Giai đoạn từ sau khi Việt Nam thống nhất cho đến khi ký kết Hiệp định về việc thành lập Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu, khí ở thềm lục địa phía Nam CHXHCN Việt Nam ngày 19- 6- 1981 là giai đoạn quan trọng nhất trong lịch sử của ngành công nghiệp dầu khí của Việt Nam, cũng như trong lịch sử hợp tác dầu khí giữa hai nước.
20 năm cùng tìm kiếm dầu mỏ và khí đốt ở Đồng bằng sông Hồng đã hình thành một hình thức hợp tác mới, chặt chẽ hơn giữa hai nước – xí nghiệp liên doanh. Bằng những tác động trực tiếp, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Khí đốt Liên Xô S. A. Orudzhev đã xây dựng đường lối chiến lược chung để khai thác vùng thềm lục địa phía Nam Việt Nam giàu tiềm năng về nguyên liệu hydrocarbon, trong đó bao gồm không chỉ việc phối hợp thăm dò địa chất, mà còn xây dựng tại khu vực này một căn cứ dịch vụ tổng hợp để hỗ trợ các hoạt động ngoài khơi.
Tổng Bí thư BCH TƯ Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn (giữa) tham quan cảng của Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro |
Trong một thời gian ngắn chưa từng có, trong điều kiện vô cùng khó khăn vì bị cấm vận kinh tế, trong tình trạng thiếu thốn vật tư và nguồn nhân lực, việc khai thác dầu mỏ ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam đã được khởi động nhờ những nỗ lực của các chuyên gia từ cả hai nước. Hiệp định đã được ký kết vào giữa năm 1981, năm 1982 là giai đoạn chuẩn bị và thực hiện công tác tổ chức…
Tại cấu trúc “Bạch Hổ”, 6 giếng khoan khảo sát địa chất đã được thực hiện, điều này cho phép bắt tay vào việc thiết kế giàn khoan cố định trên biển đầu tiên. Các chuyên gia đã hoàn tất các nghiên cứu về địa chất thủy văn, chọn xong mẫu và kết thúc việc nghiên cứu mẫu nước biển và tính chất vật lý của đất.
Trong năm 1981 và quý đầu năm 1982, các thiết bị khác nhau từ Liên Xô đã được chuyển tới thành phố Vũng Tàu, bao gồm 111 xe vận tải các loại và thiết bị làm đường, 4 nghìn tấn kim loại cán, hơn 4 nghìn tấn vật liệu bôi trơn, hơn 6 nghìn tấn xi măng, 1.350 tấn ống để lắp cụm cọc móng của giàn khoan cố định trên biển, ngoài ra còn có tủ lạnh và điều hòa không khí, thiết bị gia dụng để bảo đảm cuộc sống và hoạt động của những chuyên gia đầu tiên của Vietsovpetro.
Tại cảng Vũng Tàu, các kỹ sư xây dựng Việt Nam đã tiến hành việc tái thiết bến cảng, xây dựng khu vực “số không” (sơ bộ) của bãi xây lắp giàn khoan cố định trên biển công suất 5 ngàn tấn kết cấu kim loại mỗi năm. Đồng thời, công việc nạo vét cũng đã được tiến hành. Bộ Hạm đội Liên Xô đã thực hiện việc cung cấp thiết bị tới Việt Nam chỉ thông qua cảng Odessa, trong khi những cụm chi tiết của giàn khoan được sản xuất tại các thành phố Cheliabinsk, Astrakhan, Vyborg và Kerch.
Lời dặn dò của ông S. A. Orudzhev và Tổng giám đốc tương lai của Liên doanh Vietsovpetro, ông V. S. Vovk (1980-1981) |
Sơ đồ đang được áp dụng vào thời kỳ này là đưa tất cả các lô hàng tới Odessa, sau đó trung chuyển lên bờ, rồi mới xếp lên những chiếc tàu khởi hành đi Việt Nam. Điểm đến cuối cùng – cảng Vũng Tàu – khi đó còn đang trong giai đoạn xây dựng dở dang, vì thế những lô hàng kích cỡ quá lớn phải được đưa tới bến cảng TP Hồ Chí Minh, rồi từ đó mới vận chuyển tiếp tới địa điểm cuối cùng. Điều này tăng đáng kể khoảng thời gian chở hàng, vì thế cần tối ưu hóa toàn bộ hệ thống logistics. Người đảm nhiệm giải quyết vấn đề này là Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Khí đốt Liên Xô về hạm đội, ông N. M. Nemchikov. Trước khi được bổ nhiệm vào làm cho Gazprom, ông đã từng lãnh đạo Tổng cục Thanh tra biển Liên Xô và là người có kinh nghiệm dày dạn. Trong vòng vài tháng, vấn đề này được giải quyết thấu đáo.
Hoạt động ổn định của Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro tại Vũng Tàu phụ thuộc không chỉ vào logistics. Trong năm 1982, Ủy ban Nhà nước về kinh tế đối ngoại, Bộ Công nghiệp Khí đốt, Bộ Tài chính, Ngân hàng Ngoại thương Liên Xô đã cùng với phía Việt Nam phối hợp giải quyết một loạt các vấn đề tài chính quan trọng.
