Tiếp theo các nội dung tư vấn pháp luật tại kỳ trước, kỳ này Văn phòng Tư vấn pháp luật tiếp tục gửi tới bạn đọc các câu hỏi tư vấn và xử lý tình huống theo quy định của pháp luật như sau:
Câu hỏi 1.
Các quy định về chế độ tiền lương, phụ cấp cho NLĐ làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. NLĐ làm việc trong môi trường có tiếng ồn cao nhưng chưa được trả phụ cấp công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì doanh nghiệp phải thực hiện như thế nào?
Trả lời:
– Căn cứ Điều 102, 141 Bộ luật Lao động năm 2012 thì chế độ phụ cấp, trợ cấp, chính sách về lương được quy định như sau:
“Điều 102. Chế độ phụ cấp, trợ cấp, nâng bậc, nâng lương
Các chế độ phụ cấp, trợ cấp, nâng bậc, nâng lương và các chế độ khuyến khích đối với người lao động được thoả thuận trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể hoặc quy định trong quy chế của người sử dụng lao động.
………………………………………….
Điều 141. Bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại
Người làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại được người sử dụng lao động bồi dưỡng bằng hiện vật theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
………………………………”
– Căn cứ Điều 21 Nghị định 05/2015 thì tiền lương được quy định cụ thể:
“Điều 21. Tiền lương
Tiền lương theo Khoản 1 và Khoản 2 Điều 90 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:
- Tiền lương ghi trong hợp đồng lao động do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để thực hiện công việc nhất định, bao gồm:
- a) Mức lương theo công việc hoặc chức danh là mức lương trong thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định tại Điều 93 của Bộ luật Lao động. Mức lương đối với công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động và thời giờ làm việc bình thường (không bao gồm khoản tiền trả thêm khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm) không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;
- b) Phụ cấp lương là khoản tiền bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp của công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ trong mức lương theo công việc hoặc chức danh;
- c) Các khoản bổ sung khác là khoản tiền bổ sung ngoài mức lương, phụ cấp lương và có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động, trừ tiền thưởng, tiền ăn giữa ca, các khoản hỗ trợ, trợ cấp của người sử dụng lao động không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.
- Tiền lương trả cho người lao động được căn cứ theo tiền lương ghi trong hợp đồng lao động, năng suất lao động, khối lượng và chất lượng công việc mà người lao động đã thực hiện.
- Tiền lương ghi trong hợp đồng lao động và tiền lương trả cho người lao động được quy định bằng tiền Đồng Việt Nam, trừ trường hợp trả lương, phụ cấp lương cho người không cư trú, người cư trú là người nước ngoài theo quy định của pháp luật về ngoại hối.”
– Căn cứ Điều 2 Thông tư 25/2013/TT-BLĐTBXH thì điều kiện được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và mức bồi dưỡng như sau:
“Điều 2. Điều kiện được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và mức bồi dưỡng
- Người lao động được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật khi có đủ các điều kiện sau:
- a) Làm các nghề, công việc thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành;
- b) Đang làm việc trong môi trường lao động có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, độc hại không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép theo quy định của Bộ Y tế hoặc trực tiếp tiếp xúc với các nguồn gây bệnh truyền nhiễm.
Việc xác định các yếu tố quy định tại điểm b Khoản 1 Điều này phải được thực hiện bởi đơn vị đủ điều kiện đo, kiểm tra môi trường lao động theo quy định của Bộ Y tế (sau đây gọi tắt là đơn vị đo, kiểm tra môi trường lao động).”
– Căn cứ Điều 4 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH. Tiền lương và các chế độ, phúc lợi khác ghi trong hợp đồng lao động được quy định như sau:
“Điều 4. Tiền lương và các chế độ, phúc lợi khác ghi trong hợp đồng lao động
Mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thỏa thuận ghi trong hợp đồng lao động quy định tại Điểm a Khoản 5 Điều 4 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP bao gồm:
- Mức lương, ghi mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định của pháp luật lao động mà hai bên đã thỏa thuận. Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán.
- Phụ cấp lương, ghi các khoản phụ cấp lương mà hai bên đã thỏa thuận, cụ thể:
- a) Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ.
- b) Các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động.
- Các khoản bổ sung khác, ghi các khoản bổ sung mà hai bên đã thỏa thuận, cụ thể:
- a) Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.
- b) Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động.
Đối với các chế độ và phúc lợi khác, như tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác thì ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động theo Khoản 11 Điều 4 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP.
