12/11/2021 2:19:26

Hợp tác dầu khí Việt – Nga qua góc nhìn của chuyên gia Nga: Kỳ XII: Chuẩn bị tiến ra biển lớn

Thành lập căn cứ sản xuất hoàn chỉnh để khai thác các mỏ dầu khí trên biển nằm cách các nhà máy hàng ngàn cây số là một quyết định vô cùng táo bạo. Đây là phương án tốn kém về tiền của, nhưng về mặt chiến lược lại là giải pháp đúng đắn nhất. Căn cứ dành cho việc khai thác thềm lục địa miền Nam Việt Nam phải là thành phố nghỉ mát Vũng Tàu.

Điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam là cơ sở hạ tầng giao thông. Dòng hàng viện trợ khổng lồ phải lách qua những cửa ngõ hẹp của các cảng biển Việt Nam. Chuyện tàu chở hàng hóa phục vụ cho nhu cầu kinh tế quốc dân phải chờ đến lượt dỡ hàng ở cảng Hải Phòng, Cẩm Phả, Hòn Gai, Đà Nẵng và các cảng khác là “bệnh mạn tính” mà không chỉ các bộ, ngành phải tham gia giải quyết, thậm chí phải có sự chỉ đạo của lãnh đạo cấp Nhà nước. Nếu không xây dựng cảng biển và cơ sở ven bờ thì việc khai thác thềm lục địa là bất khả thi. Nhưng cho tới tận thời điểm thành lập Xí nghiệp Liên doanh Việt – Xô, cảng Vũng Tàu mới chỉ có những ưu thế về mặt tự nhiên mà thôi.

ky xii chuan bi tien ra bien lon

Đồng chí Lê Duẩn với các công nhân của Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro

Căn cứ vào kết luận của các chuyên gia Liên Xô, hệ thống điều hướng hiện tại không thể bảo đảm các điều kiện an toàn cho tàu bè và loại trừ khả năng hoạt động vào ban đêm của tàu, cần tiến hành các công việc nạo vét với khối lượng 224 nghìn m3 tại điểm tàu quay đầu của vùng nước bến cảng. Nói chung, cần thực hiện một khối lượng lớn công việc để chuẩn bị toàn bộ cơ sở hạ tầng thành phố cũng như cảng Vũng Tàu nhằm thực hiện nhiệm vụ chiến lược là tìm kiếm và tổ chức khai thác dầu khí ở thềm lục địa.

Từ trước khi ký kết hiệp định về hợp tác với Liên Xô, Việt Nam đã thử tự mình làm việc này và thậm chí đã ký một số thỏa thuận với các công ty nước ngoài, nhưng chưa làm được việc gì có quy mô lớn. Các tổ chức của Việt Nam đã tự dựa vào sức mình để bắt đầu công việc sửa sang, sắp xếp khu cảng. Chính quyền tất cả các cấp, từ địa phương đến Trung ương, đều phải góp sức mình vào sự nghiệp này bằng mọi cách có thể.

Hồi ký của cựu Tổng cục phó Tổng cục Dầu khí Việt Nam, ông Phan Tử Quang, ghi: “Đồng chí Đỗ Mười đã tới thăm Vũng Tàu để nắm bắt tình hình ngay tại chỗ. Ông đã quyết định chuyển giao toàn bộ khu khách sạn Lam Sơn cho Công ty Dịch vụ Du lịch Dầu khí (OSC) để bảo đảm chỗ ở cho các chuyên gia Liên Xô. Đồng chí Đinh Đức Thiện đã đề nghị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thu hồi toàn bộ những khu nhà và đất mà quân đội đang quản lý như trường thiếu sinh quân, khu thông tin, khu Chí Linh để cấp cho ngành Dầu khí. Đồng thời, ông cũng yêu cầu Bộ Quốc phòng điều động Binh đoàn 318, đề nghị Thủ tướng điều động Công ty 12 thuộc Bộ Xây dựng, Công ty Xây dựng phục vụ dầu khí TP Hồ Chí Minh, Công ty Х14 của Bộ Giao thông, chuyên thiết kế xây dựng cảng, chuyển sang xây dựng cơ sở hạ tầng cho ngành Dầu khí. Mọi nguồn lực về người và vật chất của đất nước được dồn hết cho sự nghiệp này”.

Xí nghiệp Liên doanh Việt – Xô về thăm dò và khai thác dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam Vietsovpetro bắt đầu lịch sử của mình bằng việc bổ nhiệm những chuyên gia Việt Nam đầu tiên, họ có nhiệm vụ chuẩn bị căn cứ. Các chuyên gia này được đưa tới từ miền Bắc (bộ máy Tổng cục Dầu khí, Công ty Dầu khí số 1), cũng như từ miền Nam (Công ty Dầu khí số 2), hoặc được điều động từ các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Năng lượng…

ky xii chuan bi tien ra bien lon

Thủ tướng CHXHCN Việt Nam Phạm Văn Đồng phát biểu trước cán bộ, công nhân viên Việt Nam làm việc tại Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro. Bên trái là Bí thư đặc khu ủy Vũng Tàu – Côn Đảo Lê Quang Thành, bên phải là lãnh đạo Tổng cục Dầu khí Việt Nam Nguyễn Hòa (năm 1981)

Ngày 9-7-1981, một tờ thông báo được dán tại văn phòng của Công ty Dầu khí số 2 ở Vũng Tàu: “Yêu cầu tất cả các chuyên gia thuộc các bộ phận khác nhau được Tổng cục Dầu khí điều tới công tác tại Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt – Xô có mặt lúc 8 giờ sáng ngày 10-7-1981 tại phòng nhỏ của thư viện để tham gia cuộc họp toàn thể của Xí nghiệp”. Chủ trì cuộc họp là nhà địa chất Ngô Thường San, người được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc của Xí nghiệp Liên doanh. Mọi người được nghe đọc các văn bản quy định hoạt động của họ từ nay về sau.

