03/06/2021 2:04:49

Kỷ niệm 40 năm thành lập Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro (19/6/1981 – 19/6/2021): Kỳ 2: Những căn cứ thực tiễn tiến tới Hiệp định ngày 19/6/1981

Nhu cầu tiếp tục xây dựng Chủ nghĩa Xã hội sau chiến tranh, trong hoàn cảnh đất nước ta vào những năm 1980 đã thúc đẩy chúng ta liên kết, hợp tác một cách tự nhiên với Liên Xô trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí.

Thiên nhiên hào phóng đã ban tặng cho đất nước Việt Nam nhiều loại tài nguyên khoáng sản có trữ lượng, chất lượng, và giá trị kinh tế cao. Trong kho tàng tài nguyên vô giá đó, dầu khí ở thềm lục địa phía Nam được đặt vào vị trí số một. Những căn cứ khoa học về tiềm năng dầu khí là cơ sở, có tính quyết định đối với việc ký kết bất cứ một hiệp định, một hợp đồng về tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí nói chung, cũng như đối với việc thành lập Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro nói riêng. Tính hấp dẫn, thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí quy tụ trước hết vào điểm mấu chốt này.

So với nhiều ngành khai thác tài nguyên khoáng sản khác, công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí đòi hỏi những khoản đầu tư khổng lô hàng trăm triệu, hàng tỷ đô la Mỹ với độ rủi ro rất cao. Khi phải tiến hành tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở ngoài biển khơi, quy mô vốn đầu tư và độ rủi ro càng tăng cao.

Trên thực tế, thực hiện một giếng khoan thăm dò với chiều sâu khoảng 4.000 m, chi phí ước khoảng 10 triệu USD. Để đánh giá và lập sơ đồ công nghệ mỏ dầu, khí, nhiều khi phải khoan hàng chục giếng khoan thăm dò rất tốn kém, trong khi xác suất tìm thấy dầu khí của các giếng khoan thăm dò tại thềm lục địa Việt Nam chỉ đạt khoảng 20-30%.

Có thể nói, sự cố rủi ro trong tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí cao hơn nhiều so với tất cả các lĩnh vực đầu tư sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí còn phải chịu nhiều rủi ro khác như biến động về chính trị – xã hội, giá cả trên thế giới, sự biến động bất thường của thời tiết, khí hậu…

Với những nét đặc thù trên, việc thành lập Vietsovpetro còn phải căn cứ vào tất cả các nguồn tài liệu về kết quả khảo sát tìm kiếm, thăm dò từ trước đến nay đã được đánh giá, phân tích một cách có hệ thống, có cơ sở khoa học, có luận cứ vững vàng. Sự phân tích đó không chỉ dựa vào các tài liệu đã khảo sát nghiên cứu trước đây, tài liệu của nước ngoài, mà phải căn cứ cả vào những kết quả nghiên cứu, khảo sát của chính các chuyên gia dầu khí của Việt Nam và Liên Xô để có cơ sở khẳng định một cách xác thực.

Tiềm năng dầu khí

Kỳ 2: Những căn cứ thực tiễn tiến tới Hiệp định ngày 19/6/1981
Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm các giàn khoan ven biển miền Bắc năm 1975.

Để xác định tiềm năng dầu khí làm căn cứ cho những quyết định liên quan đến hoạt động dầu khí, từ trước năm 1975, công tác điều tra khảo sát, tìm kiếm, thăm dò đã được xúc tiến ở cả hai miền Bắc, Nam.

Ở miền Bắc, giai đoạn 1955-1975, Chính phủ Liên Xô đã cử các đoàn chuyên gia địa chất sang giúp Việt Nam tiến hành điều tra cơ bản tài nguyên thiên nhiên, đã xác định được những vùng triển vọng dầu khí, trong đó các vùng trũng sông Hồng, vùng trũng An Châu được coi là có triển vọng nhất. Trong thời kỳ này, chúng ta cũng đã tiến hành khoan một số giếng tìm kiếm có chiều sâu trên 1.200 m ở hai vùng trũng này.

