Đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Đó cũng chính là nhân tố then chốt làm nên những thành tựu của vẻ vang của ngành Dầu khí Việt Nam trong suốt hơn 60 năm hình thành và phát triển của ngành. Củng cố và phát huy truyền thống đó, “Đoàn kết” luôn được nhấn mạnh là yếu tố hàng đầu công tác cán bộ tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) để xây dựng một tập thể gắn kết, vững mạnh, phát triển.
Yếu tố “biến động” được Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đưa vào trong Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 – 2025 để nói về những tác động của đại dịch Covid -19 làm thay đổi mọi mặt hoạt động, cũng như một thế giới đầy rủi ro và bất định như hiện nay. Trong bối cảnh đó, thì “Đoàn kết” được xác định là yếu tố quan trọng hàng đầu để tạo nên sức mạnh giúp Tập đoàn vượt qua khó khăn, đảm bảo cho sự phát triển bền vững, thực hiện thắng lợi các mục tiêu được Đảng, Chính phủ giao.
Việc thực hiện “Đoàn kết” được lãnh đạo Petrovietnam cụ thể hóa qua việc luôn đặt mình vào hoàn cảnh của đồng nghiệp, bộ phận, phòng ban, đơn vị khác để thấu hiểu và đồng cảm; không đổ lỗi, luôn coi mình là nguyên nhân; từ đó sẵn sàng chia sẻ (thông tin, dữ liệu), hỗ trợ và phối hợp để cùng hoàn thành công việc, tôn trọng, hợp tác, không có hành động xúc phạm đồng nghiệp. Cùng với đó là quá trình rà soát hệ thống quản lý, phân công, phân nhiệm, quy trình phối, kết hợp trong công việc để CBNV hiểu rõ phạm vi trách nhiệm của bản thân, gia tăng tốc độ liên kết, phối hợp; đề xuất giải pháp, giải quyết kịp thời mâu thuẫn, không để phát sinh đơn thư, khiếu kiện.
Truyền thống đoàn kết thắp sáng ngọn lửa Petrovietnam trong suốt chiều dài lịch sử |
Để xây dựng đội ngũ đoàn kết, cống hiến vì mục tiêu chung, Petrovietnam luôn chú trọng công tác cán bộ, tăng cường công tác dân vận, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trong những năm qua, hằng năm, Ban lãnh đạo, Tổng Giám đốc Tập đoàn đều đối thoại với người lao động, với thanh niên,… trao đổi, giải đáp những vướng mắc, nguyện vọng của cán bộ, người lao động. Các vấn đề về công tác cán bộ, chế độ chính sách, chiến lược đều được thảo luận công khai, thông tin minh bạch,… góp phần tạo sự đồng thuận, xây dựng một môi trường làm việc đoàn kết, công bằng, minh bạch, kỷ luật, kỷ cương.
Tuy nhiên, bên cạnh đại đa số cán bộ, người lao động có năng lực quản lý, có trình cộ chuyên môn cao, bản lĩnh chính trị vững vàng thì đâu đó vẫn còn những hạt sạn, sự đấu đá nội bộ, bè phái, gây mất đoàn kết, đặc biệt là lợi dụng các vấn đề “nhạy cảm” như trong công tác tái cấu trúc, công tác nhân sự đưa những thông tin sai lệch, làm nhiễu loạn thông tin, chống phá, chia rẽ… để đạt được lợi ích cá nhân. Đây là những hành vi Petrovietnam xác định phải luôn chủ động nhận diện, kiên quyết đấu tranh để loại trừ. Bởi thực tiễn từ ngàn đời nay đã chứng minh sức mạnh của sự đoàn kết để thành công, để chiến thắng các thế lực thù địch, cũng như ngược lại sẽ nắm chắc thất bại, thiệt hại khi gây chia rẽ. Chắc chắn rằng, không có một doanh nghiệp, một tổ chức nào có thể thành công, phát triển khi sự mất đoàn kết, bè phái, chống phá lấn át những nỗ lực dựng xây.