– Theo mục 1 tại Thông tư 15/2016/TT-BLĐTBXH.Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (công việc chịu tác động của tiếng ồn) được quy định:
- DẦU KHÍ
Điều kiện lao động loại IV | ||
STT | Tên nghề hoặc công việc | Đặc điểm điều kiện lao động của nghề, công việc |
………………… | ………………….. | |
5 | Vận hành tuốc bin, máy phát điện diezen trên các công trình dầu khí trên bờ. | Công việc nặng nhọc, tư thế lao động gò bó, chịu tác động của ồn, hóa chất. |
……………………. | ……………………………… |
Như vậy, nếu NLĐ làm việc trong môi trường có tiếng ồn cao thì doanh nghiệp xây dựng chế độ phụ cấp nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm(tổ chức lấy ý kiến tập thể NLĐđể bổ sung các khoản phụ cấp này vào trong TƯLĐTT) để chi trả cho NLĐ miễn sao có lợi cho NLĐ và cao hơn Luật hiện hành.
Cụ thể, Điều 73Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về nội dung TƯLĐTT:
“Điều 73. Thỏa ước lao động tập thể
……………………………….
- Nội dung thoả ước lao động tập thể không được trái với quy định của pháp luật và phải có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật.”
Câu hỏi 2.
Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp được thực hiện như thế nào?
Trả lời:
– Căn cứ Điều 84, Bộ luật Lao động năm 2012, thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp được thực hiện như sau:
- Người sử dụng lao động, người lao động, kể cả người lao động vào làm việc sau ngày thỏa ước lao động tập thể có hiệu lực có trách nhiệm thực hiện đầy đủ thoả ước lao động tập thể.
- Trong trường hợp quyền, nghĩa vụ, lợi ích của các bên trong hợp đồng lao động đã giao kết trước ngày thoả ước lao động tập thể có hiệu lực thấp hơn các quy định tương ứng của thỏa ước lao động tập thể, thì phải thực hiện những quy định tương ứng của thoả ước lao động tập thể. Các quy định của người sử dụng lao động về lao động chưa phù hợp với thỏa ước lao động tập thể, thì phải được sửa đổi cho phù hợp với thoả ước lao động tập thể trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thỏa ước lao động tập thể có hiệu lực.
- Khi một bên cho rằng bên kia thực hiện không đầy đủ hoặc vi phạm thoả ước lao động tập thể, thì có quyền yêu cầu thi hành đúng thoả ước và hai bên phải cùng nhau xem xét giải quyết; nếu không giải quyết được, mỗi bên đều có quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể theo quy định của pháp luật.
Câu hỏi 3.
Việc triệu tập đại biểu đại hội, hội nghị phải được thực hiện như thế nào? Trình tự nội dung đại hội công đoàn các cấp?
Trả lời:
Căn cứ Mục 8 Hướng dẫn số 238/HD-TLĐ ngày 04/3/2014 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam:
“8. Đại hội, hội nghị công đoàn các cấp theo Điều 10, Điều 11, Điều 12:
……………………
8.6. Triệu tập đại biểu đại hội, hội nghị.
Ban chấp hành cấp triệu tập đại hội, hội nghị chỉ triệu tập các đại biểu chính thức dự đại hội, hội nghị khi:
– Đại biểu chỉ định và đại biểu bầu do đại hội, hội nghị công đoàn cấp dưới bầu lên đúng nguyên tắc, thể lệ bầu cử và quy định của ban chấp hành công đoàn cấp triệu tập.
– Đại biểu là ủy viên ban chấp hành đương nhiệm của ban chấp hành cấp triệu tập đại hội trong nhiệm kỳ có tham dự trên 50% số kỳ họp.
8.7. Trình tự nội dung đại hội công đoàn các cấp.
Đại hội công đoàn các cấp được tiến hành trình tự theo các nội dung chủ yếu sau:
– Chào cờ.
– Bầu đoàn chủ tịch, đoàn thư ký, ban thẩm tra tư cách đại biểu.
– Diễn văn khai mạc, tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.
– Thông qua chương trình, quy chế làm việc của đại hội.
– Báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu (đại hội toàn thể đoàn viên do đoàn chủ tịch đại hội báo cáo về số lượng và tư cách đoàn viên dự đại hội).
– Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ và phương hướng nhiệm kỳ tới.
– Thảo luận các văn kiện của đại hội.
– Phát biểu của công đoàn cấp trên, đại diện cấp ủy đảng, chính quyền, chuyên môn.
– Tổ chức bầu cử (thực hiện các công việc theo quy trình bầu cử).
– Thông qua nghị quyết đại hội.
– Bế mạc (chào cờ).
……………………………..”
Câu hỏi 4.
Thời hạn và hồ sơ xử lý kỷ luật trong tổ chức công đoàn được quy định như thế nào? Tổ chức và cán bộ công đoàn bị xử lý kỷ luật có quyền khiếu nại quyết định xử lý kỷ luật không?
