18/09/2021 11:29:31

Gói hỗ trợ đợt 3 của TPHCM – làm sao để phát đủ và đúng đối tượng?

TPHCM đang gấp rút triển khai gói hỗ trợ đợt 3 với số lượng người dự kiến được giúp đỡ trong đợt này hơn 7,5 triệu người. Vấn đề người dân quan tâm là làm sao để gói hỗ trợ lần này đến đúng và đủ đối tượng cần giúp đỡ.

Gói đợt 3 ai khó khăn đều được hỗ trợ

Ở đợt bùng phát dịch lần thứ 4, ngoài gói 26.000 tỉ đồng triển khai chung cả nước, từ đầu tháng 7, TPHCM đã triển khai 2 gói hỗ trợ riêng, trong đó ưu tiên lao động tự do, hộ khó khăn.

Gói 1 thực hiện theo Nghị quyết 09 của HĐND TPHCM được triển khai từ đầu tháng 7, đến nay đã hỗ trợ cho 470.660 đối tượng với tổng số tiền gần 754 tỉ đồng.

Tháng 8, TPHCM có gói thứ 2 cũng hỗ trợ cho lao động tự do nhưng cộng thêm một số đối tượng mới là hộ nghèo, cận nghèo và lao động gặp khó khăn. Quá trình triển khai gói này, TPHCM nhận thấy việc hỗ trợ chưa phủ hết được đối tượng cần, do đó tiếp tục bổ sung thêm nhóm thụ hưởng là tất cả hộ gia đình gặp khó khăn do dịch bệnh. Đến nay, gói này đã hỗ trợ cho gần 2 triệu đối tượng với tổng kinh phí hơn 3.200 tỉ đồng.

Tại buổi họp báo ngày 13.9, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi thừa nhận một số hạn chế trong việc triển khai 2 gói hỗ trợ trên là quá trình thực hiện chậm hoặc sai đối tượng, không đúng danh sách ban đầu.

Theo ông Mãi, nguyên nhân khách quan là số người khó khăn tăng theo thời gian, nhưng cũng có nguyên nhân chủ quan là địa phương thống kê chưa đầy đủ.

Hiện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã đề xuất với UBND thành phố triển khi gói hỗ trợ đợt 3 cho hơn 7,5 triệu người. Mức hỗ trợ một lần cho mỗi người là một triệu đồng, dự toán kinh phí hơn 7.500 tỉ đồng.

Điểm mới của gói hỗ trợ đợt 3 này là thành phố không phân biệt thường trú, tạm trú, lưu trú – tức ai khó khăn đều được hỗ trợ và không hỗ trợ theo hộ gia đình mà hỗ trợ theo đầu người.

Phải công khai, minh bạch

Tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM mới đây, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã yêu cầu việc triển khai gói đợt 3 phải định ra tiêu chí cho phù hợp, lên danh sách cụ thể và có hội đồng xét duyệt đảm bảo tính pháp lý và công bằng.

Theo người đứng đầu Thành ủy TPHCM, việc chi hỗ trợ phải công khai, minh bạch cho người dân và đây cũng chính là cách để bảo vệ cán bộ cơ sở.

TPHCM đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân với mục tiêu mục tiêu “không bỏ ai lại phía sau”. Ảnh: Anh Tú
TPHCM đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân với mục tiêu “không bỏ ai lại phía sau”. Ảnh: Anh Tú

Ông Lê Minh Tấn – Giám đốc Sở LĐTBXH TPHCM cho biết, để chi đúng và không bỏ sót, Sở đã hướng dẫn UBND Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện cách thức rà soát, lập danh sách xét duyệt.

Theo đó, địa phương sẽ thành lập Tổ công tác để thực hiện chính sách hỗ trợ tại khu phố, ấp, thành phần gồm: Cán bộ UBND xã, phường, thị trấn; Công an khu vực; Khu đội trưởng; Trưởng ban Ban điều hành khu phố, ấp; Tổ trưởng Tổ dân phố; đại diện MTTQ,…

Tổ công tác có nhiệm vụ kiểm tra, rà soát, đối chiếu các tiêu chí quy định để xác định người có hoàn cảnh thật sự khó khăn, tổ chức xét duyệt để gửi về Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn; tiếp nhận và tổng hợp ý kiến của người dân, giải đáp thắc mắc cho dân; tổ chức công khai danh sách hỗ trợ và thực hiện hỗ trợ cho dân sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong thời gian sớm nhất.

Sau khi tiếp nhận biên bản của Tổ công tác, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn thành lập Hội đồng xét duyệt cấp xã, tổ chức họp, xét duyệt, chịu trách nhiệm về mặt pháp lý và tính chính xác của từng đối tượng, lập danh sách người có hoàn cảnh thực sự khó khăn đủ điều kiện hỗ trợ, chốt danh sách gửi UBND cấp quận để thẩm định, phê duyệt danh sách và kinh phí.

Tiếp đó, UBND Thành phố Thủ Đức và quận, huyện thẩm định, phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ. Chính quyền xã, phường công khai danh sách với cộng đồng dân cư, niêm yết công khai tại trụ sở UBND, khu dân cư, tổ dân phố, trang thông tin điện tử của xã, phường, thị trấn.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết trong gói đợt 3, có thể thành phố không lập được danh sách tất cả những người khó khăn nhưng sẽ cố gắng để không bị sót nhiều. “Chúng tôi cũng có phương án dự phòng, trong quá trình thực hiện nếu có trường hợp đúng tối tượng mà sót thì sẽ bổ sung” – ông Mãi nói.