Địa hình yên bình, đất đai màu mỡ và phì nhiêu, độ ẩm dồi dào, khí hậu thuận lợi đã biến vùng Đồng bằng sông Hồng thành vựa lúa gạo của miền Bắc Việt Nam. Trong giai đoạn những năm 1960-1980, tại các tỉnh đồng bằng Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, chia cắt bởi sông, ngòi và hệ thống kênh, đập và đường giao thông, đã phát triển trận chiến đấu đích thực vì dầu mỏ Việt Nam.
Nếu chiếc nôi hành chính và nhân sự của ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam là Tổng cục Địa chất nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì về mặt địa lý, nó bắt nguồn ở Đồng bằng sông Hồng, mạch nước chính của miền Bắc Việt Nam. Hai vành đai kiến tạo – Địa Trung Hải và Thái Bình Dương, hai nền tảng địa chất cổ xưa – Trung Hoa và Trung Đông Dương hợp lại dưới dòng chảy và vùng châu thổ của con sông này, tạo thành đường cong võng rộng của nền móng, giống như chiếc bánh chia cắt bởi một vài nhát gãy sâu. Trải qua hàng chục triệu năm, trầm tích tự nhiên bao phủ nó bằng tấm mạng dày 4km.
Hình ảnh các nghiên cứu địa hình từ báo cáo của S. K. Kitovani, năm 1961 |
Vào cuối năm 1958, có hai người gặp nhau ở Hà Nội, một người Nga và một người Việt. Người Nga chừng hơn 50 một chút, còn người thứ hai có lẽ chỉ hơn đôi mươi. Bất chấp sự chênh lệch tuổi tác và rào cản ngôn ngữ, họ nhanh chóng tìm được tiếng nói chung, bởi vì giữa họ có nhiều điểm tương hợp. Hơn bất cứ ai khác, nhà địa chất Liên Xô Nikolai Gryaznov Kensorionovich vô cùng mong mỏi sẽ có thể hiểu được nguyện vọng và sự nỗ lực của Nhà nước non trẻ mới giành độc lập và những người thanh niên yêu nước Việt Nam, bởi chính bản thân ông cũng từng là chàng trai trẻ măng tham gia vào sự nghiệp xây dựng “Nhà nước công nông”. Trên thực tế, người Việt Nam bên cạnh ông đã gần 30 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học ở Paris và thu nhận được một số kinh nghiệm làm việc. Tên anh là Lê Văn Cự.
Ở tuổi 21, ông Lê Văn Cự gia nhập Đảng Cộng sản Pháp. Năm 1954, trong quá trình Hội nghị Geneva để kết thúc kháng chiến chống Pháp, ông đã có dịp gặp gỡ người đứng đầu phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng. Khi Bộ trưởng phát hiện ra rằng, anh sinh viên – đảng viên Cộng sản Pháp người Việt này đang học ngành địa chất, ông Phạm Văn Đồng đã khuyên Lê Văn Cự nhất định nên nghiên cứu địa chất dầu mỏ và khí đốt. Vào thời điểm đó, các nhà khoa học Pháp là những chuyên gia thông thạo nhất về lòng đất Đông Dương và vì thế, Lê Văn Cự đã có cơ hội làm quen với những thành tựu mới mẻ nhất trong lĩnh vực này. Kể từ tháng 9-1955, Lê Văn Cự về làm việc trong Văn phòng địa chất của Bộ Công nghiệp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Sơ đồ phân vùng lãnh thổ Việt Nam DCCH về triển vọng có dầu do S. K. Kitovani đề xuất |
Công việc đầu tiên của N. K. Gryaznov, Lê Văn Cự và một nhà địa chất trẻ tuổi khác là Trần Văn Trị là nghiên cứu các tài liệu của Cục Địa chất Đông Dương (phần mà người Pháp không kịp mang theo). Họ đã dịch xong nhanh chóng. Không có nhiều thời gian, do đó, các nhà địa chất tập trung vào việc tìm kiếm thông tin về lối ra của dầu trên bề mặt. Nhiệm vụ cơ bản là chuẩn bị các khuyến nghị sơ bộ để đánh giá triển vọng tiềm năng dầu khí của lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Dành cho công việc này, cần tầm bao quát chung, khả năng tập hợp so sánh hàng loạt sự kiện – đã biết đến và giả thiết – và đưa chúng đến một số mẫu chung nào đó.
Đến cuối năm 1958, nhóm Xô – Việt đã thực hiện hai lộ trình nghiên cứu nhỏ, thăm các cửa thoát dầu nổi tiếng ở khu vực núi Lịch gần thị trấn Yên Bái. Kết quả của 3 tuần lễ làm việc là tập tài liệu nhỏ do ông N. K Gryaznov chuẩn bị. Tập tài liệu này có tên gọi là “Những khuyến nghị về dầu mỏ”. Trước hết, theo quan điểm của nhà địa chất, cần tổ chức kiểm tra kỹ lưỡng tất cả các thông tin đã nhận trước đó về biểu hiện dầu khí và hồ sơ xin thăm dò dầu mỏ nhận được từ cư dân và được bảo lưu trong các quỹ của tổ chức thuộc địa cũ. Sau đó, cần tiến hành các nghiên cứu thám sát toàn diện để làm rõ tính chất địa tầng và thạch học của một số khu vực thuận lợi hơn cả về tích tụ dầu mỏ và khí đốt.
