Tại mít-tinh kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động năm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi: “Cùng đồng bào toàn quốc! Cùng anh chị em lao động! Ngày 1 tháng 5 là một ngày Tết chung cho tất cả các nước trên thế giới. Đó là một ý nghĩa đoàn kết rất sâu xa. Ở nước ta, lần này là lần đầu tiên đồng bào ta, anh chị em lao động ta được tự do đón tiếp ngày 1 tháng 5. Vậy nên nó có ý nghĩa đặc biệt sâu xa hơn nữa. Đối với chúng ta nó là một ngày để cho thế giới biết rằng: Ngày này chẳng những là ngày Tết lao động, mà còn là ngày Nhân dân đoàn kết. Đoàn kết để giữ vững tự do dân chủ. Đoàn kết để kiến thiết nước nhà. Đoàn kết để xây dựng một đời sống mới”[1]
Tinh thần Ngày Quốc tế lao động 1/5 bất diệt
Ngày 1/5/1886, hưởng ứng lời kêu gọi của Liên đoàn Lao động Mỹ, công nhân toàn thành phố Chicago đã tiến hành bãi công đòi tăng lương, giảm giờ làm, cải thiện đời sống. Mặc dù phong trào bị đàn áp, chính phủ Mỹ buộc phải ban hành luật ngày làm 8 giờ. Nhận xét về kết quả đạt được ngày 1/5/1886, báo cáo của Liên đoàn Lao động Mỹ đã viết: “Chưa bao giờ trong lịch sử nước Mỹ lại có một cuộc nổi dậy toàn diện như vậy trong quần chúng công nghiệp như vậy… Ý muốn rút ngắn ngày làm việc đã thúc đẩy hàng vạn công nhân gia nhập công đoàn mà trước đó họ không hề quan tâm”[2]
Ba năm sau, để ghi nhận thành tích của họ là kết quả của phong trào công nhân các nước, ngày 20/6/1889, dưới sự chủ trì của Ph.Ăngghen, Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế Cộng sản lần thứ II họp tại Paris (Pháp) đã quyết định lấy ngày 1/5 hàng năm là ngày biểu dương sức mạnh và cuộc đấu tranh chung của giai cấp vô sản các nước. Từ đó, ngày 1/5 trở thành Ngày Quốc tế lao động và là ngày lễ của nhiều quốc gia nhằm tôn vinh, xây dựng và biểu dương tình đoàn kết của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới trong cuộc đấu tranh chung vì mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ phát động Tháng Công nhân 2023 tại Hà Nội – Ảnh: Hải Nguyễn |
Ở nước ta, ngày 1/5/1925, lần đầu tiên giai cấp vô sản và những người lao động đã tổ chức hưởng ứng Ngày Quốc tế lao động. Vào ngày này, công nhân các nhà máy ở Chợ Lớn, công nhân đường sắt Dĩ An, công nhân Đà Nẵng biểu tình ý chí bảo vệ Liên Xô.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 1/5/1930 lần đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự hướng dẫn, vận động của Công hội đỏ, công nhân, nông dân ở nhiều địa phương từ Bắc chí Nam tổ chức mít tinh kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5, qua đó thể hiện sứ mệnh lịch sử sức mạnh của liên minh công nông trong phong trào đấu tranh chống áp bức và bóc lột.
Kể từ thời điểm đó đến năm 1945, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam đã 15 lần chào mừng Ngày Quốc tế Lao động 1/5, có những thời điểm tổ chức nhỏ gọn như trong thời kỳ khó khăn, ác liệt (năm 1932 – 1935), có lúc công khai, rầm rộ trong cao trào dân chủ (1936-1939), có lúc sôi nổi, quyết liệt như thời kỳ (1939 – 1945)… Tuy mỗi giai đoạn có quy mô tổ chức khác nhau nhưng tựu chung một giá trị là tinh thần cách mạng quật cường của giai cấp công nhân Việt Nam.
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (2/9/1945), ngày 18/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 22c NV/CC về ngày nghỉ Tết, kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo, trong đó có công bố: Ngày 1/5 là một trong những ngày lễ chính thức và công nhân, lao động cả nước được nghỉ một ngày có lương [3]. Cùng với đó là Sắc lệnh số 56/SL, ngày 29/4/1946 về quyết định cho công nhân viên chức được nghỉ ngày Quốc tế lao động 1/5 hàng năm và hưởng nguyên lương. Một chính sách được ban hành khi đất nước mới giành được độc lập, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng ta, của Bác Hồ đến quyền lợi của công nhân, dù đất nước đang trong tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”.
