Sáng 18/11, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng Liên đoàn) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo hướng dẫn mô hình điểm “Chăm lo, bảo vệ quyền cho lao động nữ thông qua đối thoại tại nơi làm việc”.
Quang cảnh hội thảo
Đồng chí Đỗ Hồng Vân, Ủy viên Ban Chấp hành, Quyền Trưởng Ban Nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có đại diện các ban của Tổng Liên đoàn; lãnh đạo LĐLĐ TP Hải Phòng, Thái Nguyên, Nghệ An, Công đoàn Dệt May Việt Nam, Trường Đại học Công đoàn…
Đồng chí Trần Thu Phương – Chuyên viên chính Ban Nữ công Tổng Liên đoàn trình bày dự thảo hướng dẫn mô hình điểm
Theo đồng chí Trần Thu Phương – Chuyên viên chính Ban Nữ công Tổng Liên đoàn, nhằm nâng cao vai trò của Ban Nữ công quần chúng nói riêng, hoạt động công đoàn nói chung trong công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích của lao động nữ thông qua đối thoại tại nơi làm việc, đáp ứng yêu cầu hoạt động công tác nữ công trong tình hình mới, Tổng Liên đoàn xây dựng hướng dẫn triển khai mô hình điểm “Chăm lo, bảo vệ quyền cho lao động nữ thông qua đối thoại tại nơi làm việc”, mục đích để triển khai sâu rộng quy định của Bộ luật Lao động 2019 và Nghị định 145-2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của hướng dẫn Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động, trong đó có những quy định dành riêng đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới với mục tiêu chăm lo ngày một tốt hơn quyền lợi cho lao động nữ, thông qua đối thoại tại nơi làm việc nhằm nâng cao vai trò của ban nữ công công đoàn cơ sở trong việc đại diện cho lao động nữ quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của họ, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của công đoàn tại đơn vị, doanh nghiệp.
Tham luận tại Hội thảo về nội dung “Kinh nghiệm hỗ trợ, giúp đỡ tháo gỡ những vướng mắc cho Công đoàn cơ sở trong đối thoại tại nơi làm việc nhằm chăm lo bảo vệ tốt hơn quyền của lao động nữ”, đồng chí Nguyễn Thị Thu Nhi – Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An đề xuất, Tổng Liên đoàn nghiên cứu để có cơ chế việc bắt buộc bố trí cán bộ chuyên trách tại các doanh nghiệp có trên 1000 lao động trở lên, đặc biệt các doanh nghiệp FDI; xem xét sửa đổi quyết định về chi hỗ trợ phụ cấp cho cán bộ Công đoàn.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Nhi – Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An tham luận tại hội thảo
“Cần đẩy mạnh và chú trọng hơn về nội dung hoạt động nữ công trong doanh nghiệp, nên có hướng dẫn hoạt động riêng cho nữ công trong các doanh nghiệp, tăng cường các hoạt động phúc lợi hỗ trợ chăm lo cho lao động nữ” – Đồng chí Nguyễn Thị Thu Nhi đề xuất liên quan đến Ban Nữ công Tổng Liên đoàn.
Tham luận liên quan đến nội dung: Hướng dẫn của Công đoàn cấp trên đối với CĐCS về các bước tiến hành đối thoại tại nơi làm việc nhằm chăm lo tốt hơn quyền lợi cho lao động nữ, đồng chí Phạm Thu Thưởng – Phó trưởng Ban Tuyên giáo – Nữ công LĐLĐ TP Hải Phòng nêu một số giải pháp của Công đoàn cấp trên đối với CĐCS như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách pháp luật thường xuyên, liên tục trên các kênh thông tin, các phương tiện thông tin đại chúng để nữ CNLĐ nâng cao hiểu biết pháp luật để tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của chính mình; Chú trọng thực hiện mô hình “Chăm lo, bảo vệ quyền cho lao động nữ thông qua đối thoại tại nơi làm việc”, đẩy mạnh việc tham gia của tổ chức công đoàn trong đối thoại, thương lượng, đàm phán và ký kết thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp, trong đó chú trọng các chính sách chăm lo cho lao động nữ, góp phần hỗ trợ lao động nữ ổn định sản xuất, việc làm, thu nhập, khắc phục những khó khăn; Thường xuyên quan tâm, nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của LĐ nữ; tích cực nghiên cứu đề xuất chính sách và tham gia giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ CNVCLĐ và con CNVCLĐ.
Đồng chí Phạm Thu Thưởng – Phó trưởng Ban Tuyên giáo – Nữ công LĐLĐ TP Hải Phòng tham luận tại hội thảo
Theo congdoan.vn