Năm 1975, khi Tổng cục Dầu khí Việt Nam được thành lập, công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí bắt đầu đi vào thực hiện một cách có hệ thống. Với sự giúp đỡ của Liên Xô, năm 1976, mỏ khí đốt Tiền Hải đã được phát hiện và năm 1981 đã được đưa vào khai thác phục vụ cho công nghiệp tỉnh Thái Bình.

Tại thềm lục địa phía Nam, nhiều nhà thầu, nhiều công ty dầu khí nước ngoài đã tiến hành các hoạt động khảo sát, tìm kiếm, thăm dò dầu khí với một khối lượng công việc tương đối lớn. Giai đoạn 1974-1975, các công ty Pecten/Shell, Mobil đã khoan thăm dò và phát hiện dầu ở cấu tạo Dừa và Bạch Hổ.

Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí ngoài biển cũng được đẩy mạnh. Kết quả là Công ty Deminex đã có một phát hiện dầu ở bồn trũng Cửu Long và Công ty Agip đã phát hiện 3 vỉa khí ở bồn trũng Nam Côn Sơn.

Như vậy, cho tới trước khi Vietsovpetro được thành lập, tại thềm lục địa phía Nam đã có hơn 10 nhóm công ty dầu khí thăm dò, đo gần 80.000 km tuyến địa chấn, khoan 18 giếng thăm dò, trong đó 6 giếng đã phát hiện dầu khí.

Giai đoạn 1979-1981, công tác thăm dò bổ sung do Tổng cục Dầu khí biển thuộc Bộ Công nghiệp Khí Liên Xô thực hiện chủ yếu gồm nghiên cứu địa chấn và địa chất công trình. Trên cơ sở kết quả của công tác này, các chuyên gia Liên Xô và Việt Nam đã đưa ra những kết luận có cơ sở khoa học về triển vọng dầu khí ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam.

Với những kết quả về điều tra khảo sát, tìm kiếm, thăm dò dầu khí thu thập được từ năm 1960 đến thời điểm những năm 1980 đã cho phép chúng ta phân tích, đánh giá và khẳng định, nước ta rất có triển vọng về dầu khí. Với những căn cứ ban đầu như vậy, để có cơ sở vững chắc cho việc xác định tiềm năng dầu khí ở thềm lục địa Nam Việt Nam, công tác điều tra cơ bản, tìm kiếm, thăm dò được đẩy mạnh hơn nữa.

Vấn đề đặt ra lúc này là phải tiếp tục hợp tác với các công ty dầu khí nước ngoài để khảo sát, tìm kiếm, thăm dò. Nhưng hợp tác với ai, với nước nào? Điều đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, vào tình hình bối cảnh trong nước và quốc tế.

Bối cảnh trong nước và quốc tế

Trong những năm 80 của thế kỷ XX, đất nước ta đứng trước nhiều khó khăn gay gắt. Khó khăn lớn nhất của nền kinh tế là thiếu lương thực và ngoại tệ. Để duy trì sự phát triển của nền kinh tế, hàng năm nước ta đã phải nhập trên 1 triệu tấn lương thực, gần 10 triệu tấn xăng dầu và nhiều loại nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp trong nước. Do sản xuất không đủ tiêu dùng, thiên tai liên tiếp xảy ra, nên một phần tiêu dùng xã hội phải dựa vào các nguồn vay và viện trợ của nước ngoài. Đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, nền kinh tế lâm vào tình trạng khủng hoảng. Bên cạnh đó, khi chúng ta chưa kịp bước vào khắc phục những hậu quả hết sức nặng nề của chiến tranh lâu dài để lại, chúng ta đã phải tiến hành công cuộc bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc và Tây Nam…

Với một nền kinh tế có nhiều khó khăn như vậy, chúng ta thiếu vốn, thiếu con người – những kỹ sư chuyên gia giỏi, công nhân bậc cao và thiếu cả kỹ thuật, công nghệ, chỉ có thể hợp tác với bên ngoài để triển khai các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí.

