Ngày 19/11/2981, Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro được Chính phủ Việt Nam cấp phép hoạt động trên lãnh thổ ở thềm lục địa và trong vùng đặc quyền kinh tế nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là một mốc son rất quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của Vietsovpetro nói riêng và ngành Dầu khí nói chung.
Cuối những năm 70 đầu những năm 80 của thế kỷ trước, tình hình trong nước hết sức khó khăn, nền kinh tế mất cân đối nghiêm trọng. Bên cạnh đó, chiến tranh ở biên giới Tây Nam và xung đột biên giới phía Bắc cũng gây tác động xấu đến tình hình kinh tế – xã hội đất nước.
Lễ ký Hiệp định liên Chính phủ giữa Việt Nam và Liên Xô về việc thành lập Liên doanh Dầu khí Việt – Xô ngày 19/6/1981 |
Trong điều kiện ngành Dầu khí nước ta không chỉ thiếu công nghệ, kỹ thuật mà còn thiếu cả vốn, nhân lực có trình độ cao về khoa học kỹ thuật và khả năng quản lý, sự hợp tác với bên ngoài để tranh thủ các yếu tố trên là điều tất yếu. Chủ trương hợp tác đa phương trong hoạt động dầu khí được khẳng định trong Nghị quyết số 244-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 9/8/1975, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng trong việc phát triển ngành Dầu khí Việt Nam.
Theo Báo cáo số 782/DK-BC ngày 11/4/1977 của Tổng cục Dầu khí, tính từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đã có hơn 30 công ty (thời điểm báo cáo) thuộc nhiều quốc gia, trong đó có những công ty dầu khí lớn quốc tế, xin tham gia vào tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở Việt Nam. Nhà nước Việt Nam đã cho phép Tổng cục Dầu khí ký hợp đồng với 3 công ty: Deminex MBH (CHLB Đức), AGIP S.P.A (Tập đoàn ENI, Italia) và Bow Valley Exploration (Canada). Chỉ sau hơn 1 năm tính từ ngày ký hợp đồng, cả 3 công ty đã khoan được 8 giếng, 6/8 giếng có phát hiện dầu khí.
Song, do sức ép cấm vận của Mỹ về kinh tế đối với Việt Nam, đặc biệt cuộc chiến tranh biên giới đã làm gián đoạn mọi kế hoạch thăm dò, khai thác, các công ty dầu khí nước ngoài đồng loạt chấm dứt các hợp đồng dầu khí với Việt Nam vào năm 1979. Nhà nước Việt Nam phải có đối sách mới về hoạt động dầu khí ở thềm lục địa phía Nam. Tuy nhiên, không phải đến lúc này mà ngay từ những tháng đầu sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Nghị quyết 244/NQ-TW của Bộ Chính trị đã đề ra phương hướng quan trọng cho hoạt động dầu khí.
Năm 1979, một đoàn cán bộ cấp cao do Bộ trưởng Đinh Đức Thiện phụ trách dầu khí dẫn đầu đã đi thăm và làm việc tại Liên Xô. Đoàn đã bàn với phía Liên Xô lịch trình cụ thể số lượng chuyên gia sang giúp Việt Nam nghiên cứu tài liệu và xem xét tình hình dầu khí trong phạm vi cả nước.
Bộ Chính trị trong phiên họp ngày 01/12/1979 đã có quyết định hướng hợp tác với Liên Xô về dầu khí: “Hợp tác với Liên Xô có sự tham gia của một số nước trong Hội đồng Tương trợ kinh tế là rất cần thiết để xây dựng ngành công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh và vững chắc, giúp ta tiến tới tự lực tự quản lý các mặt kỹ thuật” (Thông báo số 17-TB/TW).
Ngày 17/12/1979, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã gửi thư cho Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô L.I.Brezhnev, chính thức đề nghị Liên Xô giúp xây dựng ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam và hợp tác khai thác dầu khí tại thềm lục địa phía Nam Việt Nam. Đây được coi là một quyết định có tính lịch sử, mở ra một thời kỳ mới cho ngành Dầu khí nước ta.
Ngày 3/7/1980, hiệp định giữa Việt Nam và Liên Xô về việc hợp tác tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam đã được ký tại Mátxcơva.
Một vấn đề được đặt ra là lựa chọn hình thức hợp tác khi thành lập một xí nghiệp liên doanh giữa Việt Nam và Liên Xô, tổ chức và hoạt động như thế nào cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế và đem lại hiệu quả cao nhất, xây dựng được cơ sở vật chất – kỹ thuật cho ngành Dầu khí hiện đại của Việt Nam, đồng thời cũng nhanh chóng đào tạo được đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật người Việt có trình độ chuyên môn cao? Hai phía đã thống nhất thành lập một dự án liên doanh góp vốn 50/50 bằng hiện vật (không góp vốn bằng tiền) trên cơ sở Hiệp định hợp tác hữu nghị Việt Nam – Liên Xô ký năm 1980 và chọn mô hình xí nghiệp liên hợp thăm dò khai thác dầu khí biển Azerbaijan làm cơ sở xây dựng Liên doanh Dầu khí Việt – Xô.
Ngày 19/6/1981, Hiệp định liên Chính phủ Việt Nam và Liên Xô về việc thành lập Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt – Xô (ngày nay là Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro) được ký kết.
Tròn 5 tháng sau, ngày 19/11/2981, Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro được Chính phủ Việt Nam cấp phép hoạt động trên lãnh thổ ở thềm lục địa và trong vùng đặc quyền kinh tế nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là một mốc son rất quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của Vietsovpetro nói riêng và ngành Dầu khí nói chung.
Đến nay, con đường lịch sử 40 năm đã ghi dấu ấn của những người làm dầu khí Vietsovpetro từ những ngày đầu gian khó, những thời điểm thách thức giới hạn của niềm tin, của lập trường, của những định hướng cho tương lai Vietsovpetro đến những niềm vui vỡ òa khi tìm thấy dòng dầu đầu tiên và liên tiếp những triệu tấn dầu được khơi lên từ lòng đất mẹ.
Con đường lịch sử 40 năm với hơn 240 triệu tấn dầu khai thác thấm đẫm biết bao mồ hôi, nước mắt, công sức của những người lao động dầu khí kiên cường. Vượt lên trên tất cả những khó khăn, thách thức, tập thể lao động quốc tế Vietsovpetro đã khắc ghi tên mình lên trên bản đồ dầu khí của Việt Nam, khu vực Đông Nam Á và thế giới.
Con đường lịch sử 40 năm với 240 triệu tấn dầu khai thác thấm đẫm biết bao mồ hôi, nước mắt, công sức của những người lao động dầu khí kiên cường. Tập thể lao động quốc tế Vietsovpetro đã khắc ghi tên mình lên trên bản đồ dầu khí của Việt Nam, khu vực Đông Nam Á và thế giới.
Trúc Lâm