08/10/2024 4:03:00

Giải đáp pháp luật tháng 9/2024

Câu 1.

Ban nữ công quần chúng được thành lập ở công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cơ sở được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ Điểm 18.2, 18.3 và 18.4 tại Mục 18 Hướng dẫn số 03/HD-TLĐ ngày 20/02/2020 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam thì Ban nữ công quần chúng được thành lập ở công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cơ sở được thực hiện như sau:

 “18. Công tác nữ công và ban nữ công công đoàn theo Điều 24, Điều 25

 ……………………..

18.2. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cơ sở có từ 10 nữ đoàn viên trở lên được thành lập ban nữ công quần chúng để tham mưu, giúp việc về công tác nữ công theo nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Công đoàn cùng cấp.

1. Số lượng thành viên ban nữ công quần chúng do Ban Chấp hành Công đoàn cùng cấp quyết định từ 3 người trở lên và tối đa không vượt quá hai phần ba (2/3) số lượng ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn cùng cấp (trừ trường hợp Ban Chấp hành có 3 người).

2. Cơ cấu ban nữ công quần chúng gồm một số cán bộ, đoàn viên nữ là ủy viên Ban Chấp hành và không là ủy viên Ban Chấp hành. Số thành viên ban nữ công quần chúng là ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn cùng cấp không vượt quá 1/3 tổng số thành viên ban nữ công quần chúng.

18.3. Trường hợp công đoàn cơ sở có dưới 10 đoàn viên nữ thì chỉ định một ủy viên Ban Chấp hành hoặc một đoàn viên nữ phụ trách công tác tham mưu tổ chức các hoạt động nữ công.

18.4. Ban nữ công quần chúng không đủ điều kiện tồn tại và hoạt động thì Ban Chấp hành Công đoàn cùng cấp xem xét quyết định giải thể. Khi Ban Chấp hành công đoàn cùng cấp kết thúc nhiệm kỳ hoặc chấm dứt hoạt động theo quyết định của công đoàn cấp trên thì ban nữ công quần chúng đương nhiên chấm dứt nhiệm vụ.

………………………………..”

 

Câu 2.

Nhà nước có những chính sách gì đảm bảo công bằng đối với lao động nữ?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 135 Bộ luật Lao động năm 2019 thì Nhà nước có những chính sách riêng đối với lao động nữ như sau:

1. Bảo đảm quyền bình đẳng của lao động nữ, lao động nam, thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới và phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

2. Khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ, lao động nam có việc làm thường xuyên, áp dụng rộng rãi chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn thời gian, giao việc làm tại nhà.

3. Có biện pháp tạo việc làm, cải thiện điều kiện lao động, nâng cao trình độ nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe, tăng cường phúc lợi về vật chất và tinh thần của lao động nữ nhằm giúp lao động nữ phát huy có hiệu quả năng lực nghề nghiệp, kết hợp hài hòa cuộc sống lao động và cuộc sống gia đình.

4. Có chính sách giảm thuế đối với người sử dụng lao động có sử dụng nhiều lao động nữ theo quy định của pháp luật về thuế.

5. Nhà nước có kế hoạch, biện pháp tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động. Mở rộng nhiều loại hình đào tạo thuận lợi cho lao động nữ có thêm nghề dự phòng và phù hợp với đặc điểm về cơ thể, sinh lý và chức năng làm mẹ của phụ nữ.

Câu 3.

Công đoàn cơ sở tham gia giải quyết tranh chấp lao động tập thể tại doanh nghiệp được quy định như thế nào?

Trả lời:

Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định việc Công đoàn cơ sở tham gia giải quyết tranh chấp lao động tập thể tại doanh nghiệp tại Hướng dẫn số 1861/HD-TLĐ ngày 09/12/2013 như sau:

– Khi có biểu hiện tranh chấp lao động tập thể xảy ra, BCH Công đoàn cơ sở cần gặp gỡ tập thể lao động để tìm hiểu tình hình, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động. Vận động, hướng dẫn tập thể lao động thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định về giải quyết tranh chấp lao động và đại diện cho tập thể người lao động tham gia hòa giải giải quyết tranh chấp lao động tại cơ sở.

