Ngày 9.7, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) tổ chức hội nghị lấy ý kiến chuyên gia, cán bộ công đoàn (CĐ) về dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội (BHXH) và người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài.
Ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN phát biểu tại Hội nghị.
Chủ trì và phát biểu tại Hội nghị, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cho biết, bên cạnh các DN, đơn vị chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về lao động, về BHXH và NLĐ Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài thì cũng có không ít DN, đơn vị xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.
Việc xây dựng Nghị định này sẽ thiết lập hành lang pháp lý để xử lý các hành vi vi phạm. Mọi hành vi xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ đều phải bị xử lý theo pháp luật. Tổng LĐLĐVN sẽ nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý tại Hội nghị, gửi Bộ LĐTBXH để trình Chính phủ.
Hành vi phân biệt đối xử vì lý do công đoàn
Đóng góp ý kiến, ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân – Công đoàn bày tỏ quan tâm đến nội dung về phân biệt đối xử vì lý do CĐ trong dự thảo Nghị định. Ông Tiến cho rằng, hành vi này xảy ra cả trước, trong và sau hoạt động CĐ; có thể xảy ra đối với cán bộ CĐ và với cả NLĐ. Theo ông Tiến, hành vi phân biệt đối xử trong hoạt động CĐ cản trở hoạt động CĐ, khiến cán bộ CĐCS dù am hiểu pháp luật, có kỹ năng, nghiệp vụ, nhưng không dám tổ chức các hoạt động như đối thoại, thương lượng vì e ngại bị trù úm, sa thải… Tuy vậy, theo ông Tiến, trong thực tế, việc nhận diện và xử lý, giải quyết nó là rất khó khăn. “Có nhiều lý do nhưng trong đó, khó nhất là không có chứng cứ. Rất nhiều hành vi phân biệt đối xử vì lý do CĐ nhưng được “bao bọc” vẻ ngoài hợp pháp”- ông Tiến bình luận.
Toàn cảnh Hội nghị.
Ông Tiến đề nghị, bên cạnh xử phạt hành vi không tổ chức đối thoại thương lượng như trong dự thảo đã nêu, cần bổ sung xử phạt hành vi trì hoãn hoạt động này. Cùng với đó, bổ sung hành vi xử phạt chuyển NLĐ – là cán bộ CĐ – làm ở địa điểm khác (tuy vẫn công việc đó), gây cản trở tiếp xúc với NLĐ, tiến hành các hoạt động CĐ.
Mức phạt phải đủ mức răn đe
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo có nhiều khoản phạt từ 500.000-1.000.000 đồng là thấp, như thế không đảm bảo tính răn đe với người vi phạm. Bà Nguyễn Thị Thu Phương, chuyên viên Ban Nữ công Tổng LĐLĐVN – nêu ví dụ về Điều 28 trong dự thảo xử phạt các vi phạm quy định về lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới. Theo đó, mức phạt chỉ là 500.000-1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động nếu vi phạm một trong các hành vi, trong đó, có hành vi không đảm bảo có đủ buồng tắm và buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc hay không giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho người lao động. Theo bà Phương, mức phạt này không đủ sức răn đe.
Đại diện BHXH Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.
Theo đại diện Bộ Tư pháp, mức phạt phải đảm bảo tính răn đe, tuy nhiên phải khả thi, phù hợp với tính chất, mức độ, hành vi. Vị này cũng cho rằng, nếu mức phạt cao quá thì các vụ việc phải đẩy lên cấp cao hơn, vô hiệu hoá thẩm quyền xử phạt cấp dưới. Ngoài ra, đại diện Bộ Tư pháp cũng cho rằng, nhiều DN sợ mức phạt bổ sung hơn là phạt tiền.
Đại diện BHXH Việt Nam cho rằng, tình trạng vi phạm đóng BHXH hiện nay xảy ra nhiều, tràn lan khiến quyền lợi của NLĐ bị ảnh hưởng. “Thanh tra đi đến DN nào cũng tìm ra đối tượng không được tham gia BHXH. 100 DN thì chỉ có vài DN không vi phạm, còn lại là vi phạm ít hay nhiều”- đại diện BHXH Việt Nam cho hay; đồng thời đề nghị cần có chế tài cưỡng chế bổ sung như tạm giữ giấy phép kinh doanh bên cạnh xử phạt hành chính.
Theo congdoan.vn