12/12/2022 6:48:17

Kỷ niệm về một chuyến thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa

Đến hẹn lại lên, đoàn Dầu khí chúng tôi từ Bắc vào Nam tụ họp tại quân cảng Cam Ranh tham gia đoàn công tác số 3 do Bộ tư lệnh Hải quân tổ chức vào trung tuần tháng 4/2022 vừa qua. Chuyến hành trình thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa đã để lại dấu ấn tốt đẹp, mang lại năng lượng tích cực, góp phần gắn kết các thành viên trong đoàn.

Hướng về biển đảo

Với hành trang được chuẩn bị từ năm ngoái của chuyến “học kỳ quân đội 14 ngày” tại Lữ đoàn 125 anh hùng, đến hẹn lại lên, đoàn Dầu khí chúng tôi từ Bắc vào Nam tụ họp tại quân cảng Cam Ranh tham gia đoàn công tác số 3 do Bộ tư lệnh Hải quân tổ chức. Hải trình của đoàn bắt đầu từ ngày 12/4-20/4/2022 (dự bị 1 ngày 21/4/2022), tuy nhiên trong bối cảnh khác biệt là dịch Covid -19 còn đang tiếp diến, chúng tôi được triệu tập từ ngày 8/4/2022 để đảm bảo công tác kiểm tra, sàng lọc Covid theo đúng quy định, đồng thời trong những ngày này chúng tôi tham gia các hoạt động trước chuyến đi: tham quan binh đoàn tàu ngầm, tàu chiến của quân chủng hải quân vùng 4; thực hiện nghi lễ tưởng niệm các chiến sỹ Gạc Ma; họp đoàn công tác và giao lưu đoàn trước chuyến đi.

Đại diện các đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm trước khi lên tàu thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa. Ảnh Mạnh Tưởng

Đại diện các đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm trước khi lên tàu thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa. Ảnh Mạnh Tưởng

Sáng ngày 12/4/2022, cả đoàn lên xe do quân chủng hải quân bố trí đưa ra quân cảng, đi trên tuyến đường do quân sự quản lý với cây cối cắt tỉa gọn gàng, đường phố sạch sẽ, tôi ấn tượng với động tác chào và chỉ dẫn đường của các chiến sỹ hải quân rất rõ ràng, dứt khoát. Trong lòng thấy vui khi nhớ lại chuyến bay vào Cam Ranh buổi tối hôm trước, tôi đã vội xin lại một kiểu ảnh với 2 bạn chiến sỹ đón tôi và đồng nghiệp với lý do “lần đầu tiên các chị đi công tác mà được xe biển đỏ đón đấy”. Đến bến cảng quốc tế Cam Ranh, tôi vội nhận valy đã dán tên và số phòng đưa cho người chiến sỹ để đưa lên tàu, tôi cùng các bạn ra ngắm con tàu mình sẽ đi, tàu mang số hiệu Trường Sa 571 oai phong trong nắng sớm.

Khi bước chân lên tàu, nghe tiếng loa “đề nghị các đại biểu lên tàu rồi thì không xuống nữa” thì cảm giác lo sợ về Covid đã tan biến. Đứng trên lan can tàu đầy nắng và gió, nghe tiếng còi tàu rền vang, giơ tay lên vẫy chào tạm biệt đất liền mà trong lòng tôi thấy rưng rưng “vậy là chuyến đi thăm Trường Sa đã thực sự bắt đầu”.

Hải trình đến với Trường Sa của đoàn công tác số 3 với 230 đại biểu do Chuẩn đô đốc Hoàng Hồng Hà, Phó Tư lệnh Hải quân làm trưởng đoàn nên tàu HQ 571 ngoài cờ Tổ quốc, cờ Quân chủng Hải quân, còn có cờ của Phó tư lệnh để các tàu đi qua biết sẽ kéo còi chào.

