Nhiệm kỳ qua, khắc phục những khó khăn thiếu thốn, công tác Tuyên giáo Công đoàn từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động và thu được những kết quả đáng kể.
Các cấp Công đoàn đã bám sát nhiệm vụ và các sự kiện trọng đại của đất nước, đẩy mạnh tuyên truyền trong CNVCLĐ về đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn với nhiều hình thức, đa dạng, phong phú. Nhiều ngành, địa phương, cơ sở đã tích cực triển khai việc học tập những bài chính trị cơ bản cho công nhân lao động. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong CNVCLĐ, bước đầu đạt kết quả tốt. Các cấp Công đoàn luôn coi trọng việc nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của CNVCLĐ để kịp thời phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước nghiên cứu giải quyết.
Công tác tuyên truyền phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở được đẩy mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi “Chương trình phát triển 1 triệu đoàn viên” do Đại hội IX Công đoàn Việt Nam đề ra. Nhiều Công đoàn ngành, địa phương, cơ sở đã phối hợp với các ngành chức năng, người sử dụng lao động tổ chức phong trào tự học, mở lớp học bổ túc văn hoá, học nghề, học ngoại ngữ, tin học, thi nâng bậc, thi thợ giỏi cho hàng trăm ngàn CNLĐ. Kết quả tuy chưa cao nhưng thể trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trước yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
Các phong trào “Xây dựng đời sống văn hoá cơ sở” và cuộc vận động “Xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh công nghiệp”, các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao và cuộc vận động phòng chống tội phạm, tệ nạn ma tuý, mại dâm, HIV/AIDS trong CNVCLĐ được các cấp Công đoàn quan tâm thực hiện, góp phần vào việc chăm lo đời sống văn hoá, tinh thần của người lao động và giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Hoạt động báo chí, xuất bản trong hệ thống Công đoàn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Báo chí Công đoàn đã giữ vững tôn chỉ mục đích, đảm bảo định hướng chính trị, tư tưởng cho CNVCLĐ, thực sự là công cụ hữu hiệu để truyền tải những chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Chỉ thị, Nghị quyết của Tổng Liên đoàn đến với CNVCLĐ và toàn xã hội.
Công tác nghiên cứu lý luận và hoạt động khoa học đã có bước phát triển, góp phần đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động công đoàn trong cơ chế thị trường, định hướng XHCN; tham mưu, đề xuất nhiều ý kiến xác đáng với Đảng, Nhà nước để có chủ trương, chính sách, Nghị quyết về xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn thời kỳ đẩy mạnh CNH – HĐH đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được công tác Tuyên giáo Công đoàn nhiệm kỳ qua còn bộc lộ một số hạn chế yếu kém đó là: Nội dung tuyên truyền, giáo dục còn nặng về lý luận, chưa sát với yêu cầu cụ thể, đa dạng của từng loại hình cơ sở. Việc tuyên truyền, giáo dục chủ yếu mới chỉ đến được với cán bộ công đoàn cơ sở, chưa tới được với số đông CNLĐ trực tiếp sản xuất và làm việc phân tán, lưu động. Chưa tập trung đầu tư tuyên truyền về chính sách, pháp luật lao động, về tổ chức Công đoàn cho người lao động và người sử dụng lao động ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nên kết quả đạt được còn nhiều hạn chế.
Hình thức tuyên truyền, giáo dục, tổ chức học tập những bài chính trị cơ bản chưa thật phù hợp với điều kiện sống và làm việc của từng đối tượng CNVCLĐ, nhất là ở khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Việc năm bắt diễn biến tư tưởng của người lao động còn chưa kịp thời. Công tác nghiên cứu lý luận và đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu lý luận về công nhân và Công đoàn còn hạn chế nhiều mặt, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của phong trào công nhân, hoạt động công đoàn trong tình hình mới.
Hiện nay, giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khoá X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH – HĐH đất nước”; đồng thời tích cực chuẩn bị về mọi mặt, tổ chức thành công Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ X. Với vai trò, chức năng của công tác giáo dục, chính trị tư tưởng CNVCLĐ; trong những năm tới đòi hỏi công tác Tuyên giáo Công đoàn phải tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh hoạt động về cơ sở, vì cơ sở và vì người lao động, góp phần từng bước nâng cao chất lượng giai cấp công nhân, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh CNH – HĐH đất nước. Để hoàn thành mục tiêu trên, các cấp Công đoàn cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
Một là, tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khoá X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH – HĐH đất nước”; trong đó chú trọng việc cụ thể hoá bằng Chương trình hành động của ngành, địa phương, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và đặc điểm, điều kiện của từng đơn vị. Tổ chức có hiệu quả và đi vào chiều sâu Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, gắn Cuộc vận động với việc xây dựng nếp sống văn hoá trong CNVCLĐ. Tích cực tham gia cải cách hành chính Nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính trong hệ thống tổ chức Công đoàn; vận động CNVCLĐ tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Thực hiện trách nhiệm của tổ chức Công đoàn về phát triển tổ chức Đảng trong các loại hình doanh nghiệp, phấn đấu mỗi công đoàn cơ sở mỗi năm giới thiệu ít nhất được một công nhân ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp.
