cửu Long (Đồng bằng Sông Cửu Long)” cũng là lúc ông cùng đồng nghiệp vào thực địa tại Đồng bằng Sông Cửu Long. Hồi đó, ngành Dầu khí đưa người, vật lực vào miền Nam khá nhiều để mong tìm được dầu.
Một hôm, kỹ sư Lê Trọng Cán có nghe ông Phan Tử Quang, Tổng cục phó Tổng cục Dầu khí nói trong một cuộc họp: “Đồng bằng Sông Cửu Long ta chưa nghiên cứu kỹ, ta không nên đưa ồ ạt vào mà phải đưa từ từ”. Chính lãnh đạo ngành Dầu khí đã có căn dặn thế nên mọi công tác có phần giảm bớt để tránh lãng phí và gấp gáp. Sau đó, hai mũi khoan đã được xuyên xuống lòng đất vùng Vĩnh Long và cho kết quả không có gì. Ngành Dầu khí thành lập ngay đoàn khảo sát do ông Nguyễn Hiệp làm trưởng đoàn, kỹ sư Lê Trọng Cán phụ trách kỹ thuật và viết báo cáo về cho Tổng cục Dầu khí nhằm đánh giá lại tiềm năng dầu khí ở vùng này. Sau nhiều năm nghiên cứu, kỹ sư Lê Trọng Cán thấy rằng, vùng này trầm tích Đệ Tam rất mỏng, không có tầng sinh dầu, không có tầng chắn dầu nên không thể có dầu khí. Sau đó, công tác thăm dò dầu khí được vươn ra biển, tập trung ở bể Cửu Long, bể Nam Côn Sơn và các bể lân cận khác.
Khoa học là bất tận. Cái đúng hôm nay có thể ngày mai sẽ bị bác bỏ nhưng trên hết, tinh thần làm việc hăng say, muốn khẳng định và tìm ra dòng dầu cho đất nước của thế hệ kỹ sư như ông Lê Trọng Cán là hết sức đáng khâm phục. Trong mấy chục năm làm bạn với mẫu đất, đá, ông Cán đã làm nên hàng chục công trình, bài báo khoa học đăng trên Tạp chí Dầu khí, địa chất. Ông chia sẻ: Người làm khoa học, dù “đứa con tinh thần” ở dạng nào thì cũng là của quý, cũng đáng trân trọng vì nó là mồ hôi, công sức, đôi khi cả nước mắt và máu hòa trộn vào.
Thời kỳ kinh tế khó khăn, ngày đi làm ở viện, tối về, ông lại cùng vợ là bà Nguyễn Thị Ước cuốn thuốc lá giao cho những cửa hàng tạp hóa. Những năm tháng tích từng đồng để sống, để nuôi con và làm khoa học vất vả thế đấy. Giờ đây, khi về nghỉ hưu nhưng ông vẫn hướng về Viện Dầu khí Việt Nam – nơi đã cho ông một sự nghiệp. Trò chuyện với chúng tôi, ông bảo rằng ông vẫn tâm niệm một điều, người làm khoa học phải để cho họ có một khoảng không gian và thời gian nhất định. Đừng vì kế hoạch, thành tích mà thúc ép người làm khoa học phải chạy theo.
Trong nhiều công trình nghiên cứu địa chất từ thập niên 70 đến cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, không ít lần ông Cán đứng giữa hai dòng nước. Một là bảo vệ chính kiến của mình, tức là bảo vệ sự thật mà ông nghiên cứu được; hai là chịu ảnh hưởng bởi một luồng ý kiến hay một chỉ đạo có thể làm thay đổi kết quả công trình của ông. Ông cười: “Tôi ngông lắm. Không ngông thì làm khoa học thế nào được”. Từ “ngông” ông dùng có thể hiểu nôm na là cố bảo vệ bằng được lý lẽ của mình. Nhìn xa xăm và nhấm chén trà nóng, ông tiếp câu chuyện: “Nếu mình không làm đúng với chức phận của mình, con cháu sau này mà xem lại công trình của mình, chúng sẽ bảo mình ngu, mình dốt. Lúc đó đã toan về già hoặc khuất núi rồi, có làm lại cũng không thể”.
Năm nay Viện Dầu khí Việt Nam kỷ niệm 35 năm thành lập, số năm ấy bằng tuổi nghề địa chất của ông. Ông cho biết, một ngành Dầu khí phát triển cần phải tìm ra dầu hoặc khí. Không có những chất đó thì làm sao mà xây dựng được ngành công nghiệp này. Sau rồi phải phát triển công nghiệp lọc hóa dầu, dịch vụ dầu khí. Song song với các nhiệm vụ đó là đẩy mạnh công tác nghiên cứu. Nghiên cứu phải được đầu tư mạnh cả về vật chất lẫn con người mà con người là kim chỉ nam. Hồi xưa, ông Cán đã phải làm việc với chuyên gia Liên Xô, chuyên gia phương Tây có trình độ cao. Theo ông thì một người làm khoa học giỏi phải có công trình nghiên cứu và phải làm việc cùng chuyên gia ngoại. Ngành Dầu khí Việt Nam tuy có bề dày lịch sử nhưng một số lĩnh vực vẫn còn non trẻ, trong đó công tác nghiên cứu thì vẫn yếu và thiếu.
Các công trình sau khi đã bảo vệ cần được công bố rộng rãi và khuyến khích tìm tòi cái mới, triển khai thêm bởi một công trình sau khi đóng sổ không có nghĩa là nó đúng hoàn toàn hoặc áp dụng thực tế ngay mà cần phải trải qua quá trình tích nạp thực tế, phản biện để hoàn thiện.
Với ông Lê Trọng Cán, nói chuyện dầu khí là đưa ông trở về với những ngày tháng cơm không đủ ăn, áo sờn rách vai nhưng luôn nở nụ cười trên môi. Người địa chất dầu khí có câu: “Dù không tìm thấy dầu thì lòng ta vẫn vui phới phới”. Niềm vui ấy chính là động lực để họ làm việc, để hướng về ngày mai, dòng dầu đâu đó sẽ phun trào từ lòng đất mẹ.
Năm 1973, Phòng Tổng hợp thuộc Liên đoàn bộ Liên đoàn Địa chất 36 sáp nhập với phòng thí nghiệm phân tích mẫu (phòng hóa) và thư viện của Liên đoàn Địa chất 36 để hình thành một đoàn nghiên cứu chuyên đề, phiên hiệu là Đoàn Nghiên cứu chuyên đề địa chất dầu khí 36B (thường gọi là Đoàn 36B), đóng ở Chợ Gạo, Hưng Yên – tiền thân của Viện Dầu khí sau này. Đoàn trưởng Đoàn 36B đầu tiên là anh Nguyễn Ngọc Sớm, đoàn phó là các anh Nguyễn Giao (phụ trách khối địa chất) và Lương Trọng Đảng (phụ trách phòng thí nghiệm phân tích mẫu) và một số cán bộ kỹ thuật chủ chốt khác. Ngày 22/5/1978, Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí Nguyễn Văn Biên ký Quyết định số 655/DK-QĐTC về việc giao nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Viện Dầu khí Việt Nam. Như vậy, có thể coi ngày 22-5-1978 là ngày khai sinh chính thức của Viện Dầu khí Việt Nam. |
Đức Chính