30/11/2022 10:30:35

Khúc tráng ca “tìm dầu để làm giàu cho Tổ quốc” – Kỳ 2

Trong một chuyến ra cụm giàn Hải Thạch – Mộc Tinh, nhạc sĩ Trương Quý Hải đã viết ca khúc “Biển Đông tung bay quốc kỳ” sau khi chứng kiến sự kiên cường trong lao động, tinh thần phụng sự Tổ quốc của người dầu khí. Câu “dưới bóng cờ, được làm đời trai sóng gió tuyến đầu” trong ca khúc đã miêu tả chính xác cuộc sống, tâm thế của người dầu khí, luôn cống hiến, sẵn sàng đương đầu với bão tố biển khơi.

Khúc tráng ca

Khúc tráng ca “tìm dầu để làm giàu cho Tổ quốc” – Kỳ 2

Kỳ 2: “Được làm đời trai sóng gió tuyến đầu”

Gác lại niềm riêng, đoàn kết một lòng

5 giờ 30 phút sáng, từ sân trực thăng của giàn xử lý khí trung tâm PQP nhìn ra phía xa thấy mịt mù một màu xám xịt, khó phân biệt được đường chân trời và mặt biển. Nhìn về phía biển xa, Phan Văn Ngọc (kỹ thuật viên điện tự động hóa) nói với tôi: “Mùa này nhìn thế thôi, chứ mùa hè lúc bình minh nhìn tàu viễn dương đi xuyên ánh ban mai đẹp nao lòng anh ạ”.

Ngọc mới ra giàn được 2 năm, thuộc lứa những người trẻ tuổi nhất trên giàn. Ngọc quê ở Hà Tĩnh, một năm về nhà 1-2 lần, còn bây giờ đang thuê phòng trọ gần sân bay Vũng Tàu để tiện đổi ca, 21 ngày trên biển, 21 ngày trên bờ. Ngọc trẻ tuổi, chưa có người yêu và băn khoăn về việc ở trên biển thời gian dài thế này, liệu Ngọc có lấy vợ được không? Sau này, tôi hỏi nhiều người mới biết, những người dầu khí đi biển, trước khi có vợ đều băn khoăn nỗi niềm đó. Ngọc không phải trường hợp duy nhất.

Tôi hỏi Ngọc: “Lựa chọn công việc mà cả tuổi thanh xuân sẽ gắn với biển, em có nghĩ suy gì không?”. Ngọc thật thà trả lời: “Em cũng không nghĩ suy gì nhiều, chỉ thấy được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp và đầy tinh thần tự hào dân tộc là hạnh phúc lắm rồi. Điều quan trọng nữa là em học hỏi được rất nhiều từ những người đi trước, các anh ấy rất giỏi và chỉ bảo nhiệt tình, anh ạ”.

Trong lá thư được gửi về từ cụm giàn Hải Thạch – Mộc Tinh, một kỹ sư viết: “Chan chứa nhớ người thân và gia đình nhỏ thân yêu. Nhưng phải tạm biệt thôi, anh phải vào ca rồi, ở nơi đó, biển sâu thăm thẳm. Đó là nhiệm vụ, là nghĩa vụ anh may mắn có được. Dù cả tuổi thanh xuân anh phải dành hết cho biển, cho giàn khai thác nơi thềm lục địa Tổ quốc”.

Khi ở giàn khai thác, ngoài công việc thì gia đình là mối quan tâm lớn nhất của những người thợ dầu khí. Chưa có gia đình thì lo lắng không không ai chịu lấy mình như Phan Văn Ngọc, có gia đình rồi thì khắc khoải nhớ thương…

Trên cụm giàn Hải Thạch – Mộc Tinh, thợ dầu khí quê ở khắp nơi, vì một cái duyên chung mà giờ đây tụ họp ở thềm lục địa, cùng sống, cùng làm việc với nhau. “Ở đây buồn, vui, thương, nhớ. Anh em sẻ chia dưới cờ… Giàn khai thác Biển Đông thân yêu, nơi ta sống bên nhau. Dưới lá cờ, được làm đời trai sóng gió tuyến đầu…”. Năm 2021, sau 1 tuần sống đời sống những người thợ dầu khí trên giàn, cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với anh em, nhạc sĩ Trương Quý Hải đã viết ca khúc “Biển Đông tung bay quốc kỳ”. Ca khúc nói lên tinh thần đoàn kết, niềm tự hào dân tộc và khát vọng đóng góp công sức để giúp Tổ quốc hùng cường của những người thợ dầu khí trên cụm giàn Hải Thạch – Mộc Tinh.

