Câu 1.
Tập thể Ban chấp hành, Ban thường vụ, UBKT và các tổ chức khác trong hệ thống công đoàn vi phạm các quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo của đoàn viên, CNVC-LĐ; vi phạm các quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí bị xử lý kỷ luật như thế nào?
Trả lời:
– Căn cứ Điều 25 của “Quy định hình thức xử lý kỷ luật trong tổ chức công đoàn” do Tổng Liên đoàn ban hành kèm theo Quyết định số 1602/QĐ-TLĐ ngày 15/9/2017 quy định việc xử lý kỷ luật đối với tập thể Ban chấp hành, Ban thường vụ, UBKT và các tổ chức khác trong hệ thống công đoàn vi phạm các quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo của đoàn viên, CNVC-LĐ thì bị xử lý kỷ luật như sau:
- Vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:
- Ban hành văn bản trái với quy định của Đảng và Nhà nước, của Công đoàn về giải quyết khiếu nại, tố cáo để xảy ra hậu quả.
- Không chỉ đạo, tổ chức giải quyết tố cáo, khiếu nại thuộc thẩm quyền. bao che cho người bị tố cáo; trả thù, trù dập người tố cáo.
- Không thực hiện hoặc không chỉ đạo thực hiện việc bảo vệ người tố cáo hoặc không xử lý kỷ luật các trường hợp vi phạm về khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền.
- Không chấp hành quyết định, kết luận của tổ chức Công đoàn có thẩm quyền về giải quyết khiếu nại, tố cáo.
- Vi phạm lần đầu những trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tái vi phạm thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.
– Căn cứ Điều 26 của “Quy định hình thức xử lý kỷ luật trong tổ chức công đoàn” do Tổng Liên đoàn ban hành theo Quyết định số 1602/QĐ-TLĐ ngày 15/9/2017 quy định việc xử lý kỷ luật đối với tập thể Ban chấp hành, Ban thường vụ, UBKT và các tổ chức khác trong hệ thống công đoàn khi vi phạm các quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí thì bị xử lý kỷ luật như sau:
- Vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:
- Không lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện việc kê khai, công khai và kiểm soát tài sản, thu nhập đối với cán bộ theo quy định của pháp luật.
- Không chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc cấp dưới và cán bộ thực hiện các quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo quy định.
- Cố tình không xử lý hành vi tham nhũng, lãng phí ở cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp quản lý.
- Vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo:
- Vi phạm lần đầu những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tái vi phạm.
- Cố ý bao che, dung túng cho tổ chức, cá nhân vi phạm về tham nhũng, lãng phí và vi phạm quy định về kê khai, công khai tài sản, thu nhập.
- Cố ý ban hành các nghị quyết, chỉ thị, quy định, chủ trương, chính sách của cấp mình về phòng, chống tham những, lãng phí trái nghị quyết, chỉ thị của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của Công đoàn.
- Vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng hoặc tái vi phạm một trong những trường hợp tại khoản 2 Điều này, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức giải tán.
Câu 2.
Anh P làm việc tại công ty A theo hợp đồng lao động có thời hạn 24 tháng từ 01/01/2015 đến 31/12/2016. Đến tháng 02 năm 2014 anh P được bầu làm chủ tịch công đoàn cơ sở công ty A, nhiệm kỳ 2016-2018 (cán bộ công đoàn không chuyên trách). Ngày 15/12/2016 Công ty A thông báo bằng văn bản chấm dứt hợp đồng lao động đối với anh P vào thời điểm 31/12/2016, vì thời hạn hợp đồng lao động giữa Công ty A với anh P hết hiệu lực. Trước tình hình đó, anh P đã đề nghị Công ty gia hạn hợp đồng lao động, nhưng Lãnh đạo công ty không giải quyết. Vậy, Công ty A chấm dứt hợp đồng lao động với anh P là đúng hay sai? Nếu đúng, nêu rõ căn cứ pháp lý? Nếu sai, anh P phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình? Khi đó, quyền lợi của anh P là gì?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 6, điều 192, Bộ luật Lao động thì: “Khi người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ công đoàn mà hết hạn hợp đồng lao động thì được gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ “.
Căn cứ vào quy định trên thì anh P sẽ được gia hạn hợp đồng lao động vì anh P là cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ. Việc Công ty A chấm dứt hợp đồng lao động đối với anh P là sai quy định của pháp luật.
Để bảo vệ quyền lợi của mình, trước hết anh P có quyền khiếu nại đến Lãnh đạo Công ty A và yêu cầu giải quyết. Nếu Công ty A không giải quyết anh A có quyền yêu cầu hòa giải viên lao động giải quyết hoặc khởi kiện ra tòa yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân. Quyền lợi của anh P trong trường hợp này là được Công ty tiếp tục gia hạn hợp đồng, đồng thời chi trả tiền lương, tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày không được làm việc.
Câu 3.
