15/10/2021 10:56:31

GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT THÁNG 9/2021

Câu 1.

Đối tượng được hỗ trợ và mức hỗ trợ bằng tiền cho NLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp được quy định như thế nào?

Trả lời:

– Căn cứ Điều 1 Chương I Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp thì đối tượng được hỗ trợ quy định như sau:

Điều 1. Đối tượng được hỗ trợ

1. Người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30 tháng 9 năm 2021 (có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm thất nghiệp của cơ quan bảo hiểm xã hội), không bao gồm các trường hợp sau:

a) Người lao động đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân.

b) Người lao động đang làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và các quy định pháp luật hiện hành về tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 đến hết ngày 30 tháng 9 năm 2021 có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm, không bao gồm người đã có quyết định hưởng lương hưu hàng tháng.

3. Không áp dụng đối với đối tượng tự nguyện không nhận hỗ trợ.”

– Căn cứ Điều 2 Chương I Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ thì mức hỗ trợ bằng tiền cho NLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 được quy định như sau:

Điều 2. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp làm căn cứ tính và mức hỗ trợ

1. Căn cứ tính mức hỗ trợ: Trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động tại thời điểm ngày 30 tháng 9 năm 2021 nhưng chưa được tính hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Trường hợp người lao động đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng đến ngày 30 tháng 9 năm 2021 chưa có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp thì tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng làm căn cứ để xác định mức hỗ trợ của người lao động là tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng tại thời điểm ngày 30 tháng 9 năm 2021.

2. Mức hỗ trợ

Hỗ trợ một lần bằng tiền, cụ thể như sau:

a) Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp dưới 12 tháng: Hỗ trợ 1.800.000 đồng/người.

b) Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng đến dưới 60 tháng: Hỗ trợ 2.100.000 đồng/người.

c) Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 60 tháng đến dưới 84 tháng: Hỗ trợ 2.400.000 đồng/người.

d) Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 84 tháng đến dưới 108 tháng: Hỗ trợ 2.650.000 đồng/người.

đ) Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 108 tháng đến dưới 132 tháng: Hỗ trợ 2.900.000 đồng/người.

e) Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 132 tháng trở lên: Hỗ trợ 3.300.000 đồng/người.”

Câu 2.

Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cho thuê lại lao động; quyền và nghĩa vụ của bên thuê lại lao động được quy định như thế nào?

Trả lời:

– Căn cứ Điều 56 Bộ luật Lao động năm 2019 thì quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cho thuê lại lao động được quy định như sau:

Điều 56. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cho thuê lại lao động

Ngoài các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 6 của Bộ luật này, doanh nghiệp cho thuê lại lao động có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

1. Bảo đảm đưa người lao động có trình độ phù hợp với những yêu cầu của bên thuê lại lao động và nội dung của hợp đồng lao động đã ký với người lao động;

2. Thông báo cho người lao động biết nội dung của hợp đồng cho thuê lại lao động;

3. Thông báo cho bên thuê lại lao động biết sơ yếu lý lịch của người lao động, yêu cầu của người lao động;

4. Bảo đảm trả lương cho người lao động thuê lại không thấp hơn tiền lương của người lao động của bên thuê lại lao động có cùng trình độ, làm cùng công việc hoặc công việc có giá trị như nhau;

5. Lập hồ sơ ghi rõ số lao động đã cho thuê lại, bên thuê lại lao động và định kỳ báo cáo cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

6. Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động vi phạm kỷ luật lao động khi bên thuê lại lao động trả lại người lao động do vi phạm kỷ luật lao động.”

– Căn cứ Điều 57 Bộ luật Lao động năm 2019 thì quyền và nghĩa vụ của bên thuê lại lao động được quy định như sau:

Điều 57. Quyền và nghĩa vụ của bên thuê lại lao động

1. Thông báo, hướng dẫn cho người lao động thuê lại biết nội quy lao động và các quy chế khác của mình.

2. Không được phân biệt đối xử về điều kiện lao động đối với người lao động thuê lại so với người lao động của mình.

3. Thỏa thuận với người lao động thuê lại về làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ theo quy định của Bộ luật này.

4. Thỏa thuận với người lao động thuê lại và doanh nghiệp cho thuê lại lao động để tuyển dụng chính thức người lao động thuê lại làm việc cho mình trong trường hợp hợp đồng lao động của người lao động thuê lại với doanh nghiệp cho thuê lại lao động chưa chấm dứt.

5. Trả lại người lao động thuê lại không đáp ứng yêu cầu như đã thỏa thuận hoặc vi phạm kỷ luật lao động cho doanh nghiệp cho thuê lại lao động.

6. Cung cấp cho doanh nghiệp cho thuê lại lao động chứng cứ về hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động thuê lại để xem xét xử lý kỷ luật lao động.”

Câu 3.

Thỏa ước lao động tập thể sửa đổi, bổ sung và thời hạn của thỏa ước lao động tập thể được quy định như thế nào?

Trả lời:

– Căn cứ Điều 82 Bộ luật Lao động năm 2019 thì việc sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể được thực hiện như sau:

Điều 82. Sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể

1. Thỏa ước lao động tập thể chỉ được sửa đổi, bổ sung theo thỏa thuận tự nguyện của các bên, thông qua thương lượng tập thể.

Việc sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể được thực hiện như việc thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể.

2. Trường hợp quy định của pháp luật thay đổi dẫn đến thỏa ước lao động tập thể không còn phù hợp với quy định của pháp luật thì các bên phải tiến hành sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể cho phù hợp với quy định của pháp luật. Trong thời gian tiến hành sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể thì quyền lợi của người lao động được thực hiện theo quy định của pháp luật”.