Nhạc sĩ Trương Quý Hải chia sẻ, khi biết những anh em phải làm việc nhiều tuần liền trên biển, xa gia đình, xa vợ con, anh liên tưởng đến những người anh em bạn lính chiến đấu của anh ngày trước. Thời ấy, ở biên giới phía Bắc, lúc tạm ngơi tay súng, tất cả những câu chuyện buồn vui, chuyện gia đình, chuyện thương nhớ… anh em bạn lính đều chia sẻ với nhau như những người trong một gia đình.

Với những người lao động của BIENDONG POC, khi tạm xa tổ ấm, tạm xa gia đình nhỏ của mình, họ sẽ sống cùng đồng nghiệp trong một gia đình lớn mang tên BIENDONG POC. Với slogan “Đoàn kết một lòng – Biển Đông ngời sáng”, gia đình lớn ấy luôn tự hào vì truyền thống của ngành Dầu khí, luôn mang trong mình tinh thần và khát vọng cống hiến, phụng sự Tổ quốc.

Khúc tráng ca

Trực thăng đổi ca trên cụm giàn Hải Thạch – Mộc Tinh

Những người đàn ông “an toàn”

Ở một nơi quanh năm sóng gió và làm việc trên một vùng địa chất đặc biệt phức tạp, an toàn là mối quan tâm hàng đầu. Tại cụm giàn Hải Thạch – Mộc Tinh, sau cuộc họp giao công việc buổi sáng, những việc cần làm trong ngày được lên kế hoạch chi tiết, các loại giấy phép làm việc được phát riêng cho từng khu vực cụ thể. Riêng tôi cũng được phát một bộ đồ bảo hộ đỏ chói, mũ, kính, giày bảo hộ để theo anh em đi làm việc, đồng thời được “khuyến mại” thêm một giám sát an toàn cầm theo máy dò khí đi bên cạnh không rời nửa bước.

“Anh được phép chụp ảnh, nhưng không được dùng flash nhé. Nếu các cảm biến bắt được ánh sáng quá mạnh sẽ tự động tắt toàn bộ giàn, mất chừng 5 tiếng đồng hồ mới khởi động lại được. Thiệt hại về tiền không đếm được đâu”, giàn phó Hoàng Văn Tuấn dặn dò tôi kỹ càng.

Khúc tráng ca

Giám sát an toàn Đặng Quang Tuân trong một buổi làm việc

Để được đến khu vực làm việc với các kỹ sư trên giàn, tôi phải mặc đồ bảo hộ liền thân, đội mũ, đeo kính và đi giày bảo hộ. Bộ đồ bảo hộ tại cụm giàn Hải Thạch – Mộc Tinh thuộc loại tốt nhất, may bằng vải cháy chậm của hãng bảo hộ danh tiếng Redwing. Kính làm bằng meca chống xước, chống lóa, chống hóa chất. Còn giày thì cực xịn, tôi cho lên cân thấy nặng chừng 1,2kg. Mũi giày có cốt thép, chân người đi giày sẽ chịu được một vật nặng 20kg rơi từ độ cao 2m xuống.

Hôm tôi ra giàn Hải Thạch, kỹ sư Đặng Quang Tuân là trực ca giám sát an toàn, tất cả mọi việc liên quan đến an toàn đều phải được anh thông qua. Với 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực an toàn dầu khí, anh Tuân cho biết, phải chuẩn bị kỹ càng nhất có thể, để không có bất kỳ sự cố nào xảy ra. Kể từ khi đi vào vận hành từ ngày 10-10-2012 đến nay, cụm giàn Hải Thạch – Mộc Tinh chưa để xảy ra bất kỳ sự cố mất an toàn nào. Với đặc thù khai thác mỏ khí và condensate trong điều kiện địa chất đặc biệt phức tạp, nhiệt độ cao, áp suất cao, nước sâu, xa bờ và khí hậu biến đổi khôn lường, việc bảo đảm hoạt động sản xuất an toàn, liên tục không để xảy ra bất kỳ sự cố nào ảnh hưởng đến con người và môi trường trong suốt 10 năm qua thực sự là một kỳ tích.

(Xem tiếp kỳ sau)

Thanh Hiếu