Các hoạt động kinh tế, xã hội đang dần thích ứng với trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, chúng ta không thể nóng vội, lơ là khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến khó lường.
Sau 4 tháng thực hiện thích ứng an toàn theo Nghị quyết 128, cuộc sống người dân đang dần chuyển sang trạng thái “bình thường” mới. Các hoạt động khôi phục, phát triển kinh tế, xã hội đã và đang đạt được nhiều tín hiệu tích cực. Đặc biệt, lĩnh vực du lịch, vốn bị tác động nặng nề bởi đại dịch từng bước được phục hồi, dù đang hết sức dè đặt và cẩn trọng.
Sau 2 năm bị “nén” do dịch Covid-19, nhu cầu du lịch, xả stress của người dân tăng cao vào dịp Tết nguyên đán. Các điểm vui chơi, giải trí, tham quan đang mở cửa để đón tiếp, phục vụ du khách cả nước trong tình trạng phòng dịch vẫn đang được thắt chặt.
Đó là minh chứng rõ nét nhất về hiệu quả công tác phòng dịch và khả năng “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch” đã được phát huy đúng kịch bản và kỳ vọng. Nhịp sống bình thường đang dần quay trở lại, nhất là sau khi chúng ta đã đón một cái Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022 an ninh, an toàn, an dân và an sinh xã hội…
Theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính và kế hoạch được chuẩn bị kỹ lưỡng từ các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương, bắt đầu từ ngày 7/2, trường học trên toàn quốc sẽ được mở cửa trở lại; tiếp đó là mở cửa du lịch vào cuối tháng 3 và chậm nhất là 30/4…
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ nhận định trong thời gian tới dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
Thực tế, dịch Covid-19 vẫn là một mối nguy cơ khi số ca nhiễm vẫn ở mức cao, đe dọa thành quả chống dịch cũng như nỗ lực khôi phục, phát triển kinh tế, xã hội mà chúng ta đang kiên trì, nỗ lực thực hiện.
Trong thời gian trước, trong và sau Tết, mặc dù các ca nhiễm mới tăng cao, ca nhiễm mang biến chủng Omicron liên tiếp được ghi nhận ở nhiều địa phương, song công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 cũng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, trong đó tỉ lệ bệnh nhân tử vong được kéo giảm xuống mức thấp.
Sau chiến dịch tiêm chủng chưa từng có trong lịch sử, phần lớn dân số Việt Nam từ độ tuổi 18 tuổi trở lên đã được bao phủ vaccine phòng chống Covid-19, các độ tuổi chủng ngừa đang tiếp tục được hạ xuống và hoàn thành đúng tiến độ, kế hoạch đề ra. Việt Nam đang là một trong số những quốc gia có tỉ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới.
Tuy nhiên, cùng với thành quả chống dịch, phục hồi kinh tế xã hội, đã bắt đầu xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là với dịch.
Sáng mùng 5 Tết, đền Bà Chúa Kho (TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) đã đóng cửa, tạm dừng đón khách cho đến khi có thông báo mới. Động thái này được đưa ra nhằm hạn chế sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng khi lượng du khách đổ về đây quá đông trong những ngày Tết nguyên đán vừa qua.
Người viết cho rằng, đây là một quyết định hết sức cần thiết trong bối cảnh các ca nhiễm mới, đặc biệt là các ca nhiễm ngoài cộng đồng tiếp tục tăng cao như thời điểm này. Chúng ta đang thích ứng an toàn, tiến tới mở cửa trở lại các hoạt động bình thường khác nhưng không thể nóng vội mà cần phải hết sức cẩn trọng.
Các chuyên gia kỳ vọng trong năm 2022, dịch Covid-19 sẽ được khống chế. Tất nhiên, việc khống chế thành công hay xem nó là căn bệnh đặc hữu không có nghĩa là dịch Covid-19 ít gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của người dân, giảm sức ép lên hệ thống y tế vốn đã quá tải và tác động tiêu cực tới sự phát triển bình thường của mỗi quốc gia.
Bởi vậy, cùng với vaccine, khả năng đáp ứng của hệ thống y tế thì ý thức của người dân trong việc tuân thủ nguyên tắc 5K là một trong những biện pháp quan trọng chung sống hòa bình, an toàn trước dịch bệnh Covid-19. Thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch chúng ta mới hạn chế được sự lây lan và giúp việc mở cửa trường học đạt hiệu quả, hạn chế thấp nhất việc gián đoạn, kể cả ở quy mô nhỏ.
Với những thành quả đã đạt được và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cụ thể đối với từng lĩnh vực cũng như kinh nghiệm ứng phó với đại dịch Covid-19, chúng ta có đủ tự tin mở cửa và hoàn thành các mục tiêu theo kế hoạch đã đề ra trong thời gian tới.
Theo Dân trí