Sự tham gia của các đối tác xã hội, đặc biệt là Tổng LĐLĐVN trong quá trình xây dựng Chương trình quốc gia về Việc làm thoả đáng (DWCP) ở Việt Nam là cơ hội tốt để thúc đẩy các nguyên tắc 3 bên, khuôn khổ chuẩn mực và đối thoại xã hội. Đại diện Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam khẳng định tại Hội thảo chia sẻ thông tin về các Khung hợp tác phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc và Chương trình nghị sự về DWCP do Tổng LĐLĐVN và ILO tổ chức ngày 9.8 tại Hà Nội.
Các đại biểu tham gia Hội thảo. Ảnh: Hải Nguyễn
Hướng tới bảo đảm việc làm bền vững
Chương trình hợp tác Quốc gia Việt Nam – ILO về Việc làm thoả đáng giai đoạn 2022-2026 không chỉ thúc đẩy việc làm, tạo việc làm mới mà còn hướng tới đảm bảo việc làm bền vững, việc làm có chất lượng (NLĐ được làm việc trong điều kiện đảm bảo về ATVSLĐ, được đóng BHXH, được tôn trọng nhân phẩm,…).
Công đoàn Việt Nam (CĐVN) tham gia thực hiện DWCP giai đoạn 2017 – 2021 với nhiều hoạt động cho các Ưu tiên quốc gia của Chương trình. Đặc biệt, với phương châm “Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn; tập trung đại diện, chăm lo, bảo vệ đoàn viên, NLĐ; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, xây dựng GCCN lớn mạnh; góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Đại hội toàn quốc lần thứ XII của CĐVN đã đề ra Mục tiêu tổng quát nhiệm kỳ 2018 – 2023, trong đó nội dung đầu tiên và quan trọng nhất là “Nâng cao hiệu quả đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên và NLĐ, vì việc làm bền vững, đời sống ngày càng cao”.
Bên cạnh đó, CĐVN tích cực tham gia ý kiến với Chính phủ, các bộ, ngành về xây dựng chính sách, pháp luật, tập trung vào các các vấn đề liên quan đến đoàn viên, NLĐ như Dự thảo Đề án cải cách chính sách tiền lương, Đề án cải cách chính sách BHXH, các Nghị định hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động, Luật BHXH, Luật BHYT, các báo cáo thực thi công ước của Chính phủ… Tổ chức CĐ thông qua các đại biểu là cán bộ CĐ đã thể hiện tiếng nói đại diện đoàn viên, NLĐ tại các diễn đàn, hội nghị của Quốc hội, Trung ương Đảng, Chính phủ về các vấn đề có liên quan đến chính sách, pháp luật đối với NLĐ, đặc biệt tiếp tục phát huy vai trò trong Hội đồng Tiền lương Quốc gia, tham gia thương lượng tiền lương tối thiểu vùng…; Đưa nội dung về nghĩa vụ của người sử dụng lao động tạo điều kiện về thời gian, hỗ trợ kinh phí để NLĐ tham gia học tập nâng cao trình độ học vấn và kỹ năng tay nghề vào TƯLĐTT.
Giai đoạn dịch bệnh COVID-19, nhiều CĐCS phối hợp với người sử dụng lao động thực hiện các giải pháp phòng chống dịch; bố trí ca làm việc hợp lý để NLĐ có thể trông con khi các nhà trường tạm nghỉ do dịch bệnh; hỗ trợ NLĐ từ nguồn tài chính CĐCS và ủng hộ của người sử dụng lao động,…
Diễn đàn để cán bộ CĐ cập nhật thông tin
Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của các ông: Nguyễn Đức Thịnh – Uỷ viên BCH Tổng LĐLĐVN, Phó Trưởng ban Phụ trách Ban Đối ngoại Tổng LĐLĐVN; Nguyễn Ngọc Triệu – Trưởng phòng Chương trình, ILO Việt Nam cùng đại diện LĐLĐ 15 tỉnh phía bắc và một số CĐ ngành Trung ương. Tham gia còn có bà Yuki Otsuji, Chuyên gia Văn phòng ILO khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; đại diện Bộ LĐTBXH…
Ông Nguyễn Đức Thịnh chia sẻ: Nhiều năm qua, Văn phòng ILO tại Việt Nam đã và đang hỗ trợ các đối tác 3 bên tại Việt Nam xây dựng, thực hiện DWCP, đến nay trải qua 3 giai đoạn 2006-2010, 2012-2016, 2017-2021. Đây là khung khổ để ILO và các đối tác 3 bên Việt Nam hợp tác triển khai các chương trình, dự án, hoạt động hướng tới đạt được các mục tiêu ưu tiên đề ra. Trong các khung khổ hợp tác nêu trên, những hoạt động hỗ trợ, hợp tác của Liên Hợp Quốc và các cơ quan chuyên môn thuộc Liên Hợp quốc, đặc biệt là ILO có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với CĐVN. Thông qua đó, tổ chức CĐVN được tiếp cận với những thông tin, kiến thức, kinh nghiệm của các nước khác, góp phần nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ CĐVN các cấp, giúp hoạt động CĐVN ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Theo ông Nguyễn Ngọc Triệu, tại Việt Nam, cùng với Bộ LĐTBXH, Tổng LĐLĐVN, VCCI và Liên minh Hợp tác xã gần đây đã tham gia vào quá trình xây dựng báo cáo Phân tích quốc gia chung, báo cáo đánh giá quốc gia Chương trình Quốc gia về Việc làm thoả đáng và xây dựng Khung hợp tác của Liên Hợp Quốc và DWCP theo cách phù hợp nhất. Sự tham gia của các đối tác xã hội, đặc biệt là Tổng LĐLĐVN trong quá trình này là cơ hội tốt để thúc đẩy các nguyên tắc ba bên, khuôn khổ chuẩn mực và đối thoại xã hội nhằm hỗ trợ phát triển đất nước.
Theo laodong.vn