Kỷ niệm đầu tiên đáng nhớ là chưa bao giờ tôi và đồng nghiệp mặc áo đỏ đồng phục Petrovietnam nhiều như thế: 3 ngày liên tiếp với các hoạt động ý nghĩa: ngày 1 để đi đài tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma; ngày 2 chụp ảnh kỷ niệm đoàn Dầu khí trước khi lên tàu Trường Sa 571, ngày 3 chụp ảnh kỷ yếu đoàn công tác số 3 trên tàu. Các đoàn khác trên tàu cũng “tỵ” với đoàn Dầu khí về công tác chuẩn bị: nhiều áo đồng phục đoàn để chụp ảnh nhất (do các đơn vị chuẩn bị gồm: Petrovietnam, VSP, BSR, PVCFC, PVFCCo, CLB Dầu khí Trường Sa) và đồ ăn, thức uống, đồ sinh hoạt, quà tặng,… cho chuyến đi cũng rất đầy đủ. Sở dĩ như vậy vì chúng tôi có bảng phân công nhiệm vụ đoàn và nội quy đi Trường Sa được phổ biến trước chuyến đi (trong đó đặc biệt là khâu chuẩn bị nội dung, in ấn băng rôn để đưa hình ảnh, tinh thần đoàn Dầu khí khi lên thăm các đảo và tấm “bằng khen” đóng dấu các đảo làm kỷ niệm cho mỗi thành viên đoàn).

Sau 44 tiếng lênh đênh trên biển trước khi đến đảo đầu tiên trong chuyến hành trình từ đất liền, được thưởng thức 2 đêm trăng thanh gió mát, mặt biển phẳng lặng mà ngỡ như mình đang ở trên mặt hồ Tây, ngồi đu đưa trên boong, trước cabin tàu giao lưu cùng anh chị đội Ngân hàng Nhà nước thấy mình như đang ngồi du thuyền trên Biển Đông. Khoảng thời gian này, khi đã quen với sóng biển, anh em chúng tôi đã bảo nhau phụ giúp tổ bếp khi biết được nhân lực nhà bếp chỉ có 13 bạn là chiến sỹ tại các lữ đoàn được huy động để phục vụ đoàn đại biểu 230 người với 4 bữa ăn/ngày.

Do đã được trải nghiệm bếp bộ đội năm ngoái tại Lữ đoàn 125 nên chúng tôi đã hòa nhập nhịp việc bếp núc rất thuần thục: nhặt rau, rửa bát, chia phần ăn và đặc biệt chỉ có các anh đoàn dầu khí tham gia nhặt rau cùng các chị em. Tinh thần đó được lan tỏa đến các chị ở đoàn NHNN, rồi cả các em đoàn ca múa nhạc TW. Và thực sự phần lớn thời gian trên tàu là bạn dành cho khu bếp – nơi bạn được chào đón vì họ rất cần bạn giúp đỡ với không khí lao động gần gũi, nhộn nhịp từ sáng sớm tinh mơ đến đêm khuya.

Song song đó, các thành viên dầu khí tích cực tham gia các hoạt động thi đua tập thể đạt thành tích cao: Giải nhất cuộc thi ảnh chụp đẹp trong chuyến đi, Giải nhì cờ tướng, Giải nhì về sáng tác thơ ca về biển đảo và chiến sỹ hải quân, Giải nhất tốp ca bài hát “Mùa xuân đến từ những giếng dầu”, Giải nhì tam ca bài hát “Đường chúng ta đi”. Giữa biển khơi tối đen, hoạt động giao lưu văn nghệ được tổ chức trên boong tàu khiến chuyến hành trình thêm ấm áp.

Có thể nói, đoàn dầu khí chúng tôi đã tập luyện và hát với tinh thần của người dầu khí: nghiêm túc và nhiệt huyết. Chỉ trước giờ G 1 tiếng, vì sự cố tiết mục được chuẩn bị không thể biểu diễn, 3 chàng ngự lâm đã rủ nhau lập đội, tìm bài hát và khớp lời khớp nhạc để ra sân khấu. Khi biết tin đó tôi tò mò xuống tầng nam để hỏi xem tình hình như thế nào, cửa phòng đóng nhưng trong phòng có tiếng hát, đẩy cửa vào tôi ngỡ ngàng khi 3 anh mặc áo đồng phục nghiêm chỉnh, đứng dàn hàng ngang trong lối đi chật hẹp của phòng để luyện hát, được 2-3 câu lại dừng để nhắc nhau đến lượt hát.

Cùng các anh lên boong chờ đến lượt biểu diễn mà tôi thấy mồ hôi của các anh chảy ròng trên mặt (có lẽ vì tối ấy trời rất oi nóng, đến cờ treo trên đỉnh tàu còn không bay được vì không có tí gió nào). Và rồi, khán giả trầm trồ khi các ca sỹ không chuyên không chỉ có giọng hát khoẻ khoắn mà phong cách biểu diễn cũng rất chuyên nghiệp.