Sự mất đoàn kết thường dễ nhận thấy và cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến thất bại ở rất nhiều những doanh nghiệp thua lỗ. Tôi từng chứng kiến một công ty đã từ đỉnh cao đi xuống đáy vì những đấu đá nội bộ, khi “một con sâu làm rầu nồi canh”. Các nhân sự cấp cao “cải nhau nảy lửa” ngay trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên trước mặt các cổ đông, nhà đầu tư. Rồi quá trình đấu tố, kiện tụng nhau diễn ra dai dẳng, gây phương hại đến lợi ích chung của công ty, làm mất lòng tin, ý chí của người lao động, mất uy tín với đối tác, khách hàng. Mặc dù, cán bộ đó đã bị xử lý, sa thải, nhưng những thiệt hại liên quan còn kéo rất dài, bởi quá trình kiện tụng chưa chấm dứt, khiến nhiều năm liền công ty lâm vào cảnh hết sức khó khăn; không thể tổ chức thành công các cuộc họp đại hội đồng cổ đông, dòng tiền bị phong tỏa để phục vụ trong quá trình điều tra, thi hành án trong các tranh chấp, kiện tụng;…
Hay như ở Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PETROCONs), là một doanh nghiệp có bề dày 40 lịch sử, từng chiếm một vị trí quan trọng trong chuỗi giá trị của ngành Dầu khí Việt Nam nhưng PETROCONs đã phải trả giá đắt khi để những nhân tố độc hại, sự mất đoàn kết, bè phái xâm chiếm mạnh mẽ, làm mai một dần những giá trị tốt đẹp vốn có khiến công ty đi xuống, “ngụp lặn” trong khó khăn suốt từ những năm kể từ 2015. Từ năm 2019 trở lại đây, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, lãnh đạo Petrovietnam, đặc biệt là tập trung xây dựng lại khối đại đoàn kết với phương châm “Một đội ngũ, một mục tiêu”, PETROCONs đã từng bước vượt khó, vươn lên và bước đầu cho thấy nhiều khởi sắc khi ghi những dấu ấn mới, gần nhất là đưa vào hoạt động Dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2,… đóng góp tích cực cho sự phát triển của các địa phương và đất nước, qua đó từng bước gầy dựng lại uy tín, thương hiệu, niềm tin của đối tác, khách hàng.
Người lao động Vietsovpetro làm việc trên Giàn nén khí trung tâm |
Với những bài học nhãn tiền, “đoàn kết” luôn là yêu cầu hàng đầu, là giải pháp trọng tâm trong công tác cán bộ tại Petrovietnam cũng như các đơn vị thành viên của Tập đoàn. Lãnh đạo Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro khẳng định, trong lịch sử 40 năm xây dựng và phát triển của tập thể lao động quốc tế Việt – Nga, sự đoàn kết chính là sức mạnh, là truyền thống lao động xuyên suốt. Để phát huy, hiện thực hóa nội dung này trong giai đoạn hiện nay, Đảng ủy, các cấp lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp thường xuyên sâu sát, nắm rõ khả năng của từng cán bộ, đảng viên, NLĐ để giao việc hiệu quả; nắm bắt tâm tư nguyện vọng của NLĐ để giải quyết ngay khi có những xung đột nhỏ, không để mâu thuẫn lớn lên; tăng cường làm việc nhóm, giao lưu học học, chia sẻ kinh nghiệm trong đội ngũ CBCNV. Bên cạnh đó, để xây dựng đoàn kết, sự công bằng được xác định là yếu tố rất quan trọng vì “Không sợ ít, chỉ sợ không công bằng”, nếu không công bằng dễ dẫn đến mâu thuẫn, mất đoàn kết, làm thui chột động lực cống hiến của NLĐ. Song song đó, Vietsovpetro cũng định hướng xây dựng đoàn kết dựa trên văn hóa chân tình, cởi mở, thẳng thắn, đề cao tinh thần tự phê, trao đổi cởi mở để thấu hiểu và thông cảm lẫn nhau, cùng nhìn về một hướng. Và đoàn kết không chỉ gói gọn trong nội bộ doanh nghiệp, mà còn cần mở rộng ra là sự hợp tác với khách hàng, đối tác trong và ngoài nước để tăng hiệu quả công việc.