Tháng 5-1982, hai bên đã đạt được thỏa thuận về hệ số chuyển đổi từ đồng tiền Việt Nam sang đồng rup, là ngoại tệ chính trong giao dịch ngoại tệ quốc tế không sử dụng tiền mặt của khối các nước xã hội chủ nghĩa. Ngày 2-7-1982, thỏa thuận liên ngân hàng được ký kết. Ngày 13- 7-1982, hai nước đã ký thỏa thuận về việc cung cấp cho phía Việt Nam khoản tín dụng ngoại tệ để tài trợ cho việc mua các thiết bị vật tư cho Vietsovpetro do các nước tư bản sản xuất.
Ngày 4-6-1982, Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô ban hành Nghị quyết về các biện pháp bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ từ phía Liên Xô, liên quan tới thỏa thuận Việt – Xô về việc thành lập Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro để tiến hành khảo sát địa chất và khai thác dầu khí ở thềm lục địa miền Nam Việt Nam ngày 19-6-1981. Bản nghị quyết này đề cập tới việc thực hiện một cách đồng bộ các nghĩa vụ. Đặc biệt, nghị quyết nêu rõ: Giai đoạn năm 1983-1984 phải hoàn thành việc sản xuất tại Liên Xô các chân đế khoan của giàn khoan cố định trên biển thứ ba và thứ tư, cung cấp khối module giàn khoan cố định thứ ba cho Việt Nam, đồng thời nghiên cứu việc vận chuyển trực tiếp, không cần chuyển tải, bảo đảm cung cấp dịch vụ hàng không cho công việc tại mỏ dầu, xây dựng trạm liên lạc vệ tinh “Intersputnik”, cho phép mua các phụ tùng thay thế và nguyên liệu ở các nước thứ ba trong trường hợp có nhu cầu, cũng như tiến hành sửa chữa những tàu mua theo con đường nhập khẩu và một số biện pháp khác.
Bộ Công nghiệp Khí đốt Liên Xô ngày càng tham gia dự án một cách tích cực hơn bằng cách đưa thêm các tổ chức của Bộ cũng như các bộ, ngành liên quan vào việc. Khối lượng thiết bị và nguyên liệu được cung cấp cho Vietsovpetro ngày càng gia tăng. Trong giai đoạn từ năm 1982 đến năm 1985, 350 nghìn tấn thiết bị khác nhau, nguyên liệu và nhiên nhiệu, gần 250 các loại xe cộ và thiết bị làm đường, 20 máy móc phục vụ cho giàn khoan nổi trên biển, đã được đưa từ Liên Xô tới các công trình thuộc Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro. Chi phí trong giai đoạn các năm 1981-1985 là 360 triệu rup chuyển nhượng (Theo tài liệu của Viện Lưu trữ kinh tế Liên Bang Nga).
“Cuốn sử thi dầu khí Việt Nam” đang ở hồi kịch tính nhất thì Tổng giám đốc Liên hiệp các xí nghiệp công nghiệp dầu khí Biển Đen bay tới Mátxcơva. Thời kỳ đó Liên hiệp này thường xuyên không hoàn thành kế hoạch. Đã xác định xong là có mỏ, đã khoan thử nghiệm, các chân đế khoan đã sẵn sàng, thế nhưng mỏ chưa được đưa vào hoạt động vì thiếu module thượng tầng của giàn khoan và vị Tổng giám đốc Liên hiệp lên gặp Bộ trưởng Bộ Khí đốt Liên Xô xin được cấp khối thượng tầng để khai thác dầu khí, hoàn thành kế hoạch sản xuất.
“Anh đùa đấy à?! Tôi mất đầu vì công trình này chứ tưởng chơi sao? Bây giờ đang dồn hết sức lực vào việc cung cấp thiết bị cho Việt Nam!” – đó là câu trả lời của Bộ trưởng.
Trích thư của Thứ trưởng Hạm đội Liên Xô, ông V. V. Beleski gửi cho Phó chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Xô – Việt, ông V. N. Makeev ngày 21-10-1982: “Việc giao các khối module tháp khoan nặng, có kích cỡ lớn được tổ chức trên những con tàu tương tự như tàu Ro-Ro2 từ Kerch và Vyborg. Tất cả các khối đầu tiên được giao hàng vào ngày 18-9 và 21-10, 3 khối được giao từ thành phố Kerch vào ngày 1-10, 6 khối còn lại dự kiến sẽ được giao vào khoảng tháng 11 và 12-1982. Những thiết bị đi kèm khác được giao từ cảng Odessa thẳng tới cảng Vũng Tàu”.
Kỳ I: Ấn phẩm “Tới kho báu Rồng Vàng”
Kỳ II: Gắn kết chặt chẽ với nước Nga
Kỳ III: Chủ tịch Hồ Chí Minh, dầu mỏ và Liên Xô
Kỳ IV: Bí ẩn của miền võng Hà Nội
Kỳ VI: Chiến lược phát triển dầu khí ngay sau giải phóng miền Nam
Kỳ VII: Chuyến đi đặc biệt của “vị tướng dầu khí” Đinh Đức Thiện
Kỳ VIII: Hiệp định 1980 – thời kỳ mới của hợp tác Việt – Xô
(Xem tiếp kỳ sau)
Ngân Hà