03/07/2024 4:47:02

GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT THÁNG 6/2024

Câu 1.

Công ty/doanh nghiệp có phải bắt buộc phải tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc không?

Trả lời:

Theo Điều 63 Bộ luật Lao động 2019 quy định về tổ chức đối thoại tại nơi làm việc như sau:

1. Đối thoại tại nơi làm việc là việc chia sẻ thông tin, tham khảo, thảo luận, trao đổi ý kiến giữa người sử dụng lao động với người lao động hoặc tổ chức đại diện người lao động về những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích và mối quan tâm của các bên tại nơi làm việc nhằm tăng cường sự hiểu biết, hợp tác, cùng nỗ lực hướng tới giải pháp các bên cùng có lợi.

2. Người sử dụng lao động phải tổ chức đối thoại tại nơi làm việc trong trường hợp sau đây:

+ Định kỳ ít nhất 01 năm một lần;

+ Khi có yêu cầu của một hoặc các bên;

+ Khi có vụ việc quy định tại Điểm a (người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do người sử dụng lao động ban hành nhưng phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở) Khoản 1 Điều 36, Điều 42 (nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế), Điều 44 (phương án sử dụng lao động), Điều 93 (xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động), Điều 104 (thưởng), Điều 118 (nội quy lao động) và Khoản 1 (người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp nếu xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh. Việc tạm đình chỉ công việc của người lao động chỉ được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xem xét tạm đình chỉ công việc là thành viên) Điều 128 Bộ luật Lao động 2019.

3. Khuyến khích người sử dụng lao động và người lao động hoặc tổ chức đại diện người lao động tiến hành đối thoại ngoài những trường hợp quy định nêu trên.

Như vậy, theo quy định nêu trên, Công ty/doanh nghiệp bắt buộc phải tổ chức đối thoại tại nơi làm việc định kỳ ít nhất 01 năm một lần. 

 

Câu 2.

Hợp đồng lao động là gì? NSDLĐ và NLĐ thỏa thuận làm việc bằng tên gọi khác có được gọi là hợp đồng lao động không?

Trả lời:

Căn cứ Khoản 1 Điều 13 Bộ luật Lao động 2019 thì hợp đồng lao động được định nghĩa như sau:

Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.

Câu 3

Nội dung tổ chức phong trào thi đua và thẩm quyền phát động, chỉ đạo phong trào thi đua được quy định vấn đề gì trong việc tổ chức phong trào thi đua tại doanh nghiệp?

 Trả lời:

Căn cứ Điều 17 và Điều 18 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 thì nội dung tổ chức phong trào thi đua và thẩm quyền phát động, chỉ đạo phong trào thi đua được quy định như sau:

“Điều 17. Nội dung tổ chức phong trào thi đua

1. Xác định mục tiêu, phạm vi, đối tượng, nội dung và tiêu chí, thời gian, kế hoạch, biện pháp tổ chức phong trào thi đua.

2. Phát động, triển khai, thực hiện phong trào thi đua.

3. Kiểm tra, giám sát phong trào thi đua.

4. Tuyên truyền, phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến.

5. Sơ kết, tổng kết và khen thưởng.

Điều 18. Thẩm quyền phát động, chỉ đạo phong trào thi đua

1. Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ phát động, chỉ đạo phong trào thi đua trong phạm vi toàn quốc.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, người đứng đầu ban, ngành phát động, chỉ đạo phong trào thi đua trong phạm vi ngành và lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp phát động, chỉ đạo phong trào thi đua trong phạm vi địa phương.

4. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phát động, chỉ đạo phong trào thi đua trong phạm vi cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý.”

 

Câu 4.

Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở là công đoàn tổng công ty có nhiệm vụ và quyền hạn gì trong hoạt động công đoàn?

Trả lời:

Căn cứ Mục 15 Hướng dẫn số 03/HD-TLĐ ngày 20/02/2020 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam công đoàn tổng công ty có nhiệm vụ và quyền hạn như sau:

“15. Nhiệm vụ, quyền hạn của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở theo Điều 18

………………………………..

15.4. Công đoàn tổng công ty

a. Tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn. Triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương công tác của công đoàn cấp trên và nghị quyết đại hội công đoàn cấp mình.

b. Tham gia với hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, tổng giám đốc về quy hoạch, kế hoạch và mục tiêu phát triển kinh tế của tổng công ty, tham gia xây dựng và kiểm tra giám sát việc thực hiện nội quy, quy chế, chế độ tiền lương, tiền thưởng và các quy định có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động trong tổng công ty.

c. Phối hợp với hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, tổng giám đốc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức hội nghị người lao động; đại diện cho đoàn viên và người lao động ký thỏa ước lao động tập thể với tổng giám đốc phù hợp với các quy định của pháp luật, tham gia các hội đồng của tổng công ty để giải quyết các vấn đề có liên quan đến đoàn viên, người lao động; tổ chức phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên, CNVCLĐ.

d. Hướng dẫn, chỉ đạo các công đoàn cơ sở và đơn vị trực thuộc tham gia quản lý; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

đ. Quyết định thành lập hoặc giải thể các công đoàn cơ sở, đơn vị trực thuộc. Thực hiện công tác cán bộ theo sự phân cấp của công đoàn cấp trên, chỉ đạo công tác phát triển đoàn viên, xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh.

e. Quản lý tài chính, tài sản và hoạt động kinh tế của công đoàn theo quy định của pháp luật.”

Văn phòng Tư vấn pháp luật