– Đối với tranh chấp lao động tập thể về quyền, công đoàn cơ sở cần tiến hành các hoạt động sau:

+ Sau khi hòa giải không thành, BCH Công đoàn cơ sở chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tham gia các hoạt động giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp huyện;

+ Thông báo tình hình, kết quả giải quyết của UBND cấp huyện, giải thích cho tập thể lao động về căn cứ, nội dung quyết định của UBND cấp huyện;

+ Trường hợp tập thể lao động không tán thành với quyết định của UBND cấp huyện thì BCH Công đoàn cơ sở đại diện cho tập thể lao động yêu cầu Tòa án giải quyết;

+ Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền và trách nhiệm đại diện cho tập thể người lao động tham gia tố tụng trong vụ án lao động;

+ Thực hiện quyền kháng cáo (hoặc rút đơn kháng cáo) đối với bản án hoặc quyết định giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm, yêu cầu Tòa án cấp trên xét xử phúc thẩm;

+ Giám sát việc bảo đảm thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mỗi bên theo quyết định hoặc bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

– Đối với tranh chấp lao động tập thể về lợi ích, công đoàn cơ sở cần tiến hành các hoạt động sau:

+ Nếu hòa giải không thành, BCH Công đoàn cơ sở chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tham gia các hoạt động giải quyết tranh chấp tại Hội đồng trọng tài lao động;

+ Đại diện cho tập thể lao động tham gia giải quyết tranh chấp lao động tại Hội đồng trọng tài lao động; Thông báo tình hình, kết quả giải quyết tại Hội đồng trọng tài lao động, giải thích cho tập thể lao động về căn cứ, nội dung quyết định của Hội đồng trọng tài lao động;

+ Trường hợp tập thể lao động không tán thành với quyết định của Hội đồng trọng tài lao động thì BCH Công đoàn cơ sở tổ chức lãnh đạo đình công theo quy định của pháp luật.

– Trong quá trình tham gia giải quyết tranh chấp lao động, BCH Công đoàn cơ sở cần duy trì mối quan hệ với Công đoàn cấp trên cơ sở để được chỉ đạo, giúp đỡ và cung cấp cho đại diện công đoàn là thành viên Hội đồng trọng tài lao động, những tư liệu, chứng cứ cần thiết giúp việc giải quyết tranh chấp lao động được nhanh chóng, đúng pháp luật.

Sau mỗi vụ việc, BCH Công đoàn cần tổ chức các hình thức trao đổi thông tin, rút kinh nghiệm, đánh giá kết quả đạt được để tìm ra những biện pháp phòng ngừa tranh chấp.

 

Câu 4.

Các quy định phạt về vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt hoặc các thiết bị điện tử được quy định như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ Điều 35 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì các quy định phạt về vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt hoặc các thiết bị điện tử được quy định như sau:

Điều 35. Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt hoặc các thiết bị điện tử

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi mang diêm, bật lửa, điện thoại di động, nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt vào những nơi có quy định cấm.

2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt mà không đảm bảo khoảng cách an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt hoặc các thiết bị điện, điện tử ở những nơi có quy định cấm.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi hàn, cắt kim loại mà không có biện pháp đảm bảo an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.”

Câu 5.

Nghĩa vụ của mạng lưới an toàn vệ sinh viên là những nội dung và được quy định như thế nào?

Trả lời:

Nghĩa vụ của an toàn vệ sinh viên gồm có những nội dung sau:

1. Đôn đốc, nhắc nhở, hướng dẫn mọi người trong tổ, đội, phân xưởng chấp hành nghiêm chỉnh quy định về an toàn, vệ sinh lao động, bảo quản các thiết bị an toàn, phương tiện bảo vệ cá nhân; nhắc nhở tổ trưởng, đội trưởng, quản đốc chấp hành quy định về an toàn, vệ sinh lao động;

2. Giám sát việc thực hiện tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, nội quy an toàn, vệ sinh lao động, phát hiện những thiếu sót, vi phạm về an toàn, vệ sinh lao động, những trường hợp mất an toàn, vệ sinh của máy, thiết bị, vật tư, chất và nơi làm việc;

3. Tham gia xây dựng kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động; tham gia hướng dẫn biện pháp làm việc an toàn đối với người lao động mới đến làm việc ở tổ;

4. Kiến nghị với tổ trưởng hoặc cấp trên thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hộ lao động, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động và khắc phục kịp thời những trường hợp mất an toàn, vệ sinh của máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động và nơi làm việc;

5. Báo cáo tổ chức công đoàn hoặc thanh tra lao động khi phát hiện vi phạm về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc hoặc trường hợp mất an toàn của máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động đã kiến nghị với người sử dụng lao động mà không được khắc phục.

Văn phòng Tư vấn pháp luật