Bài hát tốp ca cũng thú vị không kém, từ việc chọn bài hát nào cũng gay cấn khi các ca sỹ là các cán bộ tham gia đàm phán hợp đồng: “bài hát phải về biển đảo, đất nước”, “lời hát, giai điệu phải hào hùng mới nổi giữa biển trời mênh mông”, “dầu khí là cứ phải phừng phừng”. Và cả đội hỷ hả “bài đoàn mình không sợ bị đụng hàng với bất kỳ đoàn nào” nên tinh thần ấy được truyền vào tiếng hát bài “Mùa xuân đến từ những giếng dầu”. Trước giờ biểu diễn, cả đội hẹn nhau ăn tối sớm để lên khớp nhạc và đội hình lại lần nữa do mới tập luyện đến lần thứ 2, trong khi các đoàn khác tập luyện hát múa suốt tối, ngày khi trên tàu. Hình ảnh đội hát mặc đồng phục logo Petrovietnam chỉnh tề, hồi hộp, hớn hở ra sân khấu chắc hẳn tôi không thể nào quên. Có anh trong đội cười vui “lần đầu tiên được hát trên sân khấu, vừa hát vừa vỗ tay thôi nha”, rồi các đạo diễn “không đứng nghiêm hát như thế, chân tay phải giơ lên vẫy chào”, “hay khoác vai đu đưa nhỉ” và cuối cùng khi biểu diễn là phong cách free style tự tin nhất của mỗi diễn viên trong đoàn.

Đến 2 ngày cuối, khi ảnh hưởng bởi cơn bão bên Philippines thì biển động, sóng cấp 2 thôi nhưng dân văn phòng, đa phần đều lần đầu đi biển nên cũng nằm im hết, người say, người nôn nao khiến không khí cũng trầm hẳn xuống. Lo lắng nhất là các em nhà bếp vì suất ăn sẽ bị thừa nhiều, phải nấu cháo thêm cho các chị và không có người phụ giúp xuống bếp vui nữa. Cảm động với tình cảm đó, các chị vẫn cố gắng xuống bếp cho quên đi cơn say sóng và tranh thủ thời gian được chuyện trò với các em, những chiến sỹ trẻ vô tư và nhiệt tình.

Tình yêu biển đảo và chiến sỹ

Từ ngày 14-18/4/2022, chúng tôi hành quân 2 đảo/ngày với hải trình gồm 9 điểm đảo và 1 nhà giàn: Sinh Tồn Đông, Len Đao, Núi Le A, Tốc Tan C, An Bang, Đá Lát, Trường Sa Đông, Đá Tây C, Trường Sa và DK1/20 (bãi cạn Ba Kè). Sáng sớm ngày 14/4/2022, vượt qua hơn 300 hải lý, đúng lịch trình, tàu HQ 571 thả neo ở khu vực đảo Sinh Tồn Đông, tôi háo hức nhìn thấy đảo nên hẹn giờ dậy từ 5 giờ sáng cùng hội săn “nghệ thuật” lên boong tàu đón bình minh đặc biệt, ở một nơi thật xa đất liền.

Sau tiếng loa “Đã hết giờ nghỉ, toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu” đặc trưng của binh chủng hải quân, xuống khu nhà ăn tầng C ăn cơm sáng xong, các chị em khẩn trương thay quần áo đồng phục, tư trang được bọc nilon như đã chuẩn bị để xếp hàng lên cano đi vào đảo. Tuy nhiên sau chuyến cano đầu tiên, những bao bọc không sử dụng đến lần 2 vì biển quá êm, nước không bắn lên quần áo giọt nào.

Nhìn từ boong tàu, đảo Sinh Tồn Đông có cây xanh bao phủ, là đảo nổi (để phân biệt với là đảo chìm là chỉ có đá và nhà trạm của các chiến sỹ). Ngoài đường dẫn lên đảo nơi cano cập vào được, đặc điểm nổi bật là hai đầu cuối của đảo có bãi cát, bãi ở đầu Bắc dài hơn đầu Nam, các bãi này di chuyển theo mùa. Xung quoanh đảo, dưới làn nước biển là các hàng cọc tre bao bọc, vừa để giữ đất, vừa có tác dụng ngăn chặn tàu thuyền lạ cập đảo.