Tài sản công đoàn và việc kiểm tra, giám sát tài chính công đoàn trong tổ chức công đoàn được quy định như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ Điều 28 và Điều 29 Luật Công đoàn đã được sửa đổi năm 2012 thì tài sản công đoàn và việc kiểm tra, giám sát tài chính công đoàn trong tổ chức công đoàn được quy định như sau:
“Điều 28. Tài sản công đoàn
Tài sản được hình thành từ nguồn đóng góp của đoàn viên công đoàn, từ nguồn vốn của Công đoàn; tài sản do Nhà nước chuyển giao quyền sở hữu cho Công đoàn và các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật là tài sản thuộc sở hữu của Công đoàn.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện quyền, trách nhiệm sở hữu tài sản của Công đoàn theo quy định của pháp luật.
Điều 29. Kiểm tra, giám sát tài chính công đoàn
- Công đoàn cấp trên hướng dẫn, kiểm tra và giám sát việc thực hiện công tác tài chính của công đoàn cấp dưới theo quy định của pháp luật vàquy định củaTổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
- Cơ quan kiểm tra của Công đoàn kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài chính của Công đoàn theo quy định của pháp luật và quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
- 3. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính của Công đoàn theo quy định của pháp luật.”
Câu 4.
Điều kiện để doanh nghiệp sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được quy định như thế nào?
Trả lời:
– Căn cứ Điều 64 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 quy định về điều kiện sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm quy định như sau:
“Điều 64. Điều kiện sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
- Chỉ sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi khi có đủ các điều kiện sau đây:
- a) Người lao động cao tuổi có kinh nghiệm, tay nghề cao với thâm niên nghề nghiệp từ đủ 15 năm trở lên; có chứng nhận hoặc chứng chỉ nghề hoặc được công nhận là nghệ nhân theo quy định của pháp luật;
- b) Người lao động cao tuổi có đủ sức khỏe làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo tiêu chuẩn sức khỏe do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành sau khi có ý kiến của bộ chuyên ngành;
- c) Chỉ sử dụng không quá 05 năm đối với từng người lao động cao tuổi;
- d) Có ít nhất một người lao động không phải là người lao động cao tuổi cùng làm việc;
đ) Có sự tự nguyện của người lao động cao tuổi khi bố trí công việc.
- Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”
– Căn cứ Điều 29 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2019 quy định Điều kiện sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm như sau:
“Điều 29. Điều kiện sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
- Chỉ sử dụng người lao động cao tuổi làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi khi có đủ các Điều kiện sau đây:
- a) Người lao động cao tuổi phải là người có kinh nghiệm, với thâm niên nghề nghiệp từ đủ 15 năm trở lên; trong đó có ít nhất 10 năm hành nghề liên tục tính đến trước thời điểm ký hợp đồng lao động với người lao động cao tuổi;
- b) Người lao động cao tuổi là người có tay nghề cao, có chứng nhận hoặc chứng chỉ nghề hoặc được công nhận là nghệ nhân theo quy định của pháp luật; người sử dụng lao động phải tổ chức kiểm tra, sát hạch trước khi ký hợp đồng lao động;
- c) Người lao động cao tuổi phải có đủ sức khỏe theo tiêu chuẩn sức khỏe do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành sau khi có ý kiến của bộ chuyên ngành tương ứng với nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; được người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe định kỳ ít nhất 02 lần trong 01 năm;
- d) Chỉ sử dụng không quá 05 năm đối với từng người lao động cao tuổi;
đ) Phải bố trí ít nhất 01 người lao động không phải là người lao động cao tuổi cùng làm với người lao động cao tuổi khi triển khai công việc tại một nơi làm việc;
- e) Có đơn của người lao động cao tuổi về sự tự nguyện làm việc để người sử dụng lao động xem xét trước khi ký hợp đồng lao động.
- Người sử dụng lao động có nhu cầu sử dụng người lao động cao tuổi làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải lập phương án, gửi Bộ có thẩm quyền quản lý ngành với các nội dung cơ bản sau đây:
- a) Chức danh nghề, công việc, kèm theo mô tả đặc Điểm Điều kiện lao động của nghề, công việc sử dụng người lao động cao tuổi;
- b) Đề xuất và đánh giá từng Điều kiện cụ thể sử dụng người cao tuổi quy định tại Khoản 1 Điều này.
- Bộ quản lý ngành quy định chức danh nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được sử dụng người lao động cao tuổi và Điều kiện cụ thể trong ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý.
- Việc sử dụng người cao tuổi làm các nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải thực hiện quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này như đối với người lao động cao tuổi làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.”
Câu 5.
Điều kiện, mức, thời gian và thời điểm để NLĐ được hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ Điều 49 và Điều 50 Luật Việc làm (có hiệu lực từ ngày 01/01/2015) thì điều kiện, mức, thời gian và thời điểm để NLĐ được hưởng trợ cấp thất nghiệp quy định như sau:
“Điều 49. Điều kiện hưởng
Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:
- a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
- b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b Khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 43 của Luật này;
- Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;
- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:
- a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
- b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
- c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
- d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
- e) Chết.
Điều 50. Mức, thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp
- Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
- Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
- Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này.”
* Khoản 1 Điều 43 của Luật Việc làm, quy định đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp như sau:
“Điều 43. Đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp
- Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:
- a) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;
- b) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;
- c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động quy định tại khoản này thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
………………………….”