Hay với Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) thì đoàn kết là quan điểm nhất quán, yêu cầu hàng đầu trong công tác cán bộ của Đảng ủy, lãnh đạo Tổng công ty. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT PVOIL Cao Hoài Dương khi giao nhiệm vụ cho cán bộ thường nhắc rằng, đoàn kết chính là truyền thống, là nền tảng của sự phát triển, cũng góp phần làm nên những thành quả của PVOIL ngày nay. Chính vì vậy, cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo trước hết phải giữ gìn và phát huy sức mạnh đại đoàn kết của đơn vị. Ông Cao Hoài Dương thẳng thắn chỉ rõ, “Nếu không đoàn kết, không bao giờ có thể phát triển được! Bởi một khi nội bộ mâu thuẫn, đấu đá nhau thì chỉ lo đối phó lẫn nhau đã đủ mệt, không còn hơi sức, tâm trí đâu để đối phó với đối thủ cạnh tranh bên ngoài, để nâng cao lợi thế cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường,…”.
Trong quan điểm về công tác cán bộ, Đảng ủy, lãnh đạo PVOIL chỉ đạo, từng vị trí công tác cần thực hiện đúng đắn chức trách, nhiệm vụ được giao; phát huy tinh thần đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ vì mục tiêu chung, vì lợi ích tập thể, qua đó phát huy hiệu quả quản trị, điều hành, tạo thành sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống.
Bàn luận về việc “dĩ hòa vi quý” có phải là đoàn kết hay không và phản biện có đi ngược lại với mục tiêu xây dựng đoàn kết? Ông Phạm Việt Anh – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans) nêu rõ, trước hết cần phải làm rõ nền tảng để xây dựng đoàn kết. Nhiều người nghĩ rằng đoàn kết là tránh phát biểu thẳng thắn vì sợ làm mất lòng nhau. Nhưng nếu doanh nghiệp xây dựng được văn hóa cởi mở, tất cả vì công việc chung, những sự thảo luận, phản biện, góp ý chân thành và tiếp thu một cách cầu thị sẽ làm tăng thêm sự đồng thuận, gắn kết. Và nền tảng để làm được điều này là tất cả mọi người đều vì lợi ích chung. Bên cạnh đó, trong xây dựng đoàn kết thì công bằng đóng vai trò quan trọng. Nếu người làm ít hưởng nhiều, còn người làm nhiều hưởng ít, không thể xây dựng được sự đoàn kết. Do đó, khi ban hành ra các quy định chính sách, đãi ngộ phải đảm bảo tính công bằng trong chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm, để tạo sự nhất trí, đồng lòng.
Xây dựng đoàn kết tại Petrovietnam và các đơn vị thành viên không chỉ bằng khẩu hiệu, sự hô hào, nói suông mà còn đi kèm là các giải pháp để đưa vào thực tiễn. Đó chính là thực hiện công tác cán bộ dựa trên sự công bằng, minh bạch, thưởng phạt phân minh, kịp thời; là văn hóa sống thẳng, sống chân tình, tất cả vì mục tiêu chung.
Lời kết: Thực hiện lời dạy của Bác “Vì lợi ích trăm năm trồng người”, cũng như quan điểm xuyên suốt của Đảng và nhà nước ta luôn chú trọng hàng đầu vào công tác cán bộ, Petrovietnam luôn đặt công tác cán bộ là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Người Dầu khí mà trước hết là Đảng ủy, lãnh đạo Tập đoàn, cán bộ, đảng viên luôn ý thức trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, với những trọng trách được giao phó, không ngừng nỗ lực để xây dựng và phát triển Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam phát triển qua các giai đoạn, bối cảnh lịch sử, thị trường khác nhau, giữ vị thế là tập đoàn công nghiệp năng lượng hàng đầu quốc gia, mà để làm được điều đó thì công tác cán bộ luôn là khâu then chốt, quyết định thành bại.
Mai Phương