Câu 1.
Công tác hỗ trợ cho các đơn vị tuyến đầu chống dịch, đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và hỗ trợ cho cán bộ công đoàn tham gia công tác chống dịch Covid-19 được quy định như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ Điều 1 và Điều 2 Quyết định số 2606/QĐ-TLĐ ngày 19/5/2021 của TLĐ LĐVN thì công tác hỗ trợ cho các đơn vị tuyến đầu chống dịch, đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và hỗ trợ cho cán bộ công đoàn tham gia công tác chống dịch Covid-19 được quy định như sau:
“Điều 1. Hỗ trợ đơn vị tuyến đầu chống dịch và đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Giao các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; công đoàn ngành trung ương và tương đương; công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn chủ động thăm hỏi, động viên, chi hỗ trợ lực lượng đang phục vụ tuyến đầu chống dịch; đoàn viên, công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid – 19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 kể từ ngày 27/4/2021, với đối tượng và mức hỗ trợ như sau:
1. Lực lượng đang phục vụ tuyến đầu chống dịch gồm các cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung, mức hỗ trợ từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng/đơn vị.
2. Đoàn viên; người lao động khu vực có quan hệ lao động (bao gồm cả doanh nghiệp, đơn vị chưa có tổ chức công đoàn) là F0 đang điều trị bệnh, không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch được hỗ trợ tối đa là 3 triệu đồng/người.
3. Đoàn viên, người lao động (tại các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị có đóng kinh phí công đoàn) là F1 phải cách ly y tế 21 ngày tại nơi cách ly tập trung theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (không áp dụng đối với hình thức cách ly tại nhà, nơi lưu trú, doanh nghiệp), không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch, mức hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng/người.
4. Đoàn viên là cán bộ, công chức, viên chức là F1 có hoàn cảnh khó khăn phải cách ly y tế 21 ngày tại nơi cách ly tập trung theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (không áp dụng đối với hình thức cách ly tại nhà, nơi lưu trú, doanh nghiệp), không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch, mức hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng/người.
5. Đoàn viên, người lao động (tại các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị có đóng kinh phí công đoàn) có quyết định phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có hoàn cảnh khó khăn; lao động nữ đang mang thai, người lao động nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi; đoàn viên, người lao động buộc phải nghỉ việc do đang cư trú trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, mức hỗ trợ tối đa 500.000 đồng/người.
6. Các trường hợp đặc biệt khác cần hỗ trợ giao ban thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chủ động xem xét, quyết định theo thẩm quyền phù hợp với tình hình thực tế, yêu cầu phòng, chống dịch và khả năng cân đối tài chính công đoàn của địa phương, đơn vị nhưng mức hỗ trợ không quá các quy định tại Khoản 2, 3, 4, 5 của Điều này; báo cáo kết quả về Tổng Liên đoàn.
Điều 2. Hỗ trợ cán bộ công đoàn tham gia công tác chống dịch Covid-19
Chi hỗ trợ cán bộ công đoàn tham gia công tác chống dịch tại địa phương có dịch trong đợt bùng phát lần thứ 4 kể từ ngày 27/4/2021 gồm: người làm nhiệm vụ trực tiếp đi tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát phòng, chống dịch tại doanh nghiệp, khu công nghiệp; tham gia hỗ trợ truy vết, xét nghiệm, cưỡng chế cách ly y tế; rà soát, thống kê người lao động trong các khu cách ly, khu phong tỏa; trao và phát quà hỗ trợ trực tiếp cho đoàn viên, người lao động tại các khu cách ly, khu phong tỏa, với đối tượng và mức hỗ trợ như sau:
1. Cán bộ chuyên trách công đoàn cấp trên cơ sở: mức chi hỗ trợ từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng/người/ngày kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, Tết, tùy theo tính chất, mức độ, công việc và số ngày thực tế chống dịch nhưng tối đa không quá 2.000.000 đồng/người. Giao ban thường vụ công đoàn các cấp phân công nhiệm vụ, quyết định và chịu trách nhiệm.
2. Cán bộ công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị: mức chi hỗ trợ từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng/người/ngày kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, Tết, tùy theo tính chất, mức độ, công việc và số ngày thực tế chống dịch nhưng tối đa không quá 1.500.000 đồng/người. Ban chấp hành công đoàn cơ sở tự cân đối trong nguồn tài chính được duyệt chi để quyết định và chịu trách nhiệm.
3. Cán bộ công đoàn tham gia công tác phòng, chống dịch bị nhiễm Covid-19 (F0) hoặc phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung được áp dụng chế độ theo quy định tại Điều 1 Quyết định này.”