Khoảng thời gian để đưa các thành viên đoàn lên thăm đảo trên 2 cano thay phiên nhau từ 6 giờ đến 7 giờ sáng. Đón tôi là 1 cậu chiến sỹ trẻ, rắn rỏi với nụ cười tươi rói, trên ngực áo thêu biển tên Nguyễn Tuấn: “Chị có áo phao đặc biệt thế”, “Chào em, có duy nhất cái màu hồng đó và tên chị là Hồng nhé!”. Ngay lúc đầu chị em tôi đã như lâu ngày gặp lại nhau: “Em có quà cho chị này” và cậu đặt vào lòng tay tôi 1 chú chim sẻ nhỏ “Em nuôi nó đó chị”. Tôi đã kịp chụp với em 1 tấm ảnh kỷ niệm không đeo khẩu trang “để chị em mình sau này gặp lại còn nhận ra nhau chứ nhỉ!”.

Em vẫn trực ở cầu tàu để đón đoàn, tôi và các thành viên đi vào đảo để thăm các chiến sỹ, trong thời gian trên đảo 2 tiếng đồng hồ, tôi tình cờ gặp lại em khi đó vừa chạy vào để tham gia hoạt động giao lưu văn nghệ, mồ hôi nhễ nhại nhưng nụ cười vẫn tươi rói “Chị ơi, em bận nhưng tí chị đi vòng ra khu em ở, gặp bạn chiến sỹ ở đó, chị nói Tuấn gửi quả bàng vuông cho chị nhé!”

Khi ra về, em lại đón tôi ở cầu tàu, vẫn nụ cười tươi rói như gặp được người thân, tôi vui khi thấy em tinh ý lấy chiếc áo phao màu hồng duy nhất cho tôi mặc: “Chị đã lấy được quả bàng vuông chưa?” “Chị chưa”, “Lên đảo khác sẽ có nhiều quả bàng chị ạ… nhưng không có em…”. Tôi nghe như nghẹn lại. Bước xuống tàu, ngoái lại nhìn thấy em đang đưa tay dụi mắt, vẫy tay chào em mà không nói thêm được lời nào.

Có duyên thì sẽ gặp lại, chàng trai trẻ nhỉ! Văng vẳng bên tai tôi “Em chưa có gia đình, ở đảo 5 năm lâu nhất và hiện trên đảo này chỉ có một Tuấn thôi chị”.

14 giờ chiều ngày 14/4/2022, chị em đoàn Dầu khí chúng tôi hẹn nhau mặc áo dài cờ đỏ sao vàng lên boong cùng với đoàn công tác và các chiến sỹ hải quân tàu 571 làm lễ tưởng niệm các chiến sỹ đã hy sinh trên đảo Gạc Ma vào ngày 14/3/1988.

Đoàn công tác dâng hương tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma. Ảnh Mạnh Tưởng

Đoàn công tác dâng hương tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma. Ảnh Mạnh Tưởng

Lễ tưởng niệm trang nghiêm trong cái nắng rát bỏng của biển hòa với giọng đọc bài tưởng niệm về chiến công và hy sinh của các chiến sỹ trẻ ngày đó vang vọng và thật ý nghĩa khi trong đoàn có một thành viên là con trai của một người chiến sỹ đó, lần này được đứng tại đây để thắp hương tưởng nhớ bố mình. Từng thành viên đoàn công tác xếp hàng lần lượt thắp nén hương tưởng nhớ và theo sư thầy đi xuống mạn thuyền, thả lễ dâng hương xuống biển cả, gửi đến các đồng chí chiến sỹ đã hy sinh vì độc lập, bình yên của Tổ quốc: 300 con hạc giấy gánh những bông hoa cúc vàng thả dập dờn trôi, gửi gắm tình cảm của các thành viên đoàn đến với các anh.

Sau đó vào 15 giờ chiều cùng ngày, cả đoàn tiếp tục lịch trình công tác, xuống cano đi đến đảo Núi Le A, là đảo chìm. Lịch trình các ngày sau đó của đoàn diễn ra theo đúng kế hoạch, 1 ngày 2 đảo, 1 đảo chìm và 1 đảo nổi. Mặc dù các đảo đều không có nước ngọt, khí hậu khắc nghiệt, điều kiện sống khó khăn nhưng các chiến sỹ trẻ đều trẻ trung, tươi vui, khỏe khoắn và chăm sóc vườn rau xanh rất tốt tươi.

Chuyến đi đã kết thúc gần 1 năm, nhưng chắc rằng chuyến hành trình này, mang lại năng lượng tích cực, sẽ gắn với mỗi thành viên đoàn suốt cả chặng đường còn lại.

Đỗ Thị Minh Hồng