02/11/2019 6:29:14

Hội thảo khu vực về Công nghiệp 4.0 và chính sách công nghiệp bền vững

Mới đây, tại Băng-cốc, Thái Lan, Công đoàn Công nghiệp và Sản xuất Toàn cầu (IndustriALL) đã tổ chức “Hội thảo khu vực về Công nghiệp 4.0 và chính sách ngành bền vững”.

Tham dự Hội thảo về phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có các đồng chí Đ/c Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng Ban Tổ chức – Văn phòng Công đoàn Dầu khí Việt Nam, Đ/c Nguyễn Quang Tê, Trưởng Ban Tuyên giáo, Công đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam, Đ/c Trần Hải Ninh, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Công thương Việt Nam và Đ/c Đinh Thị Thu Hà, Chuyên viên Ban Đối ngoại Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Các đại biểu tham gia Hội thảo

Hơn 30 đại biểu đại diện 06 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, gồm: Cam-pu-chia, In-đô-nê-xi-a, Ma-lay-xi-a, Phi-líp-pin, Thái Lan và Việt Nam đã thảo luận sôi nổi, nhiệt tình, cùng chia sẻ và tìm các giải pháp nhằm bảo vệ người lao động tốt nhất trong bối cảnh nền công nghiệp có các thay đổi lớn dựa trên nền tảng số hóa và tự động hóa. Các đại biểu đều nhận định cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có ảnh hưởng to lớn và sâu rộng đến kinh tế vĩ mô, đến cơ cấu và tương lai phát triển của rất nhiều ngành nghề liên quan tới các công đoàn ngành của IndustriALL như năng lượng, sản xuất lắp ráp,..và tác động lớn tới các đối tượng yếu thế như lao động nữ, lao động trẻ. Đồng thời, đại diện các công đoàn khu vực Đông Nam Á cũng bày tỏ quan ngại về việc bản thân chính phủ các nước trong khu vực Đông Nam Á và chủ sử dụng lao động còn chưa có nhận thức đầy đủ về cơ hội và thách thức do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.

Ông Brian Kohler chia sẻ, cập nhật thêm một số cách tiếp cận mới về chủ đề Hội thảo

Phần lớn các phiên thảo luận đều là thảo luận mở, đại biểu đến từ các nước đều có cơ hội được trình bày về tình hình, tác động của công nghiệp 4.0 và việc xây dựng, thực hiện các chính sách công nghiệp trong từng ngành nghề, khu vực tới việc làm, an sinh xã hội cho người lao động tại quốc gia mình.

Đại diện IndustriaLL Toàn cầu về Phát triển bền vững và An toàn Vệ sinh lao động, ông Brian Kohler cũng chia sẻ, cập nhật thêm một số cách tiếp cận mới về chủ đề này nhằm mở rộng phạm vi bảo vệ người lao động, ví dụ: cần đảm bảo 03 quyền cơ bản của Công đoàn là Quyền được thông tin, Quyền được tham vấn và Quyền giám sát. Cùng với nâng cao hiệu quả công tác đào tạo và tái đào tạo kỹ năng, tay nghề cao cho người lao động, đây được coi là điểm hiệu quả mà công đoàn có thể đưa vào trong các thương lượng tập thể và đối thoại xã hội với chủ sử dụng trong quá trình các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, cải tiến sản xuất.

Hình ảnh trong buổi hội thảo

Đoàn công tác của Việt Nam đã tham gia rất tích cực, trách nhiệm vào các hoạt động của hội thảo. Đại diện 03 công đoàn ngành của Việt Nam hiện đang là thành viên của IndustriALL đã có nhiều tham luận, chia sẻ, đóng góp nhiều ý tưởng, tham gia đầy đủ, có trách nhiệm và tích cực trong các phiên thảo luậncủa Hội thảo. Thông qua đó, đoàn được cập nhật thông tin về tình hình, xu hướng và thách thức với tổ chức công đoàn trong bối cảnh mới; thống nhất xây dựng chương trình hành động đảm bảo tham gia hiệu quả vào đề xuất, kiến nghị liên quan tới các chính sách công nghiệp bền vững và khuyến nghị đối với IndustriaALL và các phong trào công nhân công đoàn, thể chế xã hội dân sự khác có chung lợi ích, mục tiêu để cùng liên kết, thực hiện các giải pháp mang tầm khu vực về chủ đề này.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Thông qua hoạt động, đoàn công tác được nắm bắt tình hình theo cách nhìn tổng quan, mang tầm khu vực và hiểu rõ hơn những cơ hội, thách thức mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Đoàn mong muốn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục có các hoạt động nghiên cứu, cử các đoàn tham gia hội nghị, hội thảo như hoạt động này để nâng cao nhận thức về chủ đề có tác động mạnh mẽ tới an sinh, việc làm, tương lai nghề nghiệp của người lao động, chủ động tham gia vào tiến trình chuyển đổi ngành và góp phần ổn định kinh tế – xã hội.

 Ban TC-VP, CĐDKVN