Thực tế và những kinh nghiệm bước đầu trong giai đoạn 1976-1980, qua hợp tác với một số công ty dầu khí nước ngoài để tiến hành tìm kiếm, thăm dò thềm lục địa phía Nam cho thấy, Việt Nam chưa có Luật Đầu tư nước ngoài, chưa thực hiện đường lối đổi mới, lại bị bao vây cấm vận, nên việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài rất khó khăn, ngay cả trong lĩnh vực dầu khí, một lĩnh vực có sức hấp dẫn đặc biệt đối với các nhà tư bản. Ngay cả các công ty tư bản trước đây đã từng hợp tác với Việt Nam trong việc tìm kiếm, thăm dò dầu khí như Bow Valley, Agip, Deminex cũng không vượt qua nổi hàng rào cấm vận, phải chấm dứt hoạt động thăm dò tại các lô đã ký hợp đồng trước đó tại thềm lục địa phía Nam, trả lại diện tích cho Tổng cục Dầu khí Việt Nam vào năm 1980. Tình thế đặt ra cho Việt Nam lúc này rất bức bách, song cũng có những thuận lợi rất cơ bản. Đó là miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước hòa bình thống nhất, chính trị ổn định, uy tín của Việt Nam đối với các nước trong khu vực và trên thế giới ngày càng được nâng cao, sự giúp đỡ to lớn và có hiệu quả của Liên Xô.

Tiến tới hợp tác với Liên Xô để phát triển dầu khí

Kỳ 2: Những căn cứ thực tiễn tiến tới Hiệp định ngày 19/6/1981
Ký Hiệp định liên chính phủ về hợp tác thăm dò địa chất và khai thác dầu khí tại thềm lục địa phía Nam Việt Nam ngày 3/7/1980.

Việt Nam và Liên Xô đã có quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống từ lâu trên rất nhiều lĩnh vực. Liên Xô cũng đã từng giúp đỡ, viện trợ và cử nhiều chuyên gia sang Việt Nam làm việc trong tìm kiếm, thăm dò dầu khí, mà khu vực trung tâm là châu thổ sông Hồng. Quan hệ hợp tác và hữu nghị giữa Chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam và Liên Xô đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thể hiện đầy tình nghĩa anh em, vô tư, trong sáng, đang phát triển đến đỉnh cao rực rỡ. Trong giai đoạn này, sự hợp tác toàn diện giữa nước ta với Liên Xô là một nhân tố cực kỳ quan trọng, giúp chúng ta khắc phục khó khăn và tiếp tục xây dựng đất nước. Liên Xô tập trung giúp Việt Nam xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, các trung tâm năng lượng, trong đó có dầu khí. Hợp tác với Liên Xô trong lĩnh vực dầu khí lúc này là rất thuận lợi.

Tình hình dầu khí thế giới khi đó cũng có nhiều biến động. Trong những năm 1970, nhiều nước trên thế giới bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng năng lượng, nhiều công ty hàng đầu thế giới đã hướng hoạt động đầu tư ra các khu vực mới. Thềm lục địa phía Nam Việt Nam với những kết quả thăm dò dầu khí do các công ty dầu khí quốc tế tiến hành trước và sau năm 1975 đã trở thành điểm hẹn mới của tình hữu nghị Việt – Xô.

Ngày 3/7/1980, Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết về việc hợp tác tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam đã được ký kết. Trên cơ sở Hiệp định này, những công việc chuẩn bị cho việc ký kết một hiệp định tiếp theo (Hiệp định ngày 19/6/1981) đã được hai Phía Việt Nam và Liên Xô xúc tiến, đẩy mạnh.

Nhu cầu tiếp tục xây dựng Chủ nghĩa Xã hội sau chiến tranh, trong điều kiện tình hình trong nước và quốc tế như trên, đã thúc đẩy chúng ta liên kết, hợp tác một cách tự nhiên với Liên Xô trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí và tiến tới thành lập Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro vào năm 1981. Vietsovpetro được thành lập trong bối cảnh đó là một đòi hỏi khách quan, hoàn toàn phù hợp với bước phát triển của tình hữu nghị Việt – Xô.

Lâm Anh