Hội thảo Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới đã đánh giá thực trạng và đưa ra giải pháp nhằm phát triển Công đoàn.
Tại Hội thảo, các đại biểu đưa ra một số giải pháp nhằm phát triển công đoàn trong tương lai. Ảnh: Hải Nguyễn
Chủ trương đổi mới được đặt ra lần đầu tiên vào năm 1988
Hội thảo có sự chủ trì của các đồng chí: Nguyễn Đình Khang – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN; GS,TS. Tạ Ngọc Tấn – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; GS, TS Lê Văn Lợi – Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Chủ trương đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, gắn với với nỗ lực vươn lên hoàn thành tốt hơn các chức năng, nhiệm vụ được đặt ra lần đầu tiên tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ VI (1988).
Từ đó đến nay, tinh thần đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam đã trở thành một nhiệm vụ công tác mang tính tự giác, phổ biến, rộng khắp.
Quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động được gắn trực tiếp với các phong trào công nhân; gắn với các chức năng, nhiệm vụ và hoạt động cụ thể của tổ chức công đoàn; thể hiện trong cả các mối quan hệ phối hợp công tác giữa tổ chức công đoàn với các cơ quan, đơn vị ở trung ương, các ngành, các cấp và ở địa phương.
Đến nay, tổ chức công đoàn được củng cố, phát triển, số lượng đoàn viên và công đoàn cơ sở tăng nhanh, đội ngũ cán bộ phát triển cả về số lượng và chất lượng. Công đoàn mở rộng hoạt động sang khu vực kinh tế ngoài nhà nước, khu vực lao động phi chính thức.
Công tác tuyên truyền, giáo dục của tổ chức công đoàn đã góp phần nâng cao giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, tinh thần dân tộc, ý thức công dân, ý chí vươn lên thoát nghèo và tinh thần phấn đấu rèn luyện, xây dựng tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, lương tâm nghề nghiệp cho công nhân, lao động.
Nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động đạt nhiều kết quả nổi bật; kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc của cá nhân, tập thể; góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; đảm bảo việc làm, đời sống cho người lao động và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Công đoàn Việt Nam tập trung mọi nguồn lực, triển khai nhiều mô hình mới trong chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động; phối hợp ngày càng hiệu quả với các cấp chính quyền, các tổ chức, doanh nghiệp, người sử dụng lao động.
Tại Hội thảo, GS.TS Lê Văn Lợi khẳng định sau hơn 3 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị, công tác tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam đạt được những kết quả quan trọng.
Trong đó, Công đoàn Việt Nam đã thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Công tác phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị được tập trung triển khai.
TS. Phạm Thị Thành. Ảnh: Hải Nguyễn
Còn TS.Phạm Thị Thành – Chủ tịch Công đoàn Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phân tích trong quá trình đổi mới, Đảng có nhiều nghị quyết về xây dựng giai cấp công nhân, thể hiện trong các nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng và một số nghị quyết hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đảng xác định rõ trách nhiệm của cán bộ, đảng viên là phải tham gia hoạt động và xây dựng tổ chức công đoàn.
Các cấp ủy đảng phải thường xuyên chăm lo củng cố, tăng cường mối quan hệ mật thiết với công nhân, tăng cường lãnh đạo công tác công vận và hoạt động của công đoàn; thông qua công đoàn để tập hợp, đoàn kết đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động…
Một số giải pháp từ thực tế
Trao đổi về nội dung tại Hội thảo, PGS.TS Dương Văn Sao đề nghị cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và cần đảm bảo tính độc lập, chủ động, sáng tạo của tổ chức Công đoàn.
Còn PGS.TS Bùi Đình Bôn nhấn mạnh trong quá trình đổi mới, cần làm rõ mô hình tổ chức của từng loại hình Công đoàn cơ sở tại các loại hình doanh nghiệp. Bên cạnh đó cần giám sát việc thực hiện chế độ chính sách; tăng cường tổ chức các phong trào thi đua… Đặc biệt, đề nghị Đảng, Nhà nước cần xây dựng nhà ở, phúc lợi khi xây dựng các khu công nghiệp; nâng cao công tác bồi dưỡng, khuyến khích cán bộ Công đoàn.
