Câu 1.
Việc bổ sung ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn trong nhiệm kỳ đang hoạt động được quy định như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ Mục 9 Hướng dẫn số 03/HD-TLĐ ngày 20/02/2020 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam thì việc bổ sung ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn trong nhiệm kỳ đang hoạt động được quy định như sau:
“9. Ban Chấp hành công đoàn các cấp theo Điều 11
……………………………
9.3. Bổ sung ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn
– Khi cần tăng thêm số lượng ủy viên Ban Chấp hành vượt quá số lượng đã được đại hội biểu quyết thông qua hoặc vượt quá số lượng quy định tại Khoản 3 Điều 11 Điều lệ và tại Mục 9.1 của Hướng dẫn này, Ban Chấp hành Công đoàn cấp đó phải có văn bản đề nghị và được sự đồng ý của Công đoàn cấp trên trực tiếp.
– Trình tự bầu bổ sung ủy viên Ban Chấp hành:
+ Công bố văn bản của Công đoàn cấp trên đồng ý cho bầu bổ sung Ban Chấp hành.
+ Tiến hành bầu cử theo nguyên tắc, thể lệ bầu cử theo Mục 8 của Hướng dẫn này.
+ Tại hội nghị Ban Chấp hành, người đã thôi tham gia Ban Chấp hành thì không tham gia bầu cử; người mới được bầu bổ sung Ban Chấp hành có quyền ứng cử, đề cử, biểu quyết và bầu cử ngay sau khi trúng cử Ban Chấp hành”.
Do đó, các Công đoàn trực thuộc khi tiến hành kiện toàn Ban Chấp hành, Ủy ban Kiểm tra cần nghiên cứu, thực hiện theo Điều lệ, Hướng dẫn thi hành Điều lệ và Hướng dẫn số 823/HD-CĐDK ngày 18/12/2019 của Công đoàn Dầu khí Việt Nam về kiện toàn nhân sự Ban Chấp hành, Ủy ban Kiểm tra và các chức danh trong Ban Chấp hành, Ủy ban Kiểm tra các Công đoàn trực thuộc Công đoàn Dầu khí Việt Nam.
Câu 2.
Nguyên tắc và trách nhiệm giải quyết tranh chấp lao động trong doanh nghiệp được thực hiện và quy định như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ Điều 180 Bộ luật Lao động năm 2019 thì nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động trong doanh nghiệp được quy định như sau:
“Điều 180. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động
1. Tôn trọng quyền tự định đoạt thông qua thương lượng của các bên trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp lao động.
2. Coi trọng giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải, trọng tài trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên tranh chấp, tôn trọng lợi ích chung của xã hội, không trái pháp luật.
3. Công khai, minh bạch, khách quan, kịp thời, nhanh chóng và đúng pháp luật.
4. Bảo đảm sự tham gia của đại diện các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động.
5. Việc giải quyết tranh chấp lao động do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tiến hành sau khi có yêu cầu của bên tranh chấp hoặc theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và được các bên tranh chấp đồng ý”.
– Căn cứ Điều 181 Bộ luật Lao động năm 2019 thì nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động trong doanh nghiệp được quy định như sau:
“Điều 181. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong giải quyết tranh chấp lao động
1. Cơ quan quản lý nhà nước về lao động có trách nhiệm phối hợp với tổ chức đại diện người lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động hướng dẫn, hỗ trợ và giúp đỡ các bên trong giải quyết tranh chấp lao động.
2. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức việc tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn của hòa giải viên lao động, trọng tài viên lao động trong giải quyết tranh chấp lao động.
3. Khi có yêu cầu, cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân là đầu mối tiếp nhận yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động và có trách nhiệm phân loại, hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ các bên trong giải quyết tranh chấp lao động.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động có trách nhiệm chuyển yêu cầu đến hòa giải viên lao động đối với trường hợp bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải lao động, chuyển đến Hội đồng trọng tài trong trường hợp yêu cầu Hội đồng trọng tài giải quyết hoặc hướng dẫn gửi đến Tòa án để giải quyết”.
Câu 3.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước được quy định như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ Điều 61 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (Luật số 10/2022/QH15 ngày 10/11/2022) thì nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước được quy định như sau:
“Điều 61. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị
1. Kiểm tra việc tổ chức thực hiện các quyết định của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; giám sát việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, việc thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở tại cơ quan, đơn vị.
2. Kiến nghị cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật và giám sát việc thực hiện kiến nghị đó.
3. Yêu cầu người đứng đầu cơ quan, đơn vị cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan để phục vụ việc xác minh, kiểm tra, giám sát.
4. Xem xét, xác minh vụ việc cụ thể theo đề nghị của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở cơ quan, đơn vị.
5. Kiến nghị người đứng đầu cơ quan, đơn vị khắc phục hạn chế, thiếu sót được phát hiện qua việc kiểm tra, giám sát; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; biểu dương những đơn vị, cá nhân có thành tích. Trường hợp phát hiện người có hành vi vi phạm pháp luật thì kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, xử lý.