– Căn cứ Điều 83 Bộ luật Lao động năm 2019 thì thỏa ước lao động tập thể hết hạn được quy định như sau:

Điều 83. Thỏa ước lao động tập thể hết hạn

Trong thời hạn 90 ngày trước ngày thỏa ước lao động tập thể hết hạn, các bên có thể thương lượng để kéo dài thời hạn của thỏa ước lao động tập thể hoặc ký kết thỏa ước lao động tập thể mới. Trường hợp các bên thỏa thuận kéo dài thời hạn của thỏa ước lao động tập thể thì phải lấy ý kiến theo quy định tại Điều 76 của Bộ luật này.

Khi thỏa ước lao động tập thể hết hạn mà các bên vẫn tiếp tục thương lượng thì thỏa ước lao động tập thể cũ vẫn được tiếp tục thực hiện trong thời hạn không quá 90 ngày kể từ ngày thỏa ước lao động tập thể hết hạn, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”.

Câu 4.

Điều lệ Công đoàn Việt Nam quy định công đoàn cấp dưới được công đoàn cấp trên điều chỉnh nhiệm kỳ đại hội trong các trường hợp nào và cách tính thứ tự kỳ đại hội công đoàn các cấp?

Trả lời:

Căn cứ Điểm 6.2 và Điểm 6.3 Mục 6 Hướng dẫn số 03/HD-TLĐ ngày 20/02/2020 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam thì công đoàn cấp dưới được công đoàn cấp trên điều chỉnh nhiệm kỳ đại hội và cách tính thứ tự kỳ đại hội công đoàn các cấp được quy định như sau:

6. Đại hội công đoàn các cấp theo Điều 8

……………………………………..

6.2. Công đoàn cấp trên được điều chỉnh nhiệm kỳ đại hội công đoàn cấp dưới trong các trường hợp sau:

a. Công đoàn cấp trên kéo dài hoặc rút ngắn nhiệm kỳ đại hội để phù hợp tiến độ đại hội công đoàn các cấp theo kế hoạch đại hội Công đoàn Việt Nam.

b. Công đoàn cấp trên mới thành lập, sáp nhập, hợp nhất, sắp đến kỳ đại hội lần thứ nhất mà công đoàn cấp dưới đã đủ nhiệm kỳ đại hội 5 năm.

c. Công đoàn cấp dưới mới thành lập, sáp nhập, hợp nhất, tổ chức đại hội lần thứ nhất chưa đủ nhiệm kỳ 5 năm.

d. Công đoàn cấp dưới tổ chức đại hội sau thời gian hoạt động của ban chấp hành lâm thời theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 11 Điều lệ Công đoàn Việt Nam, chưa đủ nhiệm kỳ 5 năm.

6.3. Cách tính thứ tự kỳ đại hội công đoàn các cấp

– Đối với tổ chức công đoàn đại hội sau khi chia tách, được kế thừa nhiệm kỳ trước khi chia tách.

– Đối với tổ chức công đoàn đại hội sau khi sáp nhập, hợp nhất, nếu giữ nguyên tên gọi của tổ chức công đoàn nào thì tiếp tục kế thừa nhiệm kỳ trước của tổ chức công đoàn đó, nếu có tên gọi mới thì đại hội sau khi sáp nhập, hợp nhất, được tính là nhiệm kỳ thứ nhất.

– Đối với công đoàn cơ sở do có sự thay đổi về mô hình tổ chức được nâng cấp thành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, hoặc công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hạ cấp thành công đoàn cơ sở thì đại hội sau khi nâng cấp, hạ cấp được kế thừa nhiệm kỳ trước khi nâng cấp, hạ cấp.”

Câu 5.

Quyền lợi của người lao động nam được hưởng khi vợ sinh con là những quyền lợi gì?

Trả lời:

Căn cứ Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH ngày 07/07/2021 của Bộ Lao động Thương binh và xã hội sửa đổi bổ sung một số điều Thông tư 59/2015//TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động Thương binh và xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều cùa Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc. Theo đó, từ ngày 01/9/2021 quyền lợi của lao động nam được hưởng khi vợ sinh con như sau:

1. Lao động nam được nghỉ hưởng chế độ thai sản nhiều lần

Trước đây khi không có quy định này, việc nghỉ hưởng chế độ thai sản của lao động nam khi vợ sinh con thường thực hiện một lần cho toàn thời gian được quy định.

Với quy định mới, từ ngày 01/9/2021 lao động nam có thể nghỉ hưởng chế độ thai sản một cách linh hoạt hơn nhờ chia thời gian nghỉ thành nhiều lần nhưng phải đảm bảo:

– Thời gian bắt đầu nghỉ việc của lần cuối cùng phải trong 30 ngày đầu từ ngày vợ sinh con.

– Tổng thời gian nghỉ tối đa:

+ 05 ngày làm việc: Trường hợp thông thường.

+ 07 ngày làm việc: Vợ phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi.

+ 10 ngày làm việc: Sinh đôi; từ sinh 3 trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc.

+ 14 ngày làm việc: Vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật.

2. Lao động nam được hưởng trợ cấp 1 lần khi vợ sinh con

Tại Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH đã bổ sung thêm trường hợp lao động nam được hưởng trợ cấp khi vợ sinh con đó là: Trường hợp người mẹ tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con mà người cha tham gia bảo hiểm xã hội đủ điều kiện phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con thì người cha được hưởng trợ cấp một lần khi sinh con theo Điều 38 của Luật Bảo hiểm xã hội.

Quy định này giúp đảm bảo quyền lợi cho lao động nam ngay cả khi hai vợ chồng cùng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc nhưng vợ không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản.

Trong khi trước đó, lao động nam chỉ được hưởng trợ cấp một lần khi vợ không tham gia BHXH.

Văn phòng Tư vấn pháp luật