02/05/2024 11:00:37

GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT THÁNG 3/2024

Câu 1.

Thẩm quyền thành lập và đối tượng tập hợp của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở được quy định như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ Điều 17 Điều lệ Công đoàn Việt Nam thì thẩm quyền thành lập và đối tượng tập hợp của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở được quy định như sau:

Điều 17. Thẩm quyền thành lập và đối tượng tập hợp của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở

1. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức theo đơn vị hành chính, theo ngành, nghề, tổng công ty, tập đoàn kinh tế, do liên đoàn lao động tỉnh, thành phố hoặc công đoàn ngành trung ương quyết định thành lập, giải thể, theo hướng dẫn của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn.

2. Đối tượng tập hợp của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở gồm:

a. Liên đoàn lao động cấp huyện tập hợp người lao động theo địa giới hành chính cấp huyện, trừ đối tượng tập hợp của các công đoàn cấp trên nêu tại các điểm b, c, d, đ Khoản 2 Điều này.

b. Công đoàn ngành địa phương tập hợp người lao động trong các đơn vị sử dụng lao động theo ngành trên địa bàn tỉnh, thành phố.

c. Công đoàn các khu công nghiệp tập hợp người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao.

d. Công đoàn tổng công ty, tập đoàn kinh tế tập hợp người lao động trong các doanh nghiệp thành viên của tổng công ty, tập đoàn kinh tế.

đ. Công đoàn cấp trên trực tiếp khác tập hợp người lao động theo đơn vị sử dụng lao động có các cơ quan, đơn vị trực thuộc, như đại học quốc gia, đại học vùng, tổng cục, cơ quan bộ, cơ quan ngang bộ, ngành, đoàn thể cấp trung ương…

3. Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn hướng dẫn chi tiết Điều này.”

 

Câu 2.

 Cán bộ làm công tác TVPL tại các cấp Công đoàn trong hệ thống Công đoàn Việt Nam có được hưởng chế độ thù lao khi viết báo cáo, phân tích về vụ việc tư vấn pháp luật không?

Trả lời:

Căn cứ Điểm 1.1 Khoản 1 Điều 4 Quyết định số 4291/QĐ-TLĐ ngày 1/3/2022 của Tổng Liên đoàn LĐVN thì chế độ thù lao viết báo cáo, phân tích về vụ việc tư vấn pháp luật được quy định như sau:

“Điều 4. Chi trực tiếp chăm lo, bảo vệ, đào tạo đoàn viên và người lao động

1. Chi hoạt động đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động

1.1. Chi cho công tác tư vấn pháp luật

a) Chi cho công tác tư vấn pháp luật về lao động, công đoàn lưu động

– Chi thuê hội trường;

– Chi hỗ trợ tiền nước uống và suất ăn cho người lao động: mức chi tối đa 40.000 đồng/người/cuộc;

– Chi phần thưởng cho người lao động tham gia trả lời các câu hỏi: mức chi 30.000 đồng đến 50.000 đồng/người/phần thưởng;

– Chi thù lao báo cáo viên, cộng tác viên được mời tư vấn lưu động; viết nội dung hỏi đáp, tình huống… với mức thù lao cho báo cáo viên, cộng tác viên theo quy định tại Điểm 2.4 Khoản 2, Điểm 7.4 Khoản 7 Điều 4 Quy định này;

– Chi in ấn tài liệu phát cho người lao động;

– Chi làm ngoài giờ cho các cán bộ công đoàn tham gia thực hiện các cuộc tư vấn lưu động, tiền hỗ trợ xăng xe, phương tiện đi lại công cộng…

b) Chi cho công tác tư vấn pháp luật trực tiếp và các hình thức tư vấn pháp luật khác.

– Chi các cuộc họp, hội thảo thảo luận về vụ việc tư vấn pháp luật;

– Chi tiền đi lại, hỗ trợ xăng xe, phương tiện đi lại công cộng cho các cán bộ làm công tác tư vấn pháp luật;

– Chi thù lao viết báo cáo, phân tích về vụ việc tư vấn pháp luật: mức chi tối đa 500.000 đồng/người/vụ;

– Chi phụ cấp điện thoại cho cán bộ tư vấn pháp luật: mức chi 200.000 đồng/người/tháng;

– Một số khoản chi khác phù hợp với thực tế và quy định của Tổng Liên đoàn;

– Nội dung chi bồi dưỡng, thù lao cho báo cáo viên, cộng tác viên trên cho đối tượng không phải là cán bộ công đoàn. Trường hợp là cán bộ công đoàn do Thủ trưởng cơ quan căn cứ tình hình nguồn tài chính quyết định”.

