17/02/2022 10:14:15

Khắc phục “3 thiếu” để giải quyết tranh chấp lao động

Gần đây, tại một số tỉnh, thành phố, đã diễn ra các cuộc ngừng việc tập thể của người lao động nhằm đề nghị chủ sử dụng lao động tăng các chế độ, đảm bảo đời sống công nhân. Đa phần các cuộc tranh chấp lao động xảy ra là do “3 thiếu”:  Thiếu thấu hiểu – thiếu chia sẻ – thiếu gắn bó. Với sự vào cuộc kịp thời của các cấp Công đoàn, nguyện vọng của người lao động được đáp ứng.

Trao đổi với phóng viên, ông Phan Văn Anh – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết:

– Để xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp lao động do rất nhiều nguyên nhân như việc không tuân thủ các quy định pháp luật của doanh nghiệp đối với NLĐ; không công khai, minh bạch các chế độ của NLĐ, thông tin của doanh nghiệp; tiền lương, tiền công, thu nhập thấp, điều kiện làm việc không đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, chất lượng bữa ăn ca kém, thái độ ứng xử của người quản lý…

Tuy nhiên, chúng tôi thấy đa phần các cuộc tranh chấp lao động xảy ra là do “3 thiếu”, đó là thiếu thấu hiểu – thiếu chia sẻ – thiếu gắn bó.

Đầu tiên là thiếu sự thấu hiểu. Rất nhiều các doanh nghiệp không làm tốt việc công khai, minh bạch thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, các chế độ, quy định liên quan đến NLĐ, từ đó dẫn đến NLĐ không hiểu rõ tình hình thực tế của doanh nghiệp, doanh nghiệp cũng không hiểu được những khó khăn, tâm tư, nguyện vọng của NLĐ. Lâu dần, sự thiếu thấu hiểu tích tụ sẽ chuyển thành mâu thuẫn nếu không được giải tỏa kịp thời.

Thứ hai là thiếu sự chia sẻ. NLĐ thường xuyên gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống, việc làm, họ rất cần sự quan tâm, chia sẻ kịp thời về điều kiện làm việc, vật chất lẫn tinh thần (tiền lương, tiền thưởng, điều kiện làm việc đảm bảo an toàn, vệ sinh, có các chế độ phúc lợi tập thể, thời gian làm việc phù hợp…).

Ở chiều ngược lại, NLĐ chia sẻ với doanh nghiệp bằng việc nỗ lực, phấn đấu, sáng tạo, làm tốt công việc. Nếu sự chia sẻ không có hoặc không tốt, mâu thuẫn lúc này được hình thành, âm ỉ diễn ra và bùng nổ bất cứ lúc nào.

Cuối cùng là thiếu sự gắn bó. Do thiếu sự thấu hiểu, chia sẻ cộng hưởng với không ít doanh nghiệp không coi trọng NLĐ, vi phạm pháp luật, tận dụng NLĐ còn trẻ, khỏe, tìm cách chấm dứt quan hệ lao động khi họ có tuổi, chỉ quan tâm đến lợi nhuận, thái độ ứng xử của người quản lý kém… dẫn đến cả 2 bên không xây dựng được mối liên kết, sự gắn bó, cộng sinh với nhau. Điều này chính là chất xúc tác làm bùng phát mâu thuẫn và tranh chấp, ngừng việc là kết quả tất yếu.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Phan Văn Anh. 

Qua theo dõi các vụ ngừng việc tập thể gần đây, khi tổ chức Công đoàn vào cuộc thì quyền lợi của NLĐ đã được chủ doanh nghiệp đáp ứng. Ông nhận định thế nào về phản ứng kịp thời của các cấp Công đoàn?

– Với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn Việt Nam – chúng tôi đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của NLĐ trên cơ sở các quy định của luật pháp, phù hợp với tình hình thực tế, xứng đáng với những đóng góp của NLĐ đối với doanh nghiệp. Khi xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp, cả hệ thống Công đoàn lập tức vào cuộc cùng NLĐ, doanh nghiệp, cơ quan chức năng để sớm giải quyết, ổn định tình hình. Thông qua đó, nhiều cuộc ngừng việc tập thể đã được giải quyết thời gian qua, điển hình như vụ việc tại Công ty TNHH Viet Glory vừa qua cho thấy rõ nhất sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời, rất trách nhiệm và hiệu quả của Công đoàn các cấp.