Đến nay, Ngày Quốc tế lao động 1/5 đã trở thành ngày hội lớn của dân tộc Việt Nam, là ngày biểu dương sức mạnh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa. Đặc biệt, từ năm 2012, Ngày Quốc tế lao động 1/5 cũng là ngày khởi đầu của Tháng Công nhân theo thông báo số 77-TB/TW kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Lễ phát động Tháng Công nhân 2023 do LĐLĐ TP Hải Phòng tổ chức – Ảnh: CĐHP |
Cùng nhau hành động để người lao động có cuộc sống tốt hơn
Kỷ niệm 137 năm Ngày Quốc tế lao động (1/5/1986-1/5/2023) là dịp để ôn lại những trang sử vẻ vang của Ngày Quốc tế lao động 1/5, điểm lại những diễn biến hiện nay của phong trào công nhân thế giới để cùng cảm nhận rõ hơn ý nghĩa sâu sắc của ngày Quốc tế lao động 1/5. Tinh thần Ngày Quốc tế lao động 1/5 sống mãi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Tinh thần đó được giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam phát huy ngày càng mạnh mẽ trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều chuyển biến sâu sắc. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, quá trình chuyển đổi số, tự động hóa, sử dụng người máy, trí tuệ nhân tạo… đang làm gia tăng sức ép về cắt giảm giờ làm, việc làm, tác động trực tiếp đến người lao động. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh, chuyển dịch lao động giữa các vùng, các khu vực kinh tế và giữa các doanh nghiệp đòi hỏi người lao động phải thích ứng nhanh, linh hoạt với những thay đổi này.
Lễ phát động Tháng Công nhân 2023 với chủ đề “Kết nối công nhân, xây dựng tổ chức” – Ảnh: Hải Nguyễn |
Phát huy tinh thần “Đoàn kết để kiến thiết nước nhà. Đoàn kết để xây dựng một đời sống mới” trong lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp mít-tinh kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động 1/5/1946, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã khởi động Tháng Công nhân năm 2023 với chủ đề “Kết nối công nhân, xây dựng tổ chức”. Thông qua đó, làm tốt hơn nữa công tác đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân lao động, tạo sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị, chủ doanh nghiệp và toàn xã hội đối với giai cấp công nhân.
Tinh thần kết nối được thể hiện xuyên suốt trong các hoạt động của Tháng Công nhân và với mục tiêu là xây dựng cuộc sống của người lao động an toàn dựa trên công việc: Kết nối việc làm và giáo dục; kết nối cuộc sống và công việc; kết nối thất nghiệp với thay đổi cách làm việc và cơ hội việc làm mới; kết nối công nhân với chính sách… Đồng thời, trong bối cảnh diễn ra đại hội công đoàn các cấp và Đại hội XII Công đoàn Việt Nam và sự xuất hiện tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp thì việc tập hợp công nhân, người lao động để xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam vững mạnh có tính cấp thiết hơn bao giờ hết.
Tại Lễ phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2023 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức hôm 27/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Tích cực, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển đa dạng các thành phần kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm và sinh kế cho người lao động.
Đồng thời kêu gọi cùng hành động để thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến giai cấp công nhân; luôn lắng nghe, chia sẻ và tích cực giải quyết các khó khăn, vướng mắc, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, người lao động. Cùng hành động để xây dựng và phát triển hệ thống an sinh xã hội hiện đại, đa tầng, bao trùm, bền vững. Kịp thời hỗ trợ người lao động ứng phó, thích ứng, giải quyết các khó khăn, thách thức, rủi ro.
Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn và cùng nhau hành động, Thủ tướng Chính phủ tin tưởng rằng tổ chức Công đoàn Việt Nam, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, đội ngũ công nhân, viên chức, người lao động cả nước sẽ tiếp tục nỗ lực, phát huy truyền thống và những kết quả đã đạt được, phấn đấu cao nhất để hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần thiết thực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
[1] Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm ngày 1-5-1946, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, Hà Nội.2001, tr.219.
[3] Sắc lệnh được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, trong hồ sơ số 02, phông Phủ Thủ tướng gồm 02 trang đánh máy, trên khổ giấy 21cmx27cm. Số Sắc lệnh được viết bằng mực xanh, dưới có gạch ngang. Cuối Sắc lệnh có chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tiếp ký của 3 vị bộ trưởng: Bộ Nội vụ, Bộ Xã hội và Bộ Tài Chính.
Theo laodongcongdoan.vn