Câu 2.
Việc tổ chức đối thoại khi có yêu cầu của một hoặc các bên và tổ chức đối thoại khi có vụ việc tại doanh nghiệp được quy định như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ Điều 40 và Điều 41 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP thì việc tổ chức đối thoại khi có yêu cầu của một hoặc các bên và tổ chức đối thoại khi có vụ việc tại doanh nghiệp được quy định như sau:
“Điều 40. Tổ chức đối thoại khi có yêu cầu của một hoặc các bên
1. Việc tổ chức đối thoại khi có yêu cầu của một hoặc các bên được tiến hành khi nội dung yêu cầu đối thoại của bên đề nghị đối thoại bảo đảm các điều kiện sau:
a) Đối với bên người sử dụng lao động, nội dung yêu cầu đối thoại phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người sử dụng lao động;
b) Đối với bên người lao động, nội dung yêu cầu đối thoại phải được sự đồng ý của ít nhất 30% số thành viên đại diện của bên người lao động tham gia đối thoại quy định tại khoản 3 Điều 38 Nghị định này.
2. Chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được nội dung yêu cầu đối thoại quy định tại khoản 1 Điều này, bên nhận được yêu cầu đối thoại phải có văn bản trả lời, thống nhất về thời gian, địa điểm tổ chức đối thoại. Người sử dụng lao động và đại diện đối thoại bên người lao động có trách nhiệm phối hợp, tiến hành tổ chức đối thoại.
3. Diễn biến đối thoại phải được ghi thành biên bản và có chữ ký của đại diện các bên tham gia đối thoại theo quy định tại khoản 4 Điều 39 Nghị định này.
4. Chậm nhất 03 ngày làm việc kể từ khi kết thúc đối thoại, người sử dụng lao động có trách nhiệm công bố công khai tại nơi làm việc những nội dung chính của đối thoại; tổ chức đại diện người lao động (nếu có), nhóm đại diện đối thoại của người lao động (nếu có) phổ biến những nội dung chính của đối thoại đến người lao động là thành viên.
Điều 41. Tổ chức đối thoại khi có vụ việc
1. Đối với vụ việc người sử dụng lao động phải tham khảo, trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở về quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 36; cho thôi việc đối với người lao động theo quy định tại Điều 42; phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 44; thang lương, bảng lương và định mức lao động theo quy định tại Điều 93; quy chế thưởng theo quy định tại Điều 104 và nội quy lao động theo quy định tại Điều 118 của Bộ luật Lao động được thực hiện như sau:
a) Người sử dụng lao động có trách nhiệm gửi văn bản kèm theo nội dung cần tham khảo, trao đổi ý kiến đến các thành viên đại diện tham gia đối thoại của bên người lao động;
b) Các thành viên đại diện tham gia đối thoại của bên người lao động có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến người lao động do mình đại diện và tổng hợp thành văn bản của từng tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, nhóm đại diện đối thoại của người lao động để gửi tới người sử dụng lao động; trường hợp nội dung đối thoại liên quan đến quyền, lợi ích của lao động nữ thì cần bảo đảm lấy ý kiến của họ;
c) Căn cứ ý kiến của các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, nhóm đại diện đối thoại của người lao động, người sử dụng lao động tổ chức đối thoại để thảo luận, trao đổi ý kiến, tham vấn, chia sẻ thông tin về những nội dung người sử dụng lao động đưa ra;
d) Số lượng, thành phần tham gia, thời gian, địa điểm tổ chức đối thoại do hai bên xác định theo quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc;
đ) Diễn biến đối thoại phải được ghi thành biên bản và có chữ ký của đại diện các bên tham gia đối thoại theo quy định tại khoản 4 Điều 39 Nghị định này;
e) Chậm nhất 03 ngày làm việc kể từ khi kết thúc đối thoại, người sử dụng lao động có trách nhiệm công bố công khai tại nơi làm việc những nội dung chính của đối thoại; tổ chức đại diện người lao động (nếu có), nhóm đại diện đối thoại của người lao động (nếu có) phổ biến những nội dung chính của đối thoại đến người lao động là thành viên.
2. Đối với vụ việc tạm đình chỉ công việc của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 128 của Bộ luật Lao động thì người sử dụng lao động và tổ chức đại diện người lao động mà người lao động bị tạm đình chỉ công việc là thành viên có thể trao đổi bằng văn bản hoặc thông qua trao đổi trực tiếp giữa đại diện tham gia đối thoại của bên người sử dụng lao động và đại diện đối thoại của tổ chức đại diện người lao động.”
Câu 3.
