Vừa qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có công văn gửi lên Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu áp dụng cho xăng dầu Dung Quất từ nay đến cuối năm.
Theo đó, PVN đề nghị xem xét điều chỉnh mức thuế nhập khẩu mặt hàng DO giảm về mức 7%, mặt hàng PP giảm về mức 0%.
Hiện nay, chênh lệch thuế suất thuế nhập khẩu làm cho các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu chuyển sang mua các sản phẩm nhập khẩu từ nguồn các nước ASEAN để hưởng chênh lệch thuế, khiến xăng dầu của Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất gặp khó trong khâu tiêu thụ. PVN kiến nghị Chính phủ trong ngắn hạn, xem xét điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu để đảm bảo sản phẩm của NMLD Dung Quất không bị dồn ứ.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất công trình trọng điểm liên quan đến an ninh quốc gia |
Cơ sở nào khiến PVN kiến nghị những nội dung như trên. Theo cam kết trong ASEAN, các hiệp định FTA và ATIGA (Hiệp định thuế áp dụng đối với các nước thành viên ASEAN), Việt Nam phải thực hiện giảm thuế.
Thực hiện cam kết của Việt Nam trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 165/2014/TT-BTC ngày 14/11/2014 về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN giai đoạn 2015-2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. Theo cam kết trong ASEAN, hiện nay thuế nhập khẩu ưu đãi áp dụng với các mặt hàng từ ASEAN, cụ thể xăng 20%, dầu DO là 5%, nhiên liệu phản lực (Jet A1) là 5%. Năm 2016, thuế nhập khẩu các mặt hàng dầu DO và Jet A1 các nước ASEAN sẽ về 0%.
Trong khi đó, thuế suất áp dụng cho xăng dầu Dung Quất lần lượt là: xăng 20%, dầu DO là 10%, nhiên liệu phản lực (Jet A1) là 10%. Tính toán cơ học, có thể nhận thấy, giá bán sản phẩm dầu DO của Dung Quất chịu thuế cao hơn 5% so với hàng cùng chủng loại nhập từ Singapore hoặc Thái Lan (những nước xuất khẩu dầu DO cho Việt Nam). Trong trường hợp này, giá hàng nội cao hơn hàng ngoại không phải là do giá thành sản xuất cao, cũng không phải do công nghệ lạc hậu dẫn đến tiêu hao nhiều năng lượng, sử dụng nhiều nhân công đẩy giá lên cao, càng không phải nguyên nhân do năng lực sản xuất của NMLD Dung Quất thấp kém… như một số báo hoặc chuyên gia kinh tế nhận định gần đây; mà đây chỉ là do chính sách chưa theo kịp với lộ trình cam kết với các nước ASEAN.
Vì vậy, PVN kiến nghị lên Chính phủ và các bộ liên quan là một việc hết sức bình thường, khách quan, trung thực và rất cần thiết để lãnh đạo các cấp xem xét, từ đó có bổ sung cơ chế, chính sách cho phù hợp nhằm mang lại cho doanh nghiệp trong nước sự bình đẳng với doanh nghiệp ngoại. Xin khẳng định, đây là những kiến nghị bình đẳng và sòng phẳng của thương mại tự do; không phải là những kiến nghị vượt khung với sự ưu đãi “đặc biệt”.
NMLD Dung Quất là một trong những công trình trọng điểm liên quan đến an ninh quốc gia; cũng là dự án đầu tiên của ngành công nghiệp lọc hóa dầu non trẻ của đất nước. Chính sách của Chính phủ được áp dụng cho tất cả các dự án lớn và đều nằm trong quy định của luật pháp. Vậy cần hiểu, những chính sách mà NMLD Dung Quất đang được hưởng và có quyền hưởng như thuế thu nhập doanh nghiệp, một số ưu đãi khác trong lĩnh vực đầu tư…, nằm trong chính sách của Chính phủ. Hoàn toàn không có sự “phân biệt đối xử”, không có sự “ưu ái”; hoàn toàn bình đẳng như các dự án khác. Nói như vậy để thấy rằng NMLD Dung Quất không có “đặc ân” riêng.
Không phải NMLD Dung Quất đang hoạt động không hiệu quả mà BSR đề xuất PVN kiến nghị những vấn đề trên. Thực tế, năm 2015, Công ty BSR đã “về đích sớm” 50 ngày về chỉ tiêu sản lượng sản xuất. 50 ngày còn lại của năm, BSR có thể tạo ra một doanh thu đủ bằng GDP của một tỉnh trung bình nước ta. Điều đó khẳng định sức đóng góp lớn như thế nào của BSR đối với kinh tế nước nhà.
Đặc biệt hơn, công suất thiết kế của nhà máy là 6,5 triệu tấn nhưng khả năng BSR sẽ sản xuất 6,8 triệu tấn xăng dầu các loại, vượt 116,1% kế hoạch năm. Bởi vì nhà máy luôn hoạt động an toàn, ổn định và liên tục ở 103 – 105% công suất. Đó là một điều kỳ diệu ít có nhà máy nào trên thế giới làm được.
Tính từ đầu năm đến hết tháng 10/2015, Công ty BSR đạt doanh thu 81.652 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước trên 18.297 tỷ đồng, vượt 114% kế hoạch năm. Tính ra cứ 4 đồng BSR làm ra thì 1 đồng gửi nộp ngân sách Nhà nước, đây cũng là tỷ lệ nộp ngân sách/doanh thu cao nhất cả nước.
Lũy kế 7 năm qua, Công ty BSR đã sản xuất 36,283 triệu tấn sản phẩm xăng dầu các loại; đạt doanh thu thuần khoảng trên 710 ngàn tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước 120,3 ngàn tỷ đồng.
Bên cạnh việc đạt các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, Công ty BSR cũng đang tích cực triển khai Dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và lộ trình cổ phần hóa Công ty.
Sau khi nhà máy được nâng cấp, mở rộng, doanh thu và nộp ngân sách cho quốc gia sẽ gấp nhiều lần con số năm 2014 và 2015. Đó là mục tiêu dài hạn, cũng là đích ngắm của công trình trọng điểm này.
Một nhiệm vụ khác mà BSR đang rốt ráo thực hiện là lộ trình cổ phần hóa công ty. Ngày 6/11/2015, Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã ra quyết định số 2665/QĐ-DKVN về việc cổ phần hóa Công ty TNHH Một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR). Theo đó, Công ty BSR sẽ được cổ phần hóa và thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp được Tập đoàn quy định hết ngày 31/12/2015.
Như vậy, hiện tại trung bình mỗi năm BSR đóng góp hơn 1 tỷ USD ngân sách; trong trung hạn, hàng tỷ USD từ việc chuyển nhượng cổ phần sẽ được Chính phủ thu về và 6 năm tới, khi nhà máy được mở rộng lên 8,5 triệu tấn, NMLD Dung Quất sẽ tiếp tục là điểm tựa cho động lực phát triển bền vững kinh tế miền Trung.