PGS.TS Dương Văn Sao. Ảnh: Hải Nguyễn
Từ thực tế, Ths Vũ Thị Giáng Hương – Ủy viên Đoàn chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Trưởng ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn đề xuất một số giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 02-NQ/TW.
Trong đó, cần tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng trong triển khai thực hiện Nghị quyết. Triển khai Nghị quyết thông qua xây dựng chương trình hành động, đề án, kế hoạch thực hiện gắn với các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Cần xác định và làm rõ lộ trình thực hiện trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn.
Tổ chức Công đoàn cần thường xuyên và định kỳ tổ chức các hội nghị, hội thảo tổng kết về các mô hình tổ chức hoạt động. Thông qua đó, các cấp công đoàn đúc rút kinh nghiệm, nhân rộng điển hình tiên tiến và khắc phục những thiếu sót, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện, để từ đó có những giải pháp kịp thời để xây dựng và phát triển tổ chức công đoàn trong điều kiện hội nhập quốc tế.
ThS Vũ Thị Giáng Hương. Ảnh: Hải Nguyễn
Còn TS. Tống Văn Băng – Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Trưởng ban Tổ chức Tổng Liên đoàn đưa ra giải pháp. Trong đó, mô hình tổ chức Công đoàn Việt Nam về cơ bản giữ nguyên mô hình 4 cấp công đoàn như hiện nay.
Tổ chức, bộ máy của từng cấp công đoàn được đổi mới sắp xếp theo hướng tinh gọn, linh hoạt, rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn mỗi cấp công đoàn, đảm bảo thực hiện tốt nhất vai trò, chức năng nhiệm vụ chung của tổ chức trong tình hình mới.
Nghiên cứu xây dựng cơ chế quản lý tổ chức bộ máy theo ngành dọc, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy địa phương để phát huy hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn; thuận lợi trong việc điều động, bố trí cán bộ khi có vấn đề phức tạp về quan hệ lao động.
TS.Tống Văn Băng. Ảnh: Hải Nguyễn
Từ cơ sở, ông Đinh Sỹ Phúc – Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Công ty Taekwang Vina đề nghị cần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, kỹ năng hoạt động của cán bộ công đoàn; nghiên cứu đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ công đoàn, đặc biệt là cán bộ công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước về kỹ năng đối thoại, thương lượng, kỹ năng xử lý tình huống phát sinh trong thực tiễn tại cơ sở. Đặc biệt là kiến thức, kỹ năng đối thoại về tiền lương. Đây là nội dung hầu hết đoàn viên, người lao động mong đợi.
Cũng đưa ra các giải pháp, theo Ths. Nguyễn Văn Cảnh – Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang, đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng là yêu cầu quan trọng của công tác cán bộ và phải được xác định là công việc thường xuyên, liên tục, gồm nhiều nội dung: Từ đổi mới xác định đối tượng, nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng; đổi mới xây dựng chương trình, tài liệu; đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng; đổi mới đánh giá đào tạo, bồi dưỡng; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác đào tạo, quản lý đào tạo, bồi dưỡng và đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm công đoàn… đặc biệt cần phải có phân loại cán bộ để có những nội dung và hình thức bồi dưỡng cho phù hợp.
Ths Nguyễn Văn Cảnh. Ảnh: Hải Nguyễn
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang: Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn hy vọng, kết quả Hội thảo sẽ là cơ sở, tiền đề để Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Hội đồng Lý luận Trung ương, hai trung tâm nghiên cứu, phát triển lý luận chính trị hàng đầu của Đảng, tiếp tục nghiên cứu nhằm củng cố và phát triển những vấn đề lý luận về tổ chức công đoàn trong hệ thống chính trị Việt Nam; hình thành những tư duy, định hướng chiến lược mới về đổi mới tổ chức và hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả, vị trí, vài trò, sứ mệnh của Công đoàn Việt Nam; để Công đoàn Việt Nam tiếp tục hoàn thành thắng lợi trọng trách, sứ mệnh mà Đảng và Nhà nước giao phó; đáp ứng kỳ vọng của giai cấp công nhân, đoàn viên, người lao động.
Theo Báo Lao động
https://laodong.vn/cong-doan/giai-phap-nham-phat-trien-cong-doan-trong-tuong-lai-1376111.ldo