18/03/2017 10:27:17

Giải đáp pháp luật tháng 3/2017

Tiếp theo các nội dung tư vấn pháp luật tại kỳ trước, kỳ này Văn phòng Tư vấn pháp luật tiếp tục gửi tới bạn đọc các câu hỏi tư vấn và xử lý tình huống theo quy định của pháp luật như sau

Câu 1.

Đại hội công đoàn các cấp được quy định như thế nào? Nhiệm kỳ đại hội và cách tính nhiệm kỳ đại hội công đoàn các cấp được quy định như thế nào?

Trả lời:

– Căn cứ Điều 10 Điều lệ Công đoàn Việt Nam được Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI thông qua ngày 30/7/2013, Đại hội công đoàn các cấp được quy định như sau:

“Điều 10. Đại hội công đoàn các cấp

  1. Nhiệm vụ của đại hội công đoàn các cấp:
  2. Thảo luận, thông qua các báo cáo của ban chấp hành; quyết định phương hướng nhiệm vụ của công đoàn nhiệm kỳ tới.
  3. Tham gia xây dựng văn kiện của đại hội công đoàn cấp trên.
  4. Bầu ban chấp hành công đoàn mới và bầu đại biểu đi dự đại hội công đoàn cấp trên.
  5. Thông qua Điều lệ Công đoàn Việt Nam (đối với Đại hội Công đoàn Việt Nam).
  6. Nhiệm kỳ đại hội công đoàn các cấp:
  7. Nhiệm kỳ của đại hội công đoàn các cấp 5 năm 1 lần. Trường hợp công đoàn cơ sở có ít đoàn viên hoặc thường xuyên biến động, nếu có đề nghị bằng văn bản của ban chấp hành công đoàn cơ sở thì công đoàn cấp trên quản lý trực tiếp quyết định nhiệm kỳ đại hội của công đoàn cơ sở 5 năm 2 lần.
  8. Trường hợp đặc biệt, nếu được công đoàn cấp trên đồng ý, đại hội công đoàn các cấp có thể triệu tập sớm hoặc muộn hơn, nhưng không quá 12 tháng đối với nhiệm kỳ 5 năm và không quá 6 tháng đối với nhiệm kỳ 5 năm 2 lần. Đại hội Công đoàn Việt Nam do Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định.
  9. Số lượng đại biểu dự đại hội cấp nào do ban chấp hành cấp đó quyết định và triệu tập, theo quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Thành phần đại biểu chính thức của công đoàn mỗi cấp gồm:
  10. Ủy viên ban chấp hành đương nhiệm.
  11. Đại biểu do công đoàn cấp dưới bầu lên.
  12. Đại biểu chỉ định với số lượng không quá ba phần trăm (3%) tổng số đại biểu chính thức được triệu tập.
  13. Đại biểu dự đại hội phải được đại hội biểu quyết công nhận tư cách đại biểu. Trường hợp đại biểu bị kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên, thì ban chấp hành cấp triệu tập xem xét, quyết định tư cách đại biểu và sau đó báo cáo cho đại hội biết. Người bị khởi tố, truy tố, tạm giam thì không đủ tư cách đại biểu.”

– Căn cứ Mục 8 Hướng dẫn số 238/HD-TLĐ ngày 04/3/2014 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam thì nhiệm kỳ đại hội và cách tính nhiệm kỳ đại hội công đoàn các cấp được quy định như sau:

8. Đại hội, hội nghị công đoàn các cấp theo Điều 10, Điều 11, Điều 12:

8.1. Nhiệm kỳ đại hội công đoàn cấp cơ sở.

  1. Đại hội công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn: 5 năm 1 lần. Nhiệm kỳ của công đoàn cơ sở thành viên, nghiệp đoàn, công đoàn bộ phận, nghiệp đoàn bộ phận theo nhiệm kỳ của công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn.
  2. Những trường hợp sau đây, nếu có đề nghị bằng văn bản của công đoàn cơ sở thì công đoàn cấp trên quản lý trực tiếp công đoàn cơ sở xem xét, quyết định nhiệm kỳ đại hội 5 năm 2 lần, gồm:

– Công đoàn cơ sở có dưới 10 đoàn viên.

– Công đoàn cơ sở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hàng năm có tỷ lệ thay đổi trong danh sách đoàn viên từ 20% trở lên hoặc trong nhiệm kỳ thay đổi ủy viên ban chấp hành từ 50% trở lên.

  1. Tổ công đoàn, tổ nghiệp đoàn 5 năm 2 lần tổ chức hội nghị toàn thể để bầu tổ trưởng, tổ phó công đoàn và đánh giá thực hiện nghị quyết đại hội công đoàn cơ sở. Trường hợp cần thiết có thể tổ chức hội nghị bất thường. Công đoàn cơ sở quyết định công nhận kết quả bầu cử tổ trưởng, tổ phó công đoàn.

8.2. Cách tính nhiệm kỳ đại hội:

– Đối với các tổ chức công đoàn khi chia tách được kế thừa nhiệm kỳ trước lúc chia tách tổ chức.

