14/07/2022 4:26:23

GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT THÁNG 6/2022

Câu 1.

Công đoàn ngành A, có 01 đồng chí cán bộ là Ủy viên BCH Công đoàn ngành A và hiện nay đã nghỉ thai sản được 04 tháng. Trong thời gian tới, Công đoàn ngành A tổ chức Hội nghị BCH mở rộng, trong đó có nội dung lấy ý kiến bằng phiếu kín để bầu cử nhân sự đã được đề cử vào BTV/BCH. Vậy, đồng chí cán bộ này có được tham dự Hội nghị BCH mở rộng và được quyền bầu cử tại Hội nghị này hay không?

Trả lời:

Căn cứ điểm b, khoản 2, Điều 9 Quyết định số 174/QĐ-TLĐ ngày 03/02/2020 của Tổng Liên đoàn LĐVN về việc ban hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam (Khóa XII) đã quy định hội nghị đại biểu, hội nghị toàn thể công đoàn các cấp có nhiệm vụ “Bầu cử bổ sung ban chấp hành và bầu đại biểu đi dự đại hội hoặc hội nghị đại biểu công đoàn cấp trên (nếu có)”. Đồng thời, theo khoản 3 Điều 9 Quyết định số 174/QĐ-TLĐ ngày 03/02/2020 quy định “Đại biểu dự hội nghị đại biểu hoặc hội nghị toàn thể thực hiện theo quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 8 Điều lệ này”.

Theo quy định tại khoản 4, Điều 8 Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XII thì thành phần đại biểu chính thức của đại hội đại biểu gồm: (1) Ủy viên ban chấp hành đương nhiệm; (2) Đại biểu do công đoàn cấp dưới bầu; (3) Đại biểu chỉ định với số lượng không quá năm phần trăm (5%) tổng số đại biểu chính thức được triệu tập.

Bên cạnh đó, theo mục 6.6 và mục 7.3 Hướng dẫn số 03/HD-TLĐ ngày 20/02/2022 về hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam đã quy định điều kiện, tiêu chuẩn đại biểu chính thức dự đại hội, hội nghị đại biểu, hội nghị toàn thể đoàn viên, hội nghị ban chấp hành mở rộng, theo đó: Đại biểu tham dự (1) Phải là đoàn viên công đoàn, đang tham gia sinh hoạt trong tổ chức cơ sở của Công đoàn Việt Nam; (2) Ủy viên ban chấp hành đương nhiệm trong nhiệm kỳ có tham dự trên 50% số kỳ họp, kể từ khi được bầu vào ban chấp hành công đoàn cùng cấp;…

Trong trường hợp này, cán bộ là Ủy viên BCH và hiện nay đang nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của Luật BHXH năm 2014 (hiện đã nghỉ thai sản được hơn 04 tháng). Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản này không làm ảnh hưởng đến điều kiện, tiêu chuẩn của đại biểu dự đại hội, hội nghị đại biểu, hội nghị toàn thể đoàn viên, hội nghị ban chấp hành mở rộng. Đồng thời, với vai trò là Ủy viên BCH (đương nhiệm), đồng chí cán bộ này thuộc đối tượng được triệu tập và có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo thẩm quyền tại đại hội, hội nghị đại biểu, hội nghị toàn thể đoàn viên, hội nghị ban chấp hành mở rộng; trong đó có quyền được bầu cử cho các nhân sự được đề cử vào Ban Thường vụ/Ban Chấp hành tại hội nghị.

 

Câu 2.

Các trường hợp nào thì được tổ chức hội nghị đại biểu, hội nghị toàn thể đoàn viên? Trường hợp nào không được tổ chức hội nghị đại biểu, hội nghị toàn thể đoàn viên?

