Năm 1992, Công ty Petechim của Việt Nam đã xuất khẩu được 5,4 triệu tấn dầu thô do Vietsovpetro khai thác. Kim ngạch ngoại thương của Petechim lên đến 1 tỉ USD, cao hơn 38% so với giá trị xuất khẩu dầu năm 1991.
Việc bán dầu do Vietsovpetro khai thác khi đó đã mang lại cho Việt Nam hàng trăm triệu USD một năm trong lúc kinh tế khó khăn. Trong đó, cần nhấn mạnh rằng, toàn bộ lượng dầu mỏ này đã được khai thác trong điều kiện Mỹ và phương Tây áp đặt cấm vận nhập khẩu thiết bị và công nghệ, có nghĩa là chỉ dựa vào viện trợ kỹ thuật và công nghệ của Liên Xô cũ.
Ngọn đuốc của mỏ Bạch Hổ |
V. S. Vovk, Tổng giám đốc Xí nghiệp Liên doanh (XNLD) Vietsovpetro những năm 1988-1993, viết: “…Tất cả những khó khăn phức tạp khi tái cơ cấu quan hệ kinh tế – đó là sự khủng hoảng nguồn cung cấp từ Nga, sự hình thành cơ chế hợp tác mới, sự thiếu vắng hệ thống ngân hàng và những yếu tố khác – đã được khắc phục nhờ sự phối hợp công việc nhịp nhàng và sự hiểu biết lẫn nhau trong tập thể Vietsovpetro, giữa hai cổ đông chính là Zarubezhneft và Petrovietnam, cũng như ở cấp chính phủ của hai nước”.
Việt Nam đã mở cửa với thế giới. Tháng 12- 1992, Mỹ tuyên bố giảm bớt cấm vận đối với Việt Nam (cấm vận được dỡ bỏ vào năm 1995), đã mở ra cơ hội thực sự cho hình thức gọi là Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) – nguồn hỗ trợ cho các nước đang phát triển, có nghĩa là những khoản tín dụng ưu đãi và viện trợ không hoàn lại từ chính phủ các nước phát triển và các tổ chức tài chính quốc tế. Năm 1993, con số này là 350 triệu USD, trong đó có gần 139 triệu USD được chuyển cho Việt Nam dưới dạng viện trợ không hoàn lại.
Việt Nam kêu gọi các doanh nhân nước ngoài đầu tư vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như vào các dự án lớn xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó bao gồm các dự án xây dựng hoặc cải tạo các tuyến đường chính, các nhà máy điện, các khu mỏ, các công trình tiện ích xã hội và những dự án khác. Trong số đó có cả dự án xây dựng tuyến đường ống dẫn khí từ mỏ Bạch Hổ đến một nhà máy điện sắp được xây dựng tại tỉnh Đồng Nai tổng trị giá 300 triệu USD.
Trích hồi ký của ông V. S. Vovk: “Dự án đường ống dẫn khí từ mỏ Bạch Hổ vào bờ là một phần trong dự án chung khai thác mỏ Bạch Hổ. Nó bao gồm hai giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất là xây dựng hệ thống thu gom và vận chuyển dầu mỏ vào bể chứa trên bờ và giai đoạn thứ hai là xây dựng hệ thống thu gom khí đồng hành, vận chuyển bằng đường ống và sử dụng trong công nghiệp để sản xuất những sản phẩm đang rất thiếu thời đó – năng lượng điện, phân bón và những sản phẩm khác.
Do những nguyên nhân kinh tế và điều kiện địa lý tự nhiên nên chúng tôi đã rút khỏi dự án xây dựng đường ống đưa dầu mỏ vào bờ. Chúng tôi đã áp dụng công nghệ thu gom và lưu trữ dầu qua tàu chở dầu “Crưm”, công nghệ vào thời đó còn rất hiếm khi được áp dụng vào thực tiễn trên thế giới. Nhờ đó chúng tôi tiết kiệm được một khối lượng rất lớn tất cả các nguồn tài lực…, song đối với đường ống dẫn khí thì chúng tôi đã thực hiện rất nghiêm túc. Đường ống đó, theo tính toán ban đầu, phải đảm nhiệm được nhiệm vụ bơm vận chuyển khoảng 730 triệu m3 khí mỗi năm. Ở Viện Nghiên cứu khoa học và thiết kế Dự án NIPImorneftegaz của chúng tôi có ông Yu. S. Oseredko chủ trì công việc này. Đó chính là người đã xây dựng đường ống xăng dầu đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam trước đây. Vietsovpetro không chỉ nghiên cứu khảo sát về đường ống dẫn khí cụ thể này, mà còn lập trước cả một sơ đồ tổng đầu tiên về phát triển ngành công nghiệp khí của Việt Nam, chúng tôi đã có một chuyến đi ra Hà Nội riêng để báo cáo về sơ đồ đó cho Tổng Bí thư Đỗ Mười. Chúng tôi trù tính mình có thể khai thác được bao nhiêu khí từ mỏ Bạch Hổ và các mỏ lân cận khác, cần tốn bao nhiêu khí để thực hiện những mục tiêu công nghệ và năng lượng, cuối cùng chuyển được bao nhiêu đến tay người tiêu dùng đại chúng. Toàn bộ công việc đó đã được lên kế hoạch và được nghĩ đến từ lâu, trước cả khi những cải cách kinh tế thị trường bắt đầu được thực hiện rộng rãi ở Việt Nam, khi mà ở đó chỉ có mơ chứ chưa dám nói đến các nhà thầu nước ngoài. Toàn bộ công tác chuẩn bị ấy của chúng tôi để xây dựng tuyến đường ống chính dẫn khí đốt, cũng như chiến lược phát triển ngành công nghiệp khí khi đó đã rất cần thiết cho Việt Nam trong giai đoạn lịch sử mới”.