– Đối với tổ chức công đoàn khi sáp nhập, hợp nhất nếu giữ nguyên tên gọi của tổ chức công đoàn nào thì tiếp tục kế thừa nhiệm kỳ trước của tổ chức công đoàn đó, nếu có tên gọi mới thì tính theo nhiệm kỳ lần thứ nhất.

– Đối với công đoàn cơ sở do có sự thay đổi về mô hình tổ chức được nâng cấp thành công đoàn cấp trên cơ sở thì tính theo nhiệm kỳ lần thứ nhất của công đoàn cấp trên cơ sở (không kế thừa nhiệm kỳ của cấp cơ sở đối với cấp trên cơ sở).”

Câu hỏi 2.

Việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến đại biểu Đại hội Công đoàn các cấp được quy định như thế nào?

          Trả lời:

Theo Quyết định 254/QĐ-TLĐ ngày 05/3/2014 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn, quy định về việc Công đoàn giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo và Hướng dẫn số 254/HD – TLĐ ngày 03/3/2017 về việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến đại biểu Đại hội Công đoàn các cấp được quy định như sau:

  1. Nguyên tắc:

– Các đơn khiếu nại, tố cáo gửi tới công đoàn các cấp phải được giải quyết kịp thời, đúng quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và quy định của Tổng Liên đoàn.

– Đơn khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đại biểu dự đại hội công đoàn cấp nào thì ban chấp hành, ban thường vụ công đoàn cấp đó xem xét, giải quyết hoặc đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật và Tổng Liên đoàn.

– Chỉ giải quyết các đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến đại biểu đại hội nhận  trước 25 ngày đối với công đoàn cơ sở và 30 ngày đối với công đoàn cấp trên cơ sở trở lên trước khi diễn ra đại hội.

– Không giải quyết các đơn khiếu nại tố cáo khuyết danh, nặc danh.

– Công đoàn các cấp tổ chức thành lập bộ phận và bố trí nơi tiếp nhận, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trước và trong quá trình tổ chức đại hội.

  1. Giải quyết khiếu nại, tố cáo tại các cấp công đoàn:

– Các đơn khiếu nại, tố cáo không liên quan đến tư cách đại biểu dự đại hội được giải quyết và tham gia giải quyết theo Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và Quyết định số 254/QĐ-TLĐ ngày 05/3/2014 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn.

– Các đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến đại biểu đại hội (hoặc liên quan đến người ứng cử, đề cử để bầu vào ban chấp hành công đoàn mới nhưng không là đại biểu dự đại hội) thì công đoàn các cấp nhận được trong vòng 25 ngày đối với cấp cơ sở và 30 ngày đối với cấp trên cơ sở trở lên tính từ ngày nhận đơn khiếu nại, tố cáo (ngày nhận đơn tính theo dấu tiếp nhận đến của bưu điện hoặc ngày trực tiếp tiếp nhận) đến trước ngày khai mạc đại hội, theo quy định thì không giải quyết, nhưng phải tổng hợp đầy đủ báo cáo và chuyển hồ sơ cho ban chấp hành khóa mới xem xét, giải quyết.

– Đại biểu chính thức dự Đại hội là cán bộ, đoàn viên thuộc thẩm quyền quản lý của công đoàn cấp nào thì ban chấp hành, ban thường vụ công đoàn cấp đó có trách nhiệm xem xét, giải quyết và báo cáo kết quả giải quyết về ban chấp hành, ban thường vụ cấp triệu tập Đại hội. Nếu trường hợp chưa giải quyết xong vẫn phải báo cáo đầy đủ quá trình giải quyết và nguyên nhân chưa giải quyết để ban chấp hành, ban thường vụ cấp triệu tập Đại hội xem xét, quyết định.

– Các đơn khiếu nại, tố cáo có nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan Nhà nước và tổ chức khác; ban chấp hành, ban thường vụ công đoàn cấp triệu tập đại hội chuyển đơn đến cơ quan, tổ chức đó đề nghị xem xét, giải quyết và thông báo cho công đoàn đã chuyển đơn biết kết quả giải quyết.

– Trong thời gian 15 ngày làm việc, kể từ ngày bế mại đại hội, nếu có đơn khiếu nại, tố cáo về bầu cử, thì ủy ban kiểm tra công đoàn cấp trên trực tiếp có trách nhiệm xác minh, kiểm tra lại và báo cáo ban chấp hành cùng cấp xem xét, quyết định.

Câu hỏi 3.

Đương sự trong vụ việc dân sự để giải quyết các tranh chấp về lao động?

Trả lời:

Căn cứ Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì đương sự trong vụ việc dân sự được quy định như sau:

Điều 68. Đương sự trong vụ việc dân sự

  1. Đương sự trong vụ án dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Đương sự trong việc dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm người yêu cầu giải quyết việc dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

  1. Nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khởi kiện, người được cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm.

Cơ quan, tổ chức do Bộ luật này quy định khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách cũng là nguyên đơn.