Những nhân viên từ miền Bắc vào ban đầu được bố trí trong tòa nhà văn phòng của Công ty Dầu khí số 2, sau này họ được chuyển sang sống ở khách sạn “Mái Nắng” vừa mới được sửa sang xong. Còn khách sạn Lam Sơn và một số khu biệt thự thì được chuẩn bị để đón tiếp các chuyên gia Liên Xô đầu tiên, dự kiến sẽ tới đây vào mùa thu.

Trong số các nhân viên Việt Nam, một số kỹ sư giàu kinh nghiệm nhất và có triển vọng nhất đã được chọn lựa để nắm giữ các cương vị phó lãnh đạo Xí nghiệp Liên doanh và các phòng ban chính, để sau này cất nhắc lên các vị trí cao hơn. Trong số đó có các ông Ngô Thường San, Trần Ngọc Cảnh, Đỗ Đình Khải, Lê Văn Hùng… Những người này được cử đi thực tập 6 tháng ở Liên Xô. Các chuyên gia khối hành chính – sản xuất thì được cử đi học tại Liên đoàn Caspmorneftegaz, các chuyên gia về bộ phận khoa học và dự án tới Liên đoàn Sakhalinmorneftegazprom. Chính đây là thời kỳ sinh ra cặp liên kết “trưởng phòng – phó phòng”, vì nhiều người trong số các sinh viên đi thực tập đã được đào tạo bởi những chuyên gia Liên Xô mà sau này họ sẽ làm việc cùng ở Liên doanh, và các chuyên gia này sau một thời gian cùng làm việc sẽ chuyển cho các đồng nghiệp Việt Nam chức năng lãnh đạo. Ngay từ đầu đã có dự kiến rằng, sau một thời gian, các chức vụ lãnh đạo trong Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro sẽ do người Việt Nam đảm nhiệm. Đó là quan điểm mang tính nguyên tắc ngay từ đầu của phía Liên Xô.

Đội ngũ cán bộ Liên Xô được lựa chọn cho Việt Nam là các cán bộ chuyên ngành, nhưng quá trình phê duyệt danh sách bao giờ cũng được đưa ra xem xét tại các cơ quan Đảng cấp cao nhất. Thống kê nhân sự bao giờ cũng cho thấy số lượng lớn các cán bộ, nhân viên trong xí nghiệp là đảng viên. Đó là thực tiễn được áp dụng vào thời kỳ này.

Ngày 13-8-1981, Hội đồng tư vấn của Bộ Công nghiệp Dầu khí Liên Xô tiến hành xem xét và phê duyệt đề xuất về việc bổ nhiệm Phó tổng giám đốc của Liên đoàn Kaspmorneftegazprom, ông Jalal Ali-Heydar-oglu Mamedov giữ chức Tổng giám đốc Xí nghiệp Liên doanh Việt – Xô. Vài ngày sau, văn bản đề cử người giữ chức vụ Tổng giám đốc xí nghiệp tương lai được đệ trình lên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô.

Ông Mamedov, sinh năm 1925, là người Azerbaijan, từ năm 1956 là đảng viên Đảng cộng sản Liên Xô, có trình độ đại học, năm 1949 tốt nghiệp Đại học Công nghiệp Azerbaijan mang tên Azizbekov, chuyên ngành dầu. Từ năm 1972, ông làm Phó tổng giám đốc Liên đoàn Dầu khí biển Caspian, từ năm 1979 liên hiệp này chuyển sang trực thuộc Bộ Công nghiệp Dầu khí và đổi tên thành Liên đoàn Kaspmorneftegazprom.

Trích hồi ký của ông Lê Văn Hùng, Trợ lý Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất Việt Nam cuối những năm 70 của thế kỷ trước: “Vào tháng 7-1981, Tổng cục Dầu khí đã lựa ra được 26 nhân viên trẻ tuổi đã từng qua đào tạo ở nước ngoài, có trình độ kỹ thuật và trình độ tiếng Nga tốt, họ là đội ngũ nòng cốt của Xí nghiệp Liên doanh tương lai Vietsovpetro (chúng tôi vẫn nói đùa rằng họ là “26 chính ủy Baku”). Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười đã đích thân tới Tổng cục Dầu khí để huấn thị và giao nhiệm vụ cho nhóm chúng tôi. Hầu như tất cả 26 người tới Vũng Tàu khi đó, nay đều là lãnh đạo chủ chốt của Vietsovpetro”.

Kỳ VI: Chiến lược phát triển dầu khí ngay sau giải phóng miền Nam

Kỳ VII: Chuyến đi đặc biệt của “vị tướng dầu khí” Đinh Đức Thiện

Kỳ VIII: Hiệp định 1980 – thời kỳ mới của hợp tác Việt – Xô

Kỳ IX: Dồn hết sức lực cho Việt Nam

Kỳ X: Ghen tỵ với công trình của Vietsovpetro

Kỳ XI: Những thách thức từ Liên doanh Vietsovpetro

(Xem tiếp kỳ sau)

Ngân Hà