Như vậy, vụ việc tư vấn pháp luật có thể được hiểu là cán bộ làm công tác TVPL viết báo cáo, phân tích về vụ việc tư vấn pháp luật và giải đáp pháp luật để tư vấn cho NLĐ, phố biến cho các cấp công đoàn đồng thời đăng tải lên Website công đoàn của đơn vị. Để cán bộ làm công tác TVPL được hưởng thù lao thì tổ chức công đoàn phải quy định chi tiết mức chi cụ thể trong Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị theo Quyết định số 4291/QĐ-TLĐ ngày 1/3/2022 của TLĐ LĐVN.

        

Câu 3.

Giải quyết tranh chấp lao động cá nhân của Hội đồng trọng tài lao động được quy định như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ Điều 189 Bộ luật Lao động năm 2019 thì việc giải quyết tranh chấp lao động cá nhân của Hội đồng trọng tài lao động được thực hiện như sau:

Điều 189. Giải quyết tranh chấp lao động cá nhân của Hội đồng trọng tài lao động

1. Trên cơ sở đồng thuận, các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp trong trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 188 của Bộ luật này. Khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp, các bên không được đồng thời yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp theo quy định tại khoản 1 Điều này, Ban trọng tài lao động phải được thành lập để giải quyết tranh chấp.

3. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Ban trọng tài lao động được thành lập, Ban trọng tài lao động phải ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp và gửi cho các bên tranh chấp.

4. Trường hợp hết thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này mà Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc hết thời hạn quy định tại khoản 3 Điều này mà Ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết tranh chấp thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

5. Trường hợp một trong các bên không thi hành quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.”

 

Câu 4.

Doanh nghiệp không cho người lao động nghỉ Lễ 05 ngày nhân dịp 30/4 và 1/5 năm 2024 thì doanh nghiệp có bị xử phạt không?

Trả lời:

Theo thông báo tại Công văn số 2450/VPCP-KGVX ngày 12/4/2024 của Văn phòng Chính phủ về việc đồng ý đề xuất hoán đổi ngày làm việc dịp nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/04 và ngày Quốc tế lao động 1/5 thì cán bộ, công chức, viên chức được nghỉ Lễ 30/4 và 1/5 năm 2024 trong 05 ngày liên tục bắt đầu từ thứ bảy (27/4/2024) đến hết thứ tư (1/5/2024).

Đối với các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp phải đảm bảo người lao động được nghỉ lễ 02 ngày trong dịp Lễ 30/4 và 1/5 năm 2024 theo quy định tại Khoản 1 Điều 112 Bộ Luật Lao động 2019. Chính phủ khuyến khích các chủ doanh nghiệp thực hiện hoán đổi ngày làm việc để tạo điều kiện cho người lao động có thể nghỉ liên tục dịp Lễ 30/4 và 1/5 năm 2024 (nghỉ liên tục 04 ngày với doanh nghiệp làm thứ bảy và nghỉ liên tục 05 ngày đối với doanh nghiệp nghỉ thứ bảy và chủ nhật).

Như vậy, trường hợp doanh nghiệp không cho người lao động nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm 2024 liên tục 05 ngày theo lịch nghỉ của Nhà nước sẽ không bị xử phạt. Trường hợp doanh nghiệp đồng ý tạo điều kiện để người lao động có thể nghỉ lễ liên tục thì ngày làm việc bù sẽ do doanh nghiệp tự sắp xếp để phù hợp với lịch trình làm việc của doanh nghiệp.

Lưu ý: Doanh nghiệp trước khi thực hiện hoán đổi ngày làm việc thì cần trao đổi với người lao động trước để thỏa thuận về ngày làm bù, mức lương của ngày làm việc đó. Nếu người lao động nào không muốn thực hiện hoán đổi ngày làm việc mà muốn làm việc và nghỉ Lễ 30/4 và 1/5 năm 2024 như thông thường thì doanh nghiệp cũng cần tạo điều kiện cho người lao động.

Để đảm bảo thông nhất về việc hoán đổi ngày làm việc, phía doanh nghiệp có thể lập văn bản thỏa thuận với người lao động.

Văn phòng Tư vấn pháp luật