Theo các chuyên gia, điểm cốt lõi trong sửa đổi Luật Dầu khí là bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; tăng hiệu quả đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình triển khai các dự án dầu khí theo đúng tôn chỉ, mục đích đã đặt ra.
Đồng bộ, thống nhất và đặc thù
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, Luật Dầu khí và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Dầu khí những năm qua đã tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành dầu khí trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác; đóng góp lớn vào nguồn ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam. Tuy nhiên, một số vấn đề phát sinh mang tính đặc thù của hoạt động dầu khí chưa được quy định cụ thể, đặt ra yêu cầu cần sửa đổi, bổ sung.
Nguồn: ITN |
Đơn cử, chưa có quy định điều chỉnh đối với đối tượng dầu khí phi truyền thống như dầu khí sét, băng cháy; quy định về thời hạn hợp đồng, gia hạn của hợp đồng dầu khí chưa linh hoạt để khuyến khích ưu tiên cho nhà thầu hiện hữu đầu tư lâu dài hơn. Mặt khác, chưa có quy định phù hợp với việc tiếp nhận tài sản sau khi nhà thầu chuyển giao cho nước chủ nhà vào thời điểm kết thúc hợp đồng dầu khí. Các quy định về ưu đãi đầu tư đối với các dự án dầu khí theo lô dầu khí (thông qua hợp đồng dầu khí) đã được ban hành từ lâu (năm 2005), đến nay, một số tiêu chí không còn phù hợp với tình hình thực tế, chưa có chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với các dự án dầu khí theo lô mỏ tận thu dầu khí, cận biên phi truyền thống…
Nhiều chuyên gia cho biết, theo quy định của Dầu khí hiện hành, trình tự thủ tục triển khai các dự án đầu tư dầu khí thực hiện theo quy định pháp luật về đầu tư. Tuy nhiên, từ năm 2020, theo quy định của Luật Đầu tư, trình tự thủ tục đầu tư kinh doanh, bảo đảm đầu tư đối với hoạt động dầu khí lại thực hiện theo Luật Dầu khí. Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, không cho phép công ty mẹ, công ty con cùng nhau thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh, tương tự hình thức hợp đồng chia sản phẩm dầu khí; tuy nhiên, hiện nay, có nhiều hợp đồng dầu khí đang có hiệu lực, phù hợp với đặc thù hoạt động dầu khí tại Việt Nam, có sự tham gia của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Tổng công ty Thăm dò, khai thác dầu khí (PVEP).
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, nhằm thiết lập khung pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ, thúc đẩy và phát triển hoạt động dầu khí; khôi phục tính hấp dẫn cho môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên quốc gia, Bộ Công thương đã xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) trình Chính phủ tại Tờ trình số 1328/BCT-DKT ngày 17.3.2022, gồm 9 chương, 56 điều. Dự thảo sẽ giải quyết các nhóm chính sách lớn như bổ sung và hoàn thiện các quy định liên quan đến hợp đồng dầu khí; quy định về điều tra cơ bản về dầu khí và trình tự, phê duyệt các bước triển khai hoạt động dầu khí, dự án dầu khí; ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với dự án dầu khí thông qua hợp đồng dầu khí…
Tạo thuận lợi thu hút đầu tư
Chỉ rõ yêu cầu cần thiết sửa đổi Luật Dầu khí, ông Nguyễn Quốc Thập, Phó Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho biết, năm 2021, sản lượng khai thác dầu khí mặc dù vượt kế hoạch trên 10% nhưng cũng chỉ đạt khoảng 9 triệu tấn. Nguyên nhân là do nhiều mỏ dầu khí đã qua giai đoạn khai thác đỉnh cao và đang trong đà suy giảm sản lượng; những mỏ mới được phát hiện đều là những mỏ nhỏ, mỏ cận biên nên việc đưa vào khai thác rất khó khăn. Mặt khác, từ 2014 đến nay, do yếu tố biến động của giá dầu, tranh chấp thương mại, xung đột quốc tế khiến tính hấp dẫn của hoạt động dầu khí bị suy giảm. Số lượng hợp đồng dầu khí quá ít ỏi, số lượng hợp đồng ký mới thấp hơn so với hợp đồng kết thúc.
“Thực tế đó đòi hỏi phải có những hình thức hợp đồng khác để kêu gọi đầu tư, nhằm nâng cao hệ số thu hồi, tiếp tục khai thác và tận thu nguồn tài nguyên còn lại. Đặc biệt, phải mở rộng linh hoạt các hình thức hợp đồng dầu khí trong lần sửa đổi Luật Dầu khí này” – ông Nguyễn Quốc Thập nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định, việc đánh giá đúng hiện trạng các điều khoản kinh tế thương mại của hợp đồng dầu khí và hệ thống các văn bản pháp lý so với các nước trong khu vực là hết sức cần thiết, để xây dựng được chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với bối cảnh hiện nay, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho lĩnh vực hoạt động dầu khí của Việt Nam so với các nước khác trong khu vực. Để tạo điều kiện thu hút đầu tư, dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) quy định rõ chính sách về ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với dự án dầu khí theo lô dầu khí, thông qua hợp đồng dầu khí, bao gồm cả chính sách ưu đãi thuế thu hồi chi phí.
Một trong những điểm mới của dự thảo Luật là mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 25% và mức thu hồi chi phí tối đa 80% áp dụng đối với lô dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt. Nội dung này được đề xuất trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo chính sách của một số nước trong khu vực có hoạt động dầu khí tương đồng với Việt Nam. Cụ thể, mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp của Thái Lan là 20%, Malaysia 25%, Trung Quốc 25%, Myanmar 30%; mức thu hồi chi phí tối đa của Malaysia là 75%, Indonesia 90%.
Theo Đại biểu nhân dân