Nội dung quyền thương lượng tập thể của tổ chức đại diện người lao động thực hiện như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ Điều 68 Bộ luật lao động năm 2019 thì nội dung quyền thương lượng tập thể của tổ chức đại diện người lao động được quy định như sau:
“Điều 68. Quyền thương lượng tập thể của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở trong doanh nghiệp
1. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền yêu cầu thương lượng tập thể khi đạt tỷ lệ thành viên tối thiểu trên tổng số người lao động trong doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ.
2. Trường hợp doanh nghiệp có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này thì tổ chức có quyền yêu cầu thương lượng là tổ chức có số thành viên nhiều nhất trong doanh nghiệp. Các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khác có thể tham gia thương lượng tập thể khi được tổ chức đại diện người lao động có quyền yêu cầu thương lượng tập thể đồng ý.
3. Trường hợp doanh nghiệp có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà không có tổ chức nào đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này thì các tổ chức có quyền tự nguyện kết hợp với nhau để yêu cầu thương lượng tập thể nhưng tổng số thành viên của các tổ chức này phải đạt tỷ lệ tối thiểu theo quy định tại khoản 1 Điều này.
4. Chính phủ quy định việc giải quyết tranh chấp giữa các bên liên quan đến quyền thương lượng tập thể.”
Câu 4.
Người lao động ngừng việc do dịch bệnh Covid -19 thì được hưởng lương như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ quy định tại Điều 99 của Bộ luật Lao động năm 2019 và văn bản số 1064/LĐTBXH-QHLĐTL ngày 25/3/2020 của Bộ LĐTB và XH thì việc xác định trả lương ngừng việc cho NLĐ theo các nội dung như sau:
– Trường hợp người lao động ngừng việc do phải đi cách ly tập trung theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền hoặc do doanh nghiệp (hoặc bộ phận của doanh nghiệp) dừng hoạt động vì bị phong tỏa do dịch bệnh COVID-19 thì nếu thời gian ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu; nếu thời gian ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.
– Trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn nguyên vật liệu, thị trường, dẫn đến không bố trí đủ việc làm cho người lao động, người sử dụng lao động có thể tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động theo Điều 29 Bộ luật Lao động, đảm bảo các quy định: Người lao động tạm thời chuyển làm công việc khác so với hợp đồng lao động không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm; người sử dụng lao động phải báo trước cho người lao động ít nhất 03 ngày làm việc; người lao động được trả lương theo công việc mới, nếu tiền lương này công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc.
– Trường hợp thời gian ngừng việc kéo dài ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp, thì người sử dụng lao động và người lao động có thể thoả thuận tạm hoãn hợp đồng lao động không hưởng lương hoặc hưởng lương nếu hai bên có sự thỏa thuận (theo Điều 30 Bộ luật Lao động). Trường hợp này phải được sự đồng ý bằng văn bản của người lao động.
Câu 5.
Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam và hệ thống tổ chức công đoàn các cấp được thực hiện như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ Điều 6 và Điều 7 Điều lệ Công đoàn Việt Nam (khóa XII) được ban hành kèm theo Quyết định số 174/QĐ-TLĐ ngày 03/02/2020 thì nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam và hệ thống tổ chức công đoàn các cấp được thực hiện như sau:
“Điều 6. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động
1. Công đoàn Việt Nam tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ; cơ quan lãnh đạo công đoàn các cấp do bầu cử lập ra, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức.
2. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Công đoàn Việt Nam là Đại hội đại biểu toàn quốc. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của mỗi cấp công đoàn là đại hội công đoàn cấp đó. Cơ quan lãnh đạo của công đoàn mỗi cấp giữa hai kỳ đại hội là ban chấp hành.
3. Nghị quyết của công đoàn các cấp được thông qua theo đa số và phải được thi hành nghiêm chỉnh.
Điều 7. Hệ thống tổ chức công đoàn các cấp
Công đoàn Việt Nam là tổ chức thống nhất, có các cấp sau đây:
1. Cấp Trung ương: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (sau đây gọi tắt là Tổng Liên đoàn).
2. Cấp tỉnh, ngành trung ương gồm: Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; công đoàn ngành trung ương và tương đương.
3. Cấp trên trực tiếp cơ sở gồm:
a. Liên đoàn lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là liên đoàn lao động cấp huyện);
b. Công đoàn ngành địa phương;
c. Công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao (sau đây gọi chung là công đoàn các khu công nghiệp);
d. Công đoàn tổng công ty;
đ. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khác.
4. Cấp cơ sở gồm: công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở (sau đây gọi chung là công đoàn cơ sở).”
Văn phòng Tư vấn pháp luật