Cuối năm 1987, đầu năm 1988 là những tháng ngày đặc biệt nặng nề đối với cả hai bên liên doanh của Vietsovpetro. Hợp tác dầu khí giữa hai nước diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế ngày càng xấu đi ở Liên Xô. Những dự đoán ban đầu về thời gian phun trào trong hoạt động của các giếng mỏ Bạch Hổ sai lệch theo chiều hướng xấu, sản lượng của các giếng thấp hơn so với kế hoạch và nhanh chóng suy giảm.
Mặc dù những ám chỉ đầu tiên về tính phức tạp và mơ hồ của đánh giá ước lượng tiềm năng dầu khí trong các lớp trầm tích dưới sâu đã xuất hiện, song nhu cầu thực hiện các khoản đầu tư tầm cỡ được đặt dưới dấu hỏi lớn vì trước khi phát hiện mang tính cách mạng về sự tồn tại của dầu trong tầng đá móng nứt nẻ thì việc khai thác dầu trên thềm lục địa Nam Việt Nam có triển vọng địa chất cao chỉ về mặt giả thiết.
Nhiều nhà lãnh đạo ở Mátxcơva nghi ngờ về tiềm năng của Vietsovpetro, thậm chí chỉ còn lại nỗi thất vọng: Những khoản đầu tư khổng lồ được thực hiện để xây dựng các cơ sở khai thác dầu khí tại Việt Nam có thể sẽ trở thành vô ích.
Trước khi bắt đầu khoan |
Ở Việt Nam cũng vậy, hồi ký của ông Ngô Thường San, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam (năm 1981-1993 là Phó tổng giám đốc Vietsovpetro) viết: “Thỉnh thoảng tôi lại nghe thấy những khẳng định của một số người Mỹ bảo rằng chính họ đã phát hiện ra Bạch Hổ. Nhưng những tài liệu của họ thì cho thấy rằng họ gần như mới chỉ đạt được (tầng) Miocen. Khi chúng tôi nhận được mẻ dầu Miocen đầu tiên, sản lượng khai thác khi đó không đáng kể và tâm trạng bi quan nhanh chóng lan truyền trong một số chuyên gia và lãnh đạo Đảng. Chi quá nhiều tiền thế để làm gì? Loại bỏ Vietsovpetro thôi! Tâm trạng bi quan tương tự cũng có ở một số chuyên gia Liên Xô khác. Khi Bộ Công nghiệp Dầu mỏ (Minnefteprom) trở thành giám sát viên của Vietsovpetro, nhiều nhân viên của Bộ đã đặt câu hỏi: “Tại sao chỉ với trữ lượng nhỏ thôi mà lại phải tạo ra một căn cứ ven biển mạnh như vậy? Sao lại để xảy ra tình trạng lãng phí tiền của người dân một cách vô ích thế?”. Và hoàn toàn có khả năng là Vietsovpetro đã bị xóa sổ nếu như không phải đồng chí Đỗ Mười, người tin tưởng vững chắc vào tương lai dầu mỏ Việt Nam và tin tưởng vào sự hợp tác với Liên Xô. Vào thời điểm khó khăn đó, đã có nhiều ý kiến về sự cần thiết của một đối tác chung khác, ở phương Tây. Nhưng đồng chí Đỗ Mười đã tuyên bố rằng chúng ta có thể tạo ra một ngành công nghiệp dầu mỏ thực sự có giá trị ở đất nước mình chỉ với Liên Xô. Riêng với cá nhân tôi, khoảng thời gian trước khi phát hiện ra dầu trong tầng đá móng là thời điểm nặng nề nhất”.
Một trong những giếng có độ sâu khoan tăng lên, cụ thể là giếng BH-6, vào tuần thứ hai của tháng 5-1987 đã nhận được dòng dầu với lưu lượng 477m3 mỗi ngày. Những dữ liệu có được về cấu trúc của khu mỏ tại thời điểm đó không cho phép xác định chính xác là dầu nhận được từ đâu, từ tầng Oligocene hạ hoặc từ tầng móng granitoid nằm bên dưới nó?
Bất kỳ người nào ít nhiều có học vấn ở Liên Xô, hơn nữa lại là các nhà địa chất – dầu mỏ, đều sẽ nói rằng dầu nằm trong lớp trầm tích và không thể có trong tầng móng granitoid được.
Quan điểm cơ bản trong khoa học dầu khí nhưng đồng thời cũng là cơ sở lý luận để tổ chức tìm kiếm các mỏ dầu khí trên thế giới đều xem dầu mỏ và khí thiên nhiên có nguồn gốc hữu cơ, hình thành từ sự phân hủy các xác sinh vật và thực vật tiền sử dưới tác động của áp suất và nhiệt độ trong quá trình bị chôn vùi sâu dưới lòng đất ở các bể trầm tích. Vì thế, không thể tin dầu khí tồn tại trong đá móng, là các dung nham, đá núi lửa hình thành ở nhiệt độ vài nghìn độ C, nơi mà không vật chất hữu cơ nào có thể tồn tại.
