31/05/2025 9:35:01

Giải đáp pháp luật tháng 5/2025

Hỏi: Luật Công đoàn số 50/2024/QH15 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 27/11/2024 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025 quy định quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn như thế nào? Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp muốn gia nhập Công đoàn Việt Nam thì phải thực hiện những quy định gì?

Trả lời:

– Căn cứ Điều 5 Luật Công đoàn số 50/2024/QH15 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 27/11/2024 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025 thì quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn như sau:

Điều 5. Quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn

  1. Người lao động Việt Nam có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.
  2. Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên được gia nhập và hoạt động công đoàn tại công đoàn cơ sở.
  3. Việc thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn thực hiện theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam, Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

– Căn cứ Điều 6 Luật Công đoàn số 50/2024/QH15 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 27/11/2024 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025 thì tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp muốn gia nhập Công đoàn Việt Nam phải thực hiện những quy định sau:

Điều 6. Việc gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp

Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được thành lập và hoạt động hợp pháp mà tự nguyện, tán thành Điều lệ Công đoàn Việt Nam thì có quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam; việc gia nhập Công đoàn Việt Nam được quy định như sau:

  1. Hồ sơ gia nhập Công đoàn Việt Nam bao gồm:

a. Văn bản đề nghị gia nhập Công đoàn Việt Nam;

b. Bản sao các văn bản thể hiện tính hợp pháp của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp;

c. Văn bản thể hiện việc tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp quyết định gia nhập Công đoàn Việt Nam; thể thức thông qua quyết định gia nhập Công đoàn Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động;

d. Danh sách có chữ ký của thành viên tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam;

đ. Văn bản, thỏa thuận theo quy định của pháp luật có liên quan về việc giải quyết các quyền, nghĩa vụ của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp và thành viên của tổ chức mình có liên quan đến tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

      2. Trình tự, thủ tục gia nhập Công đoàn Việt Nam được thực hiện như sau:

a. Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp gửi hồ sơ quy định tại Khoản 1 Điều này đến công đoàn cấp tỉnh, ngành trung ương và tương đương có thẩm quyền;

b. Khi nhận đủ hồ sơ theo quy định tại Khoản 1 Điều này, công đoàn cấp tỉnh, ngành trung ương và tương đương có thẩm quyền xem xét, công nhận việc tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp gia nhập Công đoàn Việt Nam; trường hợp không công nhận thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

     3. Khi được công nhận việc gia nhập Công đoàn Việt Nam thì:

a. Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp đương nhiên chấm dứt hoạt động với tư cách tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Công đoàn cấp tỉnh, ngành trung ương và tương đương có trách nhiệm thông báo kết quả công nhận cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký để thu hồi đăng ký đã cấp;

b. Người lao động là thành viên của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tự nguyện và đủ điều kiện gia nhập Công đoàn Việt Nam theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam thì được công nhận là đoàn viên công đoàn.

    4. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn việc gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp quy định tại Điều này.

Văn phòng Tư vấn pháp luật