Câu 1.
Vai trò của công tác nữ công là gì? Ban nữ công công đoàn có những nhiệm vụ gì?
Trả lời:
Căn cứ Điều 24 và Điều 25 Điều lệ Công đoàn Việt Nam thì vai trò của công tác nữ công và Ban nữ công công đoàn có những quy định, nhiệm vụ như sau:
“Điều 24. Công tác nữ công
Công tác nữ công là nhiệm vụ của Ban Chấp hành Công đoàn mỗi cấp, nhằm phát huy vai trò và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động nữ theo quy định của pháp luật.
Điều 25. Ban nữ công công đoàn
1. Ban nữ công công đoàn có nhiệm vụ tham mưu giúp Ban Chấp hành Công đoàn cùng cấp: Tham gia xây dựng và thực hiện các chế độ, chính sách, pháp luật liên quan đến lao động nữ; về giới, bình đẳng giới, vì sự phát triển của phụ nữ; công tác cán bộ nữ, dân số, sức khỏe sinh sản; công tác gia đình, trẻ em; tổ chức các phong trào trong nữ đoàn viên công đoàn; đại diện tham gia giải quyết các vấn đề có liên quan trực tiếp đến lao động nữ và trẻ em; thực hiện lồng ghép các hoạt động của hội phụ nữ với hoạt động nữ công công đoàn.
2. Khi có đủ điều kiện theo quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn, Tổng Liên đoàn, liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương được thành lập, chỉ đạo ban nữ công (ban nghiệp vụ) và bố trí cán bộ làm công tác nữ công.
3. Ban Chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, công đoàn cơ sở được thành lập và chỉ đạo hoạt động ban nữ công quần chúng.”.
Câu 2.
Các quy định khi tiếp nhận, xử lý thông tin giám sát theo Quy định 124-QĐ/TW ngày 02/02/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng được thực hiện như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ Điều 8 Quy định 124-QĐ/TW ngày 02/02/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên thì các quy định khi tiếp nhận, xử lý thông tin giám sát được thực hiện như sau:
“Điều 8. Tiếp nhận, xử lý thông tin giám sát
1. Khi phát hiện hoặc tiếp nhận báo cáo, phản ảnh về những biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên, Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội báo cáo bằng văn bản hoặc phản ảnh trực tiếp với cấp ủy, tổ chức đảng cùng cấp để xem xét, xử lý.
2. Cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền sau khi tiếp nhận báo cáo, phản ảnh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội và nhân dân có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo xem xét, giải quyết. Chậm nhất 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo, phản ảnh của chủ thể giám sát, cấp có thẩm quyền thông báo bằng văn bản kết quả giải quyết đến chủ thể giám sát và các cơ quan, tổ chức có liên quan. Nếu vụ việc phức tạp thì thời hạn có thể kéo dài, nhưng không quá 30 ngày làm việc. Trường hợp xác định cán bộ, đảng viên có vi phạm thì cấp ủy, tổ chức đảng xem xét, xử lý theo quy định.”
Câu 3.
Công đoàn cơ sở tham gia giải quyết tranh chấp lao động cá nhân tại doanh nghiệp được quy định như thế nào?
Trả lời:
Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định việc công đoàn cơ sở tham gia giải quyết tranh chấp lao động cá nhân tại doanh nghiệp tại Hướng dẫn số 1861/HD-TLĐ ngày 09/12/2013 như sau:
– Khi có tranh chấp lao động giữa cá nhân người lao động với người sử dụng lao động, đại diện BCH Công đoàn cơ sở cần gặp gỡ hướng dẫn cho người lao động, tạo điều kiện cho hai bên tự hòa giải trước khi đưa đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.
– Đại diện cho người lao động tham gia giải quyết tranh chấp lao động với tư cách đại diện ủy quyền nếu người lao động ủy quyền.
– Giám sát thực hiện các quyền, nghĩa vụ của các bên theo những thỏa thuận đã được ghi nhận trong biên bản hòa giải thành.
– Hỗ trợ người lao động chuẩn bị hồ sơ, giới thiệu luật sư… cho người lao động khi họ khởi kiện hoặc bị khởi kiện trong vụ án lao động.
– BCH Công đoàn cơ sở có quyền khởi kiện vụ án lao động, yêu cầu tòa án bảo vệ quyền lợi ích cho người lao động nếu được người lao động yêu cầu bằng văn bản.
– Đề nghị tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nếu xét thấy có lợi cho người lao động.
– Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền và trách nhiệm đại diện cho người lao động tham gia tố tụng trong vụ án lao động nếu được người lao động ủy quyền để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
– Giúp người lao động thực hiện quyền kháng cáo (hoặc rút đơn kháng cáo) đối với bản án hoặc quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp trên xét xử phúc thẩm.
– Giám sát việc bảo đảm thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mỗi bên theo quyết định hoặc bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Câu 4.
Các quy định phạt về vi phạm quy định về hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thì được xử phạt như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ Điều 31 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định phạt về vi phạm quy định về hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được thực hiện như sau:
“Điều 31. Vi phạm quy định về hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
1. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Không đủ tài liệu trong hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật;
b) Không cập nhật, bổ sung hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không lập hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.”
Câu 5.
Nguyên tắc tổ chức của mạng lưới ATVSV được quy định như thế nào?
Trả lời:
Nguyên tắc tổ chức mạng lưới ATVSV được quy định như sau:
1. Mỗi tổ sản xuất trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có ít nhất một an toàn, vệ sinh viên kiêm nhiệm trong giờ làm việc. Người sử dụng lao động ra quyết định thành lập và ban hành quy chế hoạt động của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên sau khi thống nhất ý kiến với Ban chấp hành công đoàn cơ sở nếu cơ sở sản xuất, kinh doanh đã thành lập Ban chấp hành công đoàn cơ sở.
2. An toàn, vệ sinh viên là người lao động trực tiếp, am hiểu chuyên môn và kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động; tự nguyện và gương mẫu trong việc chấp hành các quy định an toàn, vệ sinh lao động và được người lao động trong tổ bầu ra.
3. An toàn, vệ sinh viên hoạt động dưới sự quản lý và hướng dẫn của Ban chấp hành công đoàn cơ sở, trên cơ sở quy chế hoạt động của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên; phối hợp về chuyên môn, kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ với người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động hoặc bộ phận quản lý công tác an toàn, vệ sinh lao động, người làm công tác y tế hoặc bộ phận y tế tại cơ sở.
Văn phòng Tư vấn pháp luật