Qua theo dõi của Tổng LĐLĐVN, khi xảy ra vụ việc, bên cạnh công đoàn cơ sở, công đoàn huyện, tỉnh đã ngay lập tức vào cuộc để hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ, thậm chí trực tiếp làm việc với doanh nghiệp để các bên đạt được tiếng nói chung, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho các bên. Với sự tích cực đó, các bên đã thấu hiểu, chia sẻ hơn với khó khăn của mỗi bên và doanh nghiệp cũng nhận thấy có thêm chế độ đối với NLĐ là cần thiết và phù hợp, từ đó hầu hết các mong muốn chính đáng của NLĐ đã được công ty đồng thuận thực hiện.

Theo ông, để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, hạn chế mâu thuẫn, giảm thiểu tranh chấp lao động… thì cần những giải pháp nào?

– Để hạn chế mâu thuẫn thì “chìa khóa” quan trọng nhất cho tất cả các bên chính là làm tốt việc thực hiện quy chế dân chủ, đối thoại tại nơi làm việc và thương lượng tập thể hiệu quả.

Với nhận thức đó, không chỉ trong bối cảnh đại dịch, mà trước đó rất lâu, Công đoàn Việt Nam đã tập trung nguồn lực để làm tốt công tác đại diện, chăm lo, bảo vệ, trong đó, thực hiện quy chế dân chủ, đối thoại và thương lượng là công cụ chủ yếu và quan trọng nhất.

Với nỗ lực của tổ chức Công đoàn, đến nay đã có 96% doanh nghiệp nhà nước và 64% doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước tổ chức hội nghị người lao động và các hình thức dân chủ khác theo quy định của pháp luật; có 92% doanh nghiệp nhà nước và 63,2% trở lên doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước có tổ chức công đoàn tổ chức đối thoại tại nơi làm việc; ký kết 14 bản thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp; ký kết 38.478 bản thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp. Chính những kết quả này đã góp phần không nhỏ giúp giảm tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể trong những năm qua.

Trong năm 2022, với chủ đề năm của Công đoàn Việt Nam là “Chăm lo việc làm, đời sống cho NLĐ; phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam”, các cấp Công đoàn sẽ tiếp tục tập trung triển khai hiệu quả một số nhiệm vụ như: Nghiên cứu đề xuất và tham gia xây dựng, triển khai, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến quyền của NLĐ đặc biệt là các chính sách hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng bởi COVID-19, về khôi phục và phát triển sản xuất, tham gia phát triển thị trường lao động; công đoàn cơ sở tích cực, chủ động tham gia với người sử dụng lao động trong xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, vận động NLĐ trở lại doanh nghiệp làm việc đảm bảo an toàn, thích ứng với dịch bệnh COVID-19; tổ chức thương lượng, đối thoại với người sử dụng lao động để đảm bảo quyền lợi của NLĐ, trong đó quan tâm nội dung việc làm cho NLĐ tại các doanh nghiệp.

Phát động và triển khai các phong trào thi đua phù hợp với từng loại hình công đoàn cơ sở, vận động đoàn viên, NLĐ tích cực phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất, hiệu quả công tác, khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Tổng LĐLĐVN, tình hình tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể trong phạm vi cả nước trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 giảm so với Tết năm 2021. Tính đến hết ngày 12.2.2022, tại 12 tỉnh, thành phố xảy ra 28 cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, giảm 7 cuộc so với dịp Tết 2021 (xảy ra 35 cuộc), tương đương với mức giảm 20%. Tính chất, quy mô các cuộc ngừng việc tập thể, đình công không phức tạp so với các năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do NLĐ chưa đồng tình với việc thay đổi hình thức trả lương, nâng lương định kỳ của doanh nghiệp; doanh nghiệp trả thưởng thấp hơn so với Tết 2021, điều kiện trả thưởng…

Theo laodong.vn