13/11/2021 4:37:33

Hợp tác dầu khí Việt – Nga qua góc nhìn của chuyên gia Nga: Kỳ XIII: Xây dựng đội ngũ hùng hậu

Hiếm có một tập thể lao động quốc tế nào được chuẩn bị, đào tạo công phu và bài bản như đội ngũ của Xí nghiệp Liên doanh dầu khí Việt – Xô (Vietsovpetro). Trong 7 năm, từ những cán bộ đầu tiên, đến tháng 1-1987, số cán bộ, kỹ sư, công nhân viên ở đây đã lên tới con số 3.197 người.

Năm 1981 đã có tổng cộng 72 công nhân Việt Nam trải qua khóa thực tập tại các tổ chức thuộc Bộ Công nghiệp Khí đốt và Bộ Xây dựng Liên Xô, năm 1982 lại có thêm 100 người nữa. Năm 1983-1984, hơn 300 các chuyên gia Việt Nam được lên kế hoạch đưa đi đào tạo ở các nhà máy Liên Xô. Họ được đào tạo để thực hiện các công việc cụ thể tại Vietsovpetro. Tại trường trung cấp sản xuất kỹ thuật ở làng Baria, tổng cộng có tới 2.000 người tham gia học tập, đã mở lớp đào tạo bổ sung thêm thợ lặn, thợ hàn, thợ lắp máy, thợ sơn.

ky xiii xay dung doi ngu hung hau

Thợ nguội sửa chữa ở Vietsovpetro

Các trường trung cấp của Việt Nam cũng được thu hút để đào tạo cán bộ cho Vietsovpetro. Tính tới ngày 10-3-1982, bộ máy quản lý của Vietsovpetro đã bao gồm 40 chuyên gia Liên Xô và Việt Nam. Ngoài ra, 200 kỹ sư và nhân viên kỹ thuật của Liên Xô đã ký kết hợp đồng lao động để đảm nhiệm các công việc về địa vật lý và địa chất kỹ thuật. Tổng cộng trong năm 1982 đã có 310 chuyên gia từ Liên Xô được cử sang công tác và làm việc tại Vietsovpetro.

Tháng 1-1984, danh sách cán bộ, công nhân viên của Vietsovpetro đã có tới gần 1.000 người, trong đó có 250 chuyên gia Liên Xô. Nhưng nếu tính toàn bộ đội ngũ những người tham gia làm việc tại các công trình của Xí nghiệp Liên doanh, kể cả những nhà thầu công trình và các tổ chức có liên quan thì số người làm việc cho Vietsovpetro lên tới gần 2.000 người, trong đó 880 người tới từ Liên Xô, 540 người thực hiện các hợp đồng thầu và 90 người thuộc đội thủy thủ trên các con tàu.

Trong hồi ký của ông А. М. Vardanyan, lãnh đạo Liên đoàn Soyzzarubezhmorneftegazprom, ghi: “Thời gian đầu, toàn bộ các công việc xây dựng và cung cấp thiết bị vật tư do Liên Xô và các chuyên gia Liên Xô đảm nhiệm. Song song với việc này, chúng tôi bắt đầu đào tạo đội ngũ nhân sự tại địa phương, họ sẽ phải dần dần nắm giữ những vị trí quan trọng. Tôi muốn nhấn mạnh một điều rằng, thực tiễn thay thế các chuyên gia của mình bằng chuyên gia địa phương chưa được áp dụng trong các công ty dầu khí quốc tế, vì bao giờ các công ty này cũng cố gắng tự mình làm cả. Còn chúng tôi thì khác, chúng tôi muốn truyền toàn bộ vốn kiến thức của mình cho những người Việt Nam, và họ đánh giá rất cao về điều này. Các trường đại học dầu khí của chúng tôi phân bổ một hạn ngạch riêng cho các sinh viên Việt Nam. Bản thân trong Vietsovpetro, Phó giám đốc Liên đoàn Caspmorneftegazprom, ông Zeinalov, đã mở trường đào tạo nhân sự, trước hết là đào tạo nhân lực cho việc xây dựng nền giàn khoan trên biển. Ông đã phái tới đây các cố vấn có nhiệm vụ đào tạo vài chục kỹ sư hàn. Trong số đó có ông Oktai Zeinalovich Gasymov, trước kia làm việc ở Tổng cục Dầu khí biển dưới quyền lãnh đạo của ông V. V. Pochynkin. Kết quả là số lượng các chuyên gia Việt Nam, bao gồm cả công nhân và kỹ sư trong Vietsovpetro tăng lên nhanh chóng”.

Căn cứ vào đề nghị của Vietsovpetro, trong năm 1984 đã thành lập đội lặn bao gồm 18 thợ lặn (12 thợ lặn Liên Xô và 6 thợ lặn Việt Nam), 4 chuyên gia kỹ thuật, 2 bác sĩ vật lý trị liệu, lãnh đạo bộ phận và phó lãnh đạo, tổng cộng là 26 người (16 người Liên Xô và 10 người Việt Nam, đã qua khóa đào tạo tại căn cứ của Trường Kỹ thuật dạy nghề Baria). Bộ phận lặn trực thuộc Ban Quản lý hạm đội. Các chuyên gia của căn cứ ngay lập tức bắt tay vào việc: Nghiên cứu những pontong bị chìm, các chân đế của giàn khoan cố định số 1 sau khi đã lắp đặt xong, đưa những vật bị chìm dưới biển lên mặt nước hoặc chuyển vào cảng, xem xét các đinh vít của tàu và các công trình xây dựng trên biển.