Trả lời:

– Căn cứ phần 7.1 Mục 7 Hướng dẫn số 03/HD-TLĐ ngày 20/02/2020 của Tổng Liên đoàn LĐVN về hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam thì các trường hợp sau được tổ chức hội nghị đại biểu, hội nghị toàn thể đoàn viên:

“7. Hội nghị đại biểu, hội nghị toàn thể công đoàn các cấp theo Điều 9

7.1. Các trường hợp tổ chức hội nghị đại biểu, hội nghị toàn thể đoàn viên

1. Công đoàn cơ sở thay đổi cơ bản về nhiệm vụ so với nghị quyết đại hội đề ra do đơn vị chuyển đổi hình thức sở hữu, chuyển đổi nội dung hoạt động.

2. Khi khuyết quá một phần hai (1/2) tổng số ủy viên ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trở lên, quá hai phần ba (2/3) tổng số ủy viên ban chấp hành công đoàn cơ sở mà ban chấp hành chưa kịp tổ chức bầu cử bổ sung.

3. Có hai phần ba (2/3) số ủy viên ban chấp hành bị tổ chức công đoàn xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên.

…………………………….”.

– Căn cứ phần 7.2 Mục 7 Hướng dẫn số 03/HD-TLĐ ngày 20/02/2020 của Tổng Liên đoàn về hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam thì các trường hợp sau không được tổ chức hội nghị đại biểu, hội nghị toàn thể đoàn viên:

“7. Hội nghị đại biểu, hội nghị toàn thể công đoàn các cấp theo Điều 9

………………………………..

7.2. Trường hợp không thể tổ chức được hội nghị đại biểu, hội nghị toàn thể thì tổ chức hội nghị ban chấp hành mở rộng sau khi có ý kiến bằng văn bản của công đoàn cấp trên trực tiếp. Số lượng, thành phần đại biểu dự hội nghị ban chấp hành mở rộng do ban chấp hành triệu tập hội nghị quyết định.

……………………………….”.

 

Câu 3.

Điều kiện để hưởng chế độ thai sản của NLĐ được quy như thế nào theo pháp luật hiện hành?

Trả lời:

Căn cứ Điều 31 Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2014 thì điều kiện hưởng chế độ thai sản cho NLĐ được quy định như sau:

“Điều 31. Điều kiện hưởng chế độ thai sản

1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Lao động nữ mang thai;

b) Lao động nữ sinh con;

c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;

d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;

đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;

e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.

2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

4. Người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 của Luật này.”

 

Câu 4.

Mức lương tối thiểu được áp dụng và thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ Điều 4 Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 của chính phủ thì việc áp dụng mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động được quy định như sau:

Điều 4. Áp dụng mức lương tối thiểu

1. Mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng.

2. Mức lương tối thiểu giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo giờ, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc trong một giờ và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu giờ.

3. Đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tuần hoặc theo ngày hoặc theo sản phẩm hoặc lương khoán thì mức lương của các hình thức trả lương này nếu quy đổi theo tháng hoặc theo giờ không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng hoặc mức lương tối thiểu giờ. Mức lương quy đổi theo tháng hoặc theo giờ trên cơ sở thời giờ làm việc bình thường do người sử dụng lao động lựa chọn theo quy định của pháp luật lao động như sau:

a) Mức lương quy đổi theo tháng bằng mức lương theo tuần nhân với 52 tuần chia cho 12 tháng; hoặc mức lương theo ngày nhân với số ngày làm việc bình thường trong tháng; hoặc mức lương theo sản phẩm, lương khoán thực hiện trong thời giờ làm việc bình thường trong tháng.

b) Mức lương quy đổi theo giờ bằng mức lương theo tuần, theo ngày chia cho số giờ làm việc bình thường trong tuần, trong ngày; hoặc mức lương theo sản phẩm, lương khoán chia cho số giờ làm việc trong thời giờ làm việc bình thường để sản xuất sản phẩm, thực hiện nhiệm vụ khoán.”

 

Câu 5.

Thời gian nộp hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giải quyết như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ Điều 59 Luật An toàn, vệ sinh lao động thì thời gian nộp hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được thực hiện như sau:

“Điều 59. Giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

1. Người sử dụng lao động nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 57 và Điều 58 của Luật này.

2. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.”

Văn phòng Tư vấn pháp luật