6. Tham dự các cuộc họp của cơ quan, đơn vị có nội dung liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Ban Thanh tra nhân dân.
7. Tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có liên quan đến phạm vi kiểm tra, giám sát của Ban Thanh tra nhân dân”.
Câu 4.
Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ được quy định như thế nào trong Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022?
Trả lời:
Căn cứ Điều 73 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 (Luật số 06/2022/QH15 ngày 15/6/2022) có hiệu lực từ ngày 01/01/2024 thì Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ được quy định như sau:
“Điều 73. “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”
1. “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đạt một trong các tiêu chuẩn sau đây:
a) Có thành tích xuất sắc tiêu biểu, được bình xét trong phong trào thi đua;
b) Đã được tặng bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh và có liên tục từ 05 năm trở lên đến thời điểm đề nghị được công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong thời gian đó có 03 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”;
c) Lập được nhiều thành tích hoặc thành tích đột xuất, có phạm vi ảnh hưởng trong Bộ, ban, ngành, tỉnh hoặc được giải thưởng ở khu vực;
d) Có đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công tác xã hội, từ thiện nhân đạo.
2. “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” để tặng hoặc truy tặng cho công nhân, nông dân, người lao động chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đạt một trong các tiêu chuẩn sau đây:
a) Đạt một trong các tiêu chuẩn quy định tại các điểm a, b và d khoản 1 Điều này;
b) Lập được nhiều thành tích hoặc thành tích đột xuất trong lao động, sản xuất, có phạm vi ảnh hưởng trong lĩnh vực, ngành, nghề;
c) Công nhân có sáng kiến mang lại lợi ích giá trị cao, có phạm vi ảnh hưởng trong địa bàn cấp huyện và có đóng góp trong việc đào tạo, bồi dưỡng, giúp đỡ đồng nghiệp để nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề;
d) Nông dân có mô hình sản xuất hiệu quả, ổn định từ 02 năm trở lên, có phạm vi ảnh hưởng trong địa bàn cấp huyện và giúp đỡ hộ nông dân khác phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động.
3. “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” để tặng hoặc truy tặng cho doanh nhân, trí thức, nhà khoa học chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, có thành tích đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước được Bộ, ban, ngành, tỉnh công nhận.
4. “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” để tặng cho tập thể gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội bộ đoàn kết và đạt một trong các tiêu chuẩn sau đây:
a) Lập được thành tích đột xuất, có phạm vi ảnh hưởng trong Bộ, ban, ngành, tỉnh;
b) Có đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công tác xã hội, từ thiện nhân đạo;
c) Có thành tích xuất sắc tiêu biểu được bình xét trong cụm, khối thi đua do Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương tổ chức;
d) Có thành tích xuất sắc tiêu biểu, được bình xét khi sơ kết, tổng kết phong trào thi đua do Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ phát động hoặc phong trào thi đua do Bộ, ban, ngành, tỉnh phát động có thời gian thực hiện từ 03 năm trở lên;
đ) Có thành tích xuất sắc trong phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước;
e) Đã được tặng bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh và sau đó có liên tục từ 05 năm trở lên đến thời điểm đề nghị được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” hoặc “Đơn vị quyết thắng”, trong thời gian đó có 01 lần được tặng cờ thi đua của Bộ, ban, ngành, tỉnh hoặc có 02 lần được tặng bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh.
5. “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” để tặng cho doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đạt một trong các tiêu chuẩn quy định tại khoản 4 Điều này hoặc có thành tích đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước được Bộ, ban, ngành, tỉnh công nhận.
6. “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” để tặng cho hộ gia đình gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có đóng góp lớn về công sức, đất đai và tài sản cho địa phương, xã hội.
7. “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” để tặng cho cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân, tập thể người nước ngoài tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, luật pháp và phong tục, tập quán tốt đẹp của Việt Nam và có thành tích đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam được Bộ, ban, ngành, tỉnh công nhận.
Câu 5.
Ông Nguyễn Văn A là cán bộ công đoàn của Công đoàn Tập đoàn D (Công đoàn ngành trung ương) có phải là đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp không?
Trả lời:
Căn cứ Điều 43 Luật việc làm năm 2013 (Luật số 38/2013/QH13 ngày 16/11/2013) thì đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp được quy định như sau:
Điều 43. Đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp
1. Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:
a) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;
b) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;
c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động quy định tại khoản này thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
2. Người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
3. Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều này.
Như vậy, căn cứ các nội dung trên, hiện nay ông Nguyễn Văn A là cán bộ công đoàn của Công đoàn Tập đoàn D (Công đoàn ngành trung ương) không phải là NLĐ ký hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc (nếu là công chức) thì không phải là đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Văn phòng Tư vấn pháp luật