Trích hồi ký của ông Nguyễn Văn Đức, người trong những năm 1987-1989 là Cục trưởng Cục Địa chất Vietsovpetro: “Không một ai có ý nghĩ về sự tồn tại của dầu trong tầng đá móng vào những năm 80 của thế kỷ trước. Ý tưởng chính của các nhà địa chất Vetsovpetro sau khi nhận được những thông tin trái chiều từ tất cả các giếng vòm phía Bắc và phía Nam mỏ Bạch Hổ, sau nhiều trường hợp mất dung dịch khoan trong các giếng thăm dò là khoan sâu thêm vào tầng móng một chút để hiểu rõ hơn về cấu tạo của các tầng phía trên. Chúng ta đã đọc trong tài liệu nước ngoài rằng ở khu vực Đông Nam Á rất phổ biến những khối núi đá granit, chúng bị rửa mòn và hình thành tầng đá cát kết có độ xốp thấp và độ thẩm thấu thấp trong lớp vỏ phong hóa (tính độc đáo của thềm lục địa nước ta là vỉa chứa dầu là những granitoid “tươi mới”, không bị ảnh hưởng bởi quá trình phong hóa, với chiều cao của các vỉa hơn 1.000m). Nói chung, chúng tôi đề xuất khoan sâu vào tầng đá móng thêm 100-200m. Địa chấn cho thấy rằng trên vòm phía Bắc của mỏ Bạch Hổ, nền móng đã được nâng lên khá cao. Tình huống này đóng một vai trò tích cực trong việc phát hiện ra dầu trong một hồ chứa ngầm bất thường như vậy”.
Ở Vietsovpetro, ngày 25-5-1988, bắt đầu thiết kế giếng khoan đặc biệt thăm dò xuống tầng đá móng kết tinh – giếng số BH-47R, nhưng tiến độ công việc này có phần trễ nải đòi hỏi có một cú đẩy mang tính hành chính chứ không cần quan tâm đến khía cạnh khoa học, bởi vì cả trong Vietsovpetro cũng như giới quan tâm ở Mátxcơva và Hà Nội, tâm trạng “bi quan, chán nản”, đôi khi cả “rũ bỏ” đang lan tràn.
Trong lúc chờ vật tư thi công, Vietsovpetro đã thực hiện đề xuất của lãnh đạo Cục Khoan biển ngày 24-6-1988, thử vỉa lại tầng móng ở giếng BH-1 đang cạn kiệt dầu từ Miocene. Kết quả, ngày 5-9-1988, dòng dầu từ nóc móng đã phun mạnh với lưu lượng 407 tấn/ngày và giếng BH-1 lập tức được đưa vào khai thác (ngày 11-9-1988) qua bộ cần khoan đường kính 89mm. Sau đó, Vietsovpetro đã khoan giếng thẩm lượng BH-2 thẳng đứng từ MSP-2 thay cho giếng BH-47R và các giếng khai thác sớm tầng móng như BH-401, 402, 403. Riêng quyết định ưu tiên thử lại giếng BH-1 đã đẩy nhanh tiến độ khai thác dầu từ tầng móng sớm hơn dự định khoảng 4 tháng.
Hồi ký của ông Vovk V. S., trong những năm 1988-1993 là Tổng giám đốc Vietsovpetro viết: “Khi tôi trở lại, dĩ nhiên là tôi đã hỏi về tình hình công việc ở giếng khoan đầu tiên. Lưu lượng dầu ở giếng này khi đó là gần 7 tấn / ngày đêm và nó đang “tắt dần”. Tôi đã ra lệnh lập kế hoạch thi công khoan và đưa đến các thiết bị cần thiết để khoan và thử nghiệm giếng tiếp theo. Chúng tôi khoan hết một mũi, tiến hành kiểm tra, không phát hiện bất cứ trục trặc nào. Phải làm gì đây? Khoan tiếp! Tiếng chuông vang lên vào lúc 3 giờ sáng: “Giếng đang hoạt động, áp suất khoảng 120 atmosphere!”. Ngay sáng hôm sau nhanh chóng chuẩn bị và đóng đai rồi đưa giếng vào hoạt động luôn trong trạng thái lúc đó là cùng với ống khoan và đục khoan. Trong một giờ, lưu lượng đạt được là 1.200 tấn toàn dầu. 4 tháng sau, giếng mới được chuyển từ sơ đồ tạm thời sang thường xuyên”.
Giếng thăm dò BH-6 phát hiện dầu trong móng Bạch Hổ ngày 11-5-1987 |
Việc phát hiện và khai thác dầu khí trong móng granit nứt nẻ ngay lập tức đã làm thay đổi chiến lược xây dựng và phát triển khu vực mỏ Bạch Hổ. Trong tháng 10-1989, lưu lượng trung bình hằng ngày của 35 giếng sản xuất là 4.598,7 tấn, lưu lượng trung bình của 1 giếng là 255 tấn / ngày, của giếng mới là 618 tấn/ngày. Các nhà khoa học đã tính toán rằng, nếu không có giếng khai thác từ tầng đá móng, sản lượng trung bình hằng ngày từ 1 giếng sẽ chỉ là 94,2 tấn, còn giếng mới là 121,5 tấn. Viện Nghiên cứu và Thiết kế dầu khí biển NIPIneftegaz bắt đầu xây dựng một kế hoạch phát triển mới cho khu mỏ này. Đến ngày 1-12-1991, sản lượng trung bình hằng ngày của Vietsovpetro đạt 12 nghìn tấn.
Cái tên “Bạch Hổ” đã đi vào các văn liệu dầu khí thế giới và đây là một thành tựu có giá trị to lớn về khoa học và kinh tế, làm thay đổi rất lớn về đối tượng thăm dò dầu khí truyền thống. Các thành quả này đã đưa Việt Nam vào danh sách các nước sản xuất dầu khí trên thế giới, đánh dấu một bước tiến vững chắc, khẳng định một tương lai đầy hứa hẹn cho ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam.
Liên doanh Vietsovpetro qua những nỗ lực chung của các công nhân dầu mỏ Liên Xô và Việt Nam cùng sự hỗ trợ của cả hai quốc gia đã trở thành một doanh nghiệp quy mô lớn về khai thác dầu mỏ và khí đốt.
(Xem tiếp kỳ sau)
Ngân Hà