  1. Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc bị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm.
  2. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

  1. Người yêu cầu giải quyết việc dân sự là người yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý làm căn cứ phát sinh quyền, nghĩa vụ về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của mình hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; yêu cầu Tòa án công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.
  2. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc dân sự là người tuy không yêu cầu giải quyết việc dân sự nhưng việc giải quyết việc dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc đương sự trong việc dân sự đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trường hợp giải quyết việc dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc dân sự.” 

Câu hỏi 4.

Chị H làm việc tại công ty A. Chị H thuộc loại hợp đồng có xác định thời hạn. Chị H là kỹ thuật viên vi tính, mức lương hàng tháng được lĩnh thường bị chậm so với thoả thuận trong hợp đồng lao động. Do đó, qua 3 tháng làm việc, chị H quyết định gửi đơn xin nghỉ việc và sau khi gửi đơn 03 ngày, chị H đã chấm dứt hợp đồng lao động. Vậy, chị H chấm dứt hợp đồng lao động như vậy là đúng hay sai? Vì sao?

Trả lời:

Căn cứ Điều 37 Bộ luật Lao động 2012 quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động được quy định như sau:

“Điều 37. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động.

  1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:
  2. a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;
  3. b) Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;
  4. c) Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động;

…………………………

  1. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước:
  2. a) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1 Điều này;
  3. b) Ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 03 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này;
  4. c) Đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều này thời hạn báo trước cho người sử dụng lao động được thực hiện theo thời hạn quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.

…………………..”

Như vậy, căn cứ vào điểm b, khoản 1 và điểm a, khoản 2 Điều 37 nói trên thì việc chị H đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là đúng quy định của pháp luật.

Để giải quyết quyền lợi cho người lao động thì căn cứ vào khoản 2, 3 Điều 47Bộ luật Lao động 2012 thì trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động được quy định như sau:

“ Điều 47. Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động

…………………………

  1. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
  2. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.

……………………………”

 Câu hỏi 5.

Mức lương hưu hằng tháng được tính như thế nào?

Trả lời:

– Căn cứ Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội, mức lương hưu hằng tháng được tính như sau:

“Điều 56. Mức lương hưu hằng tháng

  1. Từ ngày Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực thi hành cho đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.
  2. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:
  3. a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;
  4. b) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.

Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

  1. Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 55 của Luật này được tính như quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.

Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 06 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 06 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi.

  1. Mức lương hưu hằng tháng của lao động nữ đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại khoản 3 Điều 54 được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội và mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội như sau: đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này. Từ đủ 16 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm đóng tính thêm 2%.
  2. Mức lương hưu hằng tháng thấp nhất của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 và Điều 55 của Luật này bằng mức lương cơ sở, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 2 và khoản 3 Điều 54 của Luật này.

……………………….”

– Căn cứ Điều 7 Nghị định 115/2015/NĐ-CP, mức lương hưu hàng tháng được tính như sau:

“Điều 7. Mức lương hưu hằng tháng

Mức lương hưu hằng tháng tại Điều 56 của Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:

  1. Mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
  2. Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội được tính như sau:
  3. a) Người lao động nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2018, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%;
  4. b) Lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%;
  5. c) Lao động nam nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội theo bảng dưới đây, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Năm nghỉ hưu Số năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 45%
2018 16 năm
2019 17 năm
2020 18 năm
2021 19 năm
Từ 2022 trở đi 20 năm
  1. Mốc tuổi để tính số năm nghỉ hưu trước tuổi làm cơ sở tính giảm tỷ lệ hưởng lương hưu quy định tại Khoản 3 Điều 56 của Luật Bảo hiểm xã hội được xác định như sau:
  2. a) Người lao động làm việc trong điều kiện bình thường quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội thì lấy mốc tuổi để tính là đủ 60 tuổi đối với nam và đủ 55 tuổi đối với nữ;
  3. b) Người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên thì lấy mốc tuổi để tính là đủ 55 tuổi đối với nam và đủ 50 tuổi đối với nữ;
  4. c) Người lao động làm công việc khai thác than trong hầm lò quy định tại Khoản 1 Điều 6 của Nghị định này thì lấy mốc tuổi để tính là đủ 50 tuổi;
  5. d) Trường hợp hồ sơ của người lao động không xác định được ngày, tháng sinh thì lấy ngày 01 tháng 01 của năm sinh để tính tuổi làm cơ sở tính số năm nghỉ hưu trước tuổi.”

– Căn cứ Điều 17 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, Mức lương hưu hằng tháng được tính như sau:

“Điều 17. Mức lương hưu hằng tháng

  1. Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 16 của Thông tư này được tính như quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 7 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.
  2. a) Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 06 tháng thì mức giảm là 1%, trên 06 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi của năm đó.
  3. b) Mốc tuổi để tính số năm nghỉ hưu trước tuổi làm cơ sở tính giảm tỷ lệ hưởng lương hưu thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP.

…………………………….

  1. Khi tính tỷ lệ hưởng lương hưu trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì từ 01 tháng đến 06 tháng được tính là nửa năm; từ 07 tháng đến 11 tháng được tính là một năm.

………………………………”