“Trước hết cần nghiên cứu bao quát cả dải trũng Hà Nội, giới hạn ở phía Bắc và các trầm tích kỷ Triat tướng biển, duyên hải và lục địa” – ông N. K. Gryaznov viết – “Cần thực hiện một số lộ trình khảo sát tại các vùng phía đông bắc Việt Nam, phổ biến chủ yếu là trầm tích thuộc Cổ sinh thượng (permo carbon) và một phần kỷ Triat”.
Công việc của các ông N. K. Gryaznov, Lê Văn Cự và Trần Văn Trị đã đặt nền móng cho một giai đoạn mới của công cuộc tìm kiếm dầu mỏ ở đất nước này.
Năm 1959 được đánh dấu bằng sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm thành phố Bacu. Chính chuyến thăm này được coi là điểm khởi đầu cho công cuộc tìm kiếm dầu lửa ở Việt Nam. Từ ngày 27-6-1959, một đoàn thăm dò địa chất tìm dầu khí đã được thành lập. Lãnh đạo đoàn là ông Nguyễn Giao, nhà địa chất học trẻ tuổi, trước đó tốt nghiệp lớp địa chất vào năm 1955, giám đốc tương lai của Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro. Người trong ngành gọi ông với cái tên trìu mến là Giao “Bé”.
Ngoài ông Nguyễn Giao, tham gia đoàn còn các nhà địa chất trẻ là Trần Văn Trị, Nguyễn Đức Lạc, Nguyễn Bá Nguyên. Ông Lê Văn Cự, với vốn kinh nghiệm dày dạn hơn, cũng đóng góp công sức cho đoàn. Mục đích của đoàn là nghiên cứu đặc điểm địa tầng và tướng thạch học của các trầm tích Cổ sinh Thượng và Trung sinh, Tân sinh, kiểm tra những tuyên bố về biểu hiện dầu khí và tìm kiếm các kết cấu thuận lợi, đánh giá và chọn lựa các diện tích để tiến hành nghiên cứu chi tiết.
Ông S. K. Kitovani có mặt tại Việt Nam vào tháng 6-1959 và đoàn tìm dầu của ông Nguyễn Giao bắt đầu tiến hành khảo sát một cách có phương pháp địa hình ở khu vực từ vĩ tuyến 17 tới các tỉnh miền núi phía Bắc.
Đầu năm 1961, S. K. Kitovani báo cáo kết quả của 2 năm làm việc. Ông đã viết bản báo cáo “Các triển vọng tiềm năng dầu khí trên lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Trên cơ sở thông tin có sẵn cũng như mới nhận được, miền Bắc Việt Nam được chia ra thành các khu vực không có triển vọng, ít triển vọng và có triển vọng. Ngoài ra cũng đã thực hiện việc phân tách các vùng, mà triển vọng của chúng có thể được xác định trên cơ sở các nghiên cứu bổ sung.
Theo các đề xuất này, Tổng cục Địa chất Việt Nam đã tập trung thăm dò dầu và khí đốt ở vùng trũng Hà Nội và lòng chảo An Châu. Nhằm mục đích nghiên cứu cấu trúc ẩn dưới lớp trầm tích, ông S. K. Kitovani đã đề nghị tổ chức các khảo sát trọng lực vừa phải nhất về mặt kỹ thuật và chi phí nhỏ nhất về mặt tài chính. Lịch sử tìm kiếm dầu khí Việt Nam bắt đầu bước vào thời điểm của các nhà địa vật lý.
Sau những tuyến thăm dò đầu tiên của Gryaznov và Lê Văn Cự cũng như 2 năm làm việc của nhóm tìm kiếm dầu Nguyễn Giao và Kitovani, đã thấy rõ rằng công cuộc khảo sát thăm dò dầu mỏ ở Việt Nam đã chuyển thành một kế hoạch sản xuất – nghiên cứu khoa học phức tạp nhiều bước với rất nhiều ẩn số. Tất cả các dấu hiệu cho thấy có dầu mỏ, tuy nhiên, những người tìm kiếm nó phải chuẩn bị tinh thần sẵn sàng cho một công việc to lớn và phức tạp hơn.
Ban lãnh đạo Việt Nam, trước hết là Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của đất nước, tin tưởng sâu sắc vào tiềm năng to lớn về dầu mỏ của Việt Nam.
Ngày 27-11-1961, Tổng cục Địa chất Việt Nam đã ban hành công lệnh số 271-ĐC về việc thành lập một đoàn địa chất biệt lập có nhiệm vụ tìm kiếm và thăm dò dầu mỏ trên cả nước – Đoàn Thăm dò Dầu lửa số 36, “tế bào” đầu tiên của ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam. Kể từ đó, ngày 27-11 được coi là Ngày Truyền thống của ngành Dầu khí Việt Nam.
Kỳ I: Ấn phẩm “Tới kho báu Rồng Vàng”
Kỳ II: Gắn kết chặt chẽ với nước Nga
Kỳ III: Chủ tịch Hồ Chí Minh, dầu mỏ và Liên Xô
(Xem tiếp kỳ sau)
Ngân Hà