20/08/2021 9:08:05

Hơn 1,3 triệu công nhân bị ảnh hưởng trực tiếp do Covid-19

“Đại dịch Covid-19 đã làm hơn 1,3 triệu công nhân phải ngừng, tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc mất việc. Trong bối cảnh đó, những hỗ trợ vật chất hay tinh thần đều rất cần thiết với người lao động…”.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đã trao đổi với phóng viên về những tác động phức tạp của đại dịch Covid-19 đối với đoàn viên công đoàn, người lao động trong cả nước.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu

Thưa ông, tới thời điểm này, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng ra sao tới tình hình việc làm, đời sống của đoàn viên công đoàn, người lao động trong cả nước?

Ông Ngọ Duy Hiểu: Kể từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát đến nay, toàn quốc đã có gần 31.500 công chức, viên chức, công nhân bị nhiễm SARS-CoV-2, hơn 721.400 người là F1, F2 và gần 472.000 người nằm trong các khu vực phong tỏa/cách ly y tế.

Đại dịch Covid-19 đã khiến hơn 1,3 triệu công nhân phải ngừng, nghỉ, mất việc hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động, hơn 1.000 doanh nghiệp với gần 84.000 công nhân vừa cách ly/phong tỏa vừa sản xuất.

Hơn một triệu công nhân đang không có việc làm, một số khác công việc chỉ duy trì ở mức tối thiểu. Do công việc không ổn định, không có tích lũy hoặc mức tích lũy thấp, nhiều công nhân gặp khó khăn trong duy trì các nhu cầu tối thiểu và tổ chức cuộc sống gia đình.

Mặc dù được các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, công đoàn, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân quan tâm hỗ trợ, nhưng nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, công nhân sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Trong bối cảnh công nhân gặp khó khăn như vậy, tổ chức công đoàn đã có những hoạt động gì để chăm lo tới họ, thưa ông?

Ông Ngọ Duy Hiểu: Ngay khi dịch bùng phát lần thứ 4, với tinh thần sát cánh với người lao động, Công đoàn Việt Nam đã tích cực, đồng hành cùng Chính phủ chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, khôi phục sản xuất kinh doanh, chăm lo, hỗ trợ và bảo vệ đoàn viên, người lao động.

Cụ thể, Tổng LĐLĐ VN đã sớm quyết định sử dụng tài chính công đoàn tích lũy và xã hội hóa nguồn lực nhằm hỗ trợ đoàn viên, người lao động; miễn đóng đoàn phí đối với đoàn viên có mức lương thấp; lùi đóng kinh phí với các doanh nghiệp gặp khó khăn.

Công đoàn các cấp đã chi hỗ trợ đoàn viên, người lao động và lực lượng tuyến đầu chống dịch tổng số tiền hơn 1.200 tỷ đồng cho trên 1 triệu lượt đoàn viên, người lao động thụ hưởng.

Bên cạnh đó, nhiều chính sách được tổ chức công đoàn ban hành, như: Hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động trong khu cách ly – phong tỏa, F1, F0, tử vong được hỗ trợ tối đa từ 500.000 đồng đến 5 triệu đồng; hỗ trợ bổ sung dinh dưỡng, tăng cường chất lượng bữa ăn cho y, bác sĩ đang làm việc tại các tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội mức một triệu đồng/người; mua bảo hiểm an toàn cho 20.000 cán bộ y tế tham gia chống dịch…

Liên quan tới công tác phòng chống dịch Covid-19 và thực hiện mục tiêu kép, Tổng LĐLĐ VN vừa phát động cuộc thi ” Giai điệu nơi tuyến đầu” và “Thời khắc khó quên”, xin ông có thể cho biết rõ hơn về các chương trình này?

Ông Ngọ Duy Hiểu: Cuộc chiến chống Covid-19 đang ở thời điểm hết sức khó khăn, ác liệt. Nhiều lực lượng, trong đó có lực lượng tuyến đầu đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và hiểm nguy. Đây là lúc cần nhiều hơn nữa sự khích lệ, động viên, sẻ chia và thấu hiểu của toàn xã hội.

Trong nhiệm vụ chung này, Công đoàn Việt Nam có trách nhiệm chăm lo cho người lao động, nhất là lực lượng tuyến đầu, không chỉ về vật chất mà cả tinh thần.

Là những người làm cán bộ công đoàn, chúng tôi hiểu điều đó và thấy cần tổ chức cuộc thi sáng tác ca khúc và video clip về phòng chống dịch.

Cuộc thi nhằm khắc họa nỗ lực, quyết tâm của toàn xã hội trong phòng chống dịch; tuyên truyền mô hình hay, phản ánh sự hy sinh thầm lặng, vượt khó khăn của lực lượng tuyến đầu, nhất là các thầy thuốc, lực lượng vũ trang và cán bộ công đoàn. Các cuộc thi kéo dài đến 1/10, giải thưởng khá cao và được vận động xã hội hóa. Tới nay, cuộc thi đã có 3 doanh nghiệp cam kết tài trợ giải thưởng.

Qua đó nâng cao ý thức phòng chống dịch, quyết tâm, đồng lòng sớm đẩy lùi dịch bệnh và giành chiến thắng trong cuộc chiến cam go, ác liệt này. Tôi tin tưởng rằng, 2 cuộc thi sẽ thu hút đông đảo công chúng, nhất là những người đang ngày đêm chiến đấu với dịch bệnh tham gia.

“Trong các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, có khi một bài hát có sức mạnh như một sư đoàn. Tôi cho rằng, cuộc thi này sẽ mang lại ý nghĩa to lớn về sự kết nối, sự đồng lòng, đoàn kết của cả dân tộc để cùng chung tay chống lại đại dịch. Kinh phí có thể không tốn quá nhiều nhưng hiệu quả sẽ rất lớn…”, Giáo sư Nguyễn Anh Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội đánh giá.

Xin cảm ơn ông!

Theo congdoan.vn