Chiều 16/6, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Hội thảo tham gia góp ý dự thảo Nghị định về tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu. Ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì.
Cùng dự có các chuyên gia độc lập, chuyên gia cao cấp đến từ Bộ Lao động Thương binh và xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo; các ban, đơn vị trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam và đại diện một số LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương.
Mở đầu Hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, Bộ Luật Lao động năm 2019 có hiệu lực từ 1/1/2021. Nhiều vấn đề lớn đang được cụ thể hóa thành Nghị định của Chính phủ.
Ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu khai mạc
Dự thảo nghị định này được xây dựng nhằm mục đích quy định chi tiết lộ trình điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, điều kiện hưởng lương hưu. Việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường sẽ bắt đầu từ năm 2021 với lộ trình mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Trên cơ sở nội dung dự thảo Nghị định, ông Ngọ Duy Hiểu đề nghị các đại biểu cùng trao đổi dân chủ, thẳng thắn, nêu lên những bất cập liên quan đến tuổi nghỉ hưu, đặc biệt lưu ý đến tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non bởi đây là công việc đặc biệt, không chỉ dạy mà còn dỗ, múa, hát, áp lực công việc lớn. Giáo viên phải đến lớp sớm để đón trẻ và về muộn vì phải bàn giao trẻ. Có rất nhiều áp lực từ phụ huynh, xã hội cho đội ngũ giáo viên mầm non nên họ cần được nghỉ hưu sớm hơn tuổi nghỉ hưu quy định. “Chúng ta bàn thảo góp ý làm sao để các quy định thực sự khả thi, dễ đi vào cuộc sống, tránh tình trạng chính sách trên trời mà cuộc đời lại ở dưới đất”, ông Hiểu nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm của Phó Chủ tịch Ngọ Duy Hiểu, bà Trịnh Thị Thanh Hằng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Nữ công Tổng Liên đoàn đề nghị bổ sung đối tượng giáo viên mầm non được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn do tính đặc thù của nghề nghiệp, đòi hỏi năng lực sư phạm riêng biệt. Bà Hằng cho rằng, số giờ làm việc thực tế của giáo viên mầm non thường phải vượt quá quy định do phải đến sớm đón trẻ và về muộn do phải trả hết trẻ mà hầu như không được tính thêm lương …
Bà Trịnh Thị Thanh Hằng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Nữ công Tổng Liên đoàn
Theo GS. TS Lê Thị Châu – Nguyên Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Công đoàn thì khi đề xuất về độ tuổi nghỉ hưu phải có điều tra chi tiết đối với giáo viên mầm non. Không thể nói rằng, trẻ em không muốn học với giáo viên mầm non nhiều tuổi. Những giáo viên lớn tuổi có kỹ năng và kinh nghiệm tốt hơn. “Không nên để giáo viên mầm non thiếu mà vẫn tiếp tục thiếu, ảnh hưởng đến con trẻ. Nghị định phải đảm bảo tính khả thi” – bà Châu bày tỏ.
Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non Bộ GD-ĐT Cù Thị Thủy thì cho rằng giáo viên hạnh phúc, không bị quá tải thì sẽ tốt cho trẻ. Quan tâm đến giáo viên mầm non là quan tâm đến thế hệ trẻ. “Chúng tôi cũng mong muốn để tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non chỉ ở mức 55 tuổi thôi”, bà Thủy nêu quan điểm.
Đưa ra con số chỉ sau một tuần khảo sát nhanh đã có 10.698 giáo viên mầm non tham gia, trong đó 96% giáo viên đề nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu là 55 tuổi, không tăng lên 60 tuổi, Ông Nguyễn Ngọc Ân, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục Việt Nam chia sẻ về đặc thù lao động của giáo viên mầm non bao gồm cả giảng dạy, chăm sóc và nuôi dạy trẻ ở độ tuổi quá nhỏ. “Đối với định mức quy định một cô giáo phải trông nhiều trẻ nên phản xạ đón, đỡ trẻ khi thực hành các bài tập trên lớp mà giao cho cô giáo từ 55 tuổi trở đi sẽ không thể đảm bảo, nguy cơ mất an toàn là điều hoàn toàn có thể xảy ra” – ông Ân nói.
Nêu quan điểm đối với dự thảo Nghị định về tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu, bà Nguyễn Thị Diệu Hồng – chuyên gia độc lập cho rằng, Nghị định này có 2 nhiệm vụ là hướng dẫn điều 169 Bộ Luật Lao động năm 2019 và tạo điều kiện để sửa Luật BHXH trong tương lai. Tuy nhiên, Nghị định chỉ chú trọng đến đối tượng người làm cho cơ quan nhà nước, chưa quan tâm đến người lao động trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. “Chúng ta có 50 triệu lao động, đại đa số làm trong khu vực phi chính thức, trong đó chỉ có 20% là được đào tạo nghề. Với trình độ như vậy thì khó có thể hiểu hết nội dung của Nghị định” – bà Hồng cho biết.
Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng – Chuyên gia độc lập
Tại Hội thảo, bà Hồ Kim Ngân – Phó trưởng ban Quan hệ Lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam đánh giá và ghi nhận những ý kiến góp ý của các đại biểu. Với 19 lượt ý kiến, các phát biểu đã tập trung vào 9 điều của dự thảo Nghị định từ tuổi nghỉ hưu, điều kiện hưởng lương hưu đến an toàn vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe và đãi ngộ người lao động… Vì vậy, bà Ngân cho rằng, việc ban hành Nghị định phải đảm bảo tính khả đi, phổ biến và không gây hiểu nhầm, hiểu sai đối với tuổi nghỉ hưu của người lao động ở điều kiện bình thường. Về đề xuất một số ngành nghề có tuổi nghỉ hưu của người lao động sớm hơn thì cần phải có những đánh giá, nghiên cứu cụ thể về điều kiện làm việc… để làm căn cứ bổ sung vào ngành nghề đặc thù được nghỉ hưu ở tuổi 55.
Congdoan.vn