Tính tới ngày 1-3-1985, Vietsovpetro đã có 19 bộ phận khác nhau, với sự tham gia của 400 chuyên gia Liên Xô và 1.100 chuyên gia Việt Nam. Thống kê đến ngày 1-1-1987, đội ngũ nhân viên của Xí nghiệp Liên doanh gồm 3.197 người, trong đó có 1.033 chuyên gia Liên Xô (507 người tham gia vào các bộ phận sản xuất, 526 người thuộc đội tàu) và 2.164 chuyên gia Việt Nam. Tổng cộng trong giai đoạn 1982-1986 đã có 4.933 chuyên gia Liên Xô được cử sang Việt Nam công tác để thực hiện các công việc về khai thác nguồn tài nguyên dầu khí ở thềm lục địa miền Nam Việt Nam, trong đó có 2.082 người trực tiếp làm việc tại Vietsovpetro, còn 2.851 người làm trong các tổ chức thực hiện hợp đồng thầu.

Bài toán hóc búa đối với một xí nghiệp liên doanh còn non trẻ, được xây dựng hầu như từ con số không, là việc bố trí đội ngũ các bộ, công nhân viên Việt Nam đã qua đào tạo vào làm việc tại Vietsovpetro. Trong số 500 người đã được học tập ở Liên Xô chỉ có 100 người làm việc tại Vietsovpetro, nguyên nhân do điều kiện ăn ở thiếu thốn và giá cả đắt đỏ.

Từ ngày 6-8-1979, theo yêu cầu của Ủy ban Nhà nước về quan hệ kinh tế đối ngoại, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Liên Xô, để phục vụ các chuyên gia Liên Xô đang làm việc ở Việt Nam, trong hệ thống Bộ Quốc phòng đã thành lập Xí nghiệp thương mại tiêu dùng (TBP) số 525. Vì Gazprom của Liên Xô lên kế hoạch đưa đội ngũ các chuyên gia Liên Xô sang Việt Nam để làm việc tại Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro, căn cứ nghị quyết do Hội đồng Bộ trưởng ban hành ngày 11-11-1982, Bộ Công nghiệp Khí đốt Liên Xô được giao nhiệm vụ đáp ứng những nhu cầu thương mại tiêu dùng cho tất cả các chuyên gia Liên Xô đang làm việc tại Việt Nam. Xí nghiệp thương mại tiêu dùng số 525 có một hệ thống các cửa hàng, nhà ăn và kho bãi được bố trí tại địa điểm cư trú tập trung của các chuyên gia Liên Xô (hồi bấy giờ tổng số chuyên gia Liên Xô ở Việt Nam là gần 7.000 người), qua đó xí nghiệp cung cấp cho cả các chuyên gia Liên Xô lẫn các chuyên gia Việt Nam làm việc tại Vietsovpetro.

Phía Việt Nam cũng có những khó khăn nhất định trong vấn đề này, vì trong nước lúc đó đang áp dụng hệ thống tiền lương cố định, không phản ánh chính xác đóng góp thực sự của người làm việc, mà mang tính bình quân đầu người. Nhờ có những nỗ lực chung, hệ thống tiền lương ở Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro được xây dựng theo cách thức mà cả hai bên đều chấp thuận được, góp phần củng cố một tập thể vững mạnh.

Trích báo cáo của nhóm các chuyên gia Liên Xô đệ trình Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô về kết quả kiểm tra Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro, tháng 5-1987: “Trong giai đoạn 1982-1986, hơn 500 các công nhân thuộc các ngành mũi nhọn đã được đào tạo tại Liên Xô, ngoài ra, quá trình đào tạo còn được tiến hành ngay tại nơi làm việc ở Liên doanh. Dần dần, theo đà tăng trưởng sự sẵn sàng của đội ngũ chuyên gia Việt Nam, số lượng chuyên gia Liên Xô dần giảm đi. Tỷ lệ chuyên gia Liên Xô trong năm 1981 là 46,5%, năm 1985 là 37,3%, năm 1987 chỉ còn 27%. Chỉ vì thiếu các chuyên gia dầu khí và chuyên gia về khoan có trình độ cao từ phía Việt Nam nên trong Ban Quản lý khoan dầu mỏ mới còn nhiều chuyên gia Liên Xô tham gia làm việc (34%), tình trạng tương tự cũng được thấy trong Ban Quản lý khai thác dầu khí (31%)”.

Kỳ VI: Chiến lược phát triển dầu khí ngay sau giải phóng miền Nam

Kỳ VII: Chuyến đi đặc biệt của “vị tướng dầu khí” Đinh Đức Thiện

Kỳ VIII: Hiệp định 1980 – thời kỳ mới của hợp tác Việt – Xô

Kỳ IX: Dồn hết sức lực cho Việt Nam

Kỳ X: Ghen tỵ với công trình của Vietsovpetro

Kỳ XI: Những thách thức từ Liên doanh Vietsovpetro

Kỳ XII: Chuẩn bị tiến ra biển lớn

Ngân Hà