Vào năm 1995, Vietsovpetro với sự hỗ trợ của các nhà khoa học BNIIBT (Viện Nghiên cứu khoa học và thiết kế công nghệ kỹ thuật khoan toàn Nga), đã sử dụng thiết bị khoan do Nga sản xuất của liên doanh này để lắp đặt và khoan thành công giếng khoan nằm ngang đầu tiên ở Việt Nam với dung lượng gấp 2,5 lần dung lượng của các giếng còn lại.
Vào tháng 7-1997, tại mỏ Bạch Hổ đã áp dụng phương pháp khai thác gaslift khí nén (Gaslift là phương pháp bơm khí cao áp – khí đồng hành, khí mỏ – vào giếng hòa trộn với chất lỏng trong giếng để giảm tỉ trọng và đưa chúng lên bề mặt), nhờ đó bảo đảm được hệ số công nghệ cao trong hoạt động của các giếng khai thác cơ giới hóa.
Cũng chính trong giai đoạn khó khăn nhất trong quan hệ hợp tác, tại XNLD Vietsovpetro đã áp dụng công nghệ duy trì áp suất vỉa bằng phương pháp bơm nước ép vỉa tại tầng móng nứt nẻ, hang hốc và một phần lớn nỗ lực đã được tập trung để thay đổi quan niệm tiêu cực nảy sinh ở một bộ phận các chuyên gia Việt Nam dưới ảnh hưởng của các chuyên viên phương Tây. Những chuyên viên này đã đề xuất công nghệ bơm ép khí. Theo ý kiến của các chuyên gia Nga, phương pháp bơm ép khí chỉ có thể giúp nâng cao hệ số thu hồi dầu ở mức vài phần trăm, trong khi với phương pháp bơm ép nước hệ số thu hồi dầu được nâng cao gấp 2,5-3 lần.
Để giải quyết vấn đề, Công ty Zarubezhneft đã mời sang Việt Nam những chuyên gia ưu tú trong số các nhà khoa học “phát triển” từ Nga, những người giàu kinh nghiệm trong việc giải quyết các vấn đề tương tự. Trong số đó có một nhà khoa học lớn của Nga, nguyên giám đốc Viện Nghiên cứu khoa học dầu khí toàn liên bang mang tên A. P. Krưlov “VNIIneft”, là Giáo sư G. G. Vakhitov, người giữ cương vị Phó giám đốc Phòng Nghiên cứu khoa học và thiết kế chế tạo NIPImorneftegaz của XNLD Vietsovpetro trong 5 năm (1990-1995). Kết quả, theo như báo cáo của Thứ trưởng thứ nhất Bộ Năng lượng Nga G. D. Avalishvili, Công ty Zarubezhneft khi vận dụng những kinh nghiệm khoa học và thực tiễn tích lũy được trong việc phát triển nhiều mỏ trong và ngoài nước có cấu tạo thân dầu trong đá nứt nẻ, đã tập trung tối đa nỗ lực và kiên trì tiến hành phương pháp bơm nước ép vỉa, mới đầu là thử nghiệm, còn sau đó đã trở thành phương pháp công nghiệp. Điều đó đã giúp ngăn được tình trạng giảm áp suất vỉa và ổn định nó ở mức 10-15 atmosfer cao hơn áp suất bão hòa, làm cho phía Việt Nam hết sức ngạc nhiên.
Kế hoạch khai thác năm 1997 đề ra 9 triệu tấn thì XNLD Vietsovpetro đã khai thác được 9,4 triệu tấn; năm 1998 kế hoạch 10,3 triệu tấn, khai thác 11 triệu tấn; năm 1999 kế hoạch 11 triệu tấn, khai thác thực tế 11,7 triệu tấn.
Trong nửa sau của thập niên 90, tất cả các điều kiện để hồi sinh quan hệ Nga – Việt đã chín muồi, nếu không có quy mô như thời Liên Xô thì chí ít cũng ở mức cao và trên cơ sở tương hỗ về lợi ích kinh tế. Cơ sở cho việc hồi sinh này là các dự án mới trong lĩnh vực dầu khí.
Kế hoạch khai thác năm 1997 đề ra 9 triệu tấn thì XNLD Vietsovpetro đã khai thác được 9,4 triệu tấn; năm 1998 kế hoạch 10,3 triệu tấn, khai thác 11 triệu tấn; năm 1999 kế hoạch 11 triệu tấn, khai thác thực tế 11,7 triệu tấn.
(Xem tiếp kỳ sau)
Ngân Hà