Hai là, đẩy mạnh và đa dạng hoá các hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục CNVCLĐ; nhất là đối với công đoàn cơ sở cần cải tiến, nâng cao chất lượng các loại hình tuyên truyền, chú trọng công tác tuyên truyền miệng, biên soạn tài liệu, sử dụng hệ thống bảng tin, truyền thanh nội bộ và các phương tiện thông tin đại chúng, đem lại hiệu quả thiết thực, phù hợp với điều kiện sống và làm việc của công nhân. Tăng cường công tác giáo dục chính trị cơ bản, tư vấn và phổ biến chính sách pháp luật cho CNLĐ; phối hợp triển khai công tác bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ học vấn, tay nghề cho công nhân lao động khu vực kinh tế ngoài Nhà nước, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Từng bước nâng cao về giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, hiểu biết pháp luật, tác phong công nghiệp cho công nhân lao động.
Hình thành, củng cố kiện toàn màng lưới báo cáo viên Công đoàn; thường xuyên nắm bắt và phản ánh diễn biến tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của CNVCLĐ, chủ động đề xuất, kiến nghị với người sử dụng lao động và các cơ quan chức năng kịp thời giải quyết những bức xúc trong quan hệ lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ.
Ba là, Phối hợp với các ngành chức năng xây dựng và thực hiện các thiết chế văn hoá phục vụ công nhân; nhân rộng mô hình tổ công nhân tự quản, đầu tư, trang bị phòng đọc, tủ sách pháp luật tại các khu lưu trú công nhân, từng bước nâng cao đời sống văn hoá trong công nhân. Tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao, thu hút công nhân tham gia sinh hoạt văn hóa lành mạnh; gắn với việc tuyên truyền phòng chống tội phạm, phòng chống các tệ nạn xã hội như ma tuý, mại dâm, HIV/AIDS trong CNVCLĐ. Đổi mới phương thức quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động của các Nhà Văn hoá Lao động hiện có, để Nhà Văn hoá Lao động là nơi sinh hoạt, học tập, vui chơi rèn luyện, nâng cao thể chất của CNVCLĐ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hoá tinh thần của đông đảo CNVCLĐ.
Bốn là, phát huy và nâng cao hơn nữa vai trò của báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng trong hệ thống Công đoàn; đây là binh chủng chủ lực có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác tuyên truyền, giáo dục CNVCLĐ. Báo chí Công đoàn phải thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, thực hiện nghiêm Luật Báo chí, thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng về nội dung, tính hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của CNVCLĐ và bạn đọc. Ngoài việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn; báo chí Công đoàn cần tích cực phản ánh, biểu dương những nhân tố mới, điển hành tiên tiến trong phong trào CNVCLĐ; đồng thời đấu tranh góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực và các tệ nạn xã hội.
Năm là, đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn về giai cấp công nhân và hoạt động Công đoàn, hướng vào giải đáp những vấn đề bức xúc trong CNLĐ mà thực tiễn đặt ra, về xu hướng phát triển giai cấp công nhân thời kỳ đẩy mạnh CNH – HĐH đất nước.
Trước mắt, tập trung tuyên truyền về kết quả Đại hội X Công đoàn Việt Nam, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội X CĐVN, gắn với việc tiếp tục triển khai xây dựng và thực hiện Chương trình hành động của Tổng Liên đoàn thực hiện Nghị quyết số 20/NQ – TW về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ CNH – HĐH đất nước”.
Nghị quyết Trung ương 6 khoá X đã khẳng định: Giai cấp công nhân là giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp CNH – HĐH đất nước. Sự lớn mạnh của giai cấp công nhân là một điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công của công cuộc đổi mới, CNH – HĐH đất nước. Hoạt động Tuyên giáo Công đoàn được đổi mới về nội dung, đa dạng hoá các hình thức, phương pháp và hướng mạnh hoạt động về cơ sở, góp phần xây dựng giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn lớn mạnh, thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Nguyễn Anh Đức