Trả lời:
Quy định thẩm quyền và thủ tục xử lý kỷ luật trong tổ chức công đoàn ban hành theo Quyết định số 493/QĐ-TLĐ ngày 09 tháng 3 năm 2017 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định thời hạn và hồ sơ xử lý kỷ luật và khiếu nại quyết định xử lý kỷ luật trong tổ chức công đoàn như sau:
“Điều 8. Thời hạn xử lý kỷ luật
1 – Thời hạn xử lý kỷ luật từ khi phát hiện hành vi vi phạm đến khi có quyết định xử lý kỷ luật không quá 02 tháng, trường hợp vụ việc có những tình tiết phức tạp có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 04 tháng.
2- Sau 12 tháng, kể từ ngày có quyết định kỷ luật hoặc quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật, nếu cán bộ không tái phạm hoặc không có vi phạm mới đến mức phải xử lý kỷ luật thì quyết định kỷ luật đương nhiên chấm dứt hiệu lực.
Điều 9. Hồ sơ xử lý kỷ luật
Bản tự kiểm điểm, trích ngang sơ yếu lý lịch của tập thể, cá nhân vi phạm, biên bản cuộc họp kiểm điểm và các tài liệu khác có liên quan. Hồ sơ được giao văn phòng ủy ban kiểm tra công đoàn cấp quyết định kỷ luật lưu giữ, nếu không có văn phòng ủy ban kiểm tra thì công đoàn cùng cấp lưu giữ.
Điều 11. Khiếu nại
Tổ chức, tập thể ban chấp hành, ban thường vụ, ủy ban kiểm tra, cán bộ bị xử lý kỷ luật có quyền khiếu nại đối với quyết định kỷ luật theo quy định về xử lý kỷ luật cán bộ công chức trong Luật Khiếu nại, nhưng khi chưa được tổ chức công đoàn có thẩm quyền giải quyết thì vẫn phải chấp hành nghiêm quyết định kỷ luật đã công bố.
Khiếu nại thuộc thẩm quyền xử lý kỷ luật của cấp nào thì cấp đó giải quyết lần đầu. Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn là cấp giải quyết khiếu nại cuối cùng thuộc thẩm quyền của Đoàn Chủ tịch và Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn.Trường hợp khiếu nại thuộc thẩm quyền xử lý kỷ luật của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn thì Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn là cấp giải quyết khiếu nại cuối cùng.
Thời hiệu khiếu nại lần đầu là 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định kỷ luật; thời hiệu khiếu nại lần hai là 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc thẩm quyền, tổ chức công đoàn phải thụ lý giải quyết và thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân chuyển khiếu nại biết, trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do.
Thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý; đối với trường hợp phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày kể từ ngày thụ lý.”
Câu hỏi 5:
Anh P làm việc tại Công ty A theo hợp đồng lao động có thời hạn 24 tháng từ 01/01/2015 đến 31/12/2016. Đến thàng 02 năm 2016 anh P được bầu làm Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty A, nhiệm kỳ 2016-2018(cán bộ công đoàn không chuyên trách). Ngày 15/12/2016Công ty A thông báo bằng văn bản chấm dứt hợp đồng lao động đối với anh P vào thời điểm 31/12/2016, vì thời hạn hợp đồng lao động giữa Công ty với anh P hết hiệu lực. Anh P đề nghị Công ty gia hạn hợp đồng lao động, nhưng lãnh đạo Công ty không giải quyết. Vậy Công ty A chấm dứt hợp đồng lao động với anh P là đúng hay sai? Nếu đúng, nêu rõ căn cứ pháp lý? Nếu sai, anh P phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình? Khi đó, quyền lợi của anh P là gì?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 6, Điều 192, Bộ luật Lao động 2012 thì: “Khi người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ công đoàn mà hết hạn hợp đồng lao động thì được gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ”.
Căn cứ vào quy định trên thì anh P sẽ được gia hạn hợp đồng lao động vì anh P là cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ. Việc Công ty A chấm dứt hợp đồng lao động đối với anh P là sai quy định của pháp luật.
Để bảo vệ quyền lợi của mình, trước hết anh P có quyền khiếu nại đến lãnh đạo Công ty A và yêu cầu giải quyết. Nếu Công ty A không giải quyết anh A có quyền yêu cầu hòa giải viên lao động giải quyết hoặc khởi kiện ra tòa yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân.
Quyền lợi của anh P trong trường hợp này là được công ty tiếp tục gia hạn hợp đồng, đồng thời chi trả tiền lương, tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày không được làm việc.
Văn phòng Tư vấn Pháp luật