Việc khai thác tài nguyên dầu khí trên thềm lục địa miền Nam Việt Nam diễn ra trước hàng chuỗi sự kiện chính trị đối nội và đối ngoại, không chỉ là nền tảng cơ sở mà còn có tác động trực tiếp đến những quyết định của Chính phủ cả hai nước Việt – Xô trong lĩnh vực hợp tác dầu khí.
Năm 1975, ngay sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, bước vào thời kỳ khôi phục toàn diện sau chiến tranh, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã xác định phải nhanh chóng tìm ra và khai thác dầu, khí, nguồn năng lượng quan trọng cho phát triển đất nước.
Ngày 30-4-1975 khi tiếng súng vừa chấm dứt tại Sài Gòn, Đoàn địa chất B (do Tổng cục Địa chất cử vào khảo sát địa chất ở vùng do Mặt trận Giải phóng Dân tộc miền Nam Việt Nam kiểm soát) là tổ chức đầu tiên đã tiếp quản về mặt hành chính Tổng cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản của chính quyền Sài Gòn. Ngày 12-5-1975, đoàn đã thu thập được hầu như còn nguyên vẹn các tài liệu của các công ty dầu khí làm trước ngày giải phóng Sài Gòn. Tại đây còn có 2 thùng phuy dầu thô lấy từ giếng khoan Bạch Hổ-1X (Lô 09) của Công ty Mobil. Các mẫu dầu tìm thấy trong văn phòng của Công ty Mobil được gửi sang Liên Xô để phân tích.
Theo hồi ức của ông Ngô Thường San (hiện là Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam), vào đầu tháng 6-1975, ông Phạm Hùng thay mặt cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam gửi telex cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đề nghị cử người vào tiếp quản tài liệu của Tổng cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản. Đoàn có 3 người: ông Ngô Thường San (cán bộ của Viện Khoa học Việt Nam), ông Đào Duy Chữ (cán bộ của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước), ông Vũ Trọng Đức (cán bộ của Tổng cục Hóa chất), sau có thêm ông Hồ Đắc Hoài (cán bộ của Tổng cục Địa chất) đã bay vào Sài Gòn để thực hiện nhiệm vụ này. Ngày 15-6-1975, đoàn đã bay vào Sài Gòn và bắt đầu tiếp quản tài liệu tại Tổng cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản. Trong thời gian 3 tháng, đoàn đã tập hợp tất cả các tài liệu thu nhận được từ các công ty, từ Bộ Ngoại giao, Tổng cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản của chính quyền Việt Nam Cộng hòa và lần đầu tiên làm báo cáo tổng hợp về cấu trúc địa chất, triển vọng dầu khí, đánh giá trữ lượng tiềm năng của thềm lục địa Nam Việt Nam.
Việc thu thập thông tin, tài liệu về dầu khí có từ thời chính quyền Việt Nam Cộng hòa là rất khẩn trương để kịp thời báo cáo Chính phủ. Việc phát hiện dầu khí ở giếng Dừa-1X và dầu khí có giá trị thương mại ở giếng Bạch Hổ-1X… đã khẳng định thềm lục địa Nam Việt Nam nhất định có dầu và những đánh giá sơ bộ cho thấy tiềm năng dầu khí ở đây rất lớn. Đây chính là cơ sở để các cơ quan chuyên môn báo cáo lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Ngày 20-7-1975, Bộ Chính trị họp lần thứ nhất tại Sài Gòn đã xác định đường lối phát triển ngành dầu mỏ và khí đốt Việt Nam, trong đó đã vạch ra chính sách hợp tác với nước ngoài (quy định những nguyên tắc cơ bản về lựa chọn đối tượng hợp tác, hình thức hợp tác và địa bàn hợp tác). Nội dung hội nghị này đã được tổng kết thành Nghị quyết số 244-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Ngày 6-8-1975, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra tuyên bố xúc tiến việc tìm kiếm và khai thác dầu mỏ trên lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam, đồng thời mở cửa, sẵn sàng thảo luận với các chính phủ và các công ty nước ngoài muốn tham gia. Ngày 9-8-1975, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 244-NQ/TW về việc triển khai thăm dò dầu khí trên cả nước, thể hiện sự sáng suốt, tầm nhìn chiến lược, là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam.
Ngay sau Nghị quyết số 244-NQ/TW, ngày 20-8-1975, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phê chuẩn Quyết nghị số 33-QN/QH/K5 thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam.
Căn cứ vào Nghị quyết và Quyết nghị trên, ngày 3-9-1975, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 170/CP về việc thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của ngành Dầu khí Việt Nam, chấm dứt thời kỳ hoạt động của các tổ chức riêng rẽ thuộc Tổng cục Địa chất, Tổng cục Hóa chất… Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam là tổ chức nhà nước đầu tiên quản lý một ngành kinh tế kỹ thuật thống nhất trong cả nước.
Nghị định số 170/CP có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển ngành Dầu khí non trẻ của Việt Nam. Từ đó, hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí được triển khai mạnh mẽ ở cả miền Bắc, miền Nam, thềm lục địa phía Nam và chúng ta đã có nhiều phát hiện dầu khí ở cả trên đất liền và ở thềm lục địa.
Ngày 23-9-1975, trọng trách Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt được giao cho ông Nguyễn Văn Biên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Ngày 3-7-1976, phiên họp thứ nhất của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã thông qua thành phần Chính phủ của đất nước Việt Nam thống nhất, trong đó có chức vụ Bộ trưởng phụ trách về dầu khí. Quyết định này góp phần đáng kể trong việc nâng cao vị thế của ngành công nghiệp mới và nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành Dầu khí. Trong đội ngũ lãnh đạo Chính phủ mới của nước CHXHCN Việt Nam cùng lúc có thêm 6 vị tướng. Nhờ có những quân nhân với kinh nghiệm dày dạn trong chiến đấu và quản lý hành chính, ngành Dầu khí của đất nước được củng cố đáng kể. Bộ trưởng đầu tiên phụ trách vấn đề dầu khí của nước CHXNCN Việt Nam là cựu Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Thiếu tướng Đinh Đức Thiện. Các chuyên gia hóa học quân sự, cán bộ hậu cần, các kỹ sư xây dựng cũng được điều động về làm việc cho ngành công nghiệp mới.
Trong các ngày từ 27 tới 31-10-1975, phái đoàn các cán bộ Đảng và Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam do Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn đã sang thăm Liên Xô. Mátxcơva tiếp đón các đại diện của Việt Nam như những anh hùng chiến thắng. Những người tham gia sự kiện này nhớ lại, chưa bao giờ một sự kiện chính thức lại diễn ra trong bầu không khí long trọng nhưng cũng thoải mái và thân mật đến thế. Ngày 30-10-1975, hai vị lãnh đạo L. I. Brezhnev và Lê Duẩn đã ký một văn kiện hết sức quan trọng, đó là bản Tuyên bố của hai nước Liên Xô và Việt Nam, trong đó liệt kê những quan điểm chung của các bên về tất cả các khía cạnh của quan hệ Việt – Xô, gần như trùng lặp hoàn toàn.
Ngày 3-11-1978, tại Mátxcơva, đoàn đại biểu cao cấp của Đảng và Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam do Tổng Bí thư Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu lại một lần nữa tiến hành đàm phán với Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Tối cao Liên Xô L. I. Brezhnev và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô A. N. Kosygin. Cũng vào ngày này, trong Đại điện Kremlin đã diễn ra lễ ký kết Hiệp ước về hữu nghị và hợp tác giữa Liên Xô và Việt Nam. Văn kiện này đã định hướng cho mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước cho 25 năm tiếp theo. Mối quan hệ giữa hai nước được đưa lên cấp độ quan hệ liên minh, là cấp độ hợp tác gắn bó nhất trong tất cả các lĩnh vực: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, giáo dục. Trong số các ngành được hai bên ưu tiên và có nghĩa vụ phát triển và củng cố quan hệ, có “lĩnh vực công nghiệp nhiên liệu và năng lượng”, “lĩnh vực khảo sát địa chất tìm dầu lửa, khí đốt thiên nhiên và các khoáng sản khác”.
Bước tiếp theo góp phần đưa tới quyết định về việc Liên Xô tham gia vào các công việc thăm dò địa chất ở thềm lục địa miền Nam Việt Nam là chuyến thăm của Bộ trưởng phụ trách các vấn đề dầu khí của nước CHXHCN Việt Nam Đinh Đức Thiện tới Mátxcơva.
Kỳ I: Ấn phẩm “Tới kho báu Rồng Vàng”
Kỳ II: Gắn kết chặt chẽ với nước Nga
Kỳ III: Chủ tịch Hồ Chí Minh, dầu mỏ và Liên Xô
Kỳ IV: Bí ẩn của miền võng Hà Nội
Kỳ V: Đoàn thăm dò dầu lửa số 36
(Xem